Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tiếp tục ổn định lãi suất thời gian tới
“Cắt giảm lãi suất điều hành nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế ổn định, tạo yếu tố ổn định tâm lý cho doanh nghiệp, thị trường cũng như tạo thông điệp đến các ngân hàng thương mại sẽ phải giảm lãi suất cho vay…”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú cho biết tại cuộc họp báo về thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019.
Ảnh minh họa
Lãi suất huy động vẫn cao ngất ngưởng
Từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất (LS) điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PLVN, LS huy động của một số NHTM vẫn không có xu hướng giảm, thậm chí ngay trước khi có quyết định giảm LS điều hành của NHNN, một số NHTM đã đưa ra biểu LS huy động mới cao hơn nhiều so với trước, cao nhất lên đến 9%/năm.
Không chỉ tăng LS huy động tiết kiệm, các NHTM còn “chạy đua” phát hành chứng chỉ tiền gửi với LS cao ngất ngưởng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt đang giữ kỷ lục với LS chứng chỉ tiền gửi 10,2%/năm, kỳ hạn 60 tháng.
Theo cập nhật ngày hôm qua – 2/10, mức LS cao nhất đang thuộc về NamABank, Ngân hàng Bản Việt (8,6%/năm kỳ hạn 24 tháng). BacABank LS cao nhất tuy chỉ 8,3% /năm (kỳ hạn 18- 38 tháng) nhưng đã tăng đáng kể so với tháng 9 (7,8%/năm); Đó là chưa kể nhiều NHTM còn áp dụng các chương trình khuyến mại tăng thêm LS theo số dư tiền gửi, theo độ tuổi, hoặc kỳ hạn dài hơn, các chương trình tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…
Thậm chí, huy động tiết kiệm online còn có mức LS cao hơn tiết kiệm tại quầy từ 0,1- 0,3%. Cá biệt NamABank LS huy động tại quầy chỉ 7,9%/năm kỳ hạn 36 tháng, nhưng online cũng kỳ hạn 36 tháng đã lên tới 8,7%/năm…
Video đang HOT
Lãi suất cho vay phụ thuộc ngân hàng thương mại
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc NHNN giảm LS điều hành xuống 0,25% từ 16/9 không có nghĩa các NHTM sẽ giảm LS tương ứng 0,25% vì hệ số khác nhau. “NHNN cắt giảm LS điều hành vừa qua nhằm đưa ra thông điệp rằng nền kinh tế ổn định, tạo yếu tố ổn định tâm lý cho doanh nghiệp (DN) và thị trường cũng như tạo thông điệp đến các NHTM sẽ phải giảm LS cho vay. Các NHTM căn cứ tham chiếu để điều chỉnh LS cho vay phù hợp với nền kinh tế, DN”, vị này giải thích thêm.
Trả lời PLVN về dự báo LS từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận đây là một trong những bài toán khó nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ, làm sao để hài hoà giữa lợi ích của người đi vay và người cho vay, hài hoà được chỉ số lạm phát, hỗ trợ LS cho người đi vay nhưng cũng phải đảm bảo lợi nhuận của các NHTM để giữ hiệu quả trong hoạt động…
“Chủ trương trong thời gian sắp tới là tiếp tục ổn định LS, chứ tăng LS sẽ không có. Còn cụ thể giảm cho đối tượng nào, DN nào thì phụ thuộc vào quan hệ của đơn vị đó với NHTM, riêng đối với 5 đối tượng ưu tiên là không vượt quá 6,5%/năm, tuy nhiên còn nhiều đối tượng khác…”, lời ông Tú.
Khẳng định LS sẽ ổn định và không tăng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng để ngỏ khả năng “còn giảm nữa hay không” khi cho biết điều này sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. “NHNN sẽ có những bước điều chỉnh chính sách LS phù hợp”- Phó Thống đốc khẳng định.
Thông điệp từ lãnh đạo NHNN có làm cho DN an tâm khi nhu cầu tín dụng thương mại vào những tháng cuối năm thường tăng cao là một thực tế, chưa kể không ít NHTM đã cạn room tín dụng và NHNN vẫn kiên định với quan điểm chính sách tiền tệ thận trọng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%?
Trong một báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, lực tăng LS huy động vẫn cao trong giai đoạn cuối năm 2019 khi Dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% vào ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay.
Báo cáo của NHNN cho biết, đến ngày cuối tháng 9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58%, huy động vốn tăng 9,03% so với cuối năm 2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018.
Việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả tích cực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.
Thanh Thanh
Theo Baophapluat.vn
Ngân hàng lên tiếng việc cho vay làm cao tốc Bắc - Nam
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định vốn cho các dự án (DA) BOT nói chung và DA cao tốc Bắc - Nam tới đây sẽ là trách nhiệm ngành Ngân hàng (NH) phải quan tâm, nhưng ở mức nào, xử lý ra sao cho hợp lý trong điều kiện khả năng nguồn vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các NH thương mại là vấn đề sẽ được cân nhắc.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc Họp báo
Hôm qua (1/10), trả lời câu hỏi về khả năng thu xếp vốn cho DA cao tốc Bắc Nam ra sao sau khi Bộ GTVT có quyết định hủy đấu thầu quốc tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định vốn cho các DA BOT đang là vấn đề rất "nóng".
Vừa trở về từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn và sự kiện thông xe tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mới đây, ông Tú cho biết, sau thông xe tuyến cao tốc này, giai đoạn 2 còn đoạn lên cửa khẩu Hữu Nghị sẽ cần hơn 8.000 tỷ đồng, tỉnh Cao Bằng đề xuất con đường từ Đồng Đăng qua TP Cao Bằng đi Trà Lĩnh, dự kiến 20.000 tỷ đồng, rồi đường từ Hòa Bình đi Mộc Châu cần khoảng 22 nghìn tỷ đồng nữa... "Sơ bộ đó mới là những con đường lớn phía Bắc, chưa kể phía Nam. Cho nên vốn cho các BOT là vấn đề rất lớn", ông Tú nói.
Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với nhà thầu trong nước, điều này, theo Phó thống đốc, là "câu chuyện mà ai cũng biết", đó là vốn NH. "Hôm họp ở Lạng Sơn, tôi cũng báo cáo Thủ tưởng cùng các Bộ, ngành là việc tham gia các DA cao tốc, DA liên quan đến BOT giao thông đúng là quyết tâm cao của các NH thương mại, với trách nhiệm rất lớn. Cứ hình dung, cho vay trung và dài hạn ít nhất từ 15 năm trở lên. Thứ hai nguồn vốn rất lớn, mấy chục nghìn tỷ chứ không phải một vài trăm triệu.
Thứ ba liên quan đến các chỉ số an toàn của NH, như không vượt qua 15% vốn tự có đối với một đơn vị vay, rồi hệ số an toàn vốn K... cũng là vấn đề nếu không được bổ sung vốn điều lệ kịp thời, thì khả năng giải ngân tiếp của các NH cho các DA năm bảy nghìn tỷ là khó, chưa kể trách nhiệm tín dụng còn phải cung ứng cho các tất cả lĩnh vực khác nữa. Cho nên vốn cho các DA giao thông nói chung và sắp tới cao tốc Bắc - Nam nói riêng là vấn đề ngành NH phải quan tâm", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Tuy nhiên, vị đại diện NHNN cũng cho biết, quan tâm như thế nào, xử lý bằng cách nào cho hợp lý đang là vấn đề ngành NH cân nhắc. "Tất nhiên không phải cả cao tốc Bắc - Nam cùng một lúc phải "xuống tiền" hết, mà sẽ từng đoạn. Về phía NH sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng nguồn vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh cho các NH", ông Tú nói và cho biết để làm được điều này cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT và việc lập trạm...
Liên quan đến vốn cho DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, "đã cơ bản được giải quyết". Ông Tú cho biết, câu chuyện DA Trung Lương - Mỹ Thuận không phải là giải ngân vì vốn NH thương mại sử dụng sau cùng để khỏi phải trả lãi, hiện các NH thương mại, DN BOT, UBND tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án) đang trao đổi để thống nhất sớm ký cam kết hợp đồng.
Về phản ánh của các NH thương mại có vướng hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc giải thích, đây là hạn mức cho vay của các NH đối với các đối tượng cần thiết ưu tiên, DN không vướng, còn các NH kêu, nói hạn mức sắp hết... "Tất cả những vấn đề này đang được xem xét một cách thấu đáo. Vấn đề tăng thêm hay không tăng thêm cũng không phản ánh NH đó tốt hay không tốt, đúng hay không đúng, mà vấn đề đó có phù hợp với đúng đối tượng hay không", Phó Thống đốc giải thích và cho biết đây là yếu tố kỹ thuật, có tính chất điều hành hướng đến mục tiêu của Chính phủ là cần khuyến khích đối tượng nào, không khuyến khích đối tượng nào bởi Luật không có chế tài, mà cần có công cụ (trực tiếp hay gián tiếp) để điều tiết.
9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng gần 9%
Báo cáo của NHNN cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp, tín dụng tăng ngay từ đầu năm đến 24/9/2019 tăng 8,64%. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; đối với DN nhỏ và vừa tăng 11,42%; đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.
Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao hay nhà ở xã hội... cũng được các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN. Đại diện NHNN cũng khẳng định với mức tín dụng tăng 8,64% trong 9 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay là hoàn toàn khả thi bởi xu hướng các tháng cuối năm tín dụng thường tăng cao hơn so với đầu năm.
Thanh Thanh
Theo Baophapluat.vn
Năm 2019, lãi suất cho vay khó giảm Thị trường tiền tệ năm 2018 chứng kiến sự biến động của lãi suất huy động và tỷ giá, khi hai nhân tố này đều có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Năm 2019, với nhiều thách thức từ kinh tế thế giới và nội địa, lãi suất và tỷ giá liệu có giữ được ổn định là câu hỏi...