Phát triển các nguồn gen thành sản phẩm thương mại
Tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) về quỹ gen giai đoạn 2001 – 2013 do Bộ KH&CN tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng Chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen; áp dụng KH&CN về quỹ gen. Đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gen thành sản phẩm thương mại là một trong những mục tiêu mà công tác nghiên cứu về gen đang hướng tới. Đặc biệt, đối với các nguồn gen có tính trạng quý hiếm, có giá trị kinh tế, bổ sung vào bộ giống quốc gia, tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Tính đến nay, Việt Nam đã bảo tồn được khoảng 28 nghìn gen cây trồng nông nghiệp. Ảnh: TTXVN
KH&CN về quỹ gen là nhiệm vụ cấp bách
Với tầm quan trọng của nguồn gen trong bảo vệ tài nguyên sinh vật quốc gia, nhà nước đã coi việc bảo tồn và lưu giữ quỹ gen động vật, thực vật và vi sinh vật là một nhiệm vụ KH&CN thường xuyên theo kế hoạch hàng năm cũng như 5 năm và được phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, hơn 25 năm qua, Nhà nước đã quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật, vi sinh vật và coi nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen làm nhiệm vụ quốc gia có tính cấp bách cần được thực hiện thường xuyên và hàng năm. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới quỹ gen quốc gia đã được hình thành và củng cố trên cơ sở 17 cơ quan đầu mối và hơn 70 tổ chức tham gia, phối hợp thực hiện thuộc 7 Bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh thành trên cả nước.
Nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen là vấn đề gắn với nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, cùng các giá trị về sinh thái, môi trường. Từ năm 1987, Việt Nam đã có Chương trình bảo tồn nguồn gen quốc gia do Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước thực hiện đã thực hiện việc bảo tồn nguồn gen cây trồng. Đến năm 1997, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã có quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật.
Nhà nước đã ban hành tương đối đầy đủ khung pháp lý liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Nhiều bộ luật quan trọng quản lý tài nguyên thiên nhiên đã ra đời và được hoàn thiện, như: Luật Thủy sản (năm 2003); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004); Luật Bảo vệ môi trường (2005); Luật Tài nguyên nước (2012). Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học (2008) đã tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn tài nguyên di truyền thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích. Riêng trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng nguồn gen, Việt Nam là một trong những quốc gia ban hành khung chính sách và pháp lý về bảo tồn vào loại sớm trong khu vực Đông Nam Á.
Video đang HOT
Gen giúp lúa tăng năng suất. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI)
Trước năm 2010, nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen chỉ tập trung vào việc bảo tồn, lưu giữ và sử dụng nguồn gen như một nguồn vật liệu cho công tác giống. Sau năm 2010, nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen được thực hiện với 2 cấp quản lý (cấp nhà nước, cấp Bộ/tỉnh), bao gồm 3 loại hình: Bảo tồn nguồn gen, khai thác và phát triển nguồn gen, đánh giá di truyền nguồn gen.
Hiện nay, nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen được phân công cho nhiều Bộ, ngành, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách bảo tồn nguồn gen thực vật phục vụ cho mục tiêu lương thực và nông nghiệp, nguồn gen vật nuôi, vi sinh vật, nguồn gen cây rừng, cây chống chịu, cây cao su, nguồn gen thủy sản nước ngọt. Bộ Y tế bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, vi sinh vật y học; Bộ Công thương phụ trách bảo tồn nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm và nguồn gen cây công nghiệp.
Với việc sử dụng và khai thác phát triển nguồn gen, tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nghiên cứu, phục tráng, bình tuyển và mở rộng sản xuất thành công một số giống lúa, đậu tương, rau, khoai lang ăn củ, khoai lang ăn lá… Nhiều nguồn gen đặc sản về vật nuôi đã được khai thác và phát triển như lợn Mán (Hòa Bình), Sóc (Tây Nguyên), lợn Lũng Pù và Hung (Hà Giang), lợn Lửng (Phú Thọ), lợn Mẹo (Nghệ An), gà Mía (Sơn Tây, Hà Nội)… Đã thành công trong việc lai tạo, chọn giống đối với nguồn gen thủy sản như cá chép, rô phi, cá tra..
Thúc đẩy hoạt động KH&CN về quỹ gen
Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011, Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đến nay, Việt Nam đã xác định khoảng 49.200 loài sinh vật gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; trên 11.000 loài sinh vật biển. Đây chính là những nguồn gen bản địa quý của đất nước cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển.
Với vai trò quan trọng mang tính sống còn của việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, vấn đề nguồn gen động thực vật ở nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, nên việc chú trọng tìm ra các giải pháp, phương hướng thúc đẩy hoạt động KH&CN về quỹ gen là vô cùng cấp thiết, nhất là trong việc thu hút nguồn đầu tư của xã hội với lĩnh vực KH&CN về nguồn gen.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ KH&CN, NN&PTNT, Y tế, Công thương, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội… cùng các nhà khoa học, quản lý đã tham luận và tập trung phân tích về hiện trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn nguồn gen của mỗi địa phương, đơn vị; khẳng định rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo tồn nguồn gen nói chung, công tác nghiên cứu KH&CN về quỹ gen nói riêng.
Đặc biệt, các đại biểu đều thống nhất việc tăng cường áp dụng các tiến bộ KH&CN trong lưu giữ, bảo quản, tư liệu hóa nguồn gen cũng như thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao cho hoạt động bảo tồn nguồn gen; đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gen thành sản phẩm thương mại đối với các nguồn gen có tính trạng quý hiếm, có giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào bộ giống quốc gia, tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Cần xây dựng một Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene trình Chính phủ phê duyệt nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN về quỹ gen, bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sinh học quốc gia.
Hoạt động KH&CN về quỹ gen tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế song kết quả đạt được trong thời gian vừa qua là đáng ghi nhận. Với nhận thức nguồn gen là tài sản vô giá của quốc gia, là một trong những lợi thế quan trọng tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa vào sinh học trong tương lai, với việc thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp hoạt động KH&CN về quỹ gen sẽ góp phần làm cho hoạt động KH&CN quỹ gen có bước phát triển tốt và hiệu quả.
- Trước năm 2000, kinh phí cho hoạt động KH&CN quỹ gen toàn quốc chỉ khoảng 2 – 5 tỉ đồng; giai đoạn 2001 – 2009, kinh phí cho Chương trình quỹ gen quốc gia 15 – 20 tỉ đồng/năm và chỉ cấp cho các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen.
- Từ năm 2010, với việc thực hiện nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen cấp nhà nước, ngân sách của Nhà nước cấp cho hoạt động quỹ gen đã tăng lên đáng kể (kinh phí thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp nhà nước năm 2012 là 35 tỉ đồng, năm 2013 là 60 tỉ đồng).
Theo LĐCT
Hai mảng màu trong bức tranh khoa học công nghệ
Nhìn lại thực trạng hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trong thời gian qua, chúng ta thấy một bức tranh có những điểm sáng tích cực nhưng cũng nhiều mảng màu trầm lắng, thể hiện ở các chỉ số về tiềm lực, năng lực và kết quả đạt được còn khiêm tốn....
Khoa học công nghệ chính là chìa khóa phát triển nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Nhiều điểm sáng
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh, hiện nay, hệ thống pháp luật về KHCN được tạo lập và ngày càng hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, tiềm lực KHCN có bước phát triển rõ rệt. Số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) là trên 62 nghìn người (7 người/1 vạn dân). Tổng số giảng viên đại học, cao đẳng trong cả nước là hơn 84 nghìn người. Bên cạnh đó, chúng ta có hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức kiều bào ở nước ngoài.
Các tổ chức KHCN cũng tăng nhanh về số lượng, đa dạng hóa về loại hình. Tính đến nay, cả nước đã có 2.202 tổ chức KHCN đăng ký hoạt động (công lập chiếm hơn 80%) và 419 trường đại học, cao đẳng. Nguồn lực tài chính cho KHCN cũng gia tăng, từ năm 2000 đến nay tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KHCN hàng năm đạt 2%, cơ cấu đầu tư giữa công và tư chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu ứng dụng KHCN được nâng cấp và cải thiện. Thị trường công nghệ đã bước đầu hình thành. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường, chất lượng tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN được đẩy mạnh, đã hình thành mạng lưới đại diện KHCN tại nhiều quốc gia, địa bàn trọng điểm.
Đặc biệt, KHCN bước đầu có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó khoa học tự nhiên có bước phát triển đáng kể, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KHCN mới như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực như toán học, vật lý lý thuyết có thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.
KHCN đã có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực; có một số thành tựu nổi bật như thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn, giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước dùng để khai thác dầu khí, công nghệ khai thác dầu trong đá móng, các giống lúa mới năng suất cao, khai thác vệ tinh viễn thông, làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc, ghép tạng và sản xuất vắc xin....
Và mảng tối...
Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, mặc dù số lượng cán bộ R&D gia tăng nhưng còn rất khiêm tốn so với các nước như Hoa Kỳ (hơn 1,4 triệu người), Trung Quốc (1,2 triệu), Nhật Bản (656 nghìn), Nga (442 nghìn), Hàn Quốc (264 nghìn). Năng lực của đội ngũ nhân lực KHCN nhìn chung còn hạn chế. Chưa có chính sách hợp lý về trọng dụng cán bộ KHCN trong nước và thu hút trí thức Việt kiều....
Hiện nay, mức đầu tư của toàn xã hội cho KHCN chỉ đạt dưới 1% GDP và ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn thấp, số lượng các doanh nghiệp KHCN chưa nhiều. Cơ chế tài chính trong KHCN còn nhiều bất hợp lý, chậm đổi mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thực sự có nhiều công trình, sản phẩm KHCN mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Mặc dù các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế của Việt Nam có tốc độ tăng trung bình 22%/năm nhưng hệ số ảnh hưởng (Impact Factor) và chỉ số trích dẫn (average citation) còn thấp. Số lượng công trình khoa học quốc tế của Việt Nam công bố từ năm 2008 đến nay là khoảng 6.356 công trình, kém Thái Lan 4 lần, kém Singapore 7 lần, kém Nhật Bản 57 lần, Hoa Kỳ 256 lần....
Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 70/148 quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 76/141 quốc gia. Trong khi Singapore ở tốp đầu thế giới và các nước Malaysia, Thái Lan đều đứng trên Việt Nam. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu trong nước được thương mại hóa và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh còn thấp. Tình trạng đề tài, dự án nghiệm thu xuất sắc nhưng "cất vào ngăn kéo" còn chưa khắc phục được.
Để khắc phục các yếu kém, đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một nền KHCN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030 một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới, hoạt động KHCN thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, trong đó đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước "đặt hàng" nhiệm vụ KHCN, cấp phát tài chính linh hoạt theo cơ chế quỹ, có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ đầu ngành, cán bộ trẻ tài năng, lực lượng trí thức kiều bào.... Bên cạnh đó, tập trung phát triển một số viện KHCN, trường đại học cấp quốc gia theo mô hình tiên tiến trên thế giới; phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN, hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian môi giới, đánh giá, định giá công nghệ; triển khai hợp tác KHCN tầm quốc gia với các nước tiên tiến về KHCN.../.
Theo VEN
Thành lập các trung tâm xuất sắc: "Trông người lại ngẫm đến ta" Nhằm tạo ra các cơ sở nghiên cứu - đào tạo xuất sắc bên trong các trường đại học, thời gian gần đây nhiều nước trên thế giới đã đầu tư vào việc thành lập các trung tâm xuất sắc (Center of Excellence - COE) như Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil... Ở Việt Nam, tuy tiềm lực khoa học công nghệ...