“Phi đội nghiến” thách tiền kiểm lâm… bắt
Tuyên Quang là một trong ba tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất nước ta (chiếm 64,2%), chỉ sau Kon Tum và Quảng Bình. Thế nhưng, một thực tế đau lòng đã và đang diễn ra “ngầm” ở tỉnh này là rừng nghiến quý giá đang bị tàn phá một cách không thương tiếc.
Gỗ nghiến được cưa ra thành từng thớt mỏng.
Thành lập cả một “phi đội” với hàng trăm thanh niên lên rừng chặt gỗ nghiến, cưa ra thành thớt mỏng rồi vận chuyển bằng xe máy đến nơi tiêu thụ, “Phi đội nghiến” không chỉ coi thường luật pháp mà còn thách thức kiểm lâm, treo giải cho cơ quan chức năng nếu họ “có tài” bắt được chúng.
Lâm tặc người bản địa xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) và một số xã lân cận đã “bắt tay” nhau chuyên chở gỗ nghiến trên cung đường liên huyện với tốc độ kinh hoàng hòng trốn thoát lực lượng kiểm lâm địa phương.
Video đang HOT
Đáng buồn là tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng các cấp ngành chức năng không có cách nào để xử lý triệt để. Có lẽ vì thế, cho đến hiện tại, “phi đội nghiến” vẫn ngang nhiên xử trảm những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi.
Một người dân địa phương có nhà gần trụ sở UBND xã Phúc Sơn xin được giấu tên cho hay: “Bọn lâm tặc ở đây dữ lắm, chúng vừa đông vừa hung hãn, chặt phá rừng không thương tiếc, đánh người không ghê tay. Đấy, mấy kiểm lâm bị chúng phi xe vào thành thương tật rồi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để vận chuyển gỗ nghiến ra ngoài, lâm tặc đã cưa gỗ ra thành từng thớt nhỏ có độ dày khoảng 20cm. Sau đó, chúng cho lên những chiếc xe máy tự chế đặc dụng để chuyên chở. Nếu lực lượng kiểm lâm đuổi theo, chúng sẽ tháo dây để gỗ rơi xuống đường “kìm chân” cho những xe khác chạy.
Nếu bị truy đuổi gắt gao, chúng sẽ bỏ xe lại và chạy vào rừng trốn sang xã bên để tập hợp lực lượng đánh trả kiểm lâm.
Anh Nguyễn Văn Cường, người từng tham gia phá rừng, gia nhập “phi đội nghiến” cho biết: “Trong “phi đội nghiến” có nhiều đứa liều lĩnh, có đứa táo tợn treo giải thưởng cho kiểm lâm 5 triệu đồng nếu bắt được chúng”.
Cường bảo: “Thằng này liều lĩnh lắm, nó phi xe một chết một sống nên không kiểm lâm nào dám bắt nó. Mà nếu có bắt được thì nó lại ra được ngay, không hiểu vì lý do gì”.
Một thực tế đang diễn ra ở rừng nghiến Tuyên Quang là hằng ngày, một số lượng lớn cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ. Còn lực lượng kiểm lâm thì tỏ ra yếu thế, rừng nghiến sẽ còn bị tàn phá…
Kiểm lâm đã tịch thu nhiều xe máy vận chuyển gỗ của “phi đội nghiến”.
“Cả huyện Chiêm Hóa giờ chỉ có Phúc Sơn còn rừng nghiến, các nơi khác bị tàn phá hết rồi. Giờ tình trạng phá rừng còn ít chứ trước đây thì khủng khiếp lắm”.
Bà Hoàng Thị Xiêm (Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn)
Theo Bee.net.vn
Rừng nghiến ở Ba Bể đang tiếp tục bị tàn phá nặng
Từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) diễn biến ngày càng phức tạp. Không chỉ phá rừng ở vùng đệm, vùng lõi của Vườn như trước, nay "lâm tặc" ngang nghiên vào đến tận khu vực Ao Tiên - danh thắng thu hút khách du lịch nằm giữa vùng hồ Ba Bể để chặt phá những cây gỗ nghiến quý hiếm.
Một cây gỗ nghiến bị chặt phá tới tận gốc. (Nguồn: báo Pháp luật xã hội)
Theo báo cáo của Vườn Quốc gia Ba Bể, trong khoảng thời gian từ đầu Tết Nguyên đán đến nay, khu vực quần thể du lịch Ao Tiên thuộc xã Nam Mẫu đã có 8 cây nghiến mới bị chặt hạ. Lực lượng Kiểm lâm của Vườn đã phát hiện và báo cáo cơ quan Công an huyện Ba Bể phối hợp tịch thu tang vật. Ngày 3/4, cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Ba Bể đã có quyết định xử lý vật chứng, giao cho Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể quản lý đồng thời khởi tố điều tra vụ án.Ông Đồng Minh Thắng, Trạm Trưởng trạm Kiểm lâm khu vực bờ hồ Ba Bể cho biết: "Mặc dù chúng tôi đã tổ chức lực lượng tuần tra, mật phục 24/24 giờ tại các điểm có vi phạm, nhưng do các đối tượng bố trí người theo dõi, canh gác từ xa nên việc bắt quả tang là rất khó. Hơn nữa, do lực lượng mỏng, chỉ có 3 người canh gác cho một vùng hồ rộng lớn hơn 10.000 ha và những kẻ phá rừng thường chọn thời điểm "ra tay" vào những ngày lễ, Tết nến rất khó để anh em đeo bám".
Những cây nghiến bị chặt trong khu vực Ao Tiên có đặc điểm chung là nằm ngay gần so với mặt hồ, vì vậy các đối tượng rất dễ vận chuyển xuống thuyền để đi ra ngoài vùng lõi. Mặc dù báo cáo của lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể tại khu vực này chỉ có 8 cây nghiến bị chặt hạ. Nhưng tại hiện trường có nhiều cây nghiến hàng trăm năm tuổi đã bị chặt hạ từ những năm trước bị vứt lại. Điều này cho thấy, không phải đến nay rừng ở khu vực Ao Tiên mới bị xâm hại, tàn phá.
Chưa tính đến nhiều cây nghiến tại vùng lõi của Vườn Quốc gia bị chặt hạ từ những năm trước bị mất do chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, Vườn quốc gia Ba Bể đã phát hiện 31 cây nghiến bị chặt hạ, tổng khối lượng lên đến hàng trăm mét khối. Đây đều là những cây gỗ quý hiếm có tuổi đời hàng trăm đến hàng nghìn năm tuổi.
Số cây bị chặt phá tập trung chủ yếu ở những điểm nóng về tình trạng phá rừng trái phép quanh khu vực hồ Ba Bể như thôn Đáng Đen, Cốc Lùng xã Cao Thượng (2 cây nghiến); khu vực cột mốc 48, 62 giáp ranh với xã Nam Cường huyện Chợ Đồn (14 cây nghiến); khu vực Quảng Khê (5 cây nghiến) và địa bàn xã Nam Mẫu (ngoài 8 cây nghiến bị chặt ở Ao Tiên còn có 2 cây ở thôn Cốc Tộc).
Việc phá rừng tại Vườn Quốc gia Ba Bể trong 1 thời gian dài có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng ở đây đó là các đối tượng khai thác rừng trái phép ngày càng tinh vi và manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng Kiểm lâm khi các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép bị phát hiện. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tại Vườn Quốc gia Ba Bể đã có 2 vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm và gây thương tích.
Cụ thể, ngày 15/2 cán bộ Trạm Kiểm lâm Đồng Phúc phát hiện vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật đã bị "lâm tặc" đánh gây thương tích. Tiếp đó ngày 25/2, lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể cũng bị "lâm tặc" dùng dao đe doạ, khống chế khi phát hiện có hiện tượng khai thác lâm sản trái phép.
Ngoài ra, việc bắt giữ được các đối tượng khai thác gỗ trái phép là rất khó bởi chúng sẵn sàng bỏ lại toàn bộ tang vật và phương tiện khi bị phát hiện để bỏ chạy. Mới đây nhất, sáng ngày 6/3, trạm kiểm soát thôn Cốc Tộc, xã Nam Cường đã mật phục 3 đối tượng đi xe máy chở gần chục thớt gỗ nghiến thì bị chúng phát hiện, bỏ lại xe và thớt chạy lên rừng. Từ vụ việc này cho thấy việc vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép trong khu vực Vườn quốc gia đã và đang diễn ra hết sức phức tạp.
Trao đổi với chúng tôi về công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thới gian qua, ông Nông Đình Khuê, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể cho biết: "Sau khi tình trạng phá rừng xảy ra, từ ngày 15/3 chúng tôi đã chi gần 150 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm chi để thành lập 4 đội truy quét gồm 41 người trong thời gian 2 tháng (bồi dưỡng mỗi người 50.000 đồng/ngày), trong đó có sự phối hợp của lực lượng Công an, Hạt Kiểm lâm các huyện và chính quyền các xã trên địa bàn Vườn quốc gia Ba Bể."
Một trong những giải pháp khác cần được tính đến là việc cần có thêm chế tài quản lý số cưa lốc trong các hộ dân và các xưởng gỗ nhỏ lẻ. Ông Nông Văn Hoành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Mẫu cho biết: Mức độ huỷ hoại rừng của cưa lốc là rất lớn. Chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ là đã có thể đốn hạ 1 cây nghiến hàng trăm năm tuổi có đường kính 1m. Tuy vậy, không thể cấm người dân mua cưa lốc để sử dụng trong gia đình hay vào mục đích khác. Hiện nay chưa thể thống kê được số cưa lốc trong các hộ dân nhưng số lượng là khá lớn.
Theo ông Nông Đình Khuê, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng gia tăng ở Vườn Quốc gia Ba Bể là do Dự án 661 giao rừng cho các hộ dân bảo vệ, với kinh phí hỗ trợ là 100.000 đồng/1ha đã kết thúc. Khi còn dự án, người dân được trực tiếp hưởng lợi nên quan tâm, có trách nhiệm hơn với việc bảo vệ rừng. Từ năm 2011 đến nay, khi dự án này kết thúc cũng là lúc tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp hơn.
Thiết nghĩ, việc vận động người dân vào cuộc cùng chung sức giữ rừng sẽ là giải pháp bên vững hơn cả, trước mức độ tàn phá ngày càng táo tợn của lâm tặc tại Vườn quốc gia Ba bể thời gian gần đây. Đã đến lúc cần có thêm giải pháp và sự manh tay hơn nữa từ chính quyền địa phương, cũng như các lực lượng chức năng trong bảo vệ rừng./.
Theo TTXVN