‘Phố ông Lang’ – Điểm du lịch sinh thái độc đáo, miễn phí tại Cần Thơ
Phố ông Lang ở ấp Tân Hòa, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ là điểm du lịch mới ra mắt dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
“Thuyền hoa” trong khu du lịch.
Khu du lịch rộng 30.000 m2 này thu hút người dân địa phương cũng như du khách tìm đến không chỉ bởi được đầu tư như một công viên sinh thái miệt vườn mà mọi thứ ở đây đều được phục vụ miễn phí, xuất phát từ tâm nguyện muốn báo đáp quê hương của ông Nguyễn Ngọc Lang.
Con đường nón lá.
Ấn tượng nhất khi đến với “Phố ông Lang” là hầu hết các công trình đầu tư và trang trí đều được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường như tranh, tre, nứa, lá… Ngay từ lối vào, cổng chào được tạo thành từ thân cây tre, lợp lá cỏ tranh mát mắt.
Dọc con đường là hàng nghìn chiếc nón lá vừa tạo bóng râm cho du khách vừa là điểm nhấn đẹp mắt. Bên lề đường, hai hàng hoa mười giờ đủ màu sắc uốn lượn dọc bờ kênh, điểm xuyết là chiếc cầu dừa bắc ngang kênh đầy duyên dáng. Phía xa xa, chào đón du khách là vườn rau xanh mát, ao sen đang nở rộ, những chiếc xuồng ba lá dập dìu vòng quanh chiếc vó khổng lồ, mô phỏng hoạt động bắt cá của nông dân…
Nhiều tiểu cảnh đẹp phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách.
Chủ nhân khu du lịch đang “gây sốt” này, ông Nguyễn Ngọc Lang chia sẻ, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, ông hiểu sự thiệt thòi của người dân nông thôn nghèo trong thụ hưởng các hoạt động giải trí, nhất là dịp lễ, Tết như Tết Nguyên đán. Cũng do “gốc nhà nông” nên ông rất tiếc khi chứng kiến những mảng xanh cây cỏ, đồng ruộng, ao hồ… dần dần bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Với suy nghĩ ấy, hai vợ chồng ông quyết định xây nên khu du lịch mang tên “Phố ông Lang” để vừa góp phần gìn giữ một mảng xanh tại nơi “chôn nhau, cắt rốn” vừa có nơi để người dân vui chơi giải trí sau một ngày làm việc vất vả mà hoàn toàn miễn phí.
Mặc dù nằm sâu trong ấp nhưng du khách di chuyển đến đây khá thuận lợi. Xe du lịch có thể “bon bon” trên những cung đường bê tông rộng rãi, khang trang, thay vì đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề. Để có được diện mạo mới ấy có sự góp công rất lớn của vợ chồng ông Lang.
Cây may mắn là một trong những tiểu cảnh nổi bật.
Bà Mười Giúp, người dân trong ấp cho biết, trước đây, toàn khu này đều là những con đường đất cũ, nhỏ hẹp, trơn trượt vào mùa mưa… chỉ có xe đạp và xe máy lưu thông được. Nhờ có sự hỗ trợ của gia đình ông Lang, các con đường đã được đổ bê tông chắc chắn, mở rộng ra 4 mét, giúp việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh của mọi người rất thuận lợi.
Bà Lê Thị Truyền, vợ ông Lang chia sẻ, ông bà trưởng thành từ sự đùm bọc của xóm làng, vì thế rất trân quý tình làng nghĩa xóm. Ông bà đã làm từ thiện nhiều năm trên tinh thần khả năng tới đâu làm tới đó. Do đó, khu du lịch “Phố ông Lang” mở ra cũng hoạt động theo mô hình “của chung”. Người dân được tự do đi lại, tự do canh tác rau màu trên đất của khu du lịch hay mượn dụng cụ lao động về làm. Một số hộ còn mở quán bán nước, đồ ăn hay cho thuê trang phục chụp hình để tăng thu nhập…
Bà La Thị Xuân, chủ quán nước trong khu du lịch cho biết, trước kia, nhà bà chỉ biết làm nông, thu nhập ít và không ổn định. Nhờ có khu du lịch này và được ông bà Lang hỗ trợ mở quán bán nước phục vụ du khách nên bà có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Khách chụp hình tại ao sen trong khu du lịch.
Video đang HOT
Chia sẻ thêm về hoạt động xây cầu đường, ông Lang cho biết, từ năm 2012 đến nay, gia đình ông đã đóng góp cho xã Giai Xuân, huyện Phong Điền xây dựng đường giao thông nông thôn ngang 3-4m, dài hơn 15km, với tổng kinh phí xây dựng gần 16 tỷ đồng. Hiện trong “Phố ông Lang”, các con đường đều được nâng cấp, lắp đèn đường. Bên cạnh đó, ông dành riêng một khu rộng để lắp thiết bị tập thể dục công cộng. Các công trình này để phục vụ miễn phí cho du khách và người dân trong vùng.
Dù mới đi vào hoạt động ít lâu và còn nhiều hạng mục đang hoàn thiện nhưng “Phố ông Lang” đã khá nổi tiếng trong và ngoài thành phố. Nhiều bạn trẻ từ các tỉnh tìm đến để vui chơi, chụp hình.
Bạn Nguyễn Hoàng Bảo, sinh viên Trường Đại học Võ Trường Toản, tỉnh Hậu Giang biết đến khu du lịch này thông qua các chia sẻ trên Facebook. Vừa cảm phục tấm lòng của ông Lang, lại vừa tò mò nên Bảo đã rủ bạn bè đến đây. “Ở đây có nhiều tiểu cảnh đẹp, rất mát mẻ và thân thiện với môi trường. Em thích nhất là được chụp hình tại mô hình trái tim, ô cửa, cây may mắn… giữa cánh đồng lúa mênh mông cũng như được đắm chìm trong hương thơm của cánh đồng hoa sen…” , Bảo hào hứng kể.
Vườn rau sạch để khách chụp hình và làm quà cho khách mang về.
Với những cống hiến cho quê hương, ngày 31/5/2021, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Ngọc Lang vì có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Đây là động lực để vợ chồng ông Lang xây dựng thêm nhiều công trình mới trên vùng đất Giai Xuân và viết tiếp câu chuyện đẹp của một người con luôn muốn đền đáp nghĩa tình đối với nơi “chôn nhau, cắt rốn” qua những hành động thiết thực.
Thực hư về những cây mai 'hét' giá tiền tỷ ở miền Tây
Trước thềm Tết Nguyên đán, cây mai ở An Giang vừa được bán với giá 4 tỷ đồng khiến nhiều người xôn xao...
Nhưng nhiều chuyện bất ngờ đã xảy ra.
Mới đây, một đại gia "bí ẩn" (ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) tuyên bố đã chốt giá 4 tỷ đồng để sở hữu một cây mai vàng 50 tuổi vừa cập bến chợ hoa xuân.
Đó là cây mai vàng 50 tuổi (nằm tại khu chợ hoa xuân TP Long Xuyên, đường Phạm Hồng Thái, phường Mỹ Long) được giới thiệu vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cây mai 50 tuổi được trưng bày tại chợ hoa xuân (phường Mỹ Long, TP Long Xuyên) đã được một đại gia bí ẩn chốt giá 4 tỷ đồng và đặt cọc trước 2 tỷ đồng để sở hữu?
Anh Bùi Văn Bằng (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, người chủ cũ cây mai này) cho biết, cây mai có tuổi đời trên 50 năm, nguồn gốc từ huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, được anh vận chuyển đến TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vào chiều 8/1/2022...
Đệ nhất hoa ngày Tết
Hoa mai luôn có vị trí quan trọng trong tâm thức, đời sống của người dân Nam Bộ, cũng giống như người dân miền Bắc luôn phải có nhành đào trong nhà ba ngày Tết.
Chợ hoa Tết hồi năm 2019 ở đường Quang Trung, TP Cần Thơ cũng có người rao bán cây mai cổ thụ hơn 120 tuổi, đã dành được sự quan tâm của nhiều người yêu mai. Cây mai cổ thụ này là của ông Nguyễn Văn Hiếu (57 tuổi, ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Ông Hiếu cho biết, khoảng 7 năm trước, trong một lần đi Tiền Giang đám giỗ, thấy cây mai đẹp, ông vấn vương mãi và quyết định về bàn với con trai mua cho bằng được cây mai này về. Thời điểm đó, cha con ông Hiếu đã mua cây mai này giá 2 tỷ đồng.
Cây mai "khủng" tại chợ hoa Tết hồi năm 2019 ở đường Quang Trung, TP Cần Thơ.
Hỏi về tuổi của cây mai này ông Hiếu không biết chính xác, ông chỉ biết là cây mai có ít nhất 120 năm tuổi. Vì người chủ trước ông, đã có 23 năm sở hữu và trước đó cây mai này đã có hơn 100 năm.
Việc lặt lá mai trước ngày Tết, uốn cành tạo dáng, chăm sóc từng ly từng tí một là niềm đam mê bất tận của nhiều người đàn ông Nam Bộ.
"Hình dáng và tán của cây mai này là hoàn toàn tự nhiên, trước giờ chưa từng chỉnh sửa lần nào. Đặc biệt là cây mai này năm nào cũng trổ bông đúng dịp Tết", ông Hiếu nói chắc nịch.
Để chăm sóc cây mai cổ thụ suốt mấy năm qua, cha con ông Hiếu phải dành rất nhiều công sức để cây luôn ở tình trạng tốt nhất. Nhất là thời điểm gần tết, cha con ông phải mất ăn mất ngủ hàng ngày đều quấn quýt bên cây mai quý.
"Riêng việc lặt lá mai đã phải cần 4 người lặt trong 1 ngày liên tục. Công sức chúng tôi bỏ ra rất nhiều, nhất là để đưa cây mai này từ Vĩnh Long qua Cần Thơ. Riêng tiền vận chuyển một lượt đã mất đến 30 triệu đồng. Ngày nào tôi cũng phun thuốc, đảm bảo tới tết là trổ bông vàng rực", ông Hiếu nói khi đó.
Cây mai này rao bán 3 tỷ, sau đó chẳng ai mua.
Tận mắt nhìn, mới thấy được hết độ hoành tráng của "cụ" mai này. Chiều cao của cây mai lên đến 7 mét, tán rộng hơn 8 mét, chu vi gốc 1,2 mét. Đây là gốc mai thuộc dạng xưa nay hiếm, là điểm nhấn của cả chợ hoa. Cây mai quý, thì giá cũng phải cao ở tầm chót vót. Ông Hiếu cùng con của mình quyết định bán với giá khoảng 3 tỷ đồng.
Nhưng kết thúc phiên chợ hoa năm đó, cây mai không ai mua và cuối cùng phải chở về, im vắng cho đến nay...
Bốn năm trước, cũng tại Cần Thơ, một cây mai "khủng" khác được cho rằng gần 100 tuổi cũng được một người yêu mai đem từ Vĩnh Long sang Cần Thơ bán. Cây mai này được chủ nhân chào bán với giá 1,6 tỷ đồng và cũng không bán được.
Cái kết bất ngờ về cây mai 4 tỷ ở An Giang
Việc chốt cây mai 4 tỷ đồng ở Long Xuyên, đến nay vẫn gây "bán tin bán nghi, nhiều người cho rằng đấy là giao dịch ảo. Bởi sau đó, người bán mai và chủ cây mai đã không ai liên lạc được... Dù trước đó họ thông tin nếu ai đến xem thấy thích thì phải bỏ ra số tiền 8 tỷ đồng để mới sở hữu được, "giành lại" từ tay vị đại gia kia.
Theo một số người am hiểu, đây chỉ là chiêu thổi giá. Thứ nhất, tạo được "danh tiếng" cho người sở hữu mai, củng cố uy thế "đại gia" để sau này dễ làm ăn giao dịch. Thứ hai, là tạo giá ảo, ai không biết lao vào giành mua cây mai này là sẽ nhận ngay cái gật đầu, bán ngay...
Cây mai cổ thụ, rất khó để định giá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ - có thâm niên trồng mai hơn 30 năm phân tích: "Cây mai 100 tuổi, nếu sống tự nhiên không có bàn tay chăm sóc của con người thì chưa chắc sống, mà sống thì cũng chưa chắc sẽ đẹp.
Chăm sóc một cây mai cũng không chỉ đơn giản là bón phân, tưới nước. Người trồng mai phải coi chúng như là con mình để quan tâm, chăm sóc mỗi ngày. Cây mai mấy chục tuổi có thể chết đi nếu không được chăm bón đúng cách.
Cho nên, cây mai 100 tuổi, thì nó đã được chăm sóc trong 100 năm đó, nên có giá tiền tỷ là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Sẽ có những đại gia yêu mai mua chúng thôi".
Nhìn mai nở hoa đẹp vào Tết, là niềm vui sướng của người yêu mai.
Ông Tiêu Hùng Minh (67 tuổi), Phó Ban Đại diện làng Mai vàng Phước Định (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), người có thâm niên khoảng 40 năm trồng mai cho biết, việc cây mai cổ thụ có giá bán 3-4 tỷ đồng là điều bình thường.
"Với độ tuổi từ 100 năm trở lên, cây mai có giá tiền tỷ là chuyện hiển nhiên. Vài năm trước, tôi từng biết có đại gia bỏ 3 tỷ đồng để mua 1 cây mai như thế", ông Minh nói.
Theo ông Minh, cách xác định tuổi của cây mai vàng thì chỉ có cách đo bề hoành (chu vi - PV) của gốc mai. Với chu vi của cây mai trên là 1,2 mét thì có thể khẳng định trên 100 năm tuổi (không tính mai tứ quý, mai chiếu thủy...).
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng việc đưa cây mai giá trị như thế ra khỏi nền đất cây đang sống là điều không nên.
Nhiều người dân cho rằng, chủ nhân của các cây mai chỉ muốn "thổi giá" cây mai lên nhiều lần để gây sự chú ý, nhưng khi mua bán thực sự giá cả sẽ được thương lượng giảm đi nhiều.
"Những cây mai tầm 200 triệu thì không nên bứng gốc ra như thế. Khi bứng ra ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến cây mai, nếu bán không được, sẽ phải trồng lại, vừa mất công, tiền bạc thêm nữa.
Nếu muốn bán, có thể rao ở đâu đó trên mạng rồi người muốn mua tìm tới nơi, lúc đó mới bứng lên", ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm, tại vườn mai nhà ông thường xuyên có từ 50 - 70 cây mai được chăm sóc hằng ngày. Số mai này được ông mua vào, bán ra đều đặn. Ông cũng cho biết, ở làng Mai vàng Phước Định hiện có rất nhiều cây mai tầm giá 500 - 700 triệu đồng...
Hoa mai đối với người dân miền Tây không chỉ là đệ nhất hoa ngày Tết, những vườn mai này còn có giá trị "dưỡng già". Ông Vũ Văn Thức, ngụ thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, sở hữu hàng trăm chậu mai lớn nhỏ luôn cười hề hề khi có người hỏi tới vườn mai của mình: "Vườn mai dưỡng già của tui đó".
Cây mai được định giá cao hay thấp còn do dáng vẻ, độ tuổi...
Từ thời còn trẻ, ông yêu mai rồi tự trồng, mua thêm của người dân trong vùng. Mục đích là vừa thỏa mãn đam mê, vừa tính chuyện sau này già yếu không làm ra tiền thì có thể bán đi vài cây để dưỡng già.
Để chăm sóc hằng trăm chậu mai như vậy cũng không phải là điều dễ dàng, không tính thời điểm tết, ông Thức ngày nào cũng phải thăm nom, bắt bệnh cho mai. Còn nếu tới ngày cận Tết, ông phải làm rất nhiều việc từ bón phân, phun thuốc...
Có nhiều cây mai đem ra chợ hoa hét giá cao, chỉ để thu hút khách đến tham quan và bán những cây mai nhỏ, giá thấp đang trưng bày bên cạnh.
Nhưng công việc "khủng khiếp" nhất là lặt lá vào trước Tết, ông phải thuê thêm người để lặt hết hàng trăm chậu mai cho đúng tiến độ. "Gần Tết thì mình lặt lá cho mai ra bông, hết Tết thì mình lặt bông cho mai ra lá lại. Chứ để mai nở bông lâu quá cũng không tốt cho cây.
Cứ cận Tết là tôi bỏ hết công việc, có ngày bỏ ăn để vật lộn với mai. Nhưng ba ngày Tết, nhìn vườn mai vàng rực, bà con tới chơi ai cũng trầm trồ là mình hết mệt", ông Thức cười phân tích.
Suy nghĩ của ông Thức cũng là dự tính của rất nhiều người dân miền Tây. Hằng ngày, họ vật lộn với ruộng, vườn đến chiều về nhà lại chăm chút những gốc mai và coi đó như là của để dành khi về già.
Những gốc mai vài ba chục tuổi rất dễ dàng bắt gặp ở các vùng quê miền Tây. Những ngày cận Tết, cứ chiều chiều, cả nhà lại cùng nhau ra sân lặt lá mai. Nhà này lặt, nhà kia thấy cũng chợt nhớ nên cũng lại kéo ra sân lặt lá tạo nên một cảnh tượng đầm ấm đón tết đậm chất miền Tây.
Một thoáng xưa và nay với con đường bích họa Cần Thơ đẹp nhất Tây Đô Thành phố Cần Thơ được mệnh danh là thủ phủ miền Tây, là nơi có nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Một trong những điểm du lịch được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây là con đường bích họa Cần Thơ. Tái hiện hình ảnh cuộc sống của người dân "xưa và nay" một cách sinh động và hết sức...