Phim ‘Đất rừng phương Nam’: Có thể hư cấu nhưng đừng làm sai lệch lịch sử
Chuyên gia cho rằng, bộ phim có thể hư cấu cho hấp dẫn hơn so với nguyên tác, khiến cho kịch bản phim kịch tính hơn, thu hút hơn, nhưng đừng để sai lệch lịch sử.
Bộ phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt được chờ đón của năm 2023. Phim xoay quanh nhân vật bé An đi tìm cha giữa bối cảnh cuộc nổi dậy chống Pháp của người miền Nam đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, ngay từ những suất chiếu sớm, bộ phim nhận nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, trong đó, câu chuyện về các bang nhóm như Thiên địa hội được dành khá nhiều “đất”.
Bộ phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận nhiều ý kiến trái chiều về nội dung.
Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân đã có những trao đổi với VTC News về bộ phim đang được đông đảo khán giả quan tâm này.
- Chị đánh giá thế nào về chất lượng nghệ thuật của bộ phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa ra mắt khán giả?
Tôi luôn quan niệm rằng phim ảnh là một tác phẩm nghệ thuật mang tính chất chỉnh thể, có nghĩa là mọi yếu tố ở trong đó đều phải hết sức chặt chẽ và logic, đồng thời tạo cảm giác mãn nhãn cho người xem.
Đất rừng phương Nam là một bộ phim có những thành công về mặt nghệ thuật. Phim có những đại cảnh lớn, huy động đông đảo diễn viên quần chúng cho thấy sự công phu của đạo diễn. Những khung hình đẹp, cũng giúp giới thiệu một phần mảnh đất Nam Bộ, trong đó có rừng tràm Trà Sư ở An Giang.
Diễn xuất của các diễn viên, có những diễn viên còn rất mới, đóng phim lần đầu nhưng tương đối tròn vai. Phần âm nhạc mặc dù vẫn sử dụng bài hát cũ, đã nổi tiếng trong phim truyền hình nhưng qua bàn tay hòa âm phối khí của nhạc sĩ Đức Trí rất thú vị.
Qua bộ phim, tôi nhận thấy mong ước, cố gắng của những người làm phim thực hiện một tác phẩm đẹp về miền đất phương Nam, với hy vọng sau những cảnh quay ở miền Tây mà cụ thể ở rừng tràm Trà Sư thì có thể tạo nên làn sóng du lịch giống như sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ở Phú Yên. Bên cạnh đó, đây cũng là một bộ phim đề cao tinh thần yêu nước chống Pháp.
Tuy nhiên, dưới góc độ một nhà nghiên cứu, quan tâm đến văn hóa lịch sử Nam Bộ, tôi đánh giá bộ phim như phần tiền truyện của Đất rừng phương Nam, vì thế nên có một cái tên khác thì hay hơn.
- Điều gì trong bộ phim khiến chị đưa ra nhận định này?
Bởi vì phim chủ yếu nói về những hoạt động của người Hoa ở các tổ chức hội kín là Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn.
Các tư liệu lịch sử như bộ “Lịch sử Việt Nam” mới nhất gần đây, xuất bản năm 2017 do Viện Sử học biên soạn cùng với những tên tuổi như GS. Trần Văn Giàu, học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Sơn Nam… đều cho rằng lúc đó có hai hình thức hội kín của Thiên địa hội, một là hội kín yêu nước kháng Pháp có cả người Hoa và người Việt tham gia thì đã chấm dứt hoạt động kể từ năm 1916.
Còn loại hội kín của người Hoa mang tính chất băng đảng giang hồ cũng mang danh Thiên địa hội thì vẫn hoạt động mạnh mẽ xuyên suốt từ cuối thế kỷ 19 cho đến năm 1975.
Đối với những ai đã đọc nguyên tác Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi sẽ cảm thấy hụt hẫng bởi vì họ trông chờ vào một cốt truyện quen thuộc. Tuy nhiên, bộ phim lại tập trung nói về những người Hoa chống Pháp trong tổ chức hội kín. Ngoài ra, một số chi tiết về trang phục hay một số chi tiết tôi cho là thô thiển về mặt ngôn ngữ, tình tiết hay động tác của nhân vật là những hạt sạn làm cho chất lượng phim giảm đi.
- Theo đánh giá của chị phim có sự khác biệt khá nhiều so với nguyên tác “Đất rừng phương Nam”, trong đó câu chuyện về các bang nhóm như Thiên địa hội được dành khá nhiều “đất”?
Kết thúc bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có dòng chữ chạy “lấy cảm hứng từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi”. Tôi cho rằng những người làm phim hoàn toàn có quyền hư cấu một bộ phim mới lấy cảm hứng từ nguyên tác văn học nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật lịch sử, không thể làm sai lệch lịch sử.
Nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân Nam Bộ sau năm 1945, chính xác là từ ngày 23/9/1945, còn bộ phim này lại lấy bối cảnh không rõ thời gian. Căn cứ vào những nhân vật trong phim như Hắc Công tử và Bạch Công tử – hai nhân vật trưởng thành và hoạt động trong thập niên từ 20 – 40 của thế kỉ 20 và qua trang phục, bộ phim có mốc thời gian trước năm 1945, ước đoán sẽ vào khoảng thập niên từ 20 – 40.
Video đang HOT
Nếu như vậy thì lúc bấy giờ những tổ chức hội kín kháng Pháp của người Hoa như Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn không còn hoạt động chống Pháp mà chỉ còn là hoạt động của những băng đảng xã hội đen mang tính chất giang hồ, cướp bóc, bảo kê,…
Mặt khác nguyên tác Đất rừng phương Nam không hề có câu chữ nào nhắc đến hai tổ chức Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn, cũng không nhắc đến người Hoa. Chỉ duy nhất ở đầu tác phẩm có nhắc đến chuyện vì mải xem Sơn Đông mãi võ mà cậu bé An bị lạc. Như vậy là hoàn toàn sai lệch về mặt lịch sử.
Như trên đã nói, tôi cho rằng bộ phim cũng có thể hư cấu cho hấp dẫn hơn do với nguyên tác, khiến cho kịch bản phim kịch tính hơn, thu hút hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ hư cấu như thế nào cho hợp lý, đừng để sai lệch lịch sử. Huống chi Đất rừng phương Nam là một tác phẩm quá nổi tiếng của Đoàn Giỏi, đã in dấu ấn trong lòng độc giả nhiều thế hệ và bất cứ sự hư cấu nào cũng cần hết sức thận trọng.
Không nhất thiết phải mượn tên tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi để khiến cho công chúng hiểu lầm về nội dung phim.
- Mức độ nguy hại của những sai lệch này thế nào, thưa chị?
Bộ phim mang tên Đất rừng phương Nam nhưng lại tập trung nói về hội nhóm kín kháng Pháp của người Hoa. Điều này sẽ gây hiểu lầm rằng chỉ có người Hoa là lực lượng chủ chốt để kháng Pháp, chứ không thấy được vai trò của các thành phần khác, đặc biệt người lãnh đạo chính, chủ chốt là Việt Minh.
Ngay trong phim cũng có những chi tiết dễ gây liên tưởng, hiểu lầm. Xem bộ phim này, có thể thấy nổi lên hai tuyến nhân vật, hai tổ chức là Thiên đia hội và cách mạng và bé An chính là sợi dây liên kết giữa hai bên. Những nhân vật Thiên địa hội hiện lên là anh hùng mã thượng, nhân cách, khí tiết đủ cả. Còn nhân vật trong tuyến cách mạng khá mờ nhạt, thậm chí có những nhân vật mặc trang phục người Hoa dù là người Việt…
Đặt trong một bối cảnh phim chung, những hình tượng nhân vật quen thuộc trong lòng người dân Nam Bộ bây giờ bỗng mặc áo kiểu Tàu, khác với những nhân vật khác, và họ đều là những nhân vật chính diện, vậy thì khán giả rất dễ nhận ra sự khác biệt, từ đó dẫn đến những phản ứng.
Phim cũng có chi tiết nhân vật Hai Thành giả làm cái ghế ngồi trên sân khấu, cho bé An đóng vai hoàng đế ngồi lên. Nhân vật cách mạng yêu nước Hai Thành núp dưới tấm khăn phủ, nhắc tuồng cho bé An đọc lên trên sân khấu. Chuyện người giả làm ghế thì thường thấy ở những tuồng tích xưa trình diễn ở Nam Bộ. Nhưng xem cảnh này không rõ những người làm phim có dụng ý gì và rất dễ gây những liên tưởng không hay. Nếu diễn cảnh hai cha con phải làm vậy để gặp nhau thì hết sức lộ liễu và khiên cưỡng.
Không phủ nhận những người Hoa có sự gắn kết với mảnh đất miền Nam, có đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến chống Pháp cũng như những hoạt động trong đời sống về mọi mặt. Tuy nhiên một bộ phim dành 80% thời lượng để nói về hoạt động của Thiên địa hội với những lời thoại, ngay cả chi tiết nhỏ, tỉ mỉ cũng làm rất kĩ như cắt máu ăn thề, thắp hương,… sẽ dễ làm cho khán giả nghĩ đến hình thức hội kín theo kiểu băng đảng giang hồ.
Tôi nghĩ bộ phim với chuyện lấy hội kín làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Nhà sản xuất có thể đổi tên bộ phim, hoàn toàn có quyền làm một bộ phim về hoạt động đấu tranh chống Pháp của người Hoa trên mảnh đất Nam Bộ. Không nhất thiết phải mượn tên tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi để khiến cho công chúng hiểu lầm về nội dung phim. Bởi hiện tại, tên phim Đất rừng phương Nam quá chênh với nội dung của phim, tạo cảm giác có một sự nhập nhằng, xóa mờ về lịch sử.
- Nguyên nhân nào dẫn đến những sai lệch này?
Tôi nghĩ điều này có thể xuất phát từ ê-kíp không quan tâm đến việc cần có những cố vấn về mặt lịch sử, văn hóa Nam Bộ và bản thân người viết kịch bản không am hiểu về mặt lịch sử.
Trong lịch sử, Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn là hai tổ chức khác nhau nhưng các câu thoại của nhân vật trong phim đều nhập hai tổ chức này lại là một. Ví dụ như “An đã tự nguyện cắt máu ăn thề, sống là người Nghĩa hòa đoàn, chết làm ma Thiên địa hội. Anh muốn nó phản bội lời thề, sống đời hèn nhát sao?” hay “Từ nay con là người của Nghĩa hòa đoàn Thiên địa hội, thờ trời làm cha, thờ đất làm mẹ, lấy “kháng Pháp” làm tôn chỉ, lấy tinh thần “Đào viên kết nghĩa” làm nền tảng….”….Điều này cho thấy sự non kém, thiếu hiểu biết về mặt lịch sử.
Đó là sai sót, nhưng nếu những chi tiết này xuất hiện trong phim do nhà sản xuất cố tình đưa vào để gây sốc, gây ra tranh cãi, thu hút dư luận, truyền thông thì đây là con dao hai lưỡi. Khán giả đến rạp vì những tò mò, tranh cãi đó, có thể mang lại doanh thu, lợi nhuận tốt cho nhà làm phim nhưng sẽ rất nguy hại đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là những người không am hiểu về lịch sử.
Ngoài ra, nếu việc cố tình đưa tình tiết Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn vào phim để viết lại lịch sử nhập nhằng dựa vào nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi, dễ gây hiểu lầm rằng thời đó, vai trò của hai tổ chức này không phải là những băng đảng xã hội đen của người Hoa, mà chỉ là tổ chức yêu nước chống Pháp.
Điều này cần phải làm rõ. Lịch sử cũng cần được tôn trọng chứ không phải để tuyên truyền sai lệch thông qua hình thức khéo léo là một bộ phim.
Cục điện ảnh đã thực hiện thẩm định lại bộ phim sau nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
- Quy tụ ê-kíp có uy tín, là những tên tuổi trong ngành nhưng tại sao bộ phim lại gây ra tranh cãi về mặt lịch sử?
Một bộ phim quy tụ ê-kíp uy tín, đều là những tên tuổi của điện ảnh Việt mà có sự sai lệch về mặt lịch sử rất nguy hại. Lý do vì sao? Bởi vì họ có rất nhiều người hâm mộ.
Đơn cử như Trấn Thành, đạo diễn Quang Dũng hay cố vấn trong phim là đạo diễn Vinh Sơn có rất nhiều người hâm mộ. Cho nên những người đó sẵn sàng ủng hộ thần tượng của họ mà bất chấp mọi lý lẽ, họ chỉ cảm thấy rằng thần tượng của họ làm gì cũng đúng. Nhưng họ quên mất rằng thần tượng cũng là con người mà là con người thì cũng có quyền sai lầm.
Tuy nhiên, vì họ là những người nổi tiếng, được nhiều người quý mến, hâm mộ nên khi đã làm gì sơ suất, ảnh hưởng của họ lại lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi nghĩ nếu đã sai thì nên sửa chữa. Nếu cần thiết thì cũng nhận lỗi chứ không thể nào không lên tiếng được. Khán giả cũng cần những lời giải thích, những lời thanh minh, sự thiện chí cầu thị, biết lắng nghe ý kiến của họ để điều chỉnh lại cho phù hợp hơn với bộ phim.
- Mới đây, Cục Điện ảnh đã thực hiện thẩm định lại bộ phim sau nhiều ý kiến từ dư luận. Đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa bộ phim. Ý kiến của chị về phương án này thế nào?
Đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại “Thiên địa hội” và “Nghĩa hòa đoàn”, thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.
Theo ý kiến từ phía đoàn phim cho biết, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa hoà đoàn thành Nam hoà đoàn và Thiên địa hội thành Chính nghĩa hội. Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên địa hội và Nghĩa hoà đoàn từ thời nhà Thanh bên Trung Quốc.
Tôi cho rằng việc đổi tên hai tổ chức trong phim, thể hiện sự cầu thị, biết lắng nghe ý kiến từ phía nhà sản xuất nhưng vấn đề là dù thay tên, cũng không thể cứu vớt được những điểm yếu về mặt nội dung và nghệ thuật của phim.
Có thể thấy, đây là một bộ phim không mang âm hưởng Đất rừng phương Nam mà là một bộ phim ca tụng hội kín kháng Pháp của những người Hoa. Liệu có thể sửa được nội dung phim, trang phục phim hay không? Vấn đề ở đây không phải là sự liên tưởng, mà là thực tế trong phim đã diễn ra những chi tiết, tình tiết như thế.
Tôi vẫn cho rằng việc đổi tên hai tổ chức này là một giải pháp tạm thời, không mang tính chất giải quyết những hiểu lầm về mặt lịch sử đối với nhiều khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ. Nhất là những ai ít quan tâm đến lịch sử thì càng dễ gây những hiểu lầm không đáng có.
Tôi mong các nhà làm phim nên sòng phẳng với khán giả, đừng bám vào danh tiếng nguyên tác Đất rừng phương Nam và chọn một cái tên khác cho phù hợp, đồng thời có thể mở ngoặc đơn chạy một tựa đề phụ kiểu như đây là phần tiền truyện Đất rừng phương Nam. Một số phim nước ngoài cũng có phần tiền truyện. Và nếu vậy tôi tin khán giả cũng sẽ mở lòng với những thiện chí cũng như những ý tưởng của nhà làm phim.
"Đất rừng phương Nam": Trấn Thành ít đất diễn, làm tốt phần hài nhưng bi lại chưa tới
"Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh thực sự là một tác phẩm đáng để khán giả ra rạp.
Thời điểm hiện tại, bộ phim "Đất rừng phương Nam" phiên bản điện ảnh đang là tâm điểm của sự chú ý. Tác phẩm khắc họa tinh thần yêu nước, đấu tranh chống giặc của người dân, đồng thời kể về hành trình đi tìm cha của cậu bé An (Hạo Khang).
An vốn là một cậu bé lớn lên tại thành phố. Bố cậu làm Cách Mạng bị phát hiện nên mẹ con An bị giặc truy đuổi. Trên đường chạy trốn, mẹ An không may qua đời. An được Út Lục Lâm (Tuấn Trần), một gã ăn trộm cưu mang cứu giúp.
Từ đó, hai người bắt đầu hành trình đi tìm bố của An. Suốt hành trình này, bé An được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, gặp gỡ nhiều người cả tốt lẫn xấu, trải qua những sự việc mà trước đây em không bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua.
Việt Nam quá đẹp và đậm chất "tình" trên màn ảnh
Với "Đất rừng phương Nam", khán giả sẽ được thấy một Việt Nam đẹp nên thơ đến nhường nào. Đó là những dòng sông nặng trĩu phù sa, chợ nổi mang đậm bản sắc văn hóa hay vẻ hoang sơ hùng vĩ của những cánh rừng già bát ngát.
Không chỉ vậy, hiện lên trước mắt người xem còn là hình ảnh thành phố, làng quê thời kỳ xưa được tái hiện một cách công phu. Tất cả khiến chúng ta phải choáng ngợp và thốt lên rằng "Việt Nam ta, đất phương Nam đẹp đẽ thế".
Xem "Đất rừng phương Nam", khán giả phải thốt lên rằng đất nước mình đẹp tuyệt vời đến thế.
Nhưng Việt Nam không chỉ đẹp vì phong cảnh, mà còn đẹp vì những con người sống đậm chất tình. Ở câu chuyện giữa Út Lục Lâm và bé An, hai con người vốn xạ lạ nhưng lại trở thành người thân nhất của nhau, đó là tình bạn, tình anh em. Ở câu chuyện giữa cha con bé An hay cha con ông Tiều, đó là nét đẹp của tình phụ tử.
Thế nhưng trong số những cái "tình" được khắc họa ở "Đất rừng phương Nam", cái "tình" lớn lao và thiêng liêng nhất, đó là tình yêu nước nồng nàn, tha thiết. Ông Tiều khi bị bắt thà tự cắn lưỡi, biến mình thành người câm cũng không khai ra bất cứ lời nào. Thầy giáo Bảy bởi yêu nước mà muốn dùng lời ca, tiếng hát để lay động mọi người.
Hình ảnh trong phim "Đất rừng phương Nam"
Trấn Thành ít đất diễn nhưng vẫn có cảnh "đinh", Tuấn Trần - Băng Di - bé Hạo Khang tỏa sáng
Trong dàn cast của "Đất rừng phương Nam", Trấn Thành dĩ nhiên là một trong những cái tên đáng chú ý nhất. Ở tác phẩm lần này, anh đảm nhận vai bác Ba Phi. Đây là một nhân vật phụ, chẳng có quá nhiều đất diễn. Dẫu vậy, khi bộ phim đạt tới cao trào, bác Ba Phi lại gây ấn tượng cho khán giả với tinh thần trượng nghĩa.
Trấn Thành không có nhiều đất diễn trong "Đất rừng phương Nam". Tuy nhiên, anh vẫn có một cảnh "đinh".
Nếu phải chỉ ra ba nhân vật tỏa sáng nhất ở "Đất rừng phương Nam", vậy thì đó phải là Tuấn Trần, Băng Di và bé Hạo Khang. Xuyên suốt bộ phim, Tuấn Trần là người mang tới nhiều tiếng cười cho khán giả với cảnh nhân vật Út Lục Lâm giả vờ làm một công tử giàu sang, đóng vai bà vợ của sĩ quan chỉ huy Pháp hay có những màn đối thoại hài hóm hỉnh cùng bé An.
Trong khi đó, Băng Di lại thể hiện một cách rõ ràng sự khác biệt giữa hai bộ mặt của dì Tư Mắm. Với những khán giả chưa xem bản truyền hình, tin rằng họ sẽ cảm thấy rất bất ngờ trước hai bộ mặt mà dì Tư Mắm của Băng Di đem lại.
Vai Tư Mắm do Băng Di đảm nhận.
Cuối cùng, cần dành những lời khen cho bé Hạo Khang, người đảm nhận vai An. Dù còn ít tuổi lại phải nhận một nhân vật có nhiều sự chuyển biến tương đối phức tạp về tâm lý. Ở những cảnh quan trọng như khi nhân vật An đau lòng vì mất mẹ, xúc động nghẹn ngào khi gặp lại cha hay lo lắng cho Út Lục Lâm, bé Hạo Khang đều thể hiện được cảm xúc của nhân vật.
Diễn viên tốt, đầu tư lớn nhưng vẫn còn điểm trừ về mặt cảm xúc
Có thể nói, "Đất rừng phương Nam" là một bộ phim chỉn chu, được đầu tư công phu về bối cảnh. Dàn diễn viên cho thấy sự nỗ lực hết sức mình để đảm nhận tròn trịa các nhân vật được giao. Bên cạnh đó, các phân cảnh hành động cũng được thực hiện một cách ấn tượng, mãn nhãn.
"Đất rừng phương Nam" làm tốt phần hài, nhưng bi lại chưa tới.
Tuy nhiên, tác phẩm này không phải là không có điểm trừ. Với việc thời lượng của một bộ phim điện ảnh chỉ có hạn, trong khi có quá nhiều nội dung được đưa vào, ekip sản xuất đã không thể đào sâu vào tâm lý của các nhân vật, từ đó xây dựng sự kết nối mạnh mẽ về cảm xúc cho khán giả.
Khi xem "Đất rừng phương Nam", người xem sẽ thấy đây là một kịch bản có câu chuyện, mang lại được tiếng cười. Thế nhưng, phim lại chẳng thể khiến người xem rơi nước mắt, dù rằng những nội dung về gia đình bé An, hoàn cảnh của Út Lục Lâm hay cha con ông Tiều đều có thừa bi kịch.
Ngao ngán vì loạt sạn trong 'Đất rừng phương Nam': Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo 'giả trân' như phim hoạt hình Những thay đổi theo hướng hành động giải trí của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khiến 'Đất rừng phương Nam' có không ít tình tiết phi lý. Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có khá nhiều cải biên so với phiên bản truyền hình năm 1997 và tiểu thuyết...