Philippines – Nhật Bản: Xích lại gần nhau
Chuyến thăm thứ sáu đến Nhật Bản trong chưa đầy năm năm qua của một Tổng thống Philippines tuần qua cho thấy mối quan hệ ngày một gắn bó sâu sắc giữa Manila và Tokyo.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo ngày 4/6
Với kế hoạch hành động mà Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Benigno Aquino III vạch ra hôm 4/6, chuyến thăm Nhật Bản của ông Aquino (ngày 2-5/6) được xem là một cú hích lớn cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Philippines.
Những bước tiến trong quan hệ hợp tác an ninh Nhật Bản – Philippines tập trung chủ yếu vào an ninh hàng hải. Nhật Bản cam kết sẽ giúp tăng cường năng lực của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Tokyo cũng ký kết một hợp đồng cung cấp tàu tuần tra cho Manila.
Ngoài ra, hai bên còn cam kết sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh bằng việc ký kết thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cũng như tăng cường các cuộc huấn luyện, tập trận chung trong khuôn khổ song phương và đa phương. Thỏa thuận này đặc biệt gây chú ý bởi có nguồn tin tiết lộ, máy bay tuần tra P-3C và các thiết bị radar có thể nằm trong danh sách mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Đây là thỏa thuận thứ hai tương tự mà Tokyo ký kết với một quốc gia Đông Nam Á (sau Malaysia).
Thêm một thông tin gây chú ý là Manila đang cân nhắc khả năng cho phép binh lính Nhật Bản vào lãnh thổ của mình. Thỏa thuận sẽ cho phép các lực lượng an ninh Nhật Bản được tiếp nhiên liệu và nhận nguồn hậu cần trên lãnh thổ của Philippines. Như vậy, Tokyo sẽ có khả năng hoạt động lâu hơn và trên khu vực rộng lớn hơn nếu nước này quyết định thực hiện tuần tra Biển Đông cùng với Mỹ.
Với những bước tiến rõ rệt như thế, quan hệ Nhật Bản và Philippines hứa hẹn trở thành một liên minh vững mạnh và ảnh hưởng lớn đối với an ninh và ổn định của khu vực trong tương lai.
Video đang HOT
Thực ra, giữa hai nước từ lâu đã tồn tại một mối quan hệ gắn bó. Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda muốn khởi đầu chính sách tiếp cận mới với khu vực Đông Nam Á vốn bị ám ảnh bởi thời kỳ chiếm đóng của phát xít Nhật thời Thế chiến II, ông đã chọn Thủ đô Manila làm nơi giới thiệu “Học thuyết Fukuda” nổi tiếng năm 1977. Kể từ đó, quan hệ Nhật Bản – Philippines được củng cố với kinh tế đóng vai trò lớn. Không dừng lại ở đó, Manila và Tokyo ra sức củng cố liên minh quân sự và quốc phòng trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược được ký kết năm 2011.
Giới phân tích cho rằng, có cùng mối lo đến từ thách thức an ninh quốc gia sát sườn hiện nay, Philippines và Nhật Bản tự nhiên muốn xích lại gần nhau.
Về phía Nhật Bản, mặc dù quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã ấm lên trong vài tháng qua, với cuộc hội đàm giữa ông Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng nhìn chung quan hệ hai bên vẫn trong cảnh đóng băng. Trung Quốc và Nhật Bản đã tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông nhiều thập kỷ qua. Tranh chấp này càng nóng lên sau khi Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền và máy bay vào khu vực quần đảo này.
Từ cuộc chạm trán giữa tàu Trung Quốc và Philippines vào tháng 4/2012, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough – ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines. Bởi thế, bất chấp nền kinh tế khá yếu kém và tình trạng quân đội bấp bênh, Philippines vẫn là quốc gia lớn tiếng nhất chỉ trích Trung Quốc trong khu vực. Trong bài diễn văn trước Quốc hội Nhật Bản, Tổng thống Aquino nói rằng: “Sự thịnh vượng của ngành hàng hải và miền duyên hải Đông Á và Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi nỗ lực nhằm vẽ lại ranh giới địa lý và thiết lập chủ quyền bên ngoài những gì được quy định bởi luật quốc tế”.
Ông Aquino không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên so sánh tình hình hiện tại ở Đông Á với các cuộc xung đột thế giới thế kỷ trước. Đầu năm 2014, Thủ tướng Abe đã kích động tranh cãi khi so sánh Nhật Bản và Trung Quốc giống với Anh và Đức trước thềm Thế chiến I. Chính phủ Nhật Bản sau đó đã giảm bớt tính nghiêm trọng của bình luận đó và cho rằng đó là lỗi phiên dịch.
Cam kết từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản và Philippines có vẻ như bắt đầu được triển khai trên thực tế khi có tin hai nước này có kế hoạch tiến hành cuộc diễn tập chung trên biển từ ngày 23-24/6 ở Biển Đông. Đây là lần thứ hai Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập trên biển, sau cuộc diễn tập thông tin liên lạc tháng trước.
Theo giới truyền thông, Tokyo có thể bán thiết bị quân sự cho Manila, bao gồm máy bay trinh sát chống ngầm P-3C và công nghệ radar thế hệ mới. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản có ý định bán P-3C cho nước ngoài kể từ khi quốc gia này dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu quân sự hồi năm ngoái.
Theo Kim Yến
Thế giới và Việt Nam
Đối phó những thách thức an ninh mới
Chưa đầy một năm sau chuyến công du Nhật Bản cuối tháng 6-2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa rời Manila đi thăm Nhật Bản từ ngày 2 đến 5-6. Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á Benigno Aquino hiện diện tại đất nước Mặt trời mọc kể từ khi nhậm chức năm 2010.
Thế nhưng chuyến thăm đang diễn ra lại mang một tầm vóc mới vì đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông B.Aquino trên cương vị Tổng thống Philippines tới Nhật Bản với nhiều kỳ vọng trong quan hệ hai nước thời gian tới.
Philippines và Nhật Bản vừa tổ chức cuộc diễn tập chống cướp biển ngoài khơi Philippines
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai nước đang phải đối phó với những thách thức an ninh khi Trung Quốc liên tục có hành xử đơn phương gây căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng có những động thái làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông khi ráo riết xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, bất chấp phản đối mạnh mẽ của các nước có chủ quyền liên quan cũng như luật pháp quốc tế.
Trước những thách thức đó, cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống B.Aquino với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe tại Tokyo vào ngày 4-6 tới sẽ tập trung bàn thảo một loạt vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai quốc gia ở khu vực Châu Á. Trong đó, lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ nhất trí khởi động đàm phán để sớm ký kết một thỏa thuận về chuyển giao trang thiết bị quốc phòng cũng như thảo luận một hiệp ước về quy chế dành cho quân nhân Nhật Bản đến Philippines tham gia các cuộc huấn luyện chung.
Sau khi nới lỏng quy tắc khắt khe về xuất khẩu vũ khí hồi tháng 4-2014, Nhật Bản hiện đã có thể xuất khẩu trang thiết bị và công nghệ quốc phòng với điều kiện nước nhập khẩu ký một thỏa thuận về cấm chuyển giao công nghệ Nhật Bản cho nước thứ ba. Vì thế, qua chuyến thăm, Nhật Bản và Philippines sẽ đẩy nhanh tiến độ để có thể sớm ký một thỏa thuận như vậy. Trong đó, máy bay tuần tra P3-C và các thiết bị radar của Nhật Bản được xem là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng cho Philippines.
Trước đó, trong chuyến công du Philippines tháng 7-2013, Thủ tướng S.Abe đã cam kết giúp đỡ củng cố năng lực giám sát biển của Philippines bằng cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển nước này nhằm giám sát những vùng lãnh hải tranh chấp. Dự kiến cuối năm nay Philippines sẽ nhận chiếc tàu tuần tra đầu tiên trong số 10 tàu tuần tra có chiều dài 40m mà Nhật Bản đang đóng cho Manila.
Là một trong hai đối tác chiến lược quan trọng của Philippines cùng với Mỹ, Nhật Bản ngày càng xích lại gần Philippines là dễ hiểu, đặc biệt những hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Đầu tháng 5 vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines và Nhật Bản cũng đã tiến hành cuộc diễn tập chung chống cướp biển; đồng thời, hai tàu khu trục Nhật Bản và một trong số tàu chiến mới nhất của Philippines đã có cuộc tập trận hải quân lịch sử trên Biển Đông.
Cuộc tập trận dài ngày này, vốn là cuộc diễn tập hải quân song phương đầu tiên giữa Nhật Bản và Philippines, được thao luyện cách bãi đá ngầm Scarborough do Manila tuyên bố chủ quyền, song hiện do Trung Quốc kiểm soát và gọi là đảo Hoàng Nham, chỉ chưa đầy 300km. Dù Philippines khẳng định cuộc tập trận chỉ nhằm tăng cường năng lực quân sự nhưng các nhà phân tích an ninh cho rằng đây là dấu hiệu gia tăng sức mạnh hải quân của nước chủ nhà liên quan tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua.
Không chỉ với Philippines, các động thái gần đây cho thấy Nhật Bản ngày càng coi trọng hợp tác với ASEAN thông qua những thay đổi trong chính sách đối ngoại cũng như an ninh. Nhằm thể hiện sự can dự hơn vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 mới đây ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã nêu đề xuất của nước này về "Sáng kiến Đối thoại Shangri-La" nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực.
Sáng kiến tập trung vào ba yếu tố gồm: Hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung và xem xét những biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm.
Rõ ràng, với vai trò cầu nối giữa Nhật Bản với ASEAN, chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống B.Aquino không chỉ khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước mà còn cho thấy vai trò không thể thiếu của Nhật Bản trong duy trì an ninh khu vực.
Theo Đình Hiệp
Hà Nội mới
Philippines ngừng mọi hoạt động xây dựng ở Trường Sa Philippines tuyên bố ngừng tất cả các hoạt động xây dựng tu sửa các công trình tại các đảo mà nước này đang kiểm soát ở Trường Sa. Hoạt động tạo đảo của Trung Quốc trên Gạc Ma, thuộc Trường Sa. Chính phủ Philipines ngày 3/10 đã ra tuyên bố trên, nhằm tránh làm ảnh hưởng tới kết quả của vụ kiện Trung...