Phe đối lập Thái Lan tẩy chay bầu cử
Đảng Dân chủ đối lập chính tại Thái Lan hôm nay 21/12 đã tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm tới.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay, lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva cho biết đảng của ông đã đồng thuận không đăng ký ứng cử viên trong cuộc bầu cử sớm.
“Người Thái đã mất niềm tin vào hệ thống dân chủ”, ông Abhisit nói.
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã giải tán quốc hội hôm 9/12 và kêu gọi bầu cử sớm trong một nỗ lực nhằm tránh bạo lực trên đường phố và “trao lại quyền lực cho người dân”.
Việc giải tán quốc hội diễn ra sau khi các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở thủ đô Bangkok. Những người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Yingluck từ chức và chuyển giao quyền lực cho “Hội đồng nhân dân”.
Đảng Pheu Thai của bà Yingluck hiện đang chiếm đa số tại quốc hội và nhận được sự ủng hộ quan trọng từ các vùng nông thôn tại Thái Lan. Pheu Thai được tin là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Tướng quân đội nêu đề xuất mới
Người biểu tình xuống đường tại Bangkok.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, cho biết ông rất lo ngại về cuộc khủng hoảng hiện nay, nói rằng những chia rẽ không chỉ xuất hiện tại Bangkok mà ở khắp cả nước.
Video đang HOT
Ông Prayuth đã cảnh báo rằng những chia rẽ chính trị tại Thái Lan có thể “gây ra một cuộc nội chiến”.
Tướng Prayuth đã đề xuất một “quốc hội nhân dân”, được tạo nên bởi đại diện từ cả hai phía – phe “Áo Đỏ” ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và phe “Áo Vàng” phản đối ông – nhằm hàn gắn các bất đồng.
“Đó phải là một nhóm trung lập và bao gồm đại diện không phải nòng cốt của tất cả các bên và không bao gồm tất cả lãnh đạo của các phe phái”, ông Prayuth nói.
Tướng Prayuth không tiết lộ bằng cách nào hay khi nào quốc hội có thể được thiết lập, nhưng nói rằng bất kỳ đề xuất nào cũng phải được công chúng ủng hộ và công chúng phải suy nghĩ xem làm thế nào để đạt được sự đồng thuận đó”.
Ông Prayuth nhấn mạnh, nhóm của ông khác với “hội đồng nhân dân” mà phe đối lập đề xuất.
“Quốc hội nhân dân không bị điều khiển hay bảo trợ bởi bất kỳ nhóm mâu thuẫn nào, vì nó sẽ không được bên kia chấp nhận”, ông Prayuth nói.
Các bình luận của ông diễn ra sau một cuộc họp của hội đồng quốc phòng vào ngày 20/12 để thảo luận về cuộc bầu cử 2/2/2014.
Phát ngôn viên quốc phòng, Đại tá Thanatip Sawangsaeng, nói quân đội “sẵn sàng ủng hộ Ủy ban bầu cử trong việc tổ chức bầu cử khi được yêu cầu”.
Nhưng một nguồn tin quân đội tiết lộ quân đội tin rằng tốt hơn là nên trì hoãn cuộc bầu cử, như mong muốn của các đảng đối lập.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan bắt đầu khoảng 1 tháng trước sau khi hạ viện Thái thông qua một dự luật ân xá gây tranh cãi mà những người chỉ trích nói là có thể cho phép Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra trở lại Thái Lan mà không bị ngồi tù.
Ông Thaksin hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và bị kết án về tội tham nhũng.
Những người biểu tình nói rằng ông Thaksin vẫn là thế lực mạnh sau đảng Pheu Thai cầm quyền và cáo buộc đảng này sử dụng công quỹ để mua phiếu bầu.
Theo Dantri
Ai sẽ chấm dứt biểu tình ở Thái Lan?
Sau vài ngày tạm lắng, chính trường Thái Lan lại sôi sục căng thẳng khi phe đối lập quyết tâm được thua với chính phủ của bà Yingluck Shinawatra. Câu hỏi đặt là ai có đủ sức nặng đẩy lùi các cuộc biểu tình này?
Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, cựu Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva (áo trắng) tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12.
Sức hút của Nhà vua
Nếu nhìn vào những diễn biến bất ngờ ở thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm 4/12, hẳn không ít người tin rằng chỉ có Nhà vua Bhumibol Adulyadej - người được nhân dân Thái Lan sùng kính - mới có thể giúp hạ nhiệt không khí căng thẳng hiện nay. Niềm tin càng được củng cố khi những người biểu tình đột ngột thay đổi thái độ sau nhiều ngày đối đầu căng thẳng với chính phủ vì một lý do duy nhất: hôm sau là ngày sinh nhật lần thứ 86 của Nhà vua.
Trong chốc lát, những người biểu tình đã chuyển từ thái độ giận dữ sang vui vẻ ra về, thậm chí một số người còn "tay bắt, mặt mừng" và tặng hoa cảnh sát trong khuôn viên Tòa nhà chính phủ, một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với những cuộc đụng độ xảy ra trước đó vài ngày. Tinh thần dân tộc và tình cảm sùng kính dành cho Nhà vua đã kéo những con người ở hai chiến tuyến chút chốc xích lại gần nhau.
Trong thông điệp phát đi vào đúng ngày sinh nhật, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã kêu gọi cả nước đoàn kết vì sự ổn định, ám chỉ kế hoạch nối lại biểu tình của phe đối lập trong ngày 9/12 nhằm lật đổ bằng được chính phủ của bà Yingluck Shinawatra và hạn chế ảnh hưởng chính trị của anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và hiện đang phải sống lưu vong ở nước ngoài.
"Đất nước Thái Lan đã có thời gian dài sống trong hòa bình bởi mọi người dân đều đoàn kết. Mỗi người dân Thái Lan nên tự nhận thấy điều này và hoàn thành vai trò của mình để mang lại lợi ích cho đất nước, đó là sự ổn định và an ninh của đất nước", Nhà vua phát biểu tại lễ kỷ niệm sinh nhật có sự tham gia của các nhân vật cấp cao, trong đó có Thủ tướng Yingluck, các chính khách đối lập và các tướng lĩnh quân đội.
Phát biểu của Nhà vua đã được phát sóng rộng rãi trên tất cả các kênh truyền hình ở Thái Lan với mong muốn truyền đi tư tưởng đoàn kết rộng rãi trong thời điểm quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc. Thông điệp đó, ở góc độ nào đó, cũng đã tác động được đến tâm thức của phần lớn người dân Thái Lan khi trong ngày sinh nhật Nhà vua, mọi người dân - bất luận thuộc phe Áo đỏ hay Áo vàng - đều quên đi những hiềm khích để khoác trên mình chiếc áo mang màu hoàng gia và đổ ra đường chúc mừng sinh nhật Nhà vua.
Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang. Ngay trong lúc ăn mừng sinh nhật Nhà vua, vẫn có không ít người nhắc đến kế hoạch lật đổ Thủ tướng Yingluck khi nhìn thấy hình ảnh bà xuất hiện trên truyền hình. "Chúng tôi sẽ lại biểu tình", "Chúng tôi sẽ biểu tình cho đến khi giành được chiến thắng" là những câu được nhiều người nhắc tới nhất.
Và đúng như tuyên bố trên, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình trong sáng 9/12 và bao vây Tòa nhà chính phủ, bất chấp những tuyên bố "đấu dịu" trước đó của bà Yingluck về việc giải tán Quốc hội, tiến hành tổng tuyển cử sớm hay thậm chí bà sẽ từ chức thể theo nguyện vọng của người dân. Thủ lĩnh lực lượng biểu tình Suthep Thaugsuban, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, còn tuyên bố đây là "trận chiến cuối cùng" và "sẽ không về nhà nếu không đạt được mục đích (lật đổ chính phủ)".
Nhiều nhà quan sát cho rằng phe đối lập Thái Lan đang chơi lại nước cờ cũ khi sử dụng sức mạnh đường phố để kích động quân đội ra tay, tương tự như những gì đã làm trong cuộc biểu tình dẫn tới đảo chính 7 năm về trước lật đổ anh trai bà Yingluck.
Trong bối cảnh đó, mọi ánh mắt giờ đây đang đổ dồn về phía quân đội, lực lượng hậu thuẫn giới thượng lưu hoàng gia và tầng lớp trung lưu ở Bangkok.
Và vai trò quyết định của quân đội
Sau sinh nhật Nhà vua, có vẻ trọng trách xử lý khủng hoảng chính trị đang đè nặng lên vai quân đội. Mặc dù Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha và các nhà lãnh đạo quân sự khác chưa hề hé lộ ý định giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng theo giới quan sát, sớm muộn thì lực lượng này cũng sẽ có những hành động cụ thể hoặc đóng vai trò hòa giải giữa các bên.
"Sớm hay muộn quân đội cũng sẽ phải tham gia. Người ta cũng không nên loại trừ khả năng xảy ra đảo chính quân sự nếu như chính phủ dân sự không đủ khả năng chấm dứt bạo lực đường phố", học giả nổi tiếng Pavin Chachavalpongpun làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto nhận định.
Theo ông Pavin Chachavalpongpun, Thái Lan đã quá quen với các cuộc đảo chính quân sự bởi trong suốt 80 năm qua, đất nước này đã trải qua tổng cộng 18 diễn biến tương tự. Cuộc đảo chính gần đây nhất là vào năm 2006 khi giới quân đội hoàng gia lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin, người đang sống lưu vong nhưng được cho là vẫn điều khiển chính trường Thái Lan thông qua bàn tay của em gái, Thủ tướng đương nhiệm Yingluck.
Nếu xét theo những chuyển động chính trị tại Thái Lan hiện nay, có thể nhận thấy lực lượng quân đội không mấy ưa thích chính quyền đương nhiệm. Thế nhưng giới lãnh đạo quân đội vẫn tỏ ra dè dặt, có vẻ không muốn tái diễn cuộc đảo chính năm 2006 vốn là căn nguyên dẫn đến tình trạng bất ổn dai dẳng nhiều năm qua. Đây là lý do vì sao quân đội Thái Lan quyết định chỉ hành động rất chừng mực: phái binh sĩ không vũ trang hỗ trợ lực lượng cảnh sát bảo vệ trật tự an ninh.
Trong khi đó, trên bình diện chính trị, quân đội đã cố gắng tạo điều kiện tối đa cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Yingluck và lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban hôm 1/12. Mặc dù cuộc gặp này không đạt kết quả song Tướng Prayut Chan-O-Cha cho biết quân đội sẽ "để cho vấn đề được giải quyết bằng các biện pháp chính trị", đồng nghĩa với việc quân đội không ra tay.
"Cho tới thời điểm gần đây, quân đội vẫn đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng tôi cho rằng họ đang có xu hướng can dự sâu hơn vào cuộc xung đột để giúp phá vỡ thế bế tắc. Đó chính là điều mà các nhà lãnh đạo biểu tình mong muốn. Tuy nhiên, quân đội ý thức được rằng sự can thiệp của họ có thể sẽ gây rối loạn xã hội về lâu dài", chuyên gia Thitinan Pongsudhirak của trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nói.
Có lẽ rút kinh nghiệm từ cuộc đảo chính trước, giới tướng lĩnh quân đội - những người tự coi mình là người bảo vệ nền quân chủ Thái Lan - sẽ không dễ dàng để bị cuốn vào vòng xoáy mới, nhất là khi phong trào Áo đỏ nay đã mạnh hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, nếu buộc phải lựa chọn, họ sẽ không ngần ngại đứng về phía người dân và kín đáo gây áp lực với chính quyền dân sự cho dù đang chịu sự chỉ huy trực tiếp của Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Yingluck.
Đức Vũ
Theo Dantri
Con gái ông Thaksin đi lánh nạn Hai hôm nay ở Thái Lan xuất hiện tin đồn hai con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra phải ra nước ngoài để lánh nạn. Biểu tình của phe chống gia đình Shinawatra Hai con gái của ông Thaksin 31 và 27 tuổi đã rời khỏi Thái Lan tối hôm qua 14.11 trong một chuyến bay của hãng hàng không quốc gia...