Philippines vẫn “loay hoay” chờ đợi sau 2 năm xoay trục từ Mỹ sang Trung Quốc
Hai năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố xoay trục từ đồng minh Mỹ sang Trung Quốc để đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế và thương mại, giới quan sát cho rằng Manila dường như vẫn chưa đạt được các kết quả như kỳ vọng và vẫn “loay hoay” chờ đợi động thái từ Bắc Kinh.
Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Năm 2016, ông Duterte rời khỏi Bắc Kinh với khoản vay 24 tỷ USD từ Trung Quốc và hứa hẹn đầu tư từ Trung Quốc để đẩy mạnh kế hoạch xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng nước này. Hai tuần trước đó, ông Duterte, người mới nhậm chức đã sử dụng những ngôn ngữ khá nặng nề với Mỹ, cho rằng mối quan hệ hữu nghị song phương giữa 2 nước là bất công với Philippines. Khi đó, ông Duterte tuyên bố rằng sẽ tốt hơn nếu Manila bắt tay hợp tác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Reuters cho rằng Bắc Kinh mới chỉ thực hiện một phần rất nhỏ hứa hẹn của họ. Còn Tổng thống Duterte bị chỉ trích rằng ông dường như đã quá cả tin vào viễn cảnh mà Bắc Kinh vẽ ra và khiến cho Trung Quốc thực hiện những động thái đe dọa tới chủ quyền quốc gia của Manila.
Theo nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở thủ đô Manila Richard Heydarian, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Philippines trong tuần này, ông Duterte sẽ cần ông Tập “bật đèn xanh” cho các khoản đầu tư. Tổng thống Philippines có thể sử dụng động thái này để biện minh cho cái mà giới quan sát gọi là “nhượng bộ địa chính trị với đối thủ truyền thống”.
Ông Heydarian nói rằng nếu Trung Quốc không mở hầu bao như đã hứa thì dường như ông Duterte đã quá tin tưởng vào Bắc Kinh và đã mất đi lợi thế chiến lược vào tay Trung Quốc vì điều đó.
Bộ trưởng Ngân sách Philippines Benjamin Diokno nhận định sẽ là không hợp lý khi kỳ vọng Trung Quốc thực hiện toàn bộ các cam kết chỉ trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, quan chức này ông Tập sẽ có thể tác động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết sau chuyến thăm sắp tới.
“Chúng tôi rất lạc quan rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ nếu ông Tập sẽ tạo áp lực để đẩy nhanh tiến trình”, ông Diokno nói.
Từ khi lên nắm quyền, ông Duterte đã phát động chương trình cơ sở hạ tầng mang tên “xây dựng, xây dựng, xây dựng”. Đây là trọng tâm trong chiến lược kinh tế của ông, bao gồm 75 dự án quy mô lớn với một nửa trong số đó sử dụng các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Reuters, dựa trên các tài liệu chính phủ Philippines công bố, chỉ có 3 trong số 75 dự án, gồm 2 cây cầu và một công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD được phá dỡ và chờ xây mới.
Số còn lại, gồm 3 dự án đường sắt, 3 dự án đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn đang trong quá trình lên kế hoạch và xem xét nguồn vốn, hoặc chờ đợi Trung Quốc phê duyệt tài chính, hoặc vẫn đang chờ nhà thầu xây dựng từ Bắc Kinh.
Video đang HOT
Gia tăng áp lực
(Ảnh minh họa: Mb.com)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các dự án lớn được 2 bên đồng thuận “vẫn đang tiến triển suôn sẻ và tiếp tục đạt được kết quả tích cực”. Trung Quốc muốn đẩy nhanh các hoạt động thương mại, đầu tư và “tiến hành xây dựng các công trình như đã ký kết”.
Theo số liệu từ phía Philippines, Trung Quốc cam kết đầu tư vào Manila trong nửa đầu năm nay là 33 triệu USD, chỉ bằng 40% so với Mỹ và bằng 1/7 so với Nhật Bản.
Thương mại giữa Truong Quốc và Philippines đã gia tăng đáng kể. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Philippines đã tăng 26% trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, trong khi con số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Philippines tăng 9,8%.
Kể từ khi nhậm chức, ông Duterte đã không ít lần đưa ra những phát ngôn tích cực tới Trung Quốc và thừa nhận mối quan hệ thân thiết giữa ông và ông Tập.
Người dân Philippines đã từng kỳ vọng rất nhiều sau khi Tòa trọng tài quốc tế ở Lahay (Hà Lan) ra tuyên bố có lợi cho Philippines, vô hiệu hóa toàn bộ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, theo Reuters, ông Duterte dường như đã cho phán quyết này “chìm vào quên lãng”.
Thay vào đó, ông Duterte muốn ký thỏa thuận với Trung Quốc để cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trên khu vực Biển Đông. Nhiều nhà lập pháp quan ngại rằng động thái này có thể được coi là ông Duterte ngầm đồng thuận với tuyên bố trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực.
Chuyên gia Heydarian cho rằng nếu ông Duterte không thể chứng minh được rằng Philippines có hưởng lợi từ việc xoay trục từ đồng minh lâu năm sang Trung Quốc, vị thế của ông có thể sẽ bị suy giảm trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, sự kiện được coi là đánh giá thành bại của nhiệm kỳ tổng thống của ông.
“Nếu sau chuyến thăm của ông Tập, vẫn không có những bước tiến cụ thể từ Trung Quốc trong việc đầu tư vào Philippines và nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa phi pháp Biển Đông, ông Duterte có thể sẽ hứng chịu áp lực tối đa”, ông Heydarian đánh giá.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Trung Quốc thất hứa khi "bỏ rơi" các dự án đầu tư tại Philippines?
Giới truyền thông quốc tế gần đây ồ ạt đưa tin về một thực trạng xảy ra tại Philippines liên quan tới những cam kết đầu tư từ chính phủ Trung Quốc. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về số phận của những dự án cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh năm 2016 (Ảnh: AFP)
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc vào tháng 10/2016, Bắc Kinh đã đưa ra cam kết trị giá 24 tỷ USD cho Manila, bao gồm 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và 9 tỷ USD viện trợ, trong nhiều lĩnh vực trọng điểm như đường sắt, cảng, năng lượng và khai khoáng. Tuy vậy, những cam kết này cho đến nay gần như vẫn chưa được hiện thực hóa dù 2 năm đã trôi qua.
Giới truyền thông cũng ngầm đề cập tới quyết định của Philippines khi chấp nhận "nhượng bộ" Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy các khoản đầu tư từ Bắc Kinh. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Duterte được cho là đã từ bỏ lập trường trước đây của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan, trong đó phán quyết của tòa bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền năm 2016 và chính quyền của ông được cho là mềm mỏng với Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng cường quân sự hóa mạnh mẽ một số đảo trên Biển Đông và dần tăng cường sự hiện diện tại vùng biển này. Tuy nhiên theo Alvin A. Camba, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Alberto Del Rosario và là thành viên của Viện nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore, không thể kết luận việc Trung Quốc trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án FDI và viện trợ cho Philippines như đã hứa là toan tính chính trị của Bắc Kinh nhằm lợi dụng những nhượng bộ từ phía Manila. Thay vào đó, cần xem xét những yếu tố thực tế tác động tới hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Philippines.
Lý do từ Philippines
Theo nhà nghiên cứu Alvin, nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc hủy bỏ và trì hoãn các dự án phần lớn xuất phát từ nước chủ nhà Philippines.
Một dự án thủy điện do công ty Power China Guizhou của Trung Quốc và công ty Greenergy Development Corp của Philippines phối hợp thực hiện đã gặp trục trặc trong việc rút vốn vì sự thiếu ổn định liên quan tới Luật Cơ bản Bangsamoro (BBL) do Philippines thông qua gần đây. Luật này cho phép quyền tự trị đối với các khu vực Hồi giáo ở phía nam Philippines. Theo đó, tất cả dự án đầu tư lớn tại tỉnh Mindanao phía nam Philippines đều bị hoãn lại do các nhà đầu tư vẫn cần thời gian cân nhắc thêm các tác động đối với họ.
Một đề xuất trị giá 780 triệu USD từ Trung Quốc nhằm nâng cấp 4 hòn đảo tại Davao đã trở nên bất khả thi sau khi cuộc nghiên cứu kéo dài suốt một năm cho thấy những tổn thất to lớn về kinh tế, môi trường, xã hội do dự án này mang lại cho Philippines. Theo đó, chính quyền địa phương đã quyết định hủy dự án này.
Một thỏa thuận giữa Global Ferronickel, nhà sản xuất quặng nikel lớn thứ ba tại Philippines, và Baiyin Nonferrous Group, đơn vị cung cấp đồng Trung Quốc, đã bị tạm dừng sau khi Philippines công bố lệnh cấm các dự án khai thác mỏ mới. Lệnh cấm kéo dài 6 năm áp dụng đối với các dự án khai thác mỏ quy mô lớn đã ngăn cản các công ty nước ngoài đầu tư vào Philippines.
Trách nhiệm từ hai phía
Người dân Philippines biểu tình yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện "đường lưỡi bò". (Ảnh: EPA)
Chuyên gia Alvin nhận định việc trì hoãn hay dừng các dự án có thể đến từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, trừ khi nhà đầu tư đó trưng ra bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã cố tình rút lui dự án, việc truyền thông đổ lỗi cho "sự thất hứa của Bắc Kinh với Philippines chỉ là những lời đồn đoán mà không có chứng cứ xác đáng.
Cũng theo chuyên gia Alvin, truyền thông khi đưa tin về các dự án bị đình trệ của Trung Quốc đã quên mất rằng FDI và Biên bản ghi nhớ viện trợ (MOU) thường bị trì hoãn, hoặc sửa đổi, thậm chí hủy bỏ sau giai đoạn ký kết ban đầu. Và Trung Quốc không phải là trường hợp duy nhất. Chính quyền Duterte từng ký MOU trị giá 6 tỷ USD với Nhật Bản, 1,2 tỷ USD với Ấn Độ và 650 triệu USD với Ả rập Xê út và Qatar.
Dữ liệu từ ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các con số cam kết và giá trị thực tiễn. Được ký từ tháng 1/2018, MOU giữa Philippines và Ấn Độ cho đến nay mới chỉ đạt 600.000 USD. MOU ký giữa Philippines với Ả rập Xê út và Qatar, trong đó giá trị cam kết lần lượt là 465 triệu USD và 175 triệu USD từ tháng 4/2017, thì nay mới chỉ đạt 3,5 triệu USD cho cả hai. Trong khi đó, cam kết từ tháng 10/2017 với Nhật Bản mới chỉ dừng ở mức 48,3 triệu USD.
Chuyên gia Alvin cho biết có một lỗi thống kê cơ bản khi truyền thông đề cập tới các cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Philippines. Cam kết đầu tư trị giá 24 tỷ USD đang bị hiểu nhầm là FDI của riêng Trung Quốc đại lục, trong khi phần lớn FDI của Trung Quốc tại Philippines thực chất là từ Hong Kong. Nhiều doanh nghiệp theo định hướng nhà nước của Trung Quốc đã chuyển địa điểm hoặc lập chi nhánh ở Hong Kong để tận dụng môi trường tài chính tự do ở hòn đảo này. Do vậy, khi các công ty này đầu tư ra nước ngoài, các dự án của họ nên được đặt dưới tên Hong Kong, thay vì để Trung Quốc nói chung.
Chuyên gia Alvin nhận định không thể đổ lỗi cho Trung Quốc hay chính quyền Tổng thống Duterte về việc trì hoãn hay hủy bỏ các dự án đầu tư. Thay vào đó, cả hai bên cần phải chịu trách nhiệm vì đã tính toán sai các cam kết đầu tư cũng như khả năng hiện thực hóa các cam kết đó, sau đó "thổi phồng" quá mức các cam kết để tăng cường ảnh hưởng chính trị.
Thành Đạt
Theo Dantri/ SCMP
Chủ tịch Trung Quốc tới thăm Philippines: "Cầu vồng sau cơn mưa" Chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến tranh cãi về lập trường gần gũi Bắc Kinh của Manila bất chấp những mâu thuẫn chưa được hóa giải. Tổng thống Duterte đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Philippines ngày 20/11. (Ảnh: Reuters) Theo New York Times, khi Chủ tịch...