Phi công Asiana kể về cú hạ cánh thảm họa
Lee Jeong-min, người hướng dẫn phi công chính điều khiển chuyến bay Asiana 214, nói rằng ông nhận ra phi cơ bay thấp khi nó hạ xuống độ cao 152 m và cố gắng cứu vãn nhưng không thành.
Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, bà Deborah Hersman phát biểu trong cuộc họp báo về vụ tai nạn máy bay Boeing 777. Ảnh: AP
Trong cuộc họp báo hôm qua, giới chức Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã không giải thích đầy đủ lý do chiếc máy bay Boeing 777 hạ cánh quá thấp và quá chậm, điều nhiều khả năng là nguyên nhân gây ra vụ va chạm. Tuy nhiên, họ dẫn lời khai của phi công, giúp hiểu thêm về điều đã xảy ra bên trong buồng lái chuyến bay 214.
Phi công khai họ dựa vào một thiết bị buồng lái tự động để điều khiển tốc độ trong cú tiếp đất cuối cùng, theo chủ tịch NTSB, Deborah Hersman. Theo AP, điều này dấy lên nghi ngờ về việc liệu có lỗi lập trình trong ga tự động hay liệu nó có bị hỏng khi vận hành hay không.
“Họ đã cài vận tốc 137 knot (254 km/h) và anh ta tưởng rằng ga tự động vẫn duy trì tốc độ”, Hersman dẫn lời khai của phi công hướng dẫn Lee Jeong-min nói. Nhưng bộ phận bảo vệ tốc độ tự động, vì một lý do còn chưa rõ, đã không duy trì tốc độ máy bay. “Anh ta đẩy cần ga tự động về phía trước, nhưng cũng nói rằng phi công còn lại trước đó đã đẩy nó về phía trước rồi”, Aviationweek dẫn lời Hersman cho hay.
Hình mô phỏng cú hạ cánh thảm họa của chiếc Boeing 777. Đồ họa: CNN
Phi công điều khiển máy bay, Lee Hang-kook, mới chỉ qua một nửa giai đoạn huấn luyện trên chiếc Boeing 777, và lần đầu tiên hạ cánh ở sân bay San Francisco. Đây cũng là chuyến bay đầu tiên phi công Lee Jeong-min làm người huấn luyện bay.
NTSB chưa xác định lỗi thuộc về ai trong vụ va chạm. Băng ghi âm tự động cho thấy các phi công đã cố thay đổi vận tốc máy bay và nâng nó lên chỉ vài giây trước khi phi cơ va vào đê chắn ở đường băng.
Những thông tin hiện có bao gồm: 7 giây trước va chạm, ai đó trong buồng lái đề nghị tăng tốc sau khi nhận thấy rõ ràng rằng máy bay bay chậm hơn nhiều so với tốc độ hạ cánh cần thiết. Vài giây sau, cần điều khiển bắt đầu rung dữ dội, bộ phận cảnh báo tự động thông báo với phi công rằng máy bay không thể nâng lên được và sắp xảy ra tình trạng nguy hiểm. Một giây rưỡi trước va chạm, có mệnh lệnh hủy bỏ hạ cánh.
Video hiện trường vụ tai nạn
Các phi công đã “rất hợp tác và thẳng thắn” với các nhà điều tra. Có tổng cộng 4 phi công trong tổ lái chiếc Boeing 777.
Video đang HOT
Vấn đề tốc độ của máy bay đã trở thành dấu hỏi cốt yếu trong cuộc điều tra. Tất cả máy bay có tốc độ bay an toàn tối thiểu và cần được duy trì nó để giữ sức nâng.
Cass Howell, phó khoa tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, Florida nói nếu bất cứ phi công Asiana nào thấy điều gì đó bất thường, họ phải lên tiếng. “Có hàng chục, hàng chục vụ tai nạn có thể ngăn chặn được nếu ai đó lên tiếng khi họ có thể, nhưng họ miễn cưỡng làm điều đó vì một loạt lý do, như việc bị sợ coi là ngớ ngẩn hay gây tức giận cho phi công”, Howell, một cựu phi công thủy quân lục chiến cho biết.
Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ cũng có luật yêu cầu các phi công tránh trò chuyện không cần thiết nếu máy bay ở độ cao dưới 305 m, để họ hoàn toàn tập trung vào việc cất hay hạ cánh. Việc ít trò chuyện là cần thiết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ an toàn.
Nhân viên điều tra chụp ảnh bộ phận hạ cánh của máy bay Boeing 777. Ảnh: NTSB
Theo các phi công kinh nghiệm, hầu hết các hãng hàng không đều yêu cầu cả 4 người hiện diện khi hạ cánh, thời điểm dễ xảy ra sai sót nhất. Các nhà điều tra muốn biết chính xác tất cả 4 phi công đã làm gì trong mọi thời điểm. Bà Hersman cho biết lúc xảy ra va chạm, có ba phi công trong buồng lái còn người thứ tư ở trong cabin. Bà cho rằng không cần thiết cả 4 người phải ở trong buồng lái lúc hạ cánh.
Giám đốc Asiana Yoon Young-doo sáng qua đến San Francisco từ Hàn Quốc để xem xét những nỗ lực của nhân viên hàng không giúp các hành khách bị thương và gia đình họ. Ông cũng sẽ thăm NTSB và các tổ chức khác để xin lỗi về vụ tai nạn và cố gắng gặp các hành khách bị thương.
Yoon nói ông không thể gặp các phi công Asiana vì không ai bên ngoài được liên lạc với họ cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất.
Hơn 180/307 người có mặt trên máy bay khi vụ việc xảy ra đã phải vào viện vì những vết thương. Nhưng hơn một phần ba trong số đó không cần ở lại bệnh viện. Các hành khách bao gồm 141 người Trung Quốc, 77 người Hàn Quốc, 64 người Mỹ, ba người Canada, ba người Ấn Độ, một người Nhật, một người Việt Nam và một người Pháp.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết 22 người, bao gồm 5 tiếp viên, vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện ở San Francisco. Chuyến bay xuất phát ở Thượng Hải, Trung Quốc, quá cảnh ở Seoul, Hàn Quốc trước khi bay đến San Francisco trong 11 giờ đồng hồ. Boeing 777 là một trong những máy bay an toàn nhất trên thế giới, dựa vào số vụ tai nạn và thời gian bay lớn của nó.
Theo VNE
Tranh cãi về hành khách Trung Quốc trên Boeing 777
Thái độ phớt lờ, từ chối hợp tác hay mải xách theo hành lý của một số hành khách Trung Quốc trên chuyến bay 214 của hãng Asiana Airlines bị chính những đồng hương của họ mổ xẻ.
Hình ảnh một phụ nữ (áo xanh) xách theo chiếc vali nặng nề ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy được các nhân chứng chụp được. Ảnh: CNN
Bức ảnh chụp lại cảnh những hành khách, trong đó có một phụ nữ đứng tuổi, đang tay xách nách mang đống hành lý lỉnh kỉnh và di tản khỏi đống đổ nát, sau khi chiếc Boeing 777 đập xuống đường băng của sân bay quốc tế San Francisco, Mỹ, hồi cuối tuần trước, đang được lan truyền rộng rãi trên Internet.
Những hình ảnh được ghi lại sau hiện trường vụ tai nạn cùng nhiều bài viết phê bình từ trước tới nay đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng mạng Trung Quốc, về chính những người đồng hương của họ trên các chuyến bay quốc tế. Theo thông tin được Asiana Airlines công bố, những người mang quốc tịch Trung Quốc chiếm phân nửa số hành khách trên chuyến bay mang số hiệu 214, xuất phát từ Thượng Hải và quá cảnh tại Seoul, trước khi cập bến ở nước Mỹ.
"Tôi đã rất thất vọng khi thấy những hành khách coi trọng đống hành lý cá nhân hơn là tính mạng của những người khác", MeganZhong, một người dùng Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, nói. "Họ thậm chí còn có thời gian để tweet về vụ tai nạn trước khi giúp những người bị thương khác".
"Người nước ngoài (đặc biệt là dân Mỹ) không thể hiểu tại sao ở Trung Quốc, mạng người bị coi nhẹ hơn tiền bạc", người dùng có tên Victory of Xiangzi viết trên trang cá nhân. "Và cái lối suy nghĩ này lại đang bám rễ trong tư tưởng của người dân Trung Quốc."
Tuy nhiên, không phải người Trung Quốc nào cũng có quan điểm tiêu cực như MeganZhong và Victory of Xiangzi. Nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra thông cảm với hành động của những người đồng hương trên chiếc Boeing 777.
"Chộp lấy túi là một hành động bản năng", Jiqiongqiong nhận xét. "Nhưng điều đó không thay đổi tư duy của người Trung Quốc chúng tôi, rằng mạng người luôn quan trọng hơn vật ngoại thân".
Hành khách tháo chạy khỏi chiếc Boeing 777 (Nguồn: ABC News)
Rào cản ngôn ngữ
Bất đồng ngôn ngữ và phản ứng của các hành khách cũng là một vấn đề được giới chức tính tới trong quá trình điều tra nguyên nhân và diễn biến vụ tai nạn. Thái độ hoảng hốt và bối rối rõ ràng là điều không thể tránh khỏi trong một tình huống nguy hiểm như vậy.
Từ những thông tin do Asiana Airlines cung cấp, có thể khẳng định một sự thật rằng, các tiếp viên đã làm mọi thứ để giữ an toàn cho tất cả hành khách.
Một trong những nguyên tắc quan trọng được Cục Hàng không Liên bang Mỹ nhấn mạnh khi xảy ra tình huống khẩn cấp, đó là hành khách phải "bỏ lại hành lý" và "tuân thủ hướng dẫn của tiếp viên".
Tuy nhiên, điều đó dường như không được áp dụng trong chuyến bay của Asiana Airlines. Một số hành khách còn bận quan tâm tới chỗ hành lý cá nhân trước khi sơ tán khỏi máy bay, với lý do rằng hộ chiếu là vật bất ly thân. Ngoài hơn 30 thiếu niên sẽ sang Mỹ tham dự trại hè quốc tế, chuyến bay 214 còn đem theo những hành khách đặc biệt khác, và một trong số đó là Xu Da, giám đốc phát triển sản phẩm của Taobao, nền tảng kinh doanh trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.
"Với những người chỉ trích tôi vì đã quá quan tâm tới chỗ hành lý cá nhân và vì thế đe dọa tới sự an toàn của những người khác, tôi có vài điều cần nói rõ", Xu viết trên trang Weibo cá nhân. "Đầu tiên, gia đình tôi (ba người chúng tôi) ngồi cùng một hàng ghế, và hành lý của chúng tôi được đặt trong các ngăn ngay trên ghế ngồi. Vì thế, lối đi của máy bay không hề bị ảnh hưởng từ việc thu dọn đồ đạc của chúng tôi."
"Thứ hai, hộ chiếu, tiền bạc, cùng nhiều vật dụng khác của chúng tôi, tất cả đều ở trong đống hành lý. Sẽ rất khó khăn nếu tôi không đem chúng theo mình", Xu viết. "Thứ ba, tại thời điểm đó, tất cả đều hướng về phía buồng lái. Tình hình đâu quá hỗn loạn. Chẳng ai chạy về phía chúng tôi."
Nhưng những lời giải thích của Xu dường như lại chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Một cư dân mạng có tên Olivia Yi phản bác: "Anh là đồ ngốc à? Mang theo cả đống hành lý khi đang tháo chạy... Thật ích kỷ và thiếu hiểu biết!!! Anh có biết là cái hành động dường như chính đáng ấy của anh có thể đẩy người khác tới chỗ chết không? Làm ơn hãy đọc những hướng dẫn về an toàn hàng không thật cẩn thật trong lần bay tới! Tài sản của anh có thể rất quan trọng với cá nhân anh, nhưng không thể so sánh với mạng sống của những người khác."
Thảm họa trên chiếc Boeing 777 có thể đã nghiêm trọng hơn nếu không có sự nhanh nhạy của những nữ tiếp viên. Ảnh: AFP
Phi hành đoàn quả cảm
Một người dùng Weibokhác có tên Happy Beyond the Cloud cũng có bài phân tích của riêng mình.
"Một thành viên phi hành đoàn của hãng American Airlines từng phàn nàn với tôi rằng, rất nhiều người Trung Quốc hay từ chối thắt dây an toàn hoặc tự ý đổi chỗ ngồi trong lúc máy bay hạ cánh. Họ còn mang theo những chiếc túi quá nặng và để chúng lên trên ngăn đựng hành lý xách tay", Happy Beyond the Cloud, người tự nhận mình là một phi công, viết.
"Một số hãng hàng không còn phải tính tới nước phạt thật nặng, có thể lến tới 1.500 USD, với những hành khách không chịu hợp tác. Chẳng lẽ mấy người đó không hiểu rằng hành xử thiếu suy nghĩ của họ có thể giết chết những người khác?", phi công này nói thêm.
Những gì vừa xảy ra ở San Francisco có thể đã tồi tệ hơn, nếu không có sự ứng biến thông minh và nhanh nhạy của các nữ tiếp viên.
Nữ tiếp viên quên mình cứu hành khách
"Tôi nghĩ việc vơ vội đồ đạc cá nhân và chạy thục mạng chỉ là một phản ứng tự nhiên khi máy bay gặp tai nạn", Tom Ballantyne, tổng biên tập Orient Aviation, một tạp chí hàng không nổi tiếng, cho biết. "Nhưng rõ ràng là những hành động vô tình đó có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng".
"Trong tình trạng khẩn cấp, các thành viên phi hành đoàn thậm chí phải ra lệnh với các hành khách. Để được hành nghề tiếp viên hàng không, các cô gái phải có khả năng sơ tán hành khách chỉ trong 95 giây. Vấn đề ở đây là nhiều người đã cố ý phớt lờ những lời cảnh báo về an toàn. Tuân thủ chúng giúp chúng ta và những người xung quanh không gặp rắc rối", Ballantyne nói.
Theo VNE
Tiếp viên Asiana văng khỏi máy bay vẫn sống Hai nữ tiếp viên ở phía cuối chuyến bay Asiana Airlines 214 bị văng khỏi chiếc phi cơ, sau khi nó đập vào đê chắn biển và cụt đuôi trong vụ va chạm tại sân bay San Francisco. Hai tiếp viên (không phải hai người bị văng khỏi máy bay) của Asiana Airlines cùng các hành khách của chuyến bay 214 ở bên...