Phim Việt 2012: Vẫn đẹp là chủ yếu!
Cái đẹp về hình thức nhiều khi lại đi liền với cái ngán ngẩm về nội dung khiến khán giả ngày một xa rời phim Việt…
Bữa tiệc nhiều món
Không thể phủ nhận ưu điểm của phim Việt một vài năm gần đây là sự đa dạng trong thể loại và phim không đợi mùa. Trong vòng 2 năm trở lại đây, các phim Việt ra rạp không còn cần đợi mùa như trước nữa. Tháng nào trong năm, khán giả cũng có thể lựa chọn xem phim Việt ngoài rạp chiếu, dù là mùa phim Tết (vốn là mùa bội thu của phim Việt) hay mùa hè (thời điểm phải cạnh tranh với hàng loạt bom tấn Hollywood) và rải rác các tháng khác trong năm…
Sự đa dạng của thể loại cũng ngày càng được đẩy mạnh. Trong năm 2012, khán giả Việt như được thưởng thức một bữa tiệc điện ảnh nhiều món: hài hước, kinh dị, lãng mạn, hành động… Mới nhất, bộ phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải chuẩn bị ra mắt được giới thiệu là thuộc thể loại phim Noir hiện đại (phim tâm lý ly kỳ, hình sự) cũng gây nhiều tò mò cho khán giả. Bên cạnh đó là một Mỹ nhân kế đóng mác Dũng “khùng”, với dàn chân dài đình đám và là bộ phim hành động fantasy đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D sản xuất tại Việt Nam. Giữa rừng phim hài (dự đoán phần nhiều là… nhảm) ra rạp trong dịp Tết 2013, Mỹ nhân kế là một điểm sáng được nhiều tín đồ điện ảnh Việt chờ đợi.
Bên cạnh phim điện ảnh là phim truyền hình. Màn ảnh nhỏ Việt Nam 2012 cũng chứng kiến nhiều sự đột phá. Phim giờ vàng đua nhau lên sóng, đáng chú ý là bộ phim dài tập Cầu Vồng Tình Yêu việt hóa từ kịch bản Hàn. Chiếm sóng giờ vàng VTV3 suốt gần 1 năm trời, Cầu Vồng Tình Yêu đã để lại cho khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc và là tâm điểm của cộng đồng mạng trong suốt một thời gian dài.
Cầu Vồng Tình Yêu – một bộ phim truyền hình thành công năm 2012
Phim truyền hình cũng là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim khai thác. Năm 2012, phim truyền hình Việt phát triển song song trên cả hai địa hạt là phim chính luận và phim giải trí, dù chưa thực sự xuất sắc toàn diện nhưng ở thể loại nào cũng có những gương mặt tiêu biểu gây ấn tượng với khán giả.
Có thể nói, năm 2012, khán giả Việt không thiếu phim để xem, chỉ tiếc là…
Hình thức vẫn là chủ yếu
Video đang HOT
Không khó để nhận ra rằng phim Việt thời gian gần đây rất chăm chút về mặt nhìn, có lẽ bởi đó là yếu tố tác động đến người xem trước nhất. Rõ nhất là trong các bộ phim điện ảnh. Bối cảnh phim nào cũng đẹp lung linh, diễn viên trai xinh gái đẹp, cảnh quay được chăm chút kỹ lưỡng. Nhưng có lẽ do quá chú ý đến phần nhìn mà nhiều nhà làm phim bỏ qua phần quan trọng nhất của một bộ phim – là nội dung.
Cảnh phim “Cưới ngay kẻo lỡ”
Bởi thế mà một N àng men chàng bóng, với hai diễn viên ngôi sao Ngô Kiến Huy – Đinh Ngọc Diệp trở thành một đại thảm họa; một Gia sư nữ quái với đôi tiên đồng ngọc nữ Bảo Thy – Isaac cũng chỉ trên nhảm một nước; một Cưới ngay kẻo lỡ với cảnh quay đẹp lung linh nhưng bị chê là chọc cười thô tục; hoặc ngay cả Thiên mệnh anh hùng, bộ phim được khen ngợi nức lòng, thực ra cũng gây ấn tượng nhiều nhất bởi sự trau chuốt của hình ảnh, còn nội dung dường như vẫn chỉ là thứ yếu.
“ Thiên mệnh anh hùng “ cũng “đẹp là chủ yếu”
Những bộ phim màn ảnh nhỏ cũng không mấy khá khẩm hơn. Ở thời điểm nhà nhà làm phim, người người đi đóng phim, việc trở thành một diễn viên làm nhiệm vụ… đi lại trên màn ảnh có vẻ cũng không quá khó. Hàng loạt bộ phim truyền hình ra đời với dàn diễn viên như thế khiến cho chất lượng phim Việt đi xuống… không phanh. Rõ ràng nỗ lực tìm kiếm những gương mặt đẹp cho màn ảnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cái đẹp về hình thức nhiều khi lại đi liền với cái ngán ngẩm về nội dung khiến khán giả ngày một xa rời phim Việt.
Thảm họa – năm nào cũng “xôm”
Cùng với câu chuyện hình thức lấn át nội dung là câu chuyện về thảm họa trong điện ảnh. Năm 2012 cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng, thậm chí năm nay những thảm họa của điện ảnh Việt còn được mùa bùng nổ, với kha khá những bộ phim khiến khán giả xem xong phải… lắc đầu lè lưỡi.
Đình đám nhất phải kể đến màn tấu hài siêu vô duyên của danh hài Hoài Linh hồi đầu năm mang tên Hello cô Ba và đại thảm họa Nàng men chàng bóng những tháng gần cuối năm. Với Hello cô Ba, danh tiếng của Hoài Linh bị lùi đi một bậc chỉ vì một phút chọn kịch bản sai lầm. Bộ phim này đầy rẫy những màn chọc cười vô tội vạ và cả vô duyên, nhưng lại không mấy đáng cười. Kịch bản phim vô lý, lỏng lẻo và thể hiện rõ sự hời hợt trong xây dựng tình huống phim, xây dựng nhân vật.
Nàng men chàng bóng, bộ phim của đạo diễn Võ Tấn Bình cũng không khá khẩm hơn là mấy khi bị đặt cho hàng loạt cái tên như: Đại thảm họa, thảm họa chúa, siêu nhảm nhí… Thêm vào đó, phim còn bị lên án là bóp méo thế giới đồng tính, nội dung sai lệch và phản cảm, sử dụng hình ảnh người đồng tính, chuyển giới như một yếu tố gây cười dung tục…
Đại thảm họa của năm 2012: Nàng men chàng bóng
Bao giờ hết thời “biết rồi khổ lắm nói mãi…”
Năm nào cũng vậy, câu chuyện về hình thức lấn át nội dung hay những bình hoa di động trên màn ảnh không còn là chuyện mới. Ngay cả chuyện những bộ phim thảm họa, nhảm nhí, năm này qua năm khác, sự khác biệt duy nhất có lẽ chỉ là tên các bộ phim, còn nguyên nhân dẫn đến thảm họa và nhảm thì cũng vẫn chỉ là chuyện “nói đi rồi nói lại”.
Câu chuyện của những Nàng men chàng bóng, Hello cô Ba năm nay cũng na ná như chuyện của Cảm hứng hoàn hảo (2011) hay Em hiền như ma sơ (2010). Vẫn một lối làm phim dễ dãi, hời hợt, sống bám vào ngôi sao và kiểu chọc cười vô tội vạ của các nhà làm phim Việt. Lời than cuối cùng chỉ dành cho khán giả, rằng bao giờ mới hết thời “biết rồi khổ lắm nói mãi…” vào mỗi dịp cuối năm nhìn lại.
Theo TTVN
Phim Việt 2012: Thảm họa đạt đến 'đỉnh'
Phim điện ảnh đua nhau ra rạp nhưng chất lượng không tốt, phim truyền hình rớt giá thảm hại và một liên hoan phim quốc tế gây chú ý dư luận nhờ... một khách không mời có sở thích khoe thân.
Đã đi gần hết năm 2012, nhìn lại hoạt động của phim Việt trong năm qua, những ai là khán giả quan tâm đến tình hình phát triển của điện ảnh-truyền hình trong nước sẽ tiếp tục lắc đầu, buồn nhiều, vui ít. Dưới đây là 3 mấu chốt chính khiến làng phim chưa thể sáng sủa thêm.
Thảm họa điện ảnh đạt đến "đỉnh"
Bộ phim Nàng men chàng bóng đã nhận những lời chỉ trích nặng nề nhất.
Mặc dù sự xuất hiện của Scandal và trước đó là Thiên mệnh anh hùng - những tác phẩm điện ảnh chất lượng của đạo diễn Victor Vũ hay Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh xoa dịu phần nào sự u ám của màn ảnh Việt chiếu rạp nhưng hiệu quả của nó vẫn không thể làm mất "dư vị" của những lời chỉ trích nặng nề dành cho "siêu phẩm nhảm" mang tên Nàng men chàng bóng của đạo diễn Võ Tấn Bình.
Nàng men chàng bóng được xem là "đỉnh điểm" của thảm họa phim Việt với kiểu làm phim câu khách, rẻ tiền và không thể nào "cảm" được. Tuy được đầu tư chi phí cao, có những cảnh quay đẹp nhưng những yếu tố đó vẫn không đủ để khán giả, giới báo chí bớt đi sự khắt khe trong việc đánh giá, bình phẩm tác phẩm này.
Vì Nàng men chàng bóng quá "nổi bật" nên vô tình "giảm án" cho những bộ phim khác cũng "xứng đáng" liệt vào danh sách "Thảm họa phim Việt" năm qua như Ranh giới trắng đen hay Gia sư nữ quái.
LHP quốc tế được hâm nóng nhờ màn khoe thân của... khách không mời
Nhờ Hồng Quế, khán giả trẻ biết đến LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai.
Chuyện LHP điện ảnh dù quốc tế hay quốc nội ở nước ta được tổ chức ra không dành cho khán giả là chuyện này đã cũ, hay có thể gọi là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng cứ sau mỗi kỳ LHP, người ta lại chạnh lòng vì khán giả gần như đứng ngoài "cuộc vui". Từ LHP Việt Nam, đến giải Cánh diều vàng hay mới đây là một LHP mang tầm quốc tế với danh xưng LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai đều diễn ra một cách trầm buồn.
So với lần trước, LHP quốc tế Hà Nội năm nay đã ít nhiều được dư luận khán giả quan tâm hơn, nhưng đáng tiếc, sự chú ý không đến từ cách tổ chức, những ngôi sao nước ngoài bước trên thảm đỏ hay một bộ phim "gây chấn động" nào đó. Mà nói một cách chính xác và thẳng thắn, nếu không có chiếc váy xuyên thấu của Hồng Quế - vị khách không mời mà đến, có lẽ chẳng khán giả nào - nhất là các bạn trẻ vốn vẫn xem phim mỗi ngày, biết rằng có một LHP "đẳng cấp quốc tế" đang diễn ra tại chính nơi mình sinh sống.
Phim truyền hình "rớt giá"
Nhiều bộ phim truyền hình lên sóng, rồi kết thúc một cách lặng lẽ, chẳng gây được hiệu ứng gì (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Việc đẩy mạnh số lượng phim Việt trên sóng truyền hình đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim tung hoành với mấy chục đầu phim nhiều tập ra đời mỗi năm. Khán giả được thưởng thức nhiều món ăn từ những nhà làm phim trong nước, thay vì cứ ăn mãi những món kim chi của Hàn Quốc hay bánh bao của Hong Kong, Trung Quốc.
Thế nhưng, chính vì ưu ái "người Việt xem phim Việt" mà thời gian gần đây, sóng truyền hình xuất hiện hàng loạt những bộ phim kém chất lượng, nội dung sơ sài, quay nhanh quay ẩu với những câu chuyện na ná nhau, sạn nhiều hơn... ăn cơm độn.
Nếu như trước đây, mỗi năm vẫn có một, hai bộ phim truyền hình tạo được dư luận tốt thì trong năm qua, thật khó để tìm một phim khiến khán giả phải tranh luận, bình luận xôn xao với những chủ đề dài hàng trăm trang trên các trang web phim ảnh. Thậm chí, để "hút" người xem, bộ phim Thời gian để yêu phải dùng đến "chiêu" kêu gọi khán giả nhắn tin dự đoán tình huống tiếp theo với giải thưởng là những chiếc iPad sành điệu. Tuy nhiên, cách làm tích cực này vẫn không thể giúp bộ phim "hot" như mong đợi của nhà sản xuất. Riêng bộ phim Cầu vồng tình yêu, dù được yêu thích, song sức lan tỏa không rộng, không tạo "sốt" như Cổng mặt trời, Gọi giấc mơ về, Bỗng dưng muốn khóc... của mấy năm trước.
Đã có rất nhiều bài phân tích, phê bình sự "rớt giá" của phim truyền hình Việt, nhưng nhìn chung, sở dĩ phim Việt trên màn ảnh nhỏ mất sức hút chính vì kiểu làm phim "ăn xổi ở thì" và thái độ "làm cho xong" của cả nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên.
Kịp nhận ra điều đó nên mới đây, các đài truyền hình bắt đầu đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế đưa lên sóng những tác phẩm "nửa vời", kém chất lượng. Hy vọng với tình hình này, năm 2013 tới đây người xem được thưởng thức nhiều bộ phim hay, hấp dẫn đúng nghĩa.
ANH DƯƠNG
Theo Infonet
4 đạo diễn 'bạc tỷ' của làng phim Việt Dù làm phim thị trường hay nghệ thuật, Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Dũng "Khùng", Phước Sang đều dễ dàng "ẵm" doanh thu hàng chục tỷ đồng. Charlie Nguyễn: Đạo diễn của những kỷ lục Vừa về nước, anh chàng đạo diễn vốn là cháu trai của tài tử Nguyễn Chánh Tín đã khiến báo chí và công chúng mắt tròn mắt dẹt với...