Phó chủ tịch UBCK Phạm Hồng Sơn: Ngày 28/6 chính thức niêm yết CW
Tại hội thảo triển khai Chứng quyền có bảo đảm (CW) đang diễn ra sáng 24/6, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm, ngoài chính thức vận hành nhiều sản phẩm mới, Uỷ ban còn tập trung vào luật chứng khoán sửa đổi; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn đang chậm từ năm 2018 đến nay.
Đánh giá thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm (so với thời điểm cuối năm 2018), ông Sơn cho biết, TTCK giữ mức tăng trưởng tốt.
Diễn biến chỉ số VN-Index so với cuối 2018 tăng trên 6%, HNX-Index giảm 0,6%. Mức vốn hoá thị trường 4,31 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối 2018, tương 77,9% GDP 2018. Quy mô giao dịch giảm với giá trị giao dịch bình quân chỉ 4.400 tỷ đồng, giảm 31,7% so với 2018.
Thị trường trái phiếu có 532 mã trái phiếu được niêm yết, giá trị niêm yết 1.120 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1%, tương ứng 20,2% GDP 2018.
Còn TTCK Phái sinh có mức tăng trưởng tương đối tốt, số lượng giao dịch bình quân trên 106 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 35% so với trung bình 2018.
Video đang HOT
Ông Sơn cho biết thêm, về huy động vốn, TTCK huy động 147,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ. Với hoạt động đấu giá, cổ phần hóa, thoái vốn thì từ đầu năm đến nay, 2 sở tổ chức được 25 phiên, tổng giá trị bán 3.915 tỷ đồng.
Tính đến đầu tháng 6, có 22,7 triệu tài khoản, tăng 4%. Còn giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng vẫn thực hiện mua ròng trên 10.000 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cuối năm, đại diện Uỷ ban chứng khoán cho rằng, về tình hình chung thị trương theo chiều hướng tốt dù có những phiên điều chỉnh giảm trong nửa đầu năm. Với các yếu tố tác động từ thị trường thế giới, vĩ mô trong nước vẫn tốt, quan điểm Chính Phủ kiên định chính sách tiền tệ, linh hoạt chính sách vĩ mô nên TTCK sẽ ổn định.
Về giải pháp, Uỷ ban cho biết, sẽ tập trung vào luật chứng khoán sửa đổi. Trong quá trình soạn thảo dự thảo luật có mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước từ thị trường phát triển có ý kiến để đưa ra nội dung thảo luận. Trong cuộc họp mới đây, Bộ Tài chính đã trình bày và nhận đánh giá chung về nội dung bản dự thảo tốt, kỹ, giải thích rõ ràng.
“Dự kiến tháng 10 sẽ thông qua dự thảo lần này. Kèm theo đó, các nghị định, văn bản hướng dẫn cũng phải hoàn thành trong 2019. Đây là khối lượng công việc lớn, và mục tiêu luật mang tính thông lệ quốc tế, bền vững”, ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, Uỷ ban cũng sẽ đánh giá lại tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn. Năm 2018 và đầu năm 2019 tiến độ này đang chậm. Đồng thời, thúc đẩy niêm yết và đăng ký giao dịch của DNNN đã cổ phần hóa.
Quy định đã có nhưng việc lên sàn của nhiều DNNN chậm, đã có biện pháp xử phạt. Thậm chí có doanh nghiệp cổ phần hóa 3-4 năm không lên sàn mà họ xin phát hành thì UBCK cũng không cho phép phát hành. Quan điểm chung là phải minh bạch hoạt động.
Đối với sản phẩm mới, Ủy ban cho biết, ngày 28/6 chính thức niêm yết CW – sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển thị trường đã được Chính Phủ phê duyệt và đến tháng 7, sẽ có thêm 1 sản phẩm.
Việc tăng cường, giám sát, thanh tra sẽ phối hợp cùng 2 sở quyết liệt, nhất là vấn đề nổi cộm như thao túng ( đã có trường hợp chuyển cơ quan điều tra xử lý). Thiết lập kỷ cương thị trường để thị trương minh bạch hơn.
Phan Hằng
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chứng khoán châu Á giảm điểm phiên đầu tuần
Chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chú ý tới tình trạng xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra .
Chứng khoán châu Á giảm điểm phiên đầu tuần. Ảnh minh họa" EPA/TTXVN
Các thị trường chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều khi mở cửa ngày giao dịch 24/6 trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chú ý tới tình trạng xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) và những quan ngại về căng thẳng Mỹ-Iran leo thang.
Vào đầu phiên giao dịch sáng 24/6, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,27%, tương đương 57,89 điểm, xuống còn 21.200,75 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,26%, tương đương 73,08 điểm, xuống còn 28.400,63 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite tăng 0,08% (2,31 điểm), lên 3.004,39 điểm.
Theo chiến lược gia trưởng toàn cầu Hirokazu Kabeya của Daiwa Securities, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày hai 28-29/6 tới tại Osaka (Nhật Bản) đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự kiến diễn ra bên lề hội nghị. Các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi liệu các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị đình hoãn hồi tháng 5/2019 có được nối lại hay không.
Còn theo chiến lược gia trưởng Yoshihiro Ito của Okasan Online Securities, những quan ngại về tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông và đồng yen tăng giá sẽ tác động tới các thị trường chứng khoán ở châu Á. Trong những ngày qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đánh giá về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran, kênh truyền hình PressTV của Iran ngày 23/6 dẫn nhận định của cựu Tư lệnh Tối cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) James Stavridis cho rằng, căng thẳng giữa hai nước đã tăng lên mức cao nhất trong 3 thập niên qua, đồng thời cảnh báo xung đột quân sự giữa hai nước vẫn có thể xảy ra trừ khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Liên quan quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại kế hoạch triển khai các hành động quân sự để trả đũa việc Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái của quân đội Mỹ, ông Stavridis cho rằng quyết định đúng đắn này cho phép cả Mỹ và Iran có khoảng thời gian để nhận ra những gì họ đang hướng tới sẽ tạo ra một cuộc xung đột thực sự, dẫn tới những hệ quả khôn lường như đóng cửa Eo biển Hormuz hay tái diễn các vụ tấn công tàu chở dầu tại khu vực này.
Tỷ giá giữa đồng USD và yen đã giảm xuống còn 107,38 yen/USD vào đầu phiên giao dịch sáng 24/6 tại thị trường châu Á, thấp hơn so với mức 107,60 yen/USD trong ngày 21/6 tại thị trường New York (Mỹ).
Trước đó, tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, chỉ số VN - Index tăng nhẹ 0,02 điểm lên 959,20 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 206,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 5.455 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 146 mã giảm giá. HNX - Index giảm 0,21 điểm xuống 104,85 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 27,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 361,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 71 mã tăng giá, 60 mã đứng giá, 67 mã giảm giá.
Kết thúc tuần giao dịch từ 17 - 21/6, VN - Index tăng 0,6% lên 959,18 điểm; HNX - Index tăng 1,3% lên 104,85 điểm. Thanh khoản được cải thiện so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 4.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Xét đến nội tại diễn biến thị trường, sự tích cực vẫn chưa được "trọn vẹn" khi chưa có sự đồng thuận tăng giá tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong những mã vốn hóa lớn, GAS là mã cổ phiếu tiêu biểu khi tăng tới 3,4%, SAB tăng 1,8%, VNM tăng 1,4%. Ở chiều giảm giá, cổ phiếu VHM giảm tới 1,8%, VIC giảm 0,8%, BHN giảm tới 6%, trong khi MSN đi ngang. Sự phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch tới.
Theo bnews.vn
Chứng khoán 21/6: Thị trường đi ngang, nhóm Dầu khí giao dịch tích cực Trong phiên giao dịch cuối tuần khép lại (21/6) thị trường chứng khoán giảm vào cuối phiên để chốt phiên đi ngang, tuy nhiên nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giữ được một phiên giao dịch tích cực. Trong đó PVS tăng 0,9% lên 23.200 đồng/cổ phiếu và có 1 tuần liên tiếp tăng điểm với mức tăng tổng cộng trong tuần hơn...