Phẫu thuật nội soi, ít xâm lấn – xu hướng mới điều trị bệnh tim mạch
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Định, mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM làm chủ kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn, thay van động mạch chủ qua đường ống thông, được xem là kỹ thuật hiện đại.
Một ca phẫu thuật thị phạm can thiệp tim mạch được truyền trực tiếp tới phòng Hội thảo. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN phát)
Hiện nay, phẫu thuật nội soi, ít xâm lấn giúp giảm mất máu, giảm đau, hạn chế các tai biến, biến chứng có thể xảy ra là xu hướng mới trong điều trị các bệnh lý tim mạch cho khoảng 1/3 người mắc bệnh lý tim mạch bắt buộc phải phẫu thuật.
Thông tin được phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay” do Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 1/11.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Định, mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã làm chủ kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (hay còn gọi là thay van động mạch chủ qua da – TAVI), được xem là kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới, mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.
Điển hình là người bệnh T.T.K.H, 69 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, cách đây gần 5 tháng thường xuyên thấy đau ngực, mệt khi gắng sức, khó thở về đêm.
Sau đó, bà đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và được chẩn đoán bị hẹp van động mạch chủ nặng kèm bệnh tăng huyết áp, suy tim.
Video đang HOT
Các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh. Bà H. được xuất viện sau 5 ngày can thiệp trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.
Đây chỉ là một trong những ứng dụng mới trong điều trị các bệnh lý tim mạch được báo cáo tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay.”
Hội thảo còn chia sẻ kinh nghiệm thực hành lâm sàng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tim mạch trên cả 3 lĩnh vực: nội tim mạch, can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim mạch.
Trong số đó, nổi bật nhất là các chuyên đề: phòng ngừa tiên phát các biến cố tim mạch; điều trị hội chứng vành mạn từ hiện tại đến tương lai; tiếp cận toàn diện chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch chủ; tiếp cận toàn diện bệnh nhân bị rung nhĩ; khả năng chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim…
Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết điểm nhấn của hội thảo chính là các chuyên đề về phòng ngừa tiên phát các biến cố tim mạch.
Đây là xu hướng chung của thế giới, hướng đến việc phòng ngừa trên nhóm đối tượng lớn hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng.
Hiện nay, cùng với bệnh ung thư, các bệnh lý tim mạch trong đó có bệnh động mạch vành đang là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất. Vì vậy, các chuyên đề về bệnh động mạch vành mạn cũng là một nội dung quan trọng, giúp các bác sỹ cập nhật những khái niệm mới, đánh giá lại những giá trị của các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán hội chứng động mạch vành mạn cũng như đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn trong điều trị, giảm thiểu các biến cố có thể xảy ra đối với người bệnh.
Hội thảo “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay” là diễn đàn khoa học uy tín, được tổ chức thường niên dành cho các bác sỹ chuyên khoa tim mạch, tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch, nội tổng quát, nội tiết, cấp cứu, y học gia đình cập nhật, chia sẻ kiến thức mới và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.
Hội thảo năm nay thu hút hơn 1.200 đại biểu tham dự với trên 100 báo cáo đến từ các chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam và các nước Hoa Kỳ, Đức, Anh, Phần Lan, Thụy Sĩ…/.
Đinh Hằng
Theo TTXVN/Vietnamplus
Kỹ thuật mới giúp người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng hồi phục nhanh
Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da được dùng để điều trị các trường hợp hẹp van động mạch chủ nặng.
Kỹ thuật này giúp người giảm thiểu đau đớn, các biến chứng trong và hậu phẫu so với phẫu thuật mổ hở, thời gian phục hồi nhanh, cũng như không để lại sẹo mổ như trước đây.
Ngày 14/10, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã được trao chứng nhận Trung tâm độc lập thực hiện thủ thuật thay van động mạch chủ qua da. Đây là trung tâm thứ hai tại Việt Nam nhận chứng nhận này, đánh dấu bước phát triển của bệnh viện trong việc ứng dụng thường quy kỹ thuật thay van tim hiện đại nhất thế giới.
Thủ thuật thay van động mạch chủ qua da được Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM triển khai từ cuối năm 2015 với sự chuyển giao kỹ thuật từ các trung tâm có nhiều kinh nghiệm và các chuyên gia trên thế giới. Một trong những bệnh nhân đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này là bà Lê Thị K. (78 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai). Theo đó, tim của bệnh nhân có tình trạng hẹp khít van động mạch chủ do vôi hóa, van động mạch chủ chỉ có 2 mảnh (van tim bình thường có 3 mảnh).
Các bác sĩ chỉ định mổ để thay van tim cách đây nhiều năm nhưng do sức khỏe yếu nên gia đình chưa quyết định mổ cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được thay van động mạch chủ qua da thành công, sức khỏe hồi phục tốt và được xuất viện.
Từ ca thay van động mạch chủ qua da đầu tiên, đến nay, đã có 15 trường hợp hẹp van động mạch chủ nặng được ê kíp y, bác sĩ bệnh viện cứu chữa thành công nhờ kỹ thuật này.
Ê-kíp y, bác sĩ thực hiện ỹ thuật thay van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, với người từ 60 tuổi trở lên, van tim sẽ bắt đầu bị thoái hóa. Các van tim dễ bị tổn thương và gây ra tình trạng hẹp van hoặc hở van. Khi van động mạch chủ bị hẹp, người bệnh thường có triệu chứng mệt, khó thở, có khi đau ngực, ngất. Nếu người bệnh không điều trị thì tỷ lệ tử vong sau 2-3 năm rất cao.
Theo bác sĩ Định, biện pháp điều trị truyền thống là phẫu thuật đặt van tim. Tuy nhiên, đây là một cuộc phẫu thuật lớn phải mở lồng ngực và dùng máy tim phổi nhân tạo, thường kéo dài từ 3-4 giờ, thời gian nằm viện khoảng 2 tuần, sau 1-2 tháng mới hồi phục. Những người bệnh cao tuổi, có kèm các bệnh lý khác khó chịu đựng được những phẫu thuật như vậy.
Trong khi đó, với kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI), người bệnh sẽ được gây tê khi thực hiện kỹ thuật thay cho gây mê. Bác sĩ sẽ dùng ống thông đi qua động mạch đùi vào bên trong tim. Bên trong ống thông có một van tim nhân tạo được để sẵn, khi ống thông và van tim nhân tạo vào đúng vị trí thì van nhân tạo này sẽ được bung ra thay thế cho van động mạch chủ cũ bị hẹp.
Bác sĩ nhấn mạnh, kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da giúp người bệnh giảm thiểu đau đớn, các biến chứng trong và hậu phẫu so với phẫu thuật mổ hở, thời gian phục hồi nhanh từ 2-3 ngày, cũng như không để lại sẹo mổ như trước đây. Trong tương lai, kỹ thuật này có thể dùng cho cả những trường hợp hở van động mạch chủ.
Theo phunuvietnam
Không được bỏ qua những triệu chứng này của bệnh tim Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Bạn cần nắm được những triệu chứng cảnh báo sau để kịp thời đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại...