Phe Dân chủ lo sợ Biden ‘ngại’ đấu với Cộng hòa
Các đảng viên Cộng hòa đã sẵn sàng để lên tiếng phản đối nếu Joe Biden chọn bà Susan Rice cho vị trí tân ngoại trưởng trong chính phủ tương lai của ông.
Họ cho rằng Rice sẽ quay lại chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa can thiệp, hay mô tả bà như “Typhoid Mary” của chính quyền tổng thống Barack Obama, ám chỉ tới người từng phát tán dịch thương hàn ở Mỹ 100 năm trước.
Trong khi đó, một số thành viên Dân chủ thúc giục Biden chọn Rice vì bà là người có kinh nghiệm đối ngoại, người có thể trở thành phụ nữ da màu nổi bật nhất trong chính quyền tương lai của ông.
Nhưng thay vì Rice, Biden đã chọn Antony Blinken, một người có mối quan hệ thân thiết với tổng thống đắc cử nhiều thập kỷ qua, được cho ít có khả năng tạo ra cơn bão chính trị trong Thượng viện, nơi sẽ bỏ phiếu xác nhận cho Blinken.
Joe Biden tháo khẩu trang trước khi phát biểu tại Wilmington, bang Delaware hôm 6/11. Ảnh: AP.
Giới quan sát nhận định với những lựa chọn nội các mới được công bố, Biden dường như muốn trở thành một người hòa giải hơn là người tranh đấu đảng phái. Điều này khiến không ít thành viên cánh tả lo lắng những động thái đầu tiên này báo hiệu sự yếu đuối của Biden trước khi ông chính thức vào Phòng Bầu dục. Họ nói Biden đang ngây thơ nghĩ rằng Thượng viện vẫn là nơi có thể thỏa hiệp hòa giải giống như 36 năm ông gắn bó ở đó.
“Để gặp những người Cộng hòa ở nơi họ đang ở, hãy đến vùng đất siêu thực”, Rebecca Katz, từng là trợ lý hàng đầu của cựu lãnh đạo phe đa số Thượng viện Harry M. Reid, thành viên Dân chủ, nói. “Chúng ta không có thời gian rảnh rỗi. Đôi khi bạn phải chiến đấu. Chúng ta không thể đầu hàng trước khi bắt đầu cuộc chiến”.
Tại Đồi Capitol, nhiều thành viên Dân chủ khác cũng đưa ra các cảnh báo tương tự.
“Vẫn có khả năng tạo dựng mối quan hệ giữa hai đảng, nhưng mối quan hệ lưỡng đảng thực sự không phải là cầu xin đảng Cộng hòa ban cho nếu chúng tôi làm mọi thứ theo cách của họ”, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, người lo lắng cách tiếp cận với phe Cộng hòa của Biden sẽ vấp phản kháng, nói.
Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch tranh cử, Biden đã cho thấy lập trường rõ ràng của ông rằng sẽ tìm cách xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai đảng ở Washington. Nhóm của Biden đã âm thầm liên lạc với các thành viên Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện, bày tỏ cảm thông với những tính toán chính trị của họ khi cân nhắc phản ứng dữ dội từ nền tảng ủng hộ Trump nếu họ thừa nhận kết quả bầu cử.
Không chỉ chìa “cành olive” về phía Cộng hòa, Biden cũng từ chối đệ đơn kiện Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) vì trì hoãn xác nhận chuyển giao quyền lực tổng thống.
“Tôi đang đưa ra đánh giá dựa trên nhiều năm kinh nghiệm và cách giải quyết công việc với phe đối lập”, Biden nói khi được hỏi tại sao ông từ chối theo đuổi thách thức pháp lý về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump từ chối hợp tác chuyển giao.
Căng thẳng về vấn đề chọn cách tiếp cận hòa giải hay đấu tranh có thể được thấy rõ nhất trong trường hợp của bà Rice, người lọt vào danh sách ứng viên nội các của Biden và từng được nhiều đồng minh của ông tin trở thành ngoại trưởng. Nhưng Rice đã không được chọn vào vị trí này, thay vào đó là Blinken.
“Susan sẽ được sắp xếp một vị trí quan trọng khác”, một nguồn tin thân cận với Biden nói, nhưng từ chối cho biết liệu vị trí này có cần phải được Thượng viện xác nhận hay không.
Video đang HOT
Người này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Biden không chọn Rice vì “ngại” đối đầu với các thượng nghị sĩ Cộng hòa. “Tony luôn là sự lựa chọn. Luôn luôn là như vậy”, người này nói, đề cập tới Antony Blinken. “Bất kỳ ai nghĩ rằng Tony không được chọn vào vị trí này đều không hiểu gì về Joe Biden”.
Rice từng là ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Obama. Chuyên gia về chính sách đối ngoại được đào tạo ở Đại học Stanford đã nhanh chóng trở có mặt trong hàng ngũ ngoại giao và trở thành một trong những trợ lý ngoại trưởng trẻ nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, Rice đã rút khỏi đề cử do những lùm xùm xung quanh bình luận về vụ tấn công vào cơ sở của Mỹ ở Benghazi, Libya hồi năm 2012, khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ. Obama sau đó chỉ định bà làm cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ hai của ông, một vị trí không cần Thượng viện thông qua. Bà Rice từng rất thân cận với Biden khi còn là phó tổng thống và thường cùng ông đưa ra các ý tưởng chính sách ở Cánh Tây.
Trước khi Blinken được chọn, nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đã sẵn sàng để phản đối Rice, ngay cả khi họ vẫn từ chối thừa nhận chiến thắng của Biden. Thượng nghị sĩ ở bang Arkansas Tom Cotton, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, xem bà như “Mary Thương hàn” về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Thượng nghị sĩ Nam Carolina Lindsey O. Graham, thành viên Ủy ban Quan hệ Quốc tế, nói bà Rice khó có thể được thông qua.
Cách tiếp cận hướng tới đồng thuận của Biden là con đường mà ông đã chọn trong suốt những năm làm việc ở Thượng viện, trước khi đảm nhận vị trí phó tổng thống trong hai nhiệm kỳ của chính quyền Obama.
“Tôi biết ông ấy rất lâu rồi và tôi không nghĩ những khẩu súng sẽ là phong cách của ông ấy”, John Morgan, nhà tài trợ và là bạn của Biden, nói. “Ông ấy là người theo chủ nghĩa tôn trọng các thể chế. Ông ấy thân thiện với cả hai bên. Và tôi nghĩ lý do ông ấy được chọn làm phó tổng thống là nhờ các mối quan hệ của ông ấy”.
Biden tuyên bố ông sẽ thống nhất hai đảng trong cuộc chiến với Covid-19, đồng thời tuyên bố không có “thành phố xanh” hay “thành phố đỏ”. Hội đồng chuyên gia y tế cố vấn cho ông về đại dịch cũng bao gồm hai cựu quan chức của chính quyền Trump.
“Tôi hy vọng có thể nhận được sự hợp tác từ các đồng nghiệp đảng Cộng hòa ở cả Thượng viện và Hạ viện, cũng như các thống đốc, để xây dựng sự đồng thuận về cách chúng ta làm việc”, Biden nói.
Thách thức của Biden hiện tại là vừa phải duy trì mối quan hệ với các thành viên Cộng hòa, vừa không làm mất lòng các thành viên Dân chủ. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, lãnh đạo tự do và là người tập hợp lực lượng ủng hộ Biden, lo lắng rằng việc Biden muốn bắt tay với cánh hữu sẽ khiến cánh tả không hài lòng.
“Với tôi, rõ ràng các quan điểm cấp tiến cần được thể hiện trong chính quyền Biden”, Sander nói với AP. “Ví dụ sẽ là một sự xúc phạm nếu Biden thảo luận những gì định làm với nhóm thành viên Cộng hòa và Dân chủ bảo thủ, nhưng lại phớt lờ cộng đồng cấp tiến”.
“Ông ấy nên đồng hành với người mà ông ấy cảm thấy tốt nhất”, nghị sĩ Gregory W. Meeks nói. “Đừng lo lắng về khía cạnh đảng phái với thành viên Cộng hòa, bởi nhiều người trong số họ thậm chí còn chưa thừa nhận ông ấy là tổng thống Mỹ”.
Joe Biden thảo luận trực tuyến với ủy ban điều hành Hiệp hội Thống đốc Quốc gia hôm 19/11. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị cho một cuộc chiến, Biden nói rằng ông mong đợi có những trao đổi với Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell về việc xác nhận các đề cử nội các.
“Tôi hiểu ông ấy đã nói rõ ràng ai là người ông ấy ủng hộ và ai không. Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ có cuộc đàm phán về điều này”, Biden nói.
Song một số thành viên Dân chủ cho rằng phe Cộng hòa không cho thấy họ sẽ hợp tác với Biden, ngay cả khi ông cố gắng bắt tay với họ. Một số thành viên khác xem chiến lược hiện tại của Biden là nỗ lực để giành được tín nhiệm nhiều hơn từ công chúng Mỹ và dự đoán nó sẽ không kéo dài.
“Toàn bộ thông điệp của Biden là điều tôi không thích, nhưng tôi nghĩ mình hiểu tính toán chính trị ở đây là luôn tìm kiếm hợp tác như một phần ’sứ mệnh hàn gắn nước Mỹ’ của ông ấy”, Adam Jentleson, cựu phó chánh văn phòng của Harry M. Reid, nói. “Sẽ tốt hơn khi để đảng Cộng hòa là những người nổ súng trước và phá vỡ bất kỳ hình thức ngừng bắn nào có thể tồn tại”.
Trump khiến Biden phải tự gây quỹ chuyển giao quyền lực
Khi chính quyền Trump vẫn giữ ngân sách chuyển giao quyền lực, Biden và nhóm của ông phải tự tìm cách gây quỹ riêng để tiếp quản Nhà Trắng.
Thông thường, quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ sẽ lấy ngân sách từ khoản đóng thuế của người dân. Tuy nhiên, số tiền này sẽ không thể được giải ngân cho tới khi Emily Murphy, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Dịch vụ Công Mỹ (GSA), chính thức xác nhận Joe Biden thắng cử. Dù hầu hết cơ quan truyền thông lớn của Mỹ đều xướng tên Biden là tân tổng thống và nhiều bang đã bắt đầu xác nhận kết quả này, Murphy vẫn từ chối xác nhận.
Bất chấp cản trở đó, Biden và nhóm của ông đã bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực, tuyển dụng và giới thiệu các thành viên của chính quyền mới, cũng như họp với các nhóm quan trọng, như những công ty dược phẩm đang nghiên cứu về vaccine.
Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware hôm 16/11. Ảnh: AFP.
Để tạo ngân sách riêng cho nỗ lực này, Biden đã kêu gọi người ủng hộ gây quỹ chuyển giao quyền lực thông qua email và Twitter hôm 20/11, đồng thời nói rằng ông buộc phải làm như vậy vì thách thức pháp lý liên tục của Tổng thống Donald Trump với kết quả bầu cử đang làm trì hoãn quá trình này.
"Đây là những gì đang xảy ra", Biden đăng bài Twitter hôm 20/11. "Bởi vì Tổng thống Trump từ chối chấp nhận kết quả và trì hoãn quá trình chuyển giao, chúng tôi phải tự gây quỹ và cần sự giúp đỡ của các bạn. Nếu bạn có thể, hãy đóng góp cho quỹ chuyển giao của Biden-Harris".
Quan chức Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc của Biden, tuyên bố rằng Tổng thống không chỉ thị cho Murphy trì hoãn quá trình xác nhận kết quả. Nhưng các thành viên Dân chủ ở Hạ viện từ chối tuyên bố này, đồng thời yêu cầu Murphy đưa ra lời giải thích đầy đủ về việc trì hoãn này vào hôm 23/11.
Một quan chức chính quyền giấu tên nói với Washington Post rằng lý do cho sự trì hoãn rất đơn giản: "Không người đứng đầu cơ quan nào sẽ thẳng thắn nói với Tổng thống về vấn đề chuyển giao quyền lực vào lúc này".
Quá trình chuyển giao quyền lực và cấu trúc chung đều tuân theo Đạo luật Chuyển giao quyền lực Tổng thống năm 1963. Đạo luật yêu cầu sử dụng công quỹ cho quá trình chuyển giao và GSA là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.
Ngoài tạo ngân sách để tuyển dụng nhân viên, việc xác nhận của GSA sẽ cung cấp quỹ cho Biden thực hiện việc đánh giá các cơ quan, không gian làm việc cho quan chức nhóm chuyển giao, đặc biệt cho phép thành viên nhóm chuyên giao làm việc với các đối tác trong chính quyền Tổng thống Trump. Nhóm của Biden đã tìm nhiều cách để đối phó với các cản trở trong quá trình chuyển giao và chiến dịch gây quỹ là giải pháp cho vấn đề ngân sách.
Chris Korge, chủ tịch tài chính quốc gia của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, hôm 16/11 đã viết cho các nhà tài trợ để nói rằng "hơn 8 triệu USD tiền mặt và các khoản hỗ trợ khác" đã bị giữ lại do không có xác nhận của GSA".
"Chúng tôi cần gây quỹ để bù đắp số tiền mà chúng tôi cần trước Lễ Tạ ơn để có thể hoàn toàn tập trung vào quá trình chuyển giao và không phải gây quỹ thêm nữa", Korge viết.
Chiến dịch của Biden được cho đã gây quỹ cho nhóm chuyển giao quyền lực tiềm năng nhiều hơn cả Trump và Hillary Clinton hồi năm 2016. Nhóm của Biden đã bắt đầu gây quỹ này từ hồi tháng 6 và được cho đã có được 10 triệu USD. Năm 2016, Trump gây quỹ được 6,5 triệu USD, trong khi Hillary khoảng 2,1 triệu USD. Năm 2008, cựu tổng thống Barack Obama đã thu về khoảng 6,8 triệu USD khi gây quỹ cho nhóm chuyển giao quyền lực tiềm năng.
Bên cạnh nguồn ngân sách từ GSA, việc các ứng viên hoặc tổng thống tương lai tự gây quỹ đã trở nên phổ biến. Obama đã có 6,8 triệu USD quỹ riêng và nhận được thêm 5,2 triệu từ GSA để phục vụ quá trình chuyển giao quyền lực.
Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã kêu gọi Quốc hội tăng ngân sách cho tổng thống đắc cử. Meredith McGehee, khi đó là giám đốc chính sách tại Trung tâm Tài chính Chiến dịch, một cơ quan phi đảng phái, đã xem việc tổng thống Obama phải gây quỹ là vấn đề. "Nếu công quỹ không đủ, nó cần được tăng thêm", bà nói.
Biden đã gây quỹ được nhiều hơn tổng thống Obama, nhưng vào thời điểm này, nhóm của ông không mấy lạc quan sẽ nhận được khoản ngân sách nào từ chính phủ trước khi nhậm chức.
Dù Biden được cho đã giành được 306 phiếu đại cử tri, Tổng thống Trump cho đến nay vẫn từ chối thừa nhận kết quả. Chiến dịch của ông và đồng minh đã thực hiện hàng chục thách thức pháp lý ở các hạt, bang chiến trường trên khắp nước Mỹ và ít nhất 30 đơn kiện trong số đó đã bị từ chối. Trong khi đó, một số cử tri, chủ yếu là phe Cộng hòa, nói rằng các cáo buộc gian lận bầu cử khiến họ hoài nghi về chiến thắng của Biden.
Trong khi các ngân sách liên bang vẫn bị "đóng băng", nhiều nhà tài trợ hàng đầu của đảng Dân chủ đã bắt đầu quyên góp cho nhóm chuyển giao quyền lực của Biden. Theo Ủy ban Bầu cử Liên bang, hạn mức quyên góp là 5.000 USD và số tiền đó chỉ sử dụng cho các vấn đề liên quan tới quá trình chuyển giao. Dù quá trình chuyển giao có thể được phép nhận tiền từ các tập đoàn và ủy ban hành động chính trị (PAC), Biden cam kết không gây quỹ từ hai nguồn này.
Các đại diện của nhóm chuyển giao quyền lực Biden không trả lời yêu cầu bình luận về trì hoãn của GSA. Nhưng một quan chức trong nhóm trước đó nói rằng họ không loại trừ bất kỳ thách thức pháp lý nào và đã chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau.
"Nhóm chuyển giao của Biden-Harris đã lên kế hoạch trong nhiều tháng cho tất cả kịch bản có thể xảy ra", quan chức giấu tên này nói với CNN. "Quốc gia này đang đối mặt quá nhiều thách thức để có quá trình chuyển giao suôn sẻ và được tài trợ ngân sách đầy đủ cho tổng thổng và phó tổng thống đắc cử".
Emily Murphy, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Dịch vụ Công Mỹ (GSA), điều trần trước Quốc hội ở Washington hồi tháng 3/2019. Ảnh: NYTimes.
Nhiều quan chức đã lên tiếng về những thách thức của quá trình chuyển giao bị trì hoãn. Jen Kirby của Vox cho biết một số cựu quan chức an ninh quốc gia lưu ý rằng "báo cáo của Ủy ban 11/9 chỉ ra quá trình chuyển giao quyền lực bị cắt ngắn của tổng thống George W. Bush đã cản trở chính quyền bố trí các nhân sự chủ chốt về an ninh quốc gia và nhận được xác nhận của Thượng viện".
Kirby cũng thêm rằng quá trình chuyển giao quyền lực nhanh chóng giữa Bush và Obama có thể đã giúp ngăn chặn một vụ khủng bố được cho nhắm vào lễ nhậm chức của tổng thống Obama.
Không chỉ về vấn đề an ninh quốc gia, nhiều quan chức y tế cũng kêu gọi GSA bắt đầu quá trình chuyển giao, cảnh báo sự trì hoãn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch và phân phối vaccine.
Biden đã nỗ lực tìm cách khắc phục các khó khăn, như tổ chức cuộc họp với các cựu quan chức tình báo để thu thập các thông tin quan trọng mà chính quyền Trump chưa bàn giao. Ông cũng tổ chức nhiều cuộc họp với các lãnh đạo bang về cách điều phối tốt hơn phản ứng Covid-19 cấp bang và liên bang.
Dù khá sáng tạo, các biện pháp này của Biden vẫn được cho không thể tốt bằng được tiếp cận chính thức. Nếu Biden không nhận được xác nhận từ GSA, ông sẽ phải bắt đầu nhiệm kỳ mà chưa có sự chuẩn bị chu toàn.
Lệnh đeo khẩu trang toàn quốc - bài toán lãnh đạo với Biden Biden và nhóm của ông đang nỗ lực thuyết phục các thống đốc Cộng hòa đồng thuận với quy định đeo khẩu trang toàn quốc để ngăn Covid-19. Nhóm chuyển giao quyền lực của Joe Biden đến nay vẫn chưa tiết lộ nhiều về các kế hoạch của chính quyền tương lai nhằm hàn gắn chia rẽ và tìm kiếm đồng thuận lưỡng...