Phát triển cây chè gắn với du lịch
Phát triển cây chè gắn với du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè, đồng thời quảng bá sản phẩm chè Phú Thọ đến với du khách đang được các địa phương nỗ lực triển khai.
Phú Thọ phát triển cây chè gắn với du lịch. Ảnh minh họa: Vũ Sinh – TTXVN
Nhờ quá trình sản xuất, phát triển cây chè, nhiều đồi chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tạo nên cảnh quan tự nhiên, xanh mát và trở thành điểm đến hấp dẫn của khách trong và ngoài nước. Phát triển cây chè gắn với du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè, đồng thời quảng bá sản phẩm chè Phú Thọ đến với du khách đang được các địa phương nỗ lực triển khai.
Với nét đẹp độc đáo, ấn tượng, đồi chè Long Cốc huyện Tân Sơn, Phú Thọ được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Với hàng trăm quả đồi lớn nhỏ, nằm liền kề nhau như những ốc đảo, đồi chè Long Cốc được ví như là “vịnh Hạ Long vùng Trung du”. Từ trên đồi chè nhìn xuống, bản làng người Mường thuộc xã Long Cốc nằm gọn trong thung lũng, lúc ẩn, lúc hiện trong sương mây.
Vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, vùng đồi chè Long Cốc được bao phủ sương mù huyền ảo. Vẻ đẹp này đã thu hút đông đảo du khách khắp trong và ngoài nước đến tham quan, chụp hình. Du khách đến đây không chỉ tham quan, chụp hình mà còn được trải nghiệm tự tay hái những búp chè tươi xanh nhờ sự chỉ dẫn của những công nhân, người trồng chè nơi đây.
Anh Cao Xuân Tùng hiện đang sinh sống tại Hà Nội chia sẻ, qua những bức ảnh đồi chè Long Cốc trên báo chí, mạng xã hội, cùng với đam mê chụp ảnh tôi đã quyết định cùng đồng nghiệp về “săn ảnh sương mây ” tại đồi chè Long Cốc. Khoảnh khắc hoàng hôn và bình minh trên đồi chè thực sự gây ấn tượng. Hoàng hôn dần buông trên những đồi chè lúp xúp, giữa thoang thoảng hương chè non, không gian núi rừng mát mẻ, thanh sạch, thực sự là một điểm đến thú vị với những trải nghiệm hấp dẫn.
Anh Hà Văn Luận, chủ homestay Tony Luận, dân tộc Mường, khu Bông 1 xã Long Cốc cho biết, những ngày cuối thu, đầu đông như hiện nay, đồi chè Long Cốc đón rất nhiều du khách đến tham quan chụp ảnh. Nắm bắt được nhu cầu của du khách nên anh và một số hộ đã mở homestay để đáp ứng nhu cầu này.
Không chỉ làm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi với quy mô khoảng hai chục khách, anh Hà Văn Luận còn tìm hiểu về nhiếp ảnh, những thời điểm, góc chụp đẹp để làm “hướng dẫn viên” cho những người lần đầu đến Long Cốc. Anh Luận chia sẻ, với những món ăn đặc trưng, khu nghỉ ngơi mang đậm nét văn hóa dân tộc và nhiều hoạt động khác như liên kết với các hộ sản xuất chè để du khách có thêm các hoạt động trải nghiệm, dần dần homestay Tony Luận do anh làm chủ đã thu hút được nhiều khách đến nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần.
Theo lãnh đạo xã Long Cốc, toàn xã có 692 ha chè; trong đó 657 ha chè đang cho thu hoạch với năng suất 14,25 tấn/ha. Long Cốc là một trong những xã có diện tích trồng chè nhiều nhất của huyện miền núi Tân Sơn, mỗi năm cho sản lượng trên 3.000 tấn chè búp tươi. Với nguồn nguyên liệu này, Long Cốc cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn chè khô/năm, đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Toàn bộ diện tích chè Long Cốc được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất chè an toàn VietGAP.
Mỗi sản phẩm chè trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Cây chè giờ đây đã mang lại đời sống tốt hơn cho người dân vùng núi Long Cốc, người lao động khi sản xuất và chế biến chè mỗi tháng có thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 201/830 hộ, chiếm 24,21%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 8,22%.
Video đang HOT
Theo ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, ngoài đồi chè xã Long Cốc (huyện Tân Sơn) được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, hiện trên địa bàn tỉnh còn có nhiều đồi chè khác có vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng như đồi chè xã Địch Quả (huyện Thanh Sơn), đồi chè tại huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê và Đoan Hùng…
Để khai thác tốt thương hiệu chè phục vụ cho du lịch, sở đang cùng các địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo để cung cấp cho thị trường; trong đó có thị trường du lịch. Tỉnh vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan chuỗi liên kết hoạt động trồng chè, nhà máy sản xuất, phòng trưng bày, thưởng thức và mua sản phẩm; mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm uy tín ở các khu du lịch như Thanh Thủy, Việt Trì… nhằm đáp ứng, kích thích nhu cầu đối với du khách.
Tỉnh Phú Thọ cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ” để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành chè; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, để đưa cây chè Phú Thọ phát triển gắn với du lịch, ngành đang tập trung thực hiện hai mục tiêu đó là tăng cường quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm chè đến với người dân và khách du lịch; đồng thời đầu tư cơ sở dịch vụ, du lịch gắn với chè.
Cùng với đó ngành du lịch tỉnh cũng đã khảo sát và giới thiệu các tour, tuyến du lịch gắn với vùng chè để phục vụ khách thăm quan. Các đồi chè xã Long Cốc, Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn), Địch Quả (huyện Thanh Sơn) sẽ là điểm dừng chân thăm quan trong tour du lịch liên kết với Vườn Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn).
Thông qua các hội chợ triển lãm khu vực, ngành du lịch tỉnh sẽ tăng cường quảng bá rộng rãi sản phẩm chè Phú Thọ. Hiện tại ngành du lịch tỉnh đang giới thiệu khách tham quan khám phá vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ, để kích thích thị trường du lịch, mời gọi đầu tư, tiến tới xây dựng các công trình du lịch nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, hướng tới mục đích lâu dài./.
Đồi chè Long Cốc vào Thu - bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ
Nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), cách Hà Nội khoảng 2h chạy xe, Long Cốc đang được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam.
Vẻ đẹp hoang sơ, chất phác vẫn còn vẹn nguyên ở đồi chè Long Cốc. Những đồi chè nằm sát bên nhau ngút tầm mắt về phía chân trời. Tiếng lục lạc của đàn trâu mỗi khi chiều về khiến du khách như được sống chậm lại sau những ngày hối hả thường nhật.
Những sáng đẹp trời, bạn thỏa sức ngắm mây luồn qua các đỉnh đồi; khi hoàng hôn xuống, du khách lại dịu mắt với từng đàn cò chao cánh, xen lẫn trong từng cơn gió thoảng của trời Thu.
Địa điểm để quan sát Long Cốc toàn cảnh nhất chính là đồi Bông 1.
Các đồi chè đều có đường đi khá thuận tiện. Nếu đi xe máy , du khách hoàn toàn có thể đi lên tận đỉnh các ngọn đồi để ngắm cảnh
Đồi Bông 1 là một trong những đỉnh đồi cao của cả khu vực, nên bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn Long Cốc lúc hoàng hôn.
Bình minh Long Cốc
Giữa trùng điệp núi đồi, tiếng mõ trâu nghe rõ mồn một
Cánh cò chao lượn trên không trung làm cho cảnh sắc càng thêm thanh bình.
Khoảng 5h sáng là thời điểm thích hợp nhất để được ngắm nhìn cảnh sắc núi rừng đổi màu trong sương sớm.
Khi mặt trời chưa nhô lên hết, mây quang đãng, trước mắt du khách là một màu xanh mướt mắt
Khi mặt trời lên, cả thung lũng được phủ thêm màu vàng tươi tắn
Cảnh sắc mê hồn của Long Cốc từ trên cao.
Những đồi chè, ruộng lúa, tán cây, mây bay bảng lảng, hòa quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, như thể có bàn tay người nghệ sĩ tài hoa sắp đặt
Những thảm màu sắc cuốn hút của Long Cốc luôn khiến du khách không muốn rời đi
Vẻ đẹp mộng mơ của đồi chè Long Cốc - Phú Thọ Đồi chè Long Cốc được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam, với hàng trăm hàng ngàn quả đồi nhỏ lúc ẩn lúc hiện trong sương mây. Đồi chè Long Cốc - Phú Thọ nằm cách Hà Nội khoảng 125km. Tọa độ này đang được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam, với...