Phó Thủ tướng: Không “bịt” sự phát triển của báo chí
“Sửa luật Báo chí để thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ hơn chứ không chỉ vì một số bất cập, tiêu cực diễn ra thực tế mà ra tay bịt hết lại” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại hội nghị tổng kết việc thi hành luật báo chí hôm nay, 12/11.
Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí 1999, Bộ Thông tin – Truyền thông đánh giá, nhiều cơ quan báo chí thời gian qua đã năng động, đổi mới, thích nghi với cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên, một số cơ quan vẫn không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Không ít ấn phẩm phụ của các báo in, báo điện tử đưa quá nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục, miêu tả chi tiết các hành vi tội ác… gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội, phản cảm cho người đọc.
Thông tin báo chí đôi khi thiếu nhạy cảm chính trị, chưa chính xác, sai sự thật, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân. Cá biệt, có trường hợp báo chí viết sai định hướng chính trị, tư tưởng; làm lộ bí mật quốc gia; vi phạm pháp luật…
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí diễn ra sáng nay.
Không ít cơ quan báo chí buông lỏng khâu thẩm định nguồn tin dẫn đến sai phạm trong khi việc thực hiện cải chính nội dung thông tin của một số cơ quan thực hiện chưa nghiêm túc. Một số báo khi đăng bài thì giật tít lớn, ở vị trí bắt mắt nhưng khi cải chính lại ở vị trí khiêm tốn ít người để ý.
Cơ quan quản lý cũng nhắc lại hiện tượng, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình.
Video đang HOT
Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn. Điều này gây nên sự bất bình đối với các báo đã rất vất vả, tốn kém trong việc sản xuất tin bài.
Chỉ ra cả hạn chế của cơ quan chủ quản báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định, không ít cơ quan chủ quản chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, dẫn đến buông lỏng, nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với báo thuộc quyền.
Việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí trong một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ. Một số cơ quan chủ quản chưa coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nên dẫn đến tình trạng nội bộ cơ quan báo chí phát sinh mâu thuẫn, đơn thư, tố cáo gửi nhiều nơi. Có trường hợp người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín lãnh đạo trầm trọng nhưng cơ quan chủ quản vẫn không có phương án thay thế nên để nội bộ cơ quan mất đoàn kết kéo dài.
Thảo luận về những vấn đề tồn tại và hướng khắc phục bất cập khi sửa luật Báo chí 1999, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TPHCM Võ Văn Long nêu thẳng hiện tượng, nhiều cơ quan né tránh, không tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí. Và khi cơ quan chức năng né tránh không cung cấp, báo chí phải lấy tin từ nguồn này nguồn khác, dễ sai sót, lệch lạc, lại bị khiếu nại.
Ông Long cho biết Sở đang xin ý kiến UBND TPHCM để tổ chức hội thảo đánh giá lại tiến trình thực hiện quy chế phát ngôn, và những vướng mắc giữa cơ quan quản lý và báo chí trong thời gian qua để có hướng điều chỉnh.
Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập báo Công an nhân dân cũng nhận định, báo điện tử, mạng xã hội đang phát triển rất mạnh. Chưa bao giờ báo in gặp khó khăn như hiện nay, số lượng phát hành sụt giảm thê thảm. Ông Miên dẫn chứng, báo CAND có 6 ấn phẩm in và điện tử đều tụt giảm số lượng, nhiều nhất là tờ Văn nghệ công an chỉ còn 2 vạn bản/số, chuyên đề An ninh thế giới chỉ còn xấp xỉ 10 vạn bản/số.
Theo tướng Miên, luật tới đây phải bổ sung, sửa đổi làm sao để việc tiếp cận, quản lý hiệu quả nhất, không gây lộn xộn như thời gian qua.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhận xét, luật Báo chí hiện nay vẫn chỉ là luật khung, chưa thể hiện được những điểm đặc thù của báo chí, với sự phát triển, hội tụ của công nghệ thông tin như hiện nay, cần có những thay đổi căn bản.
Ông Tiến kiến nghị tập trung sửa luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các loại hình báo chí phát triển. Vừa qua, mới chỉ có báo in được giảm thuế suất xuống 10%, còn báo điện tử, báo nói, báo hình thuế suất vẫn cao đương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến cũng đề nghị phân định rạch ròi giữ báo điện tử với các loại hình truyền tải thông tin trên mạng như các trang tin điện tử, blog cá nhân, mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là các trang tin điện tử, blog cá nhân sẽ phải được quản lý thế nào bởi gần đây cũng tổng hợp, bình luận như một tờ báo điện tử.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, sửa luật Báo chí là để thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn chiến lược hoạch định chính sách, chủ trương phát triển của Đảng, nhà nước. Vậy nên, Bộ chủ quản khi xây dựng quy hoạch báo chí cũng phải đứng trên tinh thần này, “không chỉ vì một số bất cập, tiêu cực diễn ra thực tế mà ra tay bịt hết”.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dự báo, lường trước hướng phát triển của báo chí để xây dựng quy định điều chỉnh. Điểm được của luật Báo chí hiện hành khi xây dựng 15 năm trước đã dự báo đúng xu thế phát triển của báo điện tử, hướng “down” của báo in nhưng những yếu tố như trang tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân… thì thời điểm đó có mường tượng ra được?
Phó Thủ tướng đánh giá, các tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn hàng đầu là Vnexpress, Dân trí… hiện nay cũng phải cạnh tranh căng thẳng với top 10-20 những trang thông tin điện tử mà cơ quan quản lý không thừa nhận là báo, không đưa vào quy chế quản lý báo chí.
“Những vấn đề phát sinh trong thực tế như thế, kể cả việc liên thông các loại hình báo chí, xu hướng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài… nếu không đưa vào luật Báo chí thì phải quy định ở đâu, làm sao cho đồng bộ?” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.
Sau khi luật Báo chí năm 1999 được ban hành, đến hết năm 2013, cả nước đã có 838 báo in với 1.111 ấn phẩm. Hàng năm, số lượng bản báo được phát hành ở Việt Nam khoảng hơn 650 triệu bản, bình quân có trên 7,22 bản báo/người/năm.
Cả nước cũng có 90 cơ quan báo điện tử (trong đó có 40 báo điện tử thuộc cơ quan TƯ và các bộ, ngành; 26 báo trực thuộc các địa phương và 26 báo thuộc các cơ quan đoàn thể), 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các báo.
67 đài phát thanh, truyền hình là con số thống kê của cả nước, trong đó có 64 đài địa phương (riêng TPHCM có 2 đài), 1 đài thuộc Bộ (truyền hình kỹ thuật số VTC), 2 đài trực thuộc TƯ (đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam).
Nếu như năm 1999, cả nước chỉ có 8.000 nhà báo được cấp thẻ thì đến nay con số này đã là 18.000 người, cùng với khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.
Nhân lực làm báo cũng được đánh giá đã tăng nhanh trong thời gian qua, từ 25.000 người năm 2005 lên gần 40.000 người vào năm 2014, trong đó có khoảng 41% nhân lực được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí. Khoảng 50% nhân lực trong lĩnh vực báo chí đang tham gia vào các khâu của quy trình xuất bản, hoạt động báo chí, trong đó đội ngũ người làm phát thanh, truyền hình chiếm số đông (tổng số cán bộ, phóng viên, biên tập viên… phát thanh truyền hình cả nước là trên 10.000 người, Thông tấn xã Việt Nam có 1.800 người).
P.Thảo
Theo Dantri