Phở, miến gà Lê Văn Sỹ: Ăn là mê!
Vẫn là vị Bắc đấy thôi, nhưng phở, miến gà ở đây có thêm đặc trưng của xứ Nam vô cùng hấp dẫn.
Hẻm 284 đường Lê Văn Sỹ, Quận 3 (Tp Hồ Chí Minh) còn được gọi là hẻm “ăn vặt”. Sở hữu cái tên như vậy là do nơi đây có phong phú các loại đồ ăn sáng, trưa, khuya từ khắp các vùng miền. Quán nào cũng nho nhỏ, bình dân nhưng thực đơn đa dạng, không gian lại thoáng mát nên hút khách.
Ngay đầu hẻm, là hàng phở, miến gà đã mở 5, 6 năm nay. Người ta nói “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” thì ở đây, mới vào khách đã thấy ngon mắt rồi. Chưa biết món ăn ngon ra sao, phục vụ như thế nào, người ăn đã có thể bị ấn tượng ngay bởi độ sạch sẽ, chỉn chu của quán.
Những chiếc bàn xếp dọc sát tường như bao hàng quán vỉa hè khác lúc nào cũng sạch bong. Tủ để thịt gọn ghẽ, sáng sủa. Từng loại thịt đều có vị trí riêng. Các bát lòng mề và trứng được sắp xếp rất hấp dẫn bên đĩa phao câu béo ngậy vàng ươm. Ngoài ra còn có các loại đùi gà, thịt gà có da và không da để đáp ứng tuỳ nhu cầu khách. Ngay đến “phụ kiện” muỗng đũa, chanh, ớt, mắm, tương… cũng hết sức ngăn nắp trên mỗi bàn.
Quán sạch sẽ từ cách bài trí trong tủ để đồ cho đến bàn ăn dành cho khách
Quán phục vụ hai món là miến và phở gà. Tuy vậy, khách lại có vô vàn yêu cầu, lựa chọn. Người thích phở thịt gà cho cả mề, người lại khoái miến gà chỉ lấy trứng, hay người không ăn da yêu cầu thịt lột da… Tất cả đều được chủ hàng vui vẻ đáp ứng.
Với cái giá 35.000 đồng/ tô, phở và miến gà ở hẻm này không phải quá rẻ nhưng khá ổn vì tô to, lượng miến, phở vừa ăn.
Phở gà bình thường có thịt và mề gà. Trong đó, thịt đã được lột xương nhưng giữ lại da, rất giòn và ngọt
Video đang HOT
Điểm cuốn hút của món ăn này là thịt gà ngon và nước dùng hấp dẫn
Miến gà nhìn đã thấy mê với trứng vàng ươm, rau răm xanh ngắt và chút hành phi thơm lừng phía trên
Sợi miến dai, mềm quyện với vị nước dùng ngọt, thơm, béo
Miến gà trứng bổ dưỡng với cùng giá tiền
Khác với vị đặc trưng của miền Bắc, nơi khởi nguồn của món ăn, quán kết hợp những thói quen ăn uống của người miền Nam trong cách phục vụ để “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Ngoài rau thơm, quán còn có cả giá trụng (giá chần).
Ngoài rau thơm, thực khách còn được phục vụ thêm giá trụng
Các gia vị thì ngoài muối tiêu chanh, quán còn có cả tương ớt, ớt tươi… và những chén nhỏ để sẵn cho khách tự pha đồ chấm theo ý thích. Thường người ta sẽ cho muối tiêu chanh và tương ớt để tạo thành thứ chấm chua ngon và thơm, hợp tuyệt với vị gà luộc giòn, dai chứ không bở như nhiều nơi.
Muối tiêu chanh và tương ớt tạo thành nước chấm đặc biệt hợp với thịt, trứng, mề g
Một điểm nhấn tuyệt vời khiến quán “sống khoẻ” giữa sự cạnh tranh gay gắt là nước dùng. Nước dùng cho cả phở và miến không khác nhau nhiều nhưng đều ngọt, thơm, béo. Tuy nhiên, vị giác ai nhạy cảm có thể thấy nước dùng này hơi nhiều bột ngọt so với một số quán đậm vị Bắc khác.
Quán đông nhất là vào sáng sớm, khi thời tiết Sài Gòn dịu dàng, đủ để người ăn tận hưởng trọn vẹn cái nóng sốt của món ăn. Ngoài phở, miến gà Kỳ Đồng, Sơn Nga… vốn quá nổi tiếng thì đây cũng là một địa chỉ đáng lưu ý cho những người thích gà, thích cái thanh thanh của miến, phở và tiện đường ghé hẻm “ăn vặt”.
Theo Eva
Thưởng thức đặc sản 25.000 đồng giữa lòng Hà Nội
Cắn miếng bánh mướt mềm mịn trong miệng, bạn có thể lưu luyến mãi dư vị ngọt ngào và dẻo mượt ấy.
Quả không ngoa khi nói Hà Nội hội tụ đủ hương vị đặc sản của cả nước. Thủ đô quy tụ người dân tứ xứ, kèm theo đó, họ đều mang đến cho Hà Nội những đặc sản thú vị từ quê hương. Có lẽ vì vậy mà dường như chỉ cần ra thủ đô, người ta đều có thể thưởng thức gần hết món ngon ba miền. Mỗi vùng đều có một món ăn mang nét đặc trưng.
Tuy nhiên, có một món bánh dường như hòa quyện được dư vị của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam trên dải đất hình chữ S, đó chính là bánh mướt. Về hình thức, nó giống với bánh ướt ở miền Nam và bánh cuốn ở miền Bắc. Tuy nhiên, bánh mướt được xem là nét độc đáo của miền Trung, bởi nó được làm từ loại gạo chỉ có ở miền đồng bằng Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cắn miếng bánh mềm mịn trong miệng, bạn có thể lưu luyến mãi dư vị ngọt ngào và dẻo mượt.
Ở Hà Nội, quán bán món bánh mướt thuộc vào hạng hiếm, ngon nhất phải kể đến Huynh đệ quán gần cầu 361, Nguyễn Khang, nơi khu phố ăn uống sầm uất. Chủ quán ở đây cho biết, để đảm bảo bánh mướt đúng vị xứ Nghệ, anh luôn kiên trì nhập gạo V từ Quỳnh Lưu.
Trước khi làm bánh, gạo phải được vò kỹ với muối tinh, ngâm 3 tiếng đồng hồ, xay lấy nước cốt. Tráng bánh phải thật đều, cuộn lỏng tay mới được những chiếc bánh mỏng dính và trắng ngần tinh khiết, mềm, mướt.
Bánh mướt được làm từ loại gạo V đặc biệt của vùng đồng bằng Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Gạo làm bánh phải được vò kỹ với muối tinh, ngâm 3 tiếng đồng hồ mới cho ra được những miếng bánh trắng gần như tinh khiết
Cũng theo lời chủ quán, món bánh này mà được kết hợp với xáo lòng thì "ngon hết xảy". Xáo lòng nghe có vẻ lạ tai, nhưng kỳ thực nó là món ăn được chế biến đơn giản từ lòng lợn, dồi tiết. Khi nấu, lòng được hòa quyện với tiết tạo thành vị nước xáo đậm đà và ngọt ngào. Một suất bánh mướt ăn kèm với xáo lòng giá chỉ 25.000 đồng.
Mỗi xuất này chỉ có giá 25.000 đồng
Ngoài ra, bánh mướt có thể kết hợp với súp lươn, giò me Nam Đàn hoặc chỉ đơn thuần ăn với nước mắm cốt cũng đã đủ ngon. Giá các món ăn kèm với bánh mướt ở Huynh đệ quán tương đối bình dân và chỉ dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng.
Bánh mướt ăn kèm xúp lươn giá 30.000 đồng/suất
Lươn ở đây là lươn đồng chính hiệu từ Yên Thành, Nghệ An với chất lươn bùi, béo chắc.
Ở quán này cũng có nhiều món đặc sản về lươn đồng xứ Nghệ như lươn xào xả ớt, lươn nướng, lươn om chuối đậu... cho thực khách lai rai cùng bạn bè trong không gian mát mẻ.
Địa chỉ:Huynh đệ quán tại 93B Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo PNO
Bún thịt nướng lạ miệng nơi phố vắng Bát bún nhiều màu sắc, bày biện đẹp mắt lại đủ chất đã được đầu bếp nêm nếm lại cho vừa khẩu vị người Bắc. Phố Đặng Tất vốn là con phố nhỏ và yên tĩnh, nằm ở trung tâm Hà Nội, một đầu phố nối với đường Quán Thánh, đầu còn lại thông ra đường Phan Đình Phùng nhưng lại khá vắng...