Phép màu nào dành cho RIM?
Giống như Nokia, RIM, nhà sản xuất điện thoại BlackBerry lừng danh một thời cũng đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Hiện tại thị phần của RIM đang ngày càng bị thu hẹp trước sức tấn công mạnh mẽ đến từ Apple và các nhà sản xuất điện thoại Android. Hãng điện thoại Canada liên tục phải đối mặt với những khoản thua lỗ khổng lồ và các vụ kiện đòi bồi thường do vi phạm bằng sáng chế (mới đây Rim đã phải bồi thường 147,2 triệu USD cho công ty phần mềm Mformation Technologies). Nếu như Nokia đang đặt cược “sinh mạng” vào ván bài Windows Phone 8 thì RIM cũng chỉ còn biết hi vọng vào hệ điều hành BlackBerry 10 sẽ ra mắt vào năm sau nhằm cứu vãn tình thế.
Hãng cũng đang cố tự làm mới mình khi hứa hẹn sẽ tung ra smartphone với bàn phím ảo thay cho bàn phím QWERTY truyền thống. Bởi nếu cứ bảo thủ tuân theo một lối mòn cũ thì chắc chắn hãng điện thoại BlackBerry sẽ thất bại. Dẫu biết rằng, vẫn có rất nhiều người thích sử dụng điện thoại có bàn phím cứng, song ngày nay các hãng điện thoại đã rút ra kết luận bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng mới là công cụ phổ biến và hữu dụng nhất. Việc đánh đổi giữa thiết kế một bàn phím vật lý với một màn hình cảm ứng nhỏ hơn là không thỏa đáng. Vì người dùng các thiết bị di động hiện nay luôn ưu tiên một màn hình cảm ứng có kích thước tương đối lớn (trên 4 inch) để phục vụ các nhu cầu như làm việc, chơi game hay lướt web.
Như chúng ta đã biết, BlackBerry Bold Touch 9900 là chiếc điện thoại cao cấp của RIM với thiết kế tinh tế, nhưng việc chỉ sở hữu màn hình 2,8 inch đã làm nhiều người dùng tỏ ra không mấy mặn mà. Nếu như không nhanh chóng có những động thái cải thiện tình hình thì RIM sẽ ngày càng lún sâu xuống vũng bùn đen và chỉ có phép màu mới có thể giúp vực dậy “cựu vương” một thời này.
Thời kỳ hoàng kim xa vời
Trở lại năm 2008, khi đó giá một cổ phiếu của RIM là 149,9 USD. Nhưng hiện tại, một cổ phiếu của hãng điện thoại Canada chỉ vỏn vẹn 7,88 USD. Thị phần của họ đạt mốc cao nhất vào năm 2009 khi chiếm 20% thị trường di động toàn cầu và khoảng 50% thị phần smartphone. Tuy nhiên khi iPhone của Apple và những chiếc điện thoại Android được tung ra thị trường thì sự kiểm soát của RIM càng ngày càng bị thu hẹp. Theo IDC, thị phần điện thoại thông minh của RIM trong ba tháng đầu tiên của năm 2012 chỉ là 6,4%.
Đó là một sự suy giảm chóng mặt, chỉ trong 3 năm RIM đã mất tới hơn 40% thị phần và hiện giờ nguy cơ bị “nuốt chửng” vẫn đang hiện hữu. Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu lạc quan được đưa ra. Theo nguồn tin đáng tin cậy từ Gartner, trong quý đầu tiên của năm 2009, báo cáo về doanh số smartphone được bán ra trên toàn cầu là 36,4 triệu chiếc, còn trong quý đầu tiên của năm 2012 con số này đạt 144,4 triệu chiếc. Rõ ràng, thị trường điện thoại thông minh đang phát triển với tốc độ rất nhanh và rộng khắp. Trong đó, RIM đã tiêu thụ được gần 10 triệu smartphone trong quý đầu tiên của năm 2012 so với 7,8 triệu chiếc được bán trong cả năm 2009. Do đó, mặc dù thị phần bị thu hẹp nhưng RIM vẫn đang rất cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh ở mức cầm chừng.
Nguyên nhân, hệ quả
Nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khó khăn hiện nay của RIM là khá rõ ràng. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do sự phát triển bùng nổ của hai nền tảng hệ điều hành hàng đầu hiện nay là iOS và Android đã biến RIM thành “kẻ ngồi chiếu dưới”. Thì cũng không thể phủ nhận sự yếu kém trong quản lý và sa sút về chất lượng sản phẩm làm cho người tiêu dùng ngày một thờ ơ với điện thoại BlackBerry. Các phiên bản mới của RIM luôn có thiết kế khá giống nhau mà không có điểm nhấn cùng cấu hình phần cứng chỉ ở mức trung bình. Các dịch vụ hậu mãi không có gì đặc biệt cùng kho ứng dụng nghèo nàn, cũ kỹ.
Video đang HOT
Trong khi App store của Apple hay Google Play store đã cán mốc trên 600.000 ứng dụng thì BlackBerry App World vẫn lẹt đẹt chưa đến 100.000 ứng dụng. Ngoài ra, việc thiếu các công nghệ hiện đại như NFC hay trợ lý ảo cũng là một yếu điểm của RIM.
Song song với đó, việc đầu tư dàn trải không có trọng tâm cũng khiến hãng điện thoại Canada mất mát khá nhiều. RIM định lấn sân sang cả thị trường sản xuất tablet nhưng đã nhanh chóng phải nhận lấy trái đắng. Có vẻ như hãng điện thoại BlackBerry đang từ bỏ chiếc Playbook 16GB khi họ đưa cả kho hàng tồn đọng lên eBay với giá chỉ còn một nửa. Chiếc BlackBerry Playbook 16GB đã được đại hạ giá một cách chóng mặt, từ 499 USD xuống còn 169 USD. Quyết định “đau đớn” này được RIM đưa ra sau một thời gian dài không ai nhòm ngó tới chiếc tablet đầu tiên của hãng. Một cái kết đáng buồn cho sản phẩm tablet rất được kỳ vọng của RIM với màn hình 7 inch, được trang bị bộ vi xử lí lõi kép Cortex A9 1GHz và 1GB RAM. Tuy nhiên, thiết kế nửa vời na ná các sản phẩm máy tính bảng của Trung Quốc và ứng dụng nghèo nàn đã giết chết chiếc tablet này ngay trong những ngày đầu ra mắt. Thậm chí cả khi đại hạ giá, nhiều người cho biết họ cũng “chẳng thèm tậu về một chiếc làm gì cho mất công”.
Liệu có phép màu nào dành cho RIM?
RIM đang rất nóng lòng tìm cơ hội nhằm xoay chuyển tình thế. Mọi hi vọng đang được đổ dồn vào hệ điều hành BlackBerry 10 đang trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, hệ điều hành này lại bị trì hoãn tới quý I năm 2013 do gặp phải một số trục trặc. Dẫu sao, người dùng vẫn có thể tin tưởng BlackBerry 10 là một sản phẩm chất lượng, một nền tảng có thể chạy tốt các ứng dụng Android và tích hợp công nghệ HTML5 cùng khả năng hỗ trợ làm việc tối ưu.
Bên cạnh đó, về khía cạnh phần cứng điện thoại cũng hứa hẹn sẽ được cải thiện, không chỉ có những thay đổi về thiết kế bàn phím ảo mà các thông số kỹ thuật cũng được nâng cao nhằm đủ sức cạnh tranh với các smartphone “khủng” hiện nay và cả trong tương lai. Nếu RIM phát hành một thiết bị có màn hình cảm ứng lớn hơn, bộ vi xử lý nhanh hơn, dung lượng lưu trữ được mở rộng cùng việc bổ sung các tính năng tiêu chuẩn thì người tiêu dùng chắc chắn có lý do để hài lòng.
Ngoài ra, RIM cũng đang cố gắng cắt giảm chi phí đến mức tối đa, thậm chí kể cả việc bán đi một trong 2 chiếc máy bay mà hãng đang sở hữu để tiết kiệm số tiền 1 tỷ USD duy trì hoạt động. Đồng thời, hãng điện thoại BlackBerry vừa có quyết định sa thải hơn 5.000 nhân công, chiếm đến 1/3 tổng số nhân công của RIM. Có thể khẳng định rằng, RIM vẫn đang cố gắng cầm cự để chờ đến thời điểm những quân bài chủ chốt được tung ra.
RIM đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào hệ điều hành BlackBerry 10 ra mắt vào đầu năm sau.
Với những biểu hiện trên, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng vào một viễn cảnh RIM sẽ hồi phục và trở thành một doanh nghiệp “khỏe mạnh” trong ngành công nghiệp di động.
Theo VNN
Thế nào là game bạo lực tại Việt Nam?
Như vậy là năm 2012 đã đi qua nửa chặng đường, đánh dấu hơn 2 năm rưỡi làng MMO Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn, mọi kế hoạch phát hành đều ngừng trệ và quyền lợi game thủ cũng theo đó mà mất dần sự đảm bảo. Nhiều webgame cập bến chủ yếu cũng vì chúng bị "soi" ít hơn và cũng không bị đánh giá khắt khe như MMO client thông thường.
Còn nhớ năm 2010, đã từng xuất hiện một bảng tiêu chí phân loại game online nội địa với các mức độ như "Bạo lực cấp 1", "Bạo lực cấp 2"... thế nhưng rõ ràng nó chưa phản ánh đúng thực tế. Chúng ta vẫn thường "mơ" đến một ngày mọi MMO nhập về Việt Nam đều được đánh giá đàng hoàng để thị trường thoát cảnh "bát nháo" trước nay, thế nhưng, mọi chuyện còn rất đỗi gian nan.
Ai đánh giá?
Rõ ràng, để đánh giá được một tựa game đòi hỏi đơn vị thực hiện tiến trình này phải có kiến thức sâu sắc về trò chơi. Thế nhưng tại Việt Nam điều này là không dễ dàng, game online mới chỉ gia nhập dải đất hình chữ S khoảng chục năm, game offline có trước đó lâu hơn nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với các thị trường quốc tế, vì thế số lượng chuyên gia trong ngành còn hết sức hạn chế.
Trước nay, thông thường một MMO nhập về nước được xem xét thông qua tài liệu mà phía NPH cung cấp, nó rõ ràng không thể phản ánh đầy đủ nội dung trò chơi. Hơn nữa, nếu như các game tại thị trường phương Tây hầu hết đều được phân loại theo các chuẩn (ESRB, PEGI...) sẵn thì game mua về từ Trung Quốc (chiếm 80% thị trường nội địa) lại gần như chưa bao giờ được phân loại sẵn.
Kiến thức về trò chơi còn nghèo nàn rất dễ dẫn đến chuyện đánh giá sai lầm, có thể giả dụ như Street Fighter 4 tại phương Tây được đánh giá theo chuẩn ESRB ở mức "Teen" (PEGI là 12), thế nhưng trong con mắt nhìn nhận của người chưa từng chơi game thì sẽ thấy ngay nó chỉ có... đánh và đấm. Nếu phân loại thì ắt hẳn không tránh khỏi mác "bạo lực mạnh".
Do vậy, người đánh giá bắt buộc phải bắt tay vào chơi thử, tiến trình này lại càng khó khăn hơn vì game online thường xuyên được update nội dung và phải gắn bó thường xuyên thì mới phát hiện ra những thay đổi so với phân loại ban đầu. Điều này là cực kỳ nan giải đối với các ban ngành chức năng.
Dĩ nhiên, vẫn còn một phương thức khả dĩ là áp nguyên tiêu chí đánh giá đã có sẵn ở các thị trường game nước ngoài vào Việt Nam, do đó không cần phải mất thời gian xây dựng bảng phân loại chuyên biệt. Thế nhưng rõ ràng vẫn phải chơi, phải hiểu game thì mới áp dụng được chuẩn xác, mà chúng ta lại đang thiếu các chuyên gia trầm trọng.
Hiện tại, đa phần những người hiểu về game đều đang làm trong công ty phát hành trò chơi trực tuyến, việc thành lập một tổ chức dựa trên các thành viên như họ rõ ràng chưa thể đáp ứng được khía cạnh khách quan. Đơn giản vì không ai muốn phân loại MMO mà mình vừa mất cả chục nghìn USD mua về lại bị xếp vào hàng 16 hoặc 18 .
Chưa thể giám sát
Hãy tạm xếp hết những khó khăn trong khâu đánh giá phân loại game sang một bên, giả sử như chúng ta giải quyết nó một cách dễ dàng đi chăng nữa thì vẫn còn đó vô vàn nan giải trong vấn đề triển khai. Đơn giản vì hiện tại vẫn chưa có bất kỳ hệ thống nào để kiếm tra, giám sát người chơi có thỏa mãn tiêu chí đề ra hay không.
Còn nhớ cách đây không lâu, vấn đề "chứng minh thư điện tử" từng được đưa ra bàn luận. Mục tiêu của ý tưởng này là tạo ra cho mỗi cá nhân một "profile" trong thế giới ảo, mọi hành động như đăng ký tài khoản, đăng nhập game đều có thể kiểm soát nhanh chóng. Nói một cách đơn giản là nếu trẻ em sẽ không thể login vào một MMO không dành cho chúng.
Thế nhưng tính đến khía cạnh trên có vẻ như còn quá xa vời, không phải nói đâu xa, ngay việc tổ chức được một hệ thống như thế đã ngốn không biết bao nhiêu tiền của lẫn công sức, chưa kể còn đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải ở mức cao ngang bằng các quốc gia phát triển. Chúng ta chưa thể làm được chuyện đó ít nhất là trong 5, 7 năm nữa.
Thứ hai, dù có thành lập được cái gọi là "chứng minh thư điện tử" chăng nữa thì sợi dây kết nối giữa đơn vị phát hành game với đơn vị giám sát cũng khó giữ được độ tin cậy. Đơn giản vì việc quản lý tài khoản gamer là do NPH đảm nhiệm, họ phải chân thực báo cáo, không mảy may dối trá thì mới mong thực hiện phân loại gamer chính xác, đây là điều rất khó vì đã là doanh nghiệp thì mối quan tâm hàng đầu chắc chắn là lợi nhuận, họ sẽ không dễ gì tự "chặt mất" khách hàng tiềm năng.
Chờ đợi ý thức gamer?
Nói chung, chúng ta vẫn còn một "giải pháp" sau cùng, hiệu quả nhất và cũng ít tốn kém nhất, tránh được mọi khó khăn kể trên. Đó chính là đánh vào "ý thức" người chơi. Nếu tuyên truyền để các bậc phụ huynh tự biết kiểm soát con em mình trước thế giới ảo thì chắc hẳn những vụ việc đáng tiếc đã không bao giờ xảy ra.
Nhưng để xây dựng được ý thức ấy là điều không hề dễ dàng, nói đơn cử như ngay đến chuyện chống hack, cheat và gian lận đã là điều nan giải đối với cộng đồng game thủ nước nhà. Nói chung, còn quá nhiều rào cản để game Việt có thể được đánh giá và triển khai phân loại như nhiều người hằng mơ ước.
Hãy xây dựng ý thức trước khi chúng ta mơ đến nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai.
Theo Game Thủ
Người yêu tôi qua đêm với cậu họ PhÁT hiện sự thật này, tôi xin nghỉ học một năm để suy nghĩ và đầu óc luôn bị ám ảnh chuyện cô ấy ngủ ở nhà cậu. Xin chào các bạn đọc của chuyên mục Tâm tình. Hiện giờ tôi hết sức bế tắc và mâu thuẫn, rất mong nhận được những lời khuyên chân thành của các bạn. Tôi và bạn...