Phát triển mạnh căn hộ tầm trung quanh TP.HCM
Nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng dạt ra vùng ven TP.HCM xây dựng phân khúc căn hộ tầm trung, thu hút sự quan tâm của không ít người dân.
“Kéo” khách hàng nhờ giá thấp
Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư “vung tiền” phát triển các dự án phân khúc tầm trung tại khu vực giáp ranh TP.HCM. Điển hình tại tỉnh Bình Dương đang được đầu tư một số dự án như căn hộ Canary Heights, Marina Riverside, The Habitat Bình Dương, Roxana Plaza, dự án Khu dân cư Thiên Phúc hay Công ty CP BĐS Thiên Minh đang phát triển dự án căn hộ Compass One tại TP. Thủ Dầu Một, phân khúc chung cư STOW (khu vực giáp ranh quận Thủ Đức và thị xã Thuận An, Bình Dương). Ngoài ra, còn có Khu căn hộ Phú Đông Premier của Công ty Phú Đông Group với 657 căn hộ. Các dự án này được chủ đầu tư chào bán với mức giá khá ưu đãi, tuỳ diện tích căn hộ mà sản phẩm được chào bán từ 850 – 1 tỷ 800 triệu.
Một dự án tầm trung đang được xây dựng tại Bình Dương
Tại Đồng Nai, phân khúc căn hộ bình dân, trung cấp cũng gia tăng nguồn cung nhanh chóng. Chỉ tính riêng TP.Biên Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 8 khu căn hộ chào bán, như Samsora Riverside, Topaz Twins, Biên Hòa Center City (576 căn), Thanh Bình Center (587 căn), Biên Hòa Central Park (436 căn)… những phân khúc này có giá từ 1 – 2 tỷ đồng cho căn hộ diện tích dưới 70m2.
Hiện nay, tại TP.HCM quỹ đất dành cho xây dựng đang ngày càng hạn hẹn, những dự án căn hộ bình dân tại thành phố ngày càng ít dần đi khi doanh nghiệp gặp khó về mặt bằng và vốn đầu tư quá lớn. Việc này đã khiến doanh nghiệp bất động sản dịch chuyển về khu vực vùng giáp ranh Sài Gòn như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để phát triển các dự án tầm trung xoay quanh TP.HCM.
Xu hướng tất yếu
Video đang HOT
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận định, hiện nay trên địa bàn TP.HCM giá thành sử dụng đất, chi phí đầu vào ngày càng gia tăng, quỹ đất hạn chế khiến nhiều chủ đầu tư có quỹ đất tại TP.HCM chỉ tập trung phát triển các dự án cao cấp hoặc trung cấp. Loại hình nhà ở giá bình dân dần dịch chuyển về các tỉnh lẻ lân cận để tiếp cận quỹ đất giá mềm và lượng cầu còn khá dồi dào.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Như Thạch, TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons chia sẻ, nếu như trước đây, khách hàng dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn những căn hộ với mức giá từ 18 – 20 triệu đồng/m2 đầy đủ tiện ích tại TP.HCM thì hiện nay, rất hiếm chung cư có giá dưới 23 – 25 triệu đồng/m2.
Khu vực Thủ Đức, quận 9 giá chung cư bình dân cũng đang tăng lên mức từ 25 – 27 triệu/m2. Với mặt bằng thu nhập còn tương đối thấp, việc giá nhà trên địa bàn TP.HCM tăng cao khiến nhiều người khó khăn hơn trong việc tìm chốn an cư nên phải đổ về các tỉnh lân cận. Trong khi đó, hầu hết các chung cư ở Bình Dương, Đồng Nai thường có giá dao động từ 16 – 22 triệu đồng/m2, tầm 1,5 tỷ đồng/căn trở lại.
Những căn hộ tầm trung tại TP.HCM đang dần khan hiếm
“Hiện nay hạ tầng giao thông từ TP.HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai khá thuận tiện, thời gian di chuyển từ các khu vực vào trung tâm TP.HCM chỉ hơn một tiếng đồng hồ, trong khi các khu Đông, Tây… TP.HCM giá căn hộ rất cao nên dù có muốn ở trong thành phố thì cũng không đủ tiềm lực kinh tế bắt buộc người dân và chủ đầu tư phải dạt ra vùng ven. Vì vậy, dòng tiền từ khách hàng là các hộ gia đình trẻ cần an cư và nhà đầu tư trung lưu ưa thích phân khúc căn hộ đổ về khu vực này ngày càng nhiều”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
HỒNG TRÂM
Theo Trí Thức Trẻ
Hiệp hội BĐS hiến kế làm nhà giá bán 200 triệu đồng
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ nhà ở xã hội diện tích khoảng 30m2, với giá bán khoảng 200 triệu đồng. Và, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải có trách nhiệm đầu tư các khu nhà lưu trú cho công nhân, lao động.
Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP HCM đã có văn bản đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
HoREA dẫn chứng kinh nghiệm và bài học rút ra từ mô hình phát triển khu nhà ở an sinh xã hội với căn hộ diện tích 30m2, giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn của tỉnh Bình Dương.
Ảnh minh họa.
HoREA cho biết quỹ đất của việc xây dựng nhà ở xã hội có thể có được thông qua việc điều chỉnh quy hoạch tại một số khu vực như tại Khu chế xuất Linh Trung I,II,III (326 ha), Khu công nghệ cao (913 ha, nhất là trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2), Công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (647 ha; trong đó có khoảng 2/3 diện tích thuộc Bình Dương)...
Hiệp Hội cho rằng, thành phố có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.
TP.HCM vẫn có thể làm khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng), có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.
Từ đó, Hiệp hội đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ nhà ở xã hội 1-2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25-77m2, có giá bán khoảng 250-700 triệu đồng/căn.
Nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lí để phát triển loại hình nhà ở xã hội này, HoREA cho biết, theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu.
HoREA kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ. Hiệp hội đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020.
Đồng thời, cơ quan này kiến nghị Chính phủ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi theo quy định được vay tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. HoREA kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn về cơ chế thu ngân sách, quản lý, sử dụng nguồn lực này để phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
Để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ tại thành phố Hồ Chí Minh, HoREA đề xuất cần tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Trước hết là sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công của thành phố gồm đất nông trường (khoảng 6.000 ha); đất đang làm nhà xưởng sản xuất ô nhiễm tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; đất công được tạo lập trong quá trình quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất...
Theo đó, HoREA đề nghị thành phố làm việc với các tỉnh thuộc vùng đô thị TP HCM để phối hợp phát triển các huyện giáp ranh như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An), Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)... và chuyển các ngành sản xuất thâm dụng lao động (dệt may, da giày) về các tỉnh để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại dân cư. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải có trách nhiệm đầu tư các khu nhà lưu trú cho công nhân, lao động.
Theo Danviet
Càng về cuối năm, phân khúc chung cư tại TPHCM càng sôi động Đánh giá về triển vọng thị trường BĐS TPHCM trong quý 4, Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết thị trường sẽ tiếp tục sôi động nhờ lượng kiều hối đổ về khá lớn. Cụ thể, theo Hội môi giới BĐS, thị trường giao dịch BĐS TP.HCM quý 4/2017 được dự báo sôi động mạnh hơn quý III - 2017, và có...