‘Phó chủ tịch suốt ngày hầu tòa, thời gian đâu làm việc’
Từ khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành, TAND TP.HCM có nguy cơ “đuối” với án hành chính.
“Kể từ ngày 1-7, ngày Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành, số lượng đơn kiện hành chính người dân gửi đến TAND TP.HCM tăng đột biến. Tính đến thời điểm này tòa đã nhận đến 200 đơn kiện, cá biệt có ngày tòa nhận đến 90 đơn kiện loại án này”. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh Tòa Dân sự (nguyên Phó Chánh Tòa Hành chính) TAND TP.HCM, cho biết như trên tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tố tụng hành chính 2015 tổ chức vào hôm qua (20-7) trên địa bàn quận 10.
Bà Dung cho biết Luật Tố tụng hành chính 2015 có nhiều nội dung mới so với trước đây. Điều 31 luật này quy định tòa cấp huyện không giải quyết những hành vi hành chính, quyết định hành chính của chủ tịch và UBND cấp huyện. Do đó, những vụ này phải do tòa cấp tỉnh xử. “Ở một TP lớn như TP.HCM, tòa cấp tỉnh chịu áp lực rất lớn bởi đơn kiện từ các quận, huyện sẽ dồn về” – bà Dung nói.
Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thùy Dung tại hội nghị phổ biến Luật Tố tụng hành chính 2015 tại quận 10, TP.HCM. Ảnh: HỒNG MINH
Bà Dung chia sẻ: “Người dân rất phấn khởi với quy định mới này vì thẩm phán cấp tỉnh sẽ mạnh dạn khi xét xử mà không sợ sức ép từ địa phương như thẩm phán cấp huyện. Luật quy định như vậy là rất hợp lý, bởi thẩm phán cấp huyện khi được bổ nhiệm cũng phải có ý kiến của thường vụ huyện ủy, trong đó có chủ tịch huyện, do vậy thẩm phán khó mạnh dạn và độc lập xét xử. Tuy nhiên, tòa cấp tỉnh vẫn chưa phải đã độc lập hoàn toàn khi xử sơ thẩm đối với những vụ án hành chính liên quan đến chủ tịch và UBND cấp tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Nực, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 10, đặt câu hỏi: “Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định khi bị kiện, người đứng đầu cơ quan chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình làm đại diện. Nhưng cơ quan tôi không có cấp phó thì làm thế nào?”.
Video đang HOT
Bà Dung cho biết đây là một trong những quy định gây khó cho nhiều cơ quan. “Ngay cả UBND TP.HCM cũng trao đổi rằng TP đề nghị xin có cơ chế riêng, vì nếu chiếu theo quy định này sẽ có nhiều phó chủ tịch hoặc cấp phó ở nhiều cơ quan suốt ngày đi hầu tòa, không còn thời gian làm việc”.
Bà Dung nhận định: Quy định này gây nhiều khó khăn cho các cơ quan dù mục đích là tăng tính chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Nó chỉ phù hợp với các địa phương vùng sâu, vùng xa, không phù hợp với tình hình TP vì có quá nhiều án hành chính. Do đó, một số cơ quan thường xuyên bị kiện hành chính đã có “sáng kiến” xin xử vắng mặt.
HỒNG MINH
Theo PLO
Gỡ rối thi hành án hành chính
Tại chương trình tập huấn chuyên sâu bảy đạo luật mới do Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào đã giới thiệu nhiều điểm mới có lợi cho người dân trong Luật Tố tụng hành chính 2015...
Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2010 quy định nếu người phải thi hành án (THA) không THA thì người được THA yêu cầu bằng văn bản đối với người phải THA. Nếu người phải THA vẫn không thi hành thì người được THA có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan THA dân sự có thẩm quyền ra văn bản đôn đốc. Hết thời hạn này, cơ quan THA dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA biết để xem xét, chỉ đạo việc THA...
Siết lại việc THA hành chính
Dù luật quy định như vậy nhưng thực tế, như Pháp Luật TP.HCMtừng nhiều lần phản ánh, chuyện cù cưa không chịu THA hành chính xảy ra không ít. Trong các hội nghị, hội thảo về THA hành chính, rất nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân là bởi ngành THA dân sự chỉ có quyền đôn đốc. Mặt khác, do tổ chức bộ máy, quan hệ công tác, lợi ích cục bộ... nên việc kiểm tra, đôn đốc THA của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới không hiệu quả. Cạnh đó, cơ chế xử lý trách nhiệm của người không chịu THA cũng như trình tự và thủ tục THA chưa rõ ràng...
Để khắc phục, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho biết Luật TTHC 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) có nhiều quy định mới: Thời hạn tự nguyện THA là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định có hiệu lực của tòa. Trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện THA thì người được THA có quyền yêu cầu tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định THA.
Cạnh đó, Luật TTHC 2015 cũng quy định rõ thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm của người phải THA theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa, quyết định buộc THA sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 314 (tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật).
Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào tại buổi tập huấn. Ảnh: L.TRINH
Quy định thời hiệu khởi kiện hợp lý hơn
Theo Luật TTHC 2010, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính tính từ ngày đương sự biết được hoặc nhận được quyết định, hành vi hành chính. Thực tế rất nhiều trường hợp sau thời điểm này, người dân không khởi kiện mà khiếu nại, trong lúc chờ giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Luật TTHC 2010 đã không dự liệu được tình huống trên khiến người dân mất quyền khởi kiện.
Để khắc phục, ông Tống Anh Hào cho biết Luật TTHC 2015 quy định thời hiệu khởi kiện với người đã thực hiện quyền khiếu nại là một năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Cạnh đó, trong vòng một năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền vẫn không giải quyết, không có văn bản trả lời cho người khiếu nại thì người khiếu nại cũng có quyền khởi kiện.
Kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ văn bản pháp luật sai
Một nội dung đáng chú ý nữa, theo ông Tống Anh Hào, Luật TTHC 2015 quy định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, tòa có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định, hành vi hành chính bị kiện. Trên cơ sở đó, tòa có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời cho tòa.
Đặc biệt, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, tòa có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Với văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà hết thời hạn luật định, tòa không nhận được văn bản trả lời của cơ quan đã ban hành văn bản thì tòa áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ án...
Tòa mở phiên họp kiểm tra chứng cứ Nhằm tạo điều kiện cho các đương sự tiếp cận tài liệu, chứng cứ của nhau, giúp các bên tự củng cố chứng cứ để thực hiện tranh tụng có hiệu quả hoặc có giải pháp phù hợp, Luật TTHC 2015 quy định về việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Trường hợp không tiến hành đối thoại được thì vẫn tiến hành họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Về giao nộp chứng cứ, Luật TTHC 2015 quy định thời hạn giao nộp chứng cứ không vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Trường hợp có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ. Sau khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa, trong thời hạn năm ngày làm việc đương sự phải thông báo cho đương sự khác biết để đương sự khác liên hệ với tòa thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày tòa thu thập được tài liệu, chứng cứ, tòa cũng phải thông báo cho đương sự biết. Bêu tên trên báo, đài? Trong phiên họp đầu tiên của ban soạn thảo Nghị định về THA hành chính (do Tổng cục THA dân sự chủ trì) hồi tháng 5-2016, nhiều hình thức chế tài đối với người không chịu THA đã được đưa ra thảo luận: Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan THA, cơ quan quản lý THA thuộc Bộ Tư pháp xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử phạt hành chính; đề nghị xử lý hình sự hành vi không chấp hành án. Cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định mang tính cảnh cáo gửi cho cơ quan quản lý cấp trên của người phải THA và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài. Xem xét trách nhiệm người không chịu THA khi đề bạt, bổ nhiệm hay trong thi đua, khen thưởng...
LỆ TRINH
Theo PLO
Cần đổi mới quy trình lập pháp Nên chăng có ủy ban soạn thảo dự luật thuộc Quốc hội, khi cần ban hành đạo luật nào đó, ủy ban này "đặt hàng" cho các chuyên gia pháp luật tham gia soạn thảo. Cả nước đang xôn xao về BLHS 2015 sắp có hiệu lực thi hành nhưng có đến 95 lỗi sai sót. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH)...