Philippines, Malaysia, Indonesia tuần tra chung chống IS
Malaysia cho biết nước này sẽ cùng Philippines, Indonesia tuần tra chung ở ngoài khơi đảo Mindanao để chống phiến quân IS.
Lính Philippines chiến đấu ở thành phố Marawi. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp an ninh hôm nay ở Đối thoại Shangri-la tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết binh lính nước này và Indonesia, Philippines từ ngày 19/6 sẽ tuần tra chung ở vùng nước ngoài khơi đảo Mindanao của Philippines, nhằm chống lại những mối đe dọa từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ba nước sau đó cũng sẽ tuần tra chung trên không, ngày bắt đầu cụ thể chưa được công bố, theo AFP.
Tuyên bố của ông Hishammuddin được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang chiến đấu chống lại các tay súng nổi loạn hoạt động theo kiểu IS ở thành phố Marawi, Mindanao gần hai tuần nay.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố thiết quân luật ở Mindanao để đối phó khủng hoảng. Ông Duterte mô tả cuộc tấn công vào Marawi của các phiến quân là phần mở đầu trong chiến dịch lớn của IS nhằm thiết lập chỗ đứng ở Philippines.
Các nhà phân tích an ninh nói IS đang có kế hoạch thành lập một tỉnh ở Mindanao, nam Philippines, trong nỗ lực thiết lập vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết nước này từng cùng Indonesia và Singapore đã tuần tra chung thành công ở eo biển Malacca để chống cướp biển.
Video đang HOT
Ông Hishammuddin và các bộ trưởng quốc phòng khác cũng cảnh báo mối đe dọa đến từ sự trở về của các chiến binh Đông Nam Á đang chiến đấu cùng IS ở Syria và Iraq, nơi IS đang mất vùng kiểm soát.
Vị trí của Mindanao
Văn Việt
Theo VNE
Nguy cơ Philippines trở thành thành trì mới của IS tại châu Á
Việc hàng chục phần tử thánh chiến nước ngoài sát cánh cùng các tay súng phiến quân thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong cuộc bạo loạn tại Philippines tuần qua cho thấy Manila có thể đang trở thành một thành trì mới của IS tại châu Á.
Quân đội Philippines dốc toàn lực giành lại thành phố từ tay phiến quân thân IS
Nhóm khủng bố khét tiếng Abu Sayyaf tại Philippines (Ảnh: BBC)
Theo Reuters, trong tuần qua, hàng chục phần tử thánh chiến nước ngoài đã tham gia chiến đấu cùng các tay súng của nhóm phiến quân Maute từng thề trung thành với IS để chống lại lực lượng quân đội chính phủ tại thành phố Marawi, miền nam Philippines. Đây là bằng chứng cho thấy khu vực bất ổn này đang nhanh chóng trở thành một thành trì mới của IS tại châu Á.
Một nguồn tin tình báo của Philippines cho biết, trong số 400-500 tay súng phiến quân tấn công thành phố Marawi trên đảo Mindanao hôm 23/5, có tới 40 tên đến từ nước ngoài, trong đó có các quốc gia ở khu vực Trung Đông. Theo nguồn tin trên, các phần tử thánh chiến nước ngoài đổ về Marawi gồm người Indonesia, Malaysia, Pakistan, Ả rập Xê út, Yemen, Ấn Độ, Maroc và một người mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình trạng bạo loạn tại Marawi bùng phát vào chiều 23/5 sau khi lực lượng quân đội Philippines đột kích nơi ẩn náu của Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Abu Sayyaf tại Philippines. Hapilon cũng đồng thời là phần tử đứng đầu nhánh IS tại Philippines. Tính đến nay đã có tới 100 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, và quân đội Philippines cũng đang dốc toàn lực để giành lại quyền kiểm soát tại các khu vực mà nhóm phiến quân đang chiếm đóng.
Ông Rohan Gunaratna, chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận định: "IS đang bị thu hẹp địa bàn tại Iraq và Syria, đồng thời phân tán rải rác ở khu vực châu Á và Trung Đông. Một trong những khu vực mà chúng đang mở rộng địa bàn là Đông Nam Á, và Philippines là trọng tâm của quá trình mở rộng này".
Khu vực Mindanao bất ổn tại Philippines
Các tay súng thuộc nhóm phiến quân nổi loạn xuất hiện trên các đường phố tại Marawi, Philippines chiều 23/5 (Ảnh: Sun Star)
Trong hàng chục năm qua, khu vực Mindanao của Philippines đã trở thành địa bàn hoạt động của tệ nạn cướp bóc, các đợt nổi dậy của phiến quân và các phong trào ly khai. Tuy nhiên, các quan chức Philippines từ lâu đã cảnh báo rằng chính tình trạng nghèo đói, vô pháp luật cũng như sự lỏng lẻo của an ninh biên giới ở những khu vực đông dân Hồi giáo của Mindanao đã biến nơi này trở thành một căn cứ của các phần tử cực đoan đến từ Đông Nam Á và những nơi khác, đặc biệt là các tay súng bị đánh bật ra khỏi cuộc chiến ở Iraq và Syria.
Mặc dù IS và các nhóm thân với tổ chức này từng lên tiếng nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công ở Đông Nam Á trong vòng 2 năm qua, nhưng cuộc giao tranh tại thành phố Marawi trong tuần qua là cuộc đối đầu kéo dài đầu tiên giữa các tay súng trung thành với IS và lực lượng an ninh Philippines.
Năm 2016, các phiến quân Đông Nam Á chiến đấu cho IS ở Syria đã công bố đoạn video kêu gọi các "đồng hương" tham gia vào cuộc chiến ở miền nam Philippines hoặc tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ngay tại quê hương họ, thay vì tìm đường sang Syria tham chiến.
Người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của lực lượng cảnh sát Malaysia, Ayob Khan Mydin Pitchay, đã nêu danh tính của 4 công dân Malaysia được cho là đã sang Minadanao để gia nhập các nhóm phiến quân tại đây. Trong số này có một đối tượng là giảng viên đại học tên là Mahmud Ahma. Ahma được cho là đã sẵn sàng đảm nhận vị trí thủ lĩnh của IS ở miền nam Philippines nếu thủ lĩnh hiện nay Isnilon Hapilon bị tiêu diệt.
Trong khi đó, giới chức Indonesia cho biết 38 công dân nước này đã tới miền nam Philippines để tham gia vào các nhóm phiến quân "chân rết" của IS, trong đó có khoảng 22 người đã tham gia vào các cuộc giao tranh đối đầu với lực lượng quân đội Philippines. Trong 4 ngày đầu giao tranh tại thành phố Marawi hồi tuần trước, 8 trong số 33 phiến quân bị tiêu diệt là người nước ngoài.
Để ngăn chặn tình trạng này, một nguồn tin thuộc đội chống khủng bố của Indonesia cho biết giới chức nước này đã tăng cường giám sát ở một số khu vực để ngăn các tay súng di chuyển bằng đường biển từ Indonesia tới miền nam Philippines.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Tổng thống Duterte: Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ có thể gia nhập ASEAN Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thúc đẩy việc tiếp nhận Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ vào ASEAN, bác bỏ mối quan ngại về vị trí địa lý của các nước này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: GMANews "Họ muốn gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và bởi tôi làm chủ tịch, Philippines làm chủ tịch,...