Phiêu diêu ở ‘vùng đất bằng trên cao’ Phiêng Chỉ
Phiêng Chỉ đẹp, theo tôi, không khác gì Mông Cổ hay Tây Tạng… với những đàn ngựa nhẩn nha gặm cỏ trên thảo nguyên.
Biển, mây trắng xóa như nuốt các dãy núi – Ảnh: TRẦN MINH PHƯƠNG
Nơi đẹp nhất Bắc Kạn, với tôi, là thôn Phiêng Chỉ – nơi sinh sống của người Dao đỏ. Đường lên thôn uốn lượn qua những dãy núi trùng trùng điệp điệp, vượt hết đỉnh đồi này lại thấy đỉnh khác hiện ra.
Leo dốc lên đây, lòng tôi ngân lên mấy câu thơ trong Thư ca thiên di của người Dao: “Vượt qua một ngọn núi, lại một ngọn núi. Mưa gió đêm ngày, đường đi khúc khuỷu, quanh co như ruột dê…”.
Phiêng Chỉ tiếng Dao nghĩa là “vùng đất bằng ở trên cao”. Nói như vậy quả không sai chút nào. Phiêng Chỉ có hệ sinh thái đồng cỏ rộng rãi, bằng phẳng và rất đẹp ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển.
Nương ngô xanh mướt là một trong những nét đặc sắc của cảnh quan Phiêng Chỉ – Ảnh: TRẦN MINH PHƯƠNG
Phiêng Chỉ là bản cao nhất, xa nhất, khó khăn nhất của xã Phúc Lộc, của huyện Ba Bể, mà có khi là của cả tỉnh Bắc Kạn nữa. Phiêng Chỉ chỉ có 53 hộ dân với gần 300 khẩu, tất cả đều là người Dao đỏ di cư từ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng sang đây sau năm 1979.
Anh Trình, người chủ nhà tốt bụng của chúng tôi, kể: “Xưa ở đây cũng có bản, có người sinh sống, nhưng sau điều kiện khó khăn quá người ta bỏ đi. Người Dao ở Nguyên Bình sau chiến tranh cũng không có đất để sản xuất, nên di cư sang đây và giờ trở thành người Bắc Kạn rồi”.
Diện tích tự nhiên của thôn Phiêng Chỉ là gần 10.000ha, trong đó có hơn 200ha rừng phòng hộ, một phần là đất ở và đất sản xuất, còn lại là đồng cỏ. Người dân sống rải rác khắp nơi. Ngay như ở trung tâm thôn, ngoài điểm trường mầm non và tiểu học cũng chỉ có chừng 3-4 nóc nhà. Người dân ở đây hiền hòa, cởi mở và hiếu khách.
Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn nên có khe nước, có suối. Người dân dẫn nước từ khe núi về, nước lúc nào cũng mát lạnh và trong vắt. Nguồn nước dồi dào và thanh sạch ấy không chỉ để dùng ăn, uống, tắm, giặt mà còn được dùng làm thủy điện nhỏ, đủ để thắp bóng đèn và sạc pin điện thoại.
Hiện nơi đây vẫn chưa có điện lưới.
Đường lên bản vô cùng khó khăn, cao, dốc và rất nhiều khúc cua tay áo. Anh Đặng Phụ Phin, sinh năm 1990 nhưng đã có kinh nghiệm bốn năm làm trưởng thôn, chia sẻ: “Trước đường từ xã lên đây chỉ có ngựa đi là chính thôi. Đường đất, vừa hẹp vừa dốc, có đoạn dài đi men theo vách núi chỉ rộng chừng 50cm, trời nắng thì cũng chỉ đàn ông dám đi xe máy, trời mưa phải quấn xích vào bánh xe mới đi được.
Vậy nên cả bản chúng tôi phải góp tiền, góp công sức mở một tuyến đường xe máy từ Phiêng Chỉ sang xã Thành Công của huyện Nguyên Bình đấy. Có đường, dân chúng tôi mới thồ được ngô từ trên núi xuống bán chứ”.
Ló cọ được buộc thành túi rất đẹp để đựng măng, cá, rau lúc lên rừng kiếm thức ăn – Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Cuối năm 2017, UBND xã Phúc Lộc đã đầu tư kinh phí, cho máy xúc, máy ủi lên mở rộng đường hơn một chút. Nhưng nếu trời mưa, người dân vẫn phải quấn xích vào bánh xe máy mới đi được. Quãng đường rất xấu này cũng phải gần 10km.
Tôi gọi Phiêng Chỉ là “điểm giải nhiệt mùa hè” vì ở đây rất mát. Hoàng hôn vàng óng như mật ong. Cánh đồng cỏ lấp lánh. Những đàn ngựa phởn phơ gặm cỏ. Tiếng chim hót líu lo.
Bình minh, mùa hè cũng như mùa đông, biển mây trắng xóa như muốn nuốt hết các dãy núi. Dân số ít, diện tích đất rộng, mỗi cụm dân cư chỉ vài ba nóc nhà. Các cụm dân cư cách nhau cũng đến vài kilômet.
Ngay trung tâm thôn có nhà anh Trình, nhà làm kiểu truyền thống, rộng. Gia đình có hai bố mẹ, vợ chồng anh Trình và hai con gái. Họ nấu rượu ngô men lá bán cho cả thôn.
Ăn và ngủ ở đây là những trải nghiệm rất thú vị. Dù chúng tôi lên đến nhà lúc 4h chiều, nhưng tới 9h tối mới được ăn cơm vì phải đợi tối hẳn, gà đi ngủ mới bắt làm thịt và nấu cơm được.
Video đang HOT
Vườn quốc gia Ba Bể là một trong những điểm quan trọng của bản đồ thuốc quý người Dao. Ông Bàn Tuấn Năng – tiến sĩ nhân học, người Dao – sau mấy chục năm nghiên cứu đã chọn lọc vùng gần rừng già để có thuốc chuẩn vị, lập bản đồ gồm những thầy thuốc có từng thế mạnh chữa bệnh riêng: Bắc Sơn (Lạng Sơn) chữa xương khớp; Nguyên Bình (Cao Bằng) chữa run chân tay, tiểu đường, suy thận; Na Rì (Bắc Kạn) chữa gan; Bạch Thông, Ba Bể (Bắc Kạn) chữa thần kinh tọa, gai đôi cột sống, thoát vị đĩa đệm…
Nếu đông y của người Trung Quốc lấy thận làm gốc thì người Dao coi gan làm gốc để giải quyết nhiều loại bệnh. Nếu gan không thải độc, thận phải lọc nhiều thứ độc dẫn đến suy gan, suy thận, suy đa tạng.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi theo chân người Dao đi hái thuốc. Trong một thang thuốc có vị mọc ở đỉnh núi, vị ở khe suối và vị tầm gửi ngọn cây đại thụ. Người hái phải kiếm cây mai (vầu, tre…) đặt cạnh cây lớn, dùng lạt buộc hai thân cây từng nấc một làm bậc thang leo lên.
Căn nhà kiểu truyền thống của anh Trình – Ảnh: TRẦN MINH PHƯƠNG
Có chỗ, họ phải dùng búa đóng đinh móc vào thân cây làm bậc bám lên dần dần. Vất vả thế nhưng họ chỉ lấy số cành đủ dùng, không tích trữ, luôn để lại gốc để cây mọc tiếp. Người Dao là thế, sống hài hòa với thiên nhiên, khai thác nguồn lợi thiên nhiên để mưu sinh nhưng không tận diệt…
Không chỉ thế, người Dao đỏ ở Phiêng Chỉ rất chăm chỉ và giỏi trồng trọt, chăn nuôi. Trồng cây gừng trâu làm dược liệu, trồng dong riềng, trồng ngô, lúa, nuôi lợn đen, nuôi bò, nuôi ngựa… được người dân thực hiện tốt để cải thiện sinh kế.
Chiều đến, chúng tôi hóa thân thành dân du mục để đi đuổi ngựa, cưỡi ngựa, đánh ngựa thồ… Tối, chúng tôi dựng lều, đốt lửa nướng thịt, hâm rượu, nấu trà rồi ngồi ăn uống, trò chuyện, hát ca và chìm vào giấc ngủ ngon lành ngay bên đống lửa bập bùng.
Năm 2016, có một đoàn thiện nguyện ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã hỗ trợ xây điểm trường tiểu học và mầm non cho Phiêng Chỉ. Đây là công trình ở trung tâm thôn, từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thảo nguyên Phiêng Chỉ đẹp như bức tranh. Một điểm đẹp và hoang sơ thế này rất thích hợp để khai thác du lịch cộng đồng.
Nếu có cơ hội đến Vườn quốc gia Ba Bể, bạn nên mở rộng chuyến khám phá đến thảo nguyên Phiêng Chỉ, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén. Bạn sẽ không hối tiếc với hành trình theo dấu chân thiên di của người Dao ở Phiêng Chỉ…
Hướng dẫn một phần đường đi tới Phiêng Chỉ: từ ngã ba Nà Phặc rẽ trái theo quốc lộ 279, đi khoảng 9km sẽ thấy một ngã ba nữa, đi thẳng theo đường tỉnh 212 về hướng Nà Bản. Tiếp tục đi khoảng 5km sẽ thấy một dốc nhỏ bên tay phải. Đó là đường đi lên thôn Phiêng Chỉ – Ảnh chụp màn hình
10 điều khiến bạn thích thú khi đến Hunza
Hunza Valley thuộc Gilgit-Baltistan nằm ở vùng cực Bắc Pakistan, giáp Afghanistan và Tân Cương (Trung Quốc), là nơi hội tụ của ba dãy núi cao nổi tiếng thế giới: Himalaya, Hindu Kush và Karakoram.
1. Phong cảnh đẹp đến sửng sốt
Hunza Valley là vùng đất trù phú được bồi đắp bởi phù sa của con sông Hunza với nguồn nước tan chảy từ các dãy núi tuyết cao hơn 7.000m, được chia thành 3 phần: Upper Hunza, Central Hunza và Lower Hunza.
Passu Cathedral, dãy núi nổi tiếng nằm ngay trung tâm Passu cao hơn 6.000m
2. Người dân Hunza cực kỳ thân thiện và hiếu khách
Người dân Hunza thuộc chủng dân Burusho. Bất cứ lúc nào bạn cũng nhận được một nụ cười đôn hậu, một câu chào "Hello, how are you?" của người dân tại đây mà bạn bắt gặp trên đường. Họ không tỏ ra khó chịu hay từ chối bạn chụp hình mà ngược lại còn chủ động tạo dáng và cười thật tươi khi bạn đưa máy lên.
Chỉ sau một vài lời chào hỏi xã giao, họ nồng nhiệt mời bạn vào nhà dùng trà sữa, một loại thức uống truyền thống mang đậm tính văn hóa của người Hunza.
Ngôi nhà truyền thống với bếp lò ngay giữa phòng thường được dùng để nấu trà sữa đãi khách
3. Từ trẻ con đến người già, đa số đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh
Giao tiếp bằng tiếng Anh rất dễ dàng tại Hunza, bất cứ ai cũng có thể nói tiếng Anh. Ngay cả tại ngôi làng hẻo lánh tách biệt trên núi phải trekking mất nửa ngày mới đến nơi, thật bất ngờ và thú vị khi chúng tôi trò chuyện cùng một bé gái học lớp 4, bé tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh và còn cho biết rất cụ thể rằng ước mơ sau này sẽ trở thành một bác sĩ nhãn khoa.
Trường học ngay dưới chân núi, tất cả học sinh đều giao tiếp với du khách bằng tiếng Anh rất tự tin
4. Cảnh sát hộ tống và bảo vệ an toàn cho du khách
Suốt đoạn đường khoảng 650km từ thủ đô Islamabad đến Passu, chúng tôi phải dừng lại đăng ký ở hàng chục trạm kiểm soát. Ngoài ra, ở một số đoạn đường đặc biệt còn có cả cảnh sát mang súng hộ tống đi cùng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của cảnh sát chỉ là để bảo vệ an toàn cho du khách và không gây ra có một sự khó chịu nào.
Cảnh sát hộ tống bảo vệ khách du lịch
5. Địa điểm lý tưởng để trekking
Hunza thuộc Gilgit-Baltistan là nơi hội tụ của ba dãy núi cao nổi tiếng thế giới: Himalaya, Hindu Kush và Karakoram.
Tự hào với ngọn núi cao thứ nhì thế giới K2 8.611m và có tới 5 trong số 14 ngọn núi cao hơn 8.000m trên toàn thế giới cùng với 108 đỉnh núi cao hơn 7.000m và vô số đỉnh núi dưới 7.000m, Hunza là nơi lý tưởng cho bộ môn leo núi.
Bên cạnh đó, trekking các sông băng nổi tiếng như Passu Glacier, Batura Glacier, Hoper Glacier hay vượt qua các cầu treo vắt vẻo bắt ngang sông cũng là trải nghiệm vô cùng đặc biệt.
Trekking sông băng Passu, phía xa là đỉnh Whisper cao 7.611m
Vượt cầu treo Passu được làm bằng các thanh gỗ nhỏ hơn cả lòng bàn chân, cao khoảng 30m, dài hơn 200m
6. Những cung đường xuyên núi men theo vực thẳm khiến bạn rớt tim, dựng tóc gáy
Bên cạnh cung đường Karakoram Highway nổi tiếng dài 1.300km được xây dựng trong suốt 20 năm (1958 - 1978), nơi cao nhất là Khunjerab Pass 4.733m, các làng mạc ở Hunza Valley được kết nối với nhau bởi những con đường đất nhỏ hẹp ven núi chỉ vừa đủ cho một chiếc xe jeep men theo các con sông và vực thẳm mà thỉnh thoảng đá từ trên đỉnh vẫn lăn xuống hoặc sạt lở đất chắn cả lối đi.
Người dân Hunza thường xuyên đi lại trên cung đường này, các tài xế cũng đã quá thuần thục, chỉ có du khách là rớt tim và dựng tóc gáy mỗi khi xe ôm cua vào những khúc quanh hiểm hóc.
Đường dẫn vào làng Misgar, biên giới giữa Pakistan và Afghanistan
7. Văn hóa đặc sắc
Người dân Hunza sống trong những ngôi nhà dù làm bằng đất sét trộn đá và rơm hay xây bằng chất liệu hiện đại thì vẫn giữ nguyên kiến trúc nhà truyền thống.
Căn nhà mái bằng dùng làm sân phơi hoa màu và phòng khách được trải thảm với bếp lò ngay chính giữa nhà là nơi dùng để nấu trà tiếp khách. Họ ngủ trên những tấm thảm xung quanh bếp lò để sưởi ấm, nam ngủ một bên, nữ ngủ một bên.
Họ sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bằng nguồn lương thực tự cung tự cấp từ việc trồng trọt lúa mì, hoa màu, cây ăn trái và chăn nuôi bò, gà, cừu, dê... Họ vẫn mặc trang phục truyền thống hằng ngày và nhảy múa những điệu dân vũ để biểu lộ sự vui mừng.
Trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Hunza
8. Các ngôi làng nằm trong thung lũng yên bình, giữa các rặng núi rực rỡ sắc hoa mùa xuân
Đến Hunza vào mùa xuân, ngay lúc hoa nở để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến vô thực của những ngôi làng nhỏ dọc biên giới e ấp nép mình vào những rặng tuyết sơn cao ngất với hàng ngàn cây mơ, cây đào, cây táo cổ thụ nở hoa tưng bừng cả một thung thũng.
Sust - làng cuối cùng của Pakistan nằm trên Karakoram Highway trước khi bước sang lãnh thổ Trung Quốc đang rực rỡ sắc xuân
Làng Shimshal, giáp với biên giới Trung Quốc, hửng nắng sau những ngày tuyết rơi
9. Mỗi chiếc xe tải là một tác phẩm nghệ thuật
Du khách lần đầu đến Pakistan nói chung hoặc Hunza Valley nói riêng đều ngạc nhiên thú vị với những chiếc xe tải được trang trí sặc sỡ, nhiều màu sắc với nhiều hoa văn tinh tế. Thường thì mỗi chiếc xe tải tốn từ 4.000USD đến 5.000USD cho việc trang trí này.
Mỗi chiếc xe tải là một tác phẩm nghệ thuật
10. Không còn cảm giác đang đi du lịch
Cuộc sống yên bình tại Hunza Valley, lòng hiếu khách của người dân tại đây đã xóa nhòa khoảng cách của du khách và người địa phương.
Gia đình 3 thế hệ tại Passu, Hunza
Hoàng Liên Sơn - điểm du lịch đáng đến 2019 của National Geographic Tạp chí National Geographic (Mỹ) giới thiệu 28 điểm du lịch đáng đến tham quan năm 2019, trong đó có khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn, Việt Nam. Hoa anh đào đóng băng trong tiết trời mùa đông trên dãy Hoàng Liên Sơn - Ảnh: NGUYỄN TẤN TUẤN Khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam được kênh National Geographic...