Phó bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch bị ‘thách thức’ vì chủ quan đêm Trung thu
Theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Hà Nội vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.
Một trong những nguy cơ đó là sự chủ quan của một số cơ quan quản lý và người dân.
Rất nhiều người dân Hà Nội cho cả trẻ em đi chơi đêm Trung thu 21.9. Ảnh GIANG NGỌC
Trao đổi với Thanh Niên về hình ảnh đông đúc, chen lấn hàng nghìn người dân, cả người lớn và trẻ em, trên các tuyến phố chính của Hà Nội trong đêm Trung thu hôm qua 21.9, Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ lo ngại.
Theo ông Phong, Hà Nội vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, một trong những nguy cơ đó chính là sự chủ quan của cả một số cơ quan quản lý và của người dân.
Ông Phong cho rằng, việc tối Trung thu người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Rất đáng trách là rất nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng. Vì việc này thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân thủ đô bị thách thức rất lớn”, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận và mong rằng mọi người dân hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.
“Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được và công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan”, ông Phong nhấn mạnh.
Đêm Trung thu ở Hà Nội: người dân đổ vào trung tâm chơi, đường phố kẹt cứng
Lãnh đạo Hà Nội đã cảnh báo
Trước đó, đêm 21.9, sau khi TP.Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng dịch, bỏ giấy đi đường và cho mở nhiều dịch vụ theo Chỉ thị 15/CT-TTg, hàng nghìn người dân thành phố, có cả trẻ em, đã đổ ra đường, về các tuyến phố trung tâm để chơi tết Trung thu, khiến nhiều đoạn đường ùn tắc, là nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Dù Chỉ thị 15 yêu cầu người dân không ra đường khi không có việc cần thiết, không được phép tụ tập trên 20 người nơi công cộng, song rất nhiều người dân vẫn đi chơi, đường phố chen cứng xe máy, ô tô đêm Trung thu.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, việc tụ tập đông người, trong khi trẻ em chưa tiêm đủ vắc xin có thể tạo nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao.
Tại cuộc họp báo thông tin về điều chỉnh giãn cách chiều 20.9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng đã nhấn mạnh: “Một nguy cơ mà chúng tôi đánh giá sẽ rất khó khăn là tinh thần, tư tưởng chủ quan của một số cơ quan, người dân, như lò xo bị nén suốt mấy tháng nay, khi mở ra rất dễ quá đà trong khi nguy cơ vẫn rất cao. Kết quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn”.
Hiện Hà Nội đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng thành phố vẫn chưa thể về trạng thái “bình thường mới” vì mũi tiêm thứ 2 mới đạt tỷ lệ 12%. Trong khi đó, Bộ Y tế quy định, muốn trở về “bình thường mới”, phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2. Theo ông Phong, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay.
Covid-19 sáng 22.9: Cả nước 702.972 ca nhiễm, 475.343 ca khỏi | TP.HCM tổ chức test nhanh thần tốc
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 20.9, toàn thành phố đã tiêm được 5,5 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19 (trong đó có 5 triệu mũi 1 và 500.350 mũi 2), số người được tiêm bằng 0,3% dân số và bằng 83,09% người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi.
Những người "xả hơi" đêm Trung thu ở Hà Nội cần tự theo dõi sức khoẻ
Từ sự việc hàng ngàn người dân Hà Nội đã đổ ra đường đêm Trung thu, chuyên gia y tế cảnh báo tâm lý "xả hơi" sau giãn cách gây nguy hiểm cho xã hội, công sức chống dịch có thể đổ sông đổ biển.
Người dân Hà Nội ùn ùn ra đường đêm Trung thu, như chưa hề có COVID-19. Ảnh: Phạm Đông
Sau khoảng 3-4 ngày từ đêm Trung thu, nếu ai có triệu chứng ho sốt thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế.
Tránh tâm lý "xả hơi" gây nguy hiểm cho xã hội
Dù thành phố đang thực hiện Chỉ thị 15 để phòng, chống COVID-19, tuy nhiên tối qua (21.9) hàng ngàn người tại Hà Nội vẫn ùn ùn đổ ra đường trong đêm trung thu. Lực lượng công an đã phải vất vả phân luồng đảm bảo giao thông. Đây là những hình ảnh giật mình khi người dân lơ là, chủ quan, như chưa từng có những ngày giãn cách.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhìn nhận, nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội vẫn còn rất cao. Chúng ta không thể khẳng định đã loại trừ được hết tất cả ca F0 tại cộng đồng, vẫn có những trường hợp lẩn khuất chưa được phát hiện. Ông Phu lấy dẫn chứng về ổ dịch vừa qua tại quận Long Biên khi bùng phát nhiều ca F0.
Thời gian gần đây dịch bệnh hay xuất hiện tại những chuỗi cung ứng như bán hàng online, lái xe, tại chợ... cho thấy diễn biến phức tạp. Chỉ một trong những điểm này có thể lây lan ra nhiều người khác mà chúng ta chưa thể biết.
Thành phố đã kiểm soát những người đi từ vùng dịch về, tuy nhiên không thể kiểm soát hết được, những trường hợp này có thể lây lan ra cộng đồng. Hà Nội vừa qua phát hiện ra 4 lái xe đường dài TP.Hồ Chí Minh nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khai báo không trung thực khiến phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai mở rộng vùng phong toả.
Người dân chen chân đi chơi Trung thu khi Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách.
Từ những lý do trên, ông Phu nhấn mạnh tất cả người dân thành phố không nên chủ quan. Mặc dù nới lỏng giãn cách nhưng người dân không nên ra đường khi không có việc thực sự cần thiết. Đặc biệt, trong lúc này người dân càng phải cảnh giác cao độ. Vì chỉ cần trong đám đông những người đổ ra đường trong đêm Trung thu có 1 người F0 thì sẽ dễ lây lan, không biết ai lây cho ai. Điều này gây khó khăn trong việc truy vết, xác định các ổ dịch mới và phòng chống dịch. Đây cũng là bài học cảnh báo về sự nguy hiểm của tâm lý xả hơi sau giãn cách.
Người dân cần tự theo dõi sức khoẻ sau đêm Trung thu
Cùng trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù thành phố nới lỏng các hoạt động, dịch vụ nhưng việc thực hiện 5K là rất quan trọng. Nếu để lây nhiễm trong những hoạt động vui chơi, tập trung đông người là điều cực kỳ tai hại. Khi để lây nhiễm, dịch bệnh bùng phát lại thì thành phố buộc phải giãn cách, siết chặt lại. Đây chắc hẳn là điều không ai mong muốn xảy ra.
Do đó ông Nga đề nghị người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời chính quyền cần giám sát chặt những địa điểm, tụ điểm đông người. Cần tiếp tục có những cảnh báo để người dân biết việc nguy hiểm ra sao nếu tập trung đông người.
Theo ông Nga, thành phố cần có những dự báo trước tình hình, nâng mức cảnh báo, có sự chuẩn bị từ xa, từ sớm. Mỗi người đều thấy giật mình với cảnh "biển người" chen chân đi chơi Trung thu khi Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách xảy ra ngày hôm qua. Trong đó người dân có sự chủ quan khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên đã "xả hơi" ra đường.
Trước mắt, ông Nga cho rằng, sau khoảng 3-4 ngày từ đêm Trung thu, nếu ai có triệu chứng ho sốt thì cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế. Người dân cần đi khám, xét nghiệm sớm khi nghi ngờ về tình trạng sức khoẻ. Còn nếu sợ tập trung đông người thì có thể mua kit test nhanh về làm tại nhà. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine toàn dân để phòng chống dịch.
Tránh tâm lý chủ quan, xả hơi sau khi hết giãn cách.
Thông tin trên báo chí, ông Trương Quang Việt - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết, việc người dân Hà Nội đổ ra đường để đi chơi đêm Trung thu tối 21.9 là không thực hiện theo khuyến cáo của UBND TP.Hà Nội.
Ông Việt khẳng định, Chỉ thị của Hà Nội nêu rõ việc ra ngoài đường không được tụ tập đông người, tập trung dưới 10 người và giữ khoảng cách 2 m... Đồng thời Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết.
"Lúc trước người dân hợp tác rất tốt, nhưng sau hơn 2 tháng ở nhà thực hiện giãn cách, làm việc online, người dân có tâm lý bí bách, nên ngay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách là ra khỏi nhà ngay lập tức không cần suy xét. Điều này rất nguy hiểm vì mầm bệnh thâm nhập vẫn còn, vẫn trong cộng đồng, tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lên" - ông Việt nói.
'Biển người' ở Hà Nội tối Trung thu: Sẽ phải trả giá đắt nếu dịch bùng lên PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, ngành Y tế Hà Nội phải giám sát xem từ giờ đến đầu tháng 10 dịch có bùng phát hay không, nếu dịch bùng lên thì sẽ phải trả giá đắt. 21/9 là ngày đầu Hà Nội áp dụng Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND TP về việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch...