Phi đội Mỹ biến mất ở Tam giác Quỷ Bermuda năm 1945
Phi đội 19 oanh tạc cơ hải quân Mỹ biến mất không dấu vết khi diễn tập ở vùng biển Bermuda, dù phi công đều là những người giàu kinh nghiệm.
Tam giác Bermuda nằm giữa bang Florida của Mỹ, đảo Puerto Rico và quốc đảo Bermuda, là nơi hàng trăm tàu thuyền và máy bay biến mất một cách bí ẩn và thường không để lại dấu vết. Trên thực tế, cái tên “Tam giác quỷ” được đặt cho khu vực này bắt nguồn từ vụ mất tích của Phi đội oanh tạc cơ ngư lôi số 19 hải quân Mỹ.
Sự việc xảy ra khi 14 phi công trên 5 oanh tạc cơ ngư lôi TBM Avenger cất cánh từ căn cứ không quân hải quân Fort Lauderdale, bang Florida, để tham gia diễn tập chiến đấu ngày 5/12/1945.
Một biên đội Avengers xuất phát từ căn cứ Fort Lauderdale. Ảnh: NAS Fort Lauderdale Museum.
Chỉ huy phi đội là đại úy Charles Taylor, phi công dày dặn kinh nghiệm với hơn 2.500 giờ bay tích lũy và từng tham chiến ở mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Các phi công khác cũng sở hữu trên dưới 300 giờ bay.
Giai đoạn đầu cuộc diễn tập diễn ra suôn sẻ. Phi đội thả bom xuống hai khu vực mục tiêu. Nhưng khi Phi đội số 19 hoàn thành nội dung huấn luyện và bay qua khu vực Bermuda để trở về căn cứ, thời tiết thay đổi chóng vánh, dù trước đó trời rất quang đãng.
Phi đội bay vào khu vực có mây dày đặc kèm mưa to và gió giật mạnh. Taylor tin rằng la bàn gặp trục trặc. Một phi công phát tín hiệu cầu cứu, thông báo không thể xác định phương hướng và mọi thứ trông rất khác thường, kể cả đại dương.
“Tôi không biết chúng ta đang ở đâu”, một phi công thông báo qua sóng vô tuyến. “Chắc hẳn chúng ta đã bị lạc sau vòng lượn vừa rồi”, một phi công khác nói với giọng đầy lo lắng.
Video đang HOT
Giọng Taylor ngày càng hoảng loạn. Anh báo cáo với chỉ huy ở căn cứ rằng phi đội đang bay trên dải đất không liền mạch và nghĩ đó là quần đảo Florida Keys. Tin rằng họ đang ở vịnh Mexico, Taylor lệnh cho phi đội bay theo hướng đông bắc, thay vì tuân thủ quy trình khi mất phương hướng ở Đại Tây Dương và hướng về phía tây để trở về đất liền.
Phi đội số 19 dường như ngày càng tiến xa ra Đại Tây Dương, khiến tín hiệu vô tuyến yếu dần. 4 tiếng sau khi Phi đội số 19 xuất phát, căn cứ Fort Lauderdale nhận được thông điệp cuối cùng của Taylor tới các máy bay khác. Anh yêu cầu giữ đội hình sát nhau, sẵn sàng đáp xuống biển khi gần cạn nhiên liệu mà không thấy đất liền.
Sau khi xác nhận Phi đội số 19 mất tích, hải quân Mỹ triển khai lực lượng tìm kiếm cứu hộ với hai thủy phi cơ PBM Mariner xuất phát lúc 19h27. Chỉ ba phút sau, một chiếc PBM Mariner phát tín hiệu liên lạc vô tuyến bình thường rồi đột ngột biến mất không dấu vết.
Thủy phi cơ PBM Mariner Mỹ làm nhiệm vụ năm 1945. Ảnh: US Navy.
Bất chấp nỗ lực tìm kiếm kéo dài vài tháng sau đó, hải quân Mỹ không thể tìm thấy mảnh vỡ của 5 oanh tạc cơ TBM Avenger, cũng như thủy phi cơ PBM Mariner cùng tổng cộng 27 quân nhân trên các máy bay.
Thủy phi cơ PBM Mariner được cho là đã phát nổ trên không chỉ vài phút sau khi cất cánh. Thủy thủ đoàn một tàu biển gần đó thông báo phát hiện một quả cầu lửa ở xa vào cùng thời điểm chiếc Mariner mất tích.
Phi đội số 19 hoàn toàn biến mất không dấu vết, khiến nhiều người tin rằng các phi cơ đã hết nhiên liệu và phi công phải đáp xuống biển. Sự bí ẩn xung quanh vụ mất tích đã dẫn tới nhiều thuyết âm mưu, bao gồm cả người ngoài hành tinh bắt cóc các phi công Mỹ, hoặc họ đã xuyên không về quá khứ.
Năm 1963, nhà báo Vincent Gaddis có bài viết mang tên “Tam giác Bermuda tử thần” trên một tạp chí, khiến khu vực này được gắn với biệt danh “Tam giác Quỷ Bermuda”.
Kết luận điều tra của hải quân Mỹ đưa ra một số kịch bản có thể dẫn tới vụ mất tích của Phi đội số 19, nhưng không thể xác định nguyên nhân thực sự. Số phận của phi đội này cùng thủy phi cơ PBM Mariner đến nay vẫn là một bí ẩn chưa lời giải.
Chiến dịch luồn sâu tuyệt mật của oanh tạc cơ Mỹ năm 1944
Chiến dịch luồn sâu vào hậu cứ phát xít Đức từ năm 1944 bí mật đến mức phi hành đoàn oanh tạc cơ B-24 Mỹ cũng không biết chi tiết.
B-24 Liberator là mẫu phi cơ được Mỹ sản xuất nhiều nhất trong Thế chiến II, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân Đồng minh khi nhiều lần tiến hành oanh tạc chính xác trên bầu trời châu Âu. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ ném bom thông thường, một số chiếc còn được sử dụng cho chiến dịch luồn sâu trong lòng địch mang mật danh Carpetbagger.
Trong chiến dịch này, các máy bay thuộc Không đoàn ném bom số 801 và 492 chủ yếu hoạt động đơn độc. Họ thường xuất kích trong đêm để hỗ trợ quân kháng chiến Pháp trước và trong chiến dịch Overlord, cuộc đổ bộ lên bãi biển Normandy tháng 6/1944.
Một chiếc B-24 tham gia chiến dịch Carpetbagger. Ảnh: USAF.
Thành viên tham gia chiến dịch Carpetbagger đều thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Nhiệm vụ của OSS bí mật đến nỗi các phi hành đoàn B-24 gần như không biết họ đang bay đến đâu, mang theo những gì và sẽ chuyển điệp viên và hàng tiếp viện cho ai.
Phi hành đoàn trong chiến dịch Carpetbagger phải sử dụng các chòm sao và địa tiêu để xác định hướng bay. Họ sử dụng những oanh tạc cơ B-24 được hoán cải để thả điệp viên và hàng tiếp tế thay vì ném bom. Chúng cũng được sơn màu đen để hòa vào bầu trời đêm.
Bắt đầu từ mùa xuân năm 1944, lực lượng Carpetbagger xuất kích làm nhiệm vụ từ căn cứ không quân Harrington ở vùng nông thôn Anh.
Họ thường không có tiêm kích hộ tống và duy trì độ cao nhỏ để tránh bị phòng không đối phương phát hiện. Khi đến điểm hẹn, những oanh tạc cơ B-24 sẽ hạ độ cao xuống chỉ còn vài chục mét để thả điệp viên và hàng tiếp tế.
Phi hành đoàn oanh tạc cơ chỉ biết mật danh điệp viên của OSS và Cơ quan Tác chiến Đặc biệt Anh (SOE) lần lượt là Joe và Josephine. Các điệp viên nhảy dù xuống khu vực bị Đức chiếm đóng qua "lỗ Joe" ở bụng chiếc B-24, vốn được tạo ra bằng cách tháo bỏ tháp pháo hình cầu.
Hàng tiếp tế được đưa lên giá treo vũ khí và thân máy bay xung quanh "lỗ Joe". Mỗi container nặng 136 kg được thiết kế đặc biệt, bên trong là trang thiết bị gồm súng chống tăng, súng trường, lựu đạn, radio, tiền mặt, xe đạp, bồ câu đưa thư và vật tư y tế.
Điệp viên Anh và Mỹ trong một nhiệm vụ Carpetbagger. Ảnh: USAF.
Tại châu Âu, quân kháng chiến chờ đợi thả hàng tiếp tế ở những địa điểm bí mật. OSS gửi hướng dẫn đến họ thông qua chương trình phát thanh kèm mật mã của đài BBC. Khu vực thả hàng được chiếu sáng cho oanh tạc cơ bằng đèn pin công suất lớn và các đống lửa.
Khi thực hiện nhiệm vụ luồn sâu tuyệt mật này, oanh tạc cơ B-24 sẽ bay trên khu vực mục tiêu, trong khi container tiếp tế được thả từ khoang chứa bom bằng cách bấm nút.
Dù ẩn mình trong đêm tối, các phi hành đoàn Carpetbagger vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Họ dễ bị bắn hạ nếu bị tiêm kích địch phát hiện do không có lực lượng hộ tống. Pháo phòng không và thời tiết xấu cũng làm tăng rủi ro cho mỗi chuyến bay.
Các phi hành đoàn ít khi được nắm thông tin về chuyến bay để tránh lộ bí mật trong trường hợp bị đối phương bắt làm tù binh.
Chiến dịch Carpetbagger được giữ bí mật suốt nhiều thập kỷ sau chiến tranh. Những thông tin chi tiết về nó vẫn là điều bí ẩn ngay cả với phi hành đoàn và những nhân viên hỗ trợ, dù họ đã thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ, thả khoảng 536 điệp viên và 4.511 tấn hàng tiếp tế vào lòng địch ở châu Âu. Chính phủ Mỹ chỉ bắt đầu giải mật chiến dịch Carpetbagger từ thập niên 1980.
Oanh tạc cơ Trung Quốc nghi xuất hiện gần Ấn Độ Ba oanh tạc cơ H-6 cùng vận tải cơ của không quân Trung Quốc huấn luyện ở "cao nguyên" được cho là Tây Tạng gần biên giới Ấn Độ. Tài khoản Weibo của Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung tâm quân đội Trung Quốc (PLA) ngày 8/9 công bố các bức ảnh cho thấy ít nhất ba oanh tạc cơ Tây An H-6...