Phía sau vụ hàng loạt “sao” Việt bị hack Facebook
Từ hôm 18/05 tới nay, hàng loạt trang cá nhân của các nghệ sĩ Việt nổi tiếng đồng loạt biến mất. Cụ thể, các trang các nhân của các nghệ sĩ như Ngọc Trinh, MTP Sơn Tùng, Hoàng Tôn, Trịnh Thăng Bình, Hồ Quang Hiếu,… đều bị chiếm quyền điều khiển hoặc… biến mất. Phía sau vụ việc này là gì?
Chỉ cách đây vài giờ, trên fanpage của nghệ sĩ Hoàng Tôn có đăng tải một status (trạng thái) cho biết: “Hiện giờ trong số những facebook của nghệ sĩ trẻ nổi tiếng ở miền Nam chỉ còn một mình Facebook của anh Noo Phuoc Thinh là chưa bị Facebook khóa thôi…”. Trong khi trước đó, trên fanpage này cũng xuất hiện thông báo “Facebook chính của Tôn hiện giờ đang bị hack. Các bạn có gì thì liên lạc với Facebook này nhé. Có gì sẽ thông báo sau!” kèm thông tin đây chỉ là trang dành cho người hâm mộ (fanclub) và chỉ được dùng tạm thời khi trang cá nhân đang bị hack.
Theo thông tin trên Yeah1, chủ nhân của Facebook có nickname Minh Khang chính là thủ phạm trong vụ việc này và có vẻ Minh Khang đang cảm thấy khá thích thú với hành động của mình. Tuy nhiên đó mới chỉ là phỏng đoán ban đầu của Yeah1, bởi chính nickname này hiện cũng đang bị khóa và chúng ta chưa có thông tin nào thêm.
Tuy chưa biết rõ mục đích thực sự của kẻ gian là gì, nhưng khi bị hack Facebook thế này các nghệ sĩ Việt đều rơi vào trạng thái hoang mang và lo sợ. Hiện nay, giới trẻ nói chung và các nghệ sĩ nói riêng thường sử dụng Facebook để giao tiếp và chia sẻ thông tin, kèm theo nhiều thông tin cá nhân riêng tư.
Đặc biệt, với các nghệ sĩ thì đây không chỉ là trang Facebook cá nhân mà còn là kênh giao lưu với truyền thông và người hâm mộ, nên khi xảy ra hiện tượng bị hack mất tài khoản Facebook, nhiều người trong số họ đã tỏ ra hoang mang, lo sợ về việc bảo mật thông tin và bị lợi dụng với các mục đích xấu. Bởi trên Facebook không chỉ có các thông tin chia sẻ công khai hoặc ở chế độ dành cho fan hâm mộ, bạn bè…, mà còn có những thông tin nhạy cảm qua tin nhắn hoặc ở các thiết lập riêng tư.
Video đang HOT
Hiện các sao Việt vẫn đang loay hoay tìm cách lấy lại tài khoản Facebook của mình và một số nghệ sĩ như Hoàng Tôn đã lấy lại được tài khoản của mình, còn những người chưa bị hack thì đang nơm nớp lo sợ và thậm chí là khóa tài khoản để phòng tránh tạm thời.
Trong khi đó, các fan hâm mộ của những nghệ sĩ này cũng tỏ ra ức chế và bất bình với các hành vi “đáng khinh” này, như một bạn bình luận “Quá rảnh rỗi, phá bọn phản động không phá mà đi phá người nổi tiếng chi?”.
Động cơ của vụ hack Facebook này và cách phòng tránh?
Về vụ việc này, VnReview đã liên hệ với T&A Ogilvy, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam nhưng không nhận được trả lời. Trong khi đó, trả lời VnReview, ông Lê Mạnh Tùng, Giám đốc nghiên cứu, ban An ninh mạng của Bkav cho biết, thông thường thì có vài cách phổ biến mà kẻ xấu hay dùng để lấy thông tin đăng nhập Facebook, như lừa cài mã độc lên máy tính, cài addons độc hại lên trình duyệt hay lừa đảo dẫn đến trang giả mạo của hacker để dụ người dùng đăng nhập vào.
Vậy làm thế nào để phòng tránh bị hack tài khoản Facebook? Theo ông Tùng, để bảo vệ tài khoản của mình, ngoài việc cẩn thận khi đặt mật khẩu dễ đoán và kích hoạt chế độ duyệt web an toàn HTTPS thì cần cẩn thận khi tải và cài phần mềm lạ, khi bấm vào link lạ, khi đăng nhập hay cung cấp thông tin đăng nhập ở các trang không chính thống… Kể cả khi chat cũng cảnh giác, để tránh trường hợp kẻ xấu hack được tài khoản của một người rồi lại chat với các người khác trong list phát tán link có nhúng mã độc, hoặc thậm chí thân thiết thì hỏi mượn luôn tài khoản. Bên cạnh đó, cần cài và cập nhật phần mềm diệt virus thường xuyên nhằm phát hiện và chặn đứng các mã độc hoặc trojan được lén đưa vào máy tính hoặc các thiết bị di động.
Qua những thông tin có được, ông Tùng phỏng đoán vụ này không hẳn là các sao bị hack đồng loạt, mà có vẻ là bị kẻ xấu report với Facebook và báo các tài khoản đó vì phạm gì đấy, ví dụ như report tài khoản bị giả mạo, nên bị khoá. Nếu xảy ra trường hợp này (bị report Facebook) và nếu nhóm đối tượng tham gia report đông hoặc huy động được nhiều người thì lời report càng có trọng lượng sẽ dễ khiến Facebook tin và khóa tài khoản người dùng. Lúc này những cách thức bảo mật đã nêu ở trên ít có tác dụng. Sở dĩ Facebook đưa ra cơ chế report và khóa tài khoản bởi hiện nay nhiều kẻ lợi dụng lập ra các trang cá nhân hoặc fanpage giả danh những người nổi tiếng để trục lợi, và không phải khi nào việc report cũng chính xác.
Trong trường hợp nếu bị report và khoá tài khoản, thì khi liên hệ yêu cầu mở lại tài khoản, tốt nhất là nên cung cấp thông tin cá nhân nào đó để có thể xác thực, chứng minh là của mình thì lần sau khó bị report hơn. May mắn là việc report giả mạo thường chỉ phổ biến với các tài khoản có nhiều fan, nhiều người theo dõi, chứ các tài khoản Facebook thông thường khó bị khóa vì lý do này.
Ông Tùng cũng cho biết, với những biểu hiện trên vẫn chưa rõ động cơ của [những] kẻ đứng sau hành động này là gì, cũng chưa thể vội vàng liên kết sự việc này với việc các hacker Trung Quốc đang tiến hành “chiến tranh mạng” với Việt Nam, nhưng qua đây có thể thấy việc bảo mật thông tin qua Facebook vẫn còn nhiều kẽ hở và cần cảnh giác để bảo vệ thông tin riêng tư của mình.
Facebook là một môi trường ảo, nhưng nó chứa nhiều tư liệu và thông tin nhạy cảm của chúng ta, do vậy bạn cần cảnh giác và cách tốt nhất là hạn chế trao đổi hoặc đưa các thông tin nhạy cảm lên Facebook. Đó là cách an toàn nhất để tự bảo vệ mình trước những kẽ hở của an ninh mạng hiện nay.
Theo vnreview
Mối nguy hại từ kết nối Wi-Fi công cộng
Sự tiện lợi của những điểm truy cập Wi-Fi công cộng luôn đi kèm những rủi ro bảo mật không nhỏ. Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo về nguy cơ khi dùng Wi-Fi công cộng.
Các quán cà phê có mạng Wi-Fi công cộng yếu kém về bảo mật thường là địa điểm lý tưởng cho tội phạm mạng "thu hoạch" các tài khoản mạng xã hội, email hay dữ liệu... - Ảnh minh họa: rocrockett.com
Theo giám đốc Cảnh sát châu Âu (Europol) Troeis Oerting, mọi thông tin được chúng ta gửi qua đường truyền mạng Internet không dây Wi-Fi đều tiềm ẩn rủi ro. Đây là nội dung của cuộc trao đổi giữa ông và Hãng thông tấn BBC về bảo mật tại các điểm truy cập (hotspot) Internet công cộng.
Theo ông Oerting, ngày càng xuất hiện nhiều các vụ hack vào những điểm truy cập Wi-Fi công cộng miễn phí - thường có độ bảo mật không cao - để đánh cắp dữ liệu. Đây là thông tin từ những cuộc điều tra hợp tác giữa các thành viên Europol trong thời gian qua.
Trong cuộc trao đổi với BBC, ông Oerting cho biết rất nhiều người "vô tư" khi đăng nhập vào tài khoản ngân hàng trong lúc đang ngồi sử dụng mạng Wi-Fi công cộng tại quán cà phê Starbucks, qua đó tạo điều kiện để các loại dữ liệu và thông tin cá nhân của họ bị kẻ xấu đánh cắp... Và thứ bị mất cuối cùng thường là tiền trong tài khoản ngân hàng của họ.
Hầu hết router không dây cung cấp sử dụng bởi cá nhân và doanh nghiệp đều được trang bị chuẩn bảo mật WPA/WPA2 hoặc mã hóa tiêu chuẩn "enterprise-grade" (tiêu chuẩn bảo mật cho doanh nghiệp), giúp các thiết bị này gần như không thể bị đánh cắp dữ liệu. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với những mạng Wi-Fi miễn phí trong các cửa hàng cà phê bạn ghé thăm hàng ngày, vì rất có thể kẻ xấu đang chờ bạn truy cập vào và thoải mái "thu gom" mọi thông tin bí mật của chúng ta.
Phương thức tấn công quen thuộc của các tin tặc vẫn là dựng lên các điểm truy cập Wi-Fi giả mạo (hotspot), dụ dỗ người dùng kết nối rồi thực hiện "chiêu" man-in-the-middle[*] (tạm dịch: Kẻ đứng giữa) để thực hiện mưu đồ xấu.
Trên thực tế, cảnh báo của Europol về rủi ro bảo mật của Wi-Fi công cộng không mới. Người dùng cần thận trọng và hạn chế tối đa những tác vụ dễ bị lộ thông tin cá nhân như đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, thư điện tử, tài khoản mạng xã hội... khi sử dụng mạng Wi-Fi công cộng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bị kẻ xấu chiếm giữ thông tin, mà ngày nay, việc đó dễ dàng hơn cho chúng chỉ với vài công cụ.
[*] Man-in-the-middle (MITM): chỉ việc kẻ xấu đứng giữa kết nối giữa người dùng và địa chỉ trang web để lấy cắp dữ liệu của họ.
Theo BBC
Mạng không dây tại nhiều gia đình đã bị hack Nhiều mạng Internet tại gia đình hay văn phòng quy mô nhỏ tại Việt Nam đã bị hack qua lỗi trong các bộ định tuyến (router), theo một khám phá từ Công ty bảo mật Team Cymru. Router, cửa ngỏ mạng Internet của nhiều gia đình và văn phòng nhỏ tại Việt Nam đã bị hacker chiếm giữ - Ảnh minh họa: Lifehacker...