Phim Việt phải có bản sắc văn hóa dân tộc
Những năm gần đây, phim Việt đã chuyển mình rõ rệt cả về số lượng phim phát hành cũng như doanh thu.
Thế nhưng, để phim Việt ra khỏi “ao làng” vươn ra màn ảnh thế giới luôn là bài toán khó. Đó là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” diễn ra ngày 25-11, nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 đang diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Cuộc đời của Yến đã đoạt giải ở LHP Philippines 2016 nhờ sự dung dị
Thiếu phim chất lượng
Theo Cục Điện ảnh, trong 3 năm gần đây, số lượng phim sản xuất và phát hành chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% trong tổng số phim chiếu rạp. Doanh thu phim Việt cũng tăng đáng kể với con số 700 tỷ đồng trong 3.000 tỷ đồng tổng doanh thu phim chiếu rạp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo đều chỉ ra rằng, nhìn vào số lượng 40-50 phim ra đời mỗi năm, trong đó có những phim thu về hàng trăm tỷ đồng khiến người ta dễ có cảm giác hân hoan, vui mừng cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam; thế nhưng, những bộ phim trăm tỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là chưa nói đến chất lượng nghệ thuật đích thực.
Từ đầu năm 2019 đến nay, 2/3 trong tổng số 30 bộ phim Việt ra rạp có chất lượng thấp, không thu hồi được vốn. Nguyên nhân là kịch bản cũ, kỹ thuật làm phim còn non kém.
Nhà phê bình lý luận Tô Hoàng chia sẻ, trong 10 năm trở lại đây, cần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim thế hệ làm phim mới, hiện đại nhưng vẫn thuần chất Việt.
Hình ảnh làng quê với vịt, heo vốn dĩ rất thân thuộc trong gia đình nông thôn Việt Nam trở thành nhân vật đáng yêu trong phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Những gương mặt xinh tươi, hiện đại được khắc họa khá thành công trong bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victo Vũ, Phan Gia Nhật Linh… Đặc biệt là nỗ lực đầy tâm huyết và sự táo bạo của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim.
Video đang HOT
Dẫu vậy những điểm mới lạ vẫn dừng ở mức “các mặt hàng tìm khách hàng mới”.
Cha mẹ đẻ của những bộ phim vẫn còn là người đi buôn nghèo gắng gỏi vót vét những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường phim ảnh. Trong hàng chục năm, chất lượng điện ảnh dường như chỉ được cân đo đong đếm bằng thước đo lời hay lỗ, vui cười, kích động tò mò của khán giả, mà quên rằng phim ảnh còn mang trách nhiệm của chứng nhân lịch sử.
Màn ảnh còn phải là tấm gương biểu dương những phẩm giá anh hùng, những chuẩn mực lương tri và lương tâm để lớp người trẻ noi theo. Còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó bản sắc văn hóa dân tộc trong phim là yếu tố cốt lõi để phim Việt vươn ra thế giới.
Đi tìm lối riêng
Chỉ ra con đường để phim Việt đến với màn ảnh thế giới, nhà biên kịch Đoàn Tuấn dẫn chứng, chúng ta từng mang Gái nhảy sang Iran dự LHP quốc tế, bởi đây là bộ phim ăn khách, doanh thu cao. Tuy nhiên, phim bị chủ nhà yêu cầu không chiếu bởi có những cảnh táo bạo trên màn ảnh.
Hay như trước đó, năm 2014, tại một LHP ở Pháp ta mang 2 bộ phim Long thành cầm giả ca và Thần tượng đi dự thì Long thành cầm giả ca nhận được sự yêu thích của công chúng, còn Thần tượng lại bị chê là quá cũ.
Cuộc đời của Yến, bộ phim đơn thuần kể về cuộc đời của một phụ nữ Việt Nam bình dị đã đoạt giải Phim hay nhất do ban giám khảo quốc tế bình chọn ở LHP Philippines 2016. Như vậy có thể thấy, những phim mà ta mang đấu giải thắng lợi là những phim có dấu ấn mạnh mẽ về thiên nhiên, văn hóa con người Việt Nam.
Hay ngay trong các LHP quốc tế Hà Nội, không nước nào gửi phim giải trí hay thương mại tham dự, tất cả các phim tranh giải đều là phim đề tài chiến tranh hay phim về đất nước, dân tộc của họ. Như vậy để hội nhập quốc tế nghiêm túc, cần phải làm phim về nét đẹp, bản sắc văn hóa con người Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa.
Cùng quan điểm phim Việt phải có con đường riêng cho mình, đạo diễn Lê Đức Tiến cho rằng, vấn đề kinh phí và sản xuất phim chưa hẳn là yếu tố quyết định, có những phim ở Iran, Hàn Quốc kinh phí thấp nhưng vẫn gây được tiếng vang lớn trên thế giới. Quan trọng là đội ngũ làm phim phải có trình độ và phải tạo nét riêng cho mình. Cần giảm mảng phim giải trí, yếu tố ly kỳ hấp dẫn vì nước ngoài đã có rất nhiều và những tình huống kỹ xảo, gay cấn vì họ hơn hẳn chúng ta.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông chia sẻ, điện ảnh nước nhà đang phát triển nóng và đang là ngành vượt doanh thu nhà nước giao. Bên cạnh những điều đáng mừng thì chất lượng phim là điều cốt lõi của điện ảnh nước nhà cần được quan tâm, bởi điện ảnh không đơn thuần là giải trí mà phải gắn liền với văn hóa dân tộc, gắn với suy nghĩ, trăn trở của người dân.
Ngành điện ảnh nên tìm đường riêng cho mình, không nên chạy theo phong trào. Trong đó, bản sắc văn hóa dân tộc trong phim cần được đề cao và trên thực tế, điện ảnh thế giới cũng đã trải qua những bước như vậy.
Theo sggp.org.vn
Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế
Với một đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam đang có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề.
Phim Việt Nam ngày càng được khán giả yêu mến, đón xem. Ảnh minh hoạ
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, ngày 25/11, Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế".
Hội thảo là một diễn đàn của những nhà hoạt động điện ảnh trong việc đưa phim Việt ra với thế giới rộng lớn trong thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, công nghiệp văn hoá nói chung cũng như công nghiệp điện ảnh nói riêng là những ngành công nghiệp đặc biệt, bởi nó không chỉ mang lại lợi nhuận như những ngành công nghiệp bình thường khác, mà quan trọng hơn nó còn là tiếng nói của tâm hồn, là văn hoá dân tộc và là hình ảnh của quốc gia đó trong lòng người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Nghệ thuật điện ảnh là một lĩnh vực quan trọng trong số các ngành nghệ thuật tạo nên môi trường văn hoá. Điện ảnh đóng vai trò không nhỏ trong việc xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Vai trò của điện ảnh hết sức đa dạng và sâu rộng, điện ảnh như một loại hình giải trí đặc biệt trong thể thiếu trong đời sống xã hội.
Trong những năm gần đây, việc đầu tư sản xuất, sáng tạo những tác phẩm phim Việt đã thể hiện sự chuyên nghiệp, văn minh của đội ngũ làm điện ảnh trong cả nước.
Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, chỉ ba năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp, mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu rạp (doanh thu phim Việt hơn 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu phim chiếu rạp).
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phim có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, đầu tư nước ngoài tăng lên kéo theo sự gia tăng của cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Sản xuất phim được tiếp cận với công nghệ làm phim mới tạo nên những tác phẩm điện ảnh vừa có tính nghệ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, với một đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam đang có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo. Những tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các Liên hoan Phim Quốc tế.
Tại Hội thảo, các đạo diễn, nhà phê bình phim, những người làm phim tham dự đã có nhiều ý kiến quan tâm tới sự phát triển điện ảnh Việt Nam. Hội nhập với điện ảnh đương đại thế giới hay nói cách khác là đường ra biển lớn luôn là khát khao của các nhà làm phim Việt hiện nay. Nhưng ra biển lớn bằng đường nào và cách nào mới là câu chuyện đáng nói.
Nhà văn-Nhà phê bình phim Tô Hoàng cho rằng từ những trang điện ảnh trong quá khứ có thể rút ra bài học là bản sắc dân tộc trong phim ảnh không chỉ là phương tiện biểu đạt, mà cần được đào xới, khai thông, tìm tới những góc nhìn, sự cảm nhận, đánh giá khái quát hơn, hoàn chỉnh và sâu sắc hơn.
"Gần 10 năm trở lại đây, chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới hướng tới việc làm ra những tác phẩm của một thế hệ làm phim mới hướng tới việc làm cho những gì lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam trên màn ảnh", ông Tô Hoàng nói.
Những con vịt, chú lợn, chú bò... những gia súc rất thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam đã trở thành những nhân vật đáng yêu, có vị trí riêng trong nhiều bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
Những gương mặt trẻ trung, hồn nhiên của những cô gái Việt Nam trong thập niên này được khắc hoạ khá thành công trong những bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh.
Các nhà quay phim Lý Quang Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả bằng ống kính sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị Việt Nam trong những khuôn hình, những góc máy vừa kết hợp được những hiện đại với chất thơ, chất dung dị, mộc mạc của riêng Việt Nam.
Cũng theo ông Tô Hoàng, cuộc đấu tranh anh dũng, quật cường giành độc lập, tự do của chúng ta qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ một lần nữa chắc chắn sẽ trở thành kho chất liệu vàng hứa hẹn rất nhiều cái mới, điều lạ đối với người xem trên thế giới, nếu chúng ta đủ bản lĩnh và vốn nghề nghiệp tạo nên những bộ phim hay.
Theo baochinhphu.vn
Thanh Thúy - Đức Thịnh rạng rỡ trên thảm đỏ khai mạc liên hoan phim Việt Nam lần 21 Hai vợ chồng nghệ sỹ diện trang phục lịch thiệp, sang trọng, thu hút sự chú ý của khán giả. Vợ chồng Thanh Thúy - Đức Thịnh sóng vai cùng nhau trong sự kiện khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 tại TPHCM. Vì là cuối tuần, nên Thanh Thuý quyết định đưa hai con theo tham dự sự kiện...