Phó thủ tướng: “Phải nghe lại vụ Tiên Lãng”
Tại buổi làm việc về công tác phòng chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội tổ chức ở Hải Phòng ngày 6/1, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình tội phạm đang ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có tính chất, thủ đoạn tinh vi, nhiều vụ cướp giật gây chấn động cả nước.
“Đây là nỗi lo của toàn Đảng, toàn dân. Người dân luôn muốn một cuộc sống yên bình, yên tâm để sản xuất kinh doanh. Chúng ta có đủ lực lượng để đảm bảo yêu cầu của dân không? Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, chống tội phạm không phải chỉ có lực lượng công an mà phải huy động sức mạnh toàn dân” – Phó thủ tướng nói.
Về giải pháp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải quy trách nhiệm với người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và công an địa phương. “Chỉ cần chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là tình hình tội phạm sẽ gia tăng ngay. Tội phạm ở đâu tăng, địa phương nào trì trệ trong công tác đấu tranh thì phải xử lý trách nhiệm, chuyển công tác trưởng công an địa bàn đó” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thương (trái, vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) dọn dẹp ngôi nhà bị phá hủy
Báo cáo về tình hình tội phạm, trung tướng Lê Quý Vương – thứ trưởng Bộ Công an – cho biết mỗi ngày có trên 100 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 5-10 vụ cướp, ba vụ giết người. Cả nước hiện có khoảng 190 băng ổ nhóm tội phạm với hơn 1.000 đối tượng, nhiều băng ổ nhóm sử dụng vũ khí, súng quân dụng và súng tự chế…
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trung tướng Lê Quý Vương cùng đại diện Viện KSND tối cao cần có buổi làm việc với Công an TP Hải Phòng để nghe báo cáo lại vụ Tiên Lãng. Phó thủ tướng đánh giá vụ việc Tiên Lãng gây hậu quả nghiêm trọng, chính quyền các cấp cần rút ra nhiều kinh nghiệm. “Đồng chí Vương phải nghe lại báo cáo toàn bộ vụ việc để xử lý đúng và nghiêm minh trước pháp luật. Không để vụ việc này ảnh hưởng đến sự phát triển. Từ đây chính quyền cần rút ra bài học kinh nghiệm trong nắm bắt an ninh nông thôn và tư tưởng trong dân” – Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Video đang HOT
Theo 24h
Vụ "đầm ông Vươn": Truy tố tất cả bị can
Ngày 7/1, Viện KSND TP Hải Phòng đã quyết định ban hành cáo trạng "vụ án hủy hoại tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để truy tố hết loạt bị can trong vụ Cưỡng chế Tiên Lãng, hoàn tất hồ sơ 2 vụ án chuyển TAND TP Hải Phòng xử lý.
Cáo trạng kết luận các bị can Nguyễn Văn Khanh - Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; Phạm Xuân Hoa - Nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường; Lê Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại tài sản có giá trị 295 triệu đồng, trong đó ông Hoan giúp sức cho ông Khanh hủy hoại tài sản của gia đình ông Quý có giá trị 191 triệu đồng.
Bị can Lê Văn Hiền - nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy chế làm việc và không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để ông Khanh cùng đồng phạm thực hiện việc tháo dỡ tài sản, không thực hiện đúng Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2012 của UBND huyện, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngôi nhà bị san bằng sau vụ cưỡng chế
Theo tài liệu điều tra: Ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 307/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, đồng thời UBND huyện có Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2011 về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với gia đình ông Vươn. Trong Kế hoạch 104/KH-UBND nêu rõ nội dung cưỡng chế bàn giao toàn bộ diện tích đất và công trình gắn liền với đất đã thu hồi cho UBND xã Vinh Quang (Tiên Lãng - TP Hải Phòng).
Tuy nhiên, bị can Nguyễn Văn Khanh - Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng được giao nhiệm vụ là Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất đã trực tiếp chỉnh sửa, ký ban hành Thông báo số 225 ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế.
Tại hiện trường trong buổi cưỡng chế ngày 05/01/2012, Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp ra lệnh cho Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan để đôn đốc những người được trưng dụng thuộc tổ 2 trực tiếp tháo dỡ lều trong đầm của gia đình ông Vươn, ông Quý. Việc tháo dỡ được thực hiện trong 2 ngày 05 và 06/01/2012 gây thiệt hại về tài sản trị giá 295 triệu đồng.
Trong khi đó, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan mặc dù biết ông Khanh chỉ đạo phá dỡ tài sản là không đúng với Kế hoạch 104/KH-UBND nhưng vẫn giúp sức cho ông Khanh thực hiện việc phá dỡ làm hư hỏng tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện KSND TP Hải Phòng đã ban hành Cáo trạng số 12/CT-P1A ngày 07/01/2013 truy tố các bị can Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm về tội "hủy hoại tài sản" theo khoản 3, điểm a, Điều 143 BLHS; truy tố Phạm Đăng Hoan về tội "hủy hoại tài sản" theo khoản 2, điểm g, Điều 143 BLHS; truy tố Lê Văn Hiền về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 1 Điều 285 BLHS.
Đối với một số cán bộ thuộc các phòng, ban của UBND huyện Tiên Lãng và những đối tượng được trưng dụng tháo dỡ tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý, tài liệu điều tra có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở kết luận hành vi của những đối tượng này đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên cơ quan điều tra không khởi tố.
Trước đó, ngày 04/01/2013, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng cũng đã ban hành Cáo trạng số 10/CT-P1A truy tố các bị can Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ về tội giết người quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 BLHS; các bị can Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS.
Chị em bà Hiền nhận cáo trạng tại Trụ sở UBND xã Vinh Quang
Cáo trạng nêu rõ, ngày 05/01/2012 UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang - Tiên Lãng - Hải Phòng thì bị Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm dựng hàng rào dùng mìn tự tạo, bình gas, súng hoa cải tấn công tổ công tác số 3 làm nhiệm vụ bảo vệ và rà phá bom mìn. Hậu quả là một số thành viên của tổ công tác bị thương, tổn hại từ 01 - 43% sức lao động.
Ngày 09/01/2012, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra. Kết quả điều tra đã xác định: Với mục đích chống đối, để không phải giao lại đất, chuyển từ vụ việc dân sự hành chính sang vụ án hình sự, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại, Đoàn Văn Vệ, Phạm Thái đã bàn bạc làm hàng rào, trải rơm, làm mìn tự tạo, chuẩn bị súng bắn đạn hoa cải và đã sử dụng mìn, súng bắn vào những người làm nhiệm vụ bảo vệ và rà phá bom mìn theo sự phân công của UBND huyện Tiên Lãng, hậu quả làm 7 người trong đoàn cưỡng chế bị thương.
Các bị can nhận thức rõ việc sử dụng súng, mìn, vật liệu nổ là gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Nhưng để đạt được mục đích, các bị can đã cố ý thực hiện hành vi "giết người". Vì thế, ngay từ khi bàn bạc, Đoàn Văn Quý đã thể hiện mong muốn giết người qua lời nói và được Vươn, Sịnh tán thành, góp tiền mua thêm súng, chuẩn bị kỹ lưỡng việc sử dụng mìn tự tạo, súng để bắn vào bất kỳ người nào thi hành lệnh cưỡng chế. Ý chí quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng được thể hiện rõ thông qua hành vi: kích mìn nổ nhưng không đạt hiệu quả thì tiếp tục sử dụng súng bắn, thấy có người trong tổ công tác bị trúng đạn, vẫn tiếp tục bắn nhiều phát nữa. Hậu quả chết người chưa xảy ra nằm ngoài ý muốn của các bị can. Như vậy có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi đồng phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.
Đối với Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu, đã tiếp nhận ý chí của Vươn, Quý, Sịnh về việc chống lại những người thi hành công vụ và có hành vi trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng, mua mũ len để tạo điều kiện cho các bị can khác thực hiện hành vi chống đối những người thi hành công vụ. Do vậy có đủ cơ sở xác định các bị can có hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS. Hành vi của các bị can gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Ngoài hành vi giết người, các bị can Vươn, Quý, Sịnh, Thoại, Vệ, Thái còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Nhưng xét thấy các bị can đã bị truy tố về tội giết người nên không khởi tố xử lý về tội chống người thi hành công vụ nữa.
Đối với Thoại và Thái, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn, cơ quan điều tra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Đối với Đoàn Xuân Quỳnh, Đoàn Văn Việt, Phạm Thị Tươi, Đoàn Thị Máp và Trần Thị Mịn có hành vi tham gia làm hàng rào, trải rơm nhằm mục đích cản trở lực lượng cưỡng chế, xét thấy hành vi vi phạm có mức độ, nhân thân chưa có tiền án tiền sự nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự.
Sau khi ban hành Cáo trạng truy tố các bị can trong 2 vụ án nêu trên, Viện KSND TP Hải Phòng tiến hành các thủ tục tố tụng và chuyển toàn bộ hồ sơ 2 vụ án sang Tòa án nhân dân TP Hải Phòng để chuẩn bị xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
Theo 24h
Truy tố ông Đoàn Văn Vươn tội giết người Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hải Phòng vừa kết luận anh em ông Đoàn Văn Vươn phạm tội "giết người - chống người thi hành công vụ" với khung hình phạt từ từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hải Phòng, 4 người trong gia đình ông...