Phát thèm với nhân bánh tét “cách tân” ngày Tết của người Nam bộ
Tết đến Xuân về, trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam bộ đều không thể thiếu món bánh tét. Nếu ngoài Bắc, ngày Tết có bánh chưng xanh, thì trong Nam lại là đòn bánh tét. Đây là nét văn hóa bao đời nay của người dân Nam bộ.
Theo nhiều người, bánh tét không đơn thuần chỉ là một món ăn ngày đầu năm mới mà còn là nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của gia đình Việt ở khu vực Nam bộ. Dịp Tết, con cháu dùng những đòn bánh tét ngon nhất, lớn nhất để dâng cúng ông bà, trời đất vào đêm giao thừa và đãi khách.
Gói bánh tét ngày Tết là nét đặc trưng của người dân Nam bộ bao đời nay
Ông Đỗ Thanh Minh (ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) – người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề gói bánh tét – cho biết cách làm bánh tét của gia đình ông được truyền lại từ đời ông của mình.
Những đón bánh tét sau khi gói xong cho thấy sự công phu, tỉ mỉ
Từ lúc nhỏ, ông Minh và các em trong gia đình đã được thấy cách làm bánh tét truyền thống này của cha mẹ và đến đời ông vẫn tiếp tục duy trì. Vào dịp Tết, mỗi ngày gia đình ông Minh nhận đặt hàng hơn 700 đòn bánh tét từ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Theo đó, giá bánh tét dao động từ 20.000 – 100.000 đồng/đòn (tùy loại).
Ngày nay, bánh tét đã được phát triển thêm nhiều loại nhân
Ông Minh chia sẻ: “Làm bánh tét cũng rất công phu, để hương vị bánh thơm ngon, công việc gói bánh phải chu đáo, tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị; đòn bánh phải tròn, đều, khi cắt ra nhân bánh nằm ngay chính giữa hoặc nhân bánh có hình tam giác. Nếp phải ngon, không bị lẫn gạo tẻ rồi đem vo sạch, để ráo nước. Đậu xanh nấu nhuyễn vo làm nhân được nắn theo chiều dài của bánh tét. Thịt mỡ hoặc thịt ba chỉ cắt hình chữ nhật theo độ dài của bánh và ướp chút muối, chút đường trước khi làm nhân”.
Nồi nấu bánh tét
Sau khi hoàn thành việc gói bánh xong thì chuẩn bị khâu luộc bánh. Khi đó, nước phải được đun sôi, xếp bánh vào theo từng lớp, đổ nước thêm cho ngập bánh và đun lửa nấu, nước cạn tới đâu thêm vào đến đó, đậy lá chuối lên trên để khi nấu hơi ít thoát ra ngoài. Ban đầu cho lửa cháy to để sôi đều, sau bớt củi để nồi nước sôi liu riu, độ nóng lan tỏa cho bánh chín đều. Thời gian nấu bánh tét thường từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Khi bánh đã chín, công đoạn cuối cùng là vớt ra ngâm nước lạnh, để bánh nguội rồi treo lên cho ráo nước. Làm như thế bánh sẽ để được lâu.
Bánh tét thành phẩm
Trước đây, bánh tét chỉ có hai loại nhân là nhân đậu mỡ và nhân chuối. Theo thời gian, đời sống phát triển, con người cũng đòi hỏi cao hơn nên bánh tét cũng từ đó mà có nhiều đổi mới. Không chỉ có hai loại nhân truyền thống, bánh tét giờ đã đa dạng các loại nhân như nhân thập cẩm, nhân lạp xưởng… Không chỉ nội dung mà hình thức bánh cũng được đầu tư hơn, không còn đơn thuần là màu xanh của lá chuối, màu trắng của nếp mà còn có cả màu lá cẩm, màu lá dứa, màu gấc…
Video đang HOT
Bánh tét được người dân mang lên chưng theo tục lệ
Bánh tét trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là để ăn, mời khách nên ngoài tính chất ẩm thực bình thường còn mang ý nghĩa nghi lễ truyền thống.
Chị Vy (ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng có truyền thống làm bánh tét, cho biết khách hàng của chị chủ yếu đặt làm qua điện thoại mỗi khi nhà có đám giỗ, lễ, tiệc và nhiều nhất là đến dịp Tết cổ truyền khoảng 1.000 đòn bánh gói trong 3 ngày từ 27 đến 30 tháng Chạp.
Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Xưa nay, tục lệ vào ngày Tết là gắn liền với đòn bánh tét, có bánh tét thì mới là ngày Tết, mới sum vầy. Mỗi lần tới Tết, mình chuẩn bị gói bánh tét, rồi con cháu quây quần quanh mình cũng an ủi, vui vẻ tuổi già. Đứa nào biết gói thì gói, đứa nào không biết thì tập, xúm nhau làm sáng đêm vậy đó, vui lắm”.
Theo NLD
Từ A-Z cách gói bánh tét "chuẩn không cần chỉnh" của mẹ đảm Sài Gòn chia sẻ để ai cũng gói được
Nếu ở miền Bắc có bánh chưng là không thể thiếu thì ở miền Nam mỗi độ xuân về Tết đến lại có món bánh tét thân thương. Mời bạn cùng tham khảo cách làm bánh tét thật chuẩn dưới đây nhé!
Nguyên liệu làm bánh tét:
- 1kg nếp ngon
- 250g đậu xanh
- 2 củ hành tím
- 300g thịt heo có mỡ
- 1 bó rau ngót, nữa bó lá dứa
- Muối, tiêu, đường, hạt nêm.
- Lá chuối
- Dây lạt dùng để gói bánh
Cách làm bánh tét:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm hoặc 8 tiếng
- Dây lạt ngâm qua đêm cho mềm.
- Đậu xanh ngâm 4 tiếng, rửa sạch rồi cho vào nồi cơm điện, đổ ngập nước, thêm hành phi, chút hạt nêm, tiêu, 1 thìa cà phê muối. Nhấn nút nấu.
- Thịt rửa sạch cắt miếng dài, ướp chút hạt nêm, hành, tiêu.
- Lá chuối rửa sạch, nấu 1 nồi nước sôi để trụng lá (bước này giúp lá héo mềm để lá dai và khi gói bánh không bị rách lá).
- Xay lá dứa và rau ngót, lọc lấy nước.
- Gạo nếp sau khi ngâm qua đêm, vớt ra ngâm với nước rau ngót lá dứa thêm 20 phút (bước này tạo màu xanh và thơm cho bánh).
Các bước gói bánh:
- Lựa 2 miếng lá chuối lớn trải ra, để mặt có gân lá chuối ra phía ngoài.
- Tiếp tục trải thêm 1 lớp lá chuối nhỏ hơn úp với chiều ngược lại của lá ban đầu.
- Đổ 1/2 chén nếp lên lá chuối.
- Dàn nếp đều ra và cho 1 lớp đậu xanh lên, tiếp đến là thịt, 1 lớp đậu xanh và cuối cùng phủ 1 phần nếp lớn nữa lên trên.
- Nắm 2 bên lá cuộn chặt hai mép bánh lại với nhau, gấp chặt lại với thân bánh, dùng 1 dây buộc chính giữa thân để định hình.
- Nhẹ nhàng bẻ gập phần góc chiếc bánh dựng đứng lên, lúc này bạn đổ thêm 1 muỗng canh nếp vào cho đều đầu bánh.
- Sau đó bẻ góc cạnh cho bánh, dùng 2 miếng lá chuối hình chữ nhật xếp đối nhau tạo thành hình vuông cho đầu bánh. Dùng 1 sợi dây thun buộc tạm thời, và lật ngược đầu kia làm tương tự.
- Dùng 1 dây dài buộc dọc theo đòn bánh và buộc chéo sợi dây ở đầu bánh, xoắn dây lại thật chắc để dây không bị tuột
- Tiếp theo dùng dây lạt buộc tròn bánh lại và xoắn thành sợi.
- Cứ cách 3cm lại buộc 1 vòng dây lạt cho đến hết bánh. Sau khi bánh đã được quấn kĩ, cắt 2 sợi dây thun bỏ đi.
Cách gói bánh Tét
Luộc bánh:
- Bạn xếp lá chuối còn dư vào nồi, cho nửa nồi nước nấu sôi với lửa lớn, xếp bánh vào và đậy nắp. Nấu bánh ở lửa vừa.
- Bánh trong khi luộc, luôn luôn nước phải ngập bánh, khi nước cạn bạn châm thêm nước sôi vào, không nên thêm nước lạnh sẽ làm sượng bánh.
- Nấu được 2 tiếng, bạn trở mặt bánh cho bánh được chín đều.
- Tổng thời gian luộc bánh là 4 tiếng đối với bánh nhỏ, 8 tiếng đối với bánh lớn.
- Sau khi đủ thời gian luộc, bạn vớt bánh ra rổ để ráo nước. Bánh để ngoài được 1 tuần.
*CHÚ Ý
- Ngày xưa các bà các mẹ mất nhiều thời gian để canh và luộc bánh, ngày nay xã hội phát triển hơn nên bạn có thể rút gọn thời gian và công sức bằng cách luộc bánh bằng nồi cơm điện.
- Nếu làm bánh cho gia đình, bạn nên làm bánh nhỏ vừa ăn, tránh trường hợp làm bánh to quá, thời gian nấu sẽ rất lâu, và khi mở ra ăn không hết để phí.
- Chỉ cần bạn cho bánh vào nồi, đổ nước sôi ngập bánh, nhấn nút hầm trong vòng 2 tiếng là bánh đã chín rồi nhé!
- Hiện nay xu hướng hạn chế dùng dầu mỡ cũng tốt hơn cho sức khỏe của chúng ta, vì vậy bánh nên chiên bánh bằng nồi chiên không dầu, vừa nhanh, vừa giòn, lại giảm rất nhiều dầu mỡ!
Độ ngon của nó không kém gì khi chiên trên chảo dầu, rất tiết kiệm thời gian và gọn gàng trong cách chế biến.
Theo Afamily
Châu Đốc - "điểm hẹn" Ngày hội mắm An Giang - Nam Bộ Với chủ đề "Châu Đốc - Thủ phủ mắm Nam Bộ", từ ngày 13 đến 16-2-2020, tại khu vườn tượng lớn (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, An Giang) sẽ diễn ra Ngày hội mắm An Giang - Nam Bộ năm 2020, với quy mô 180 gian hàng nhằm giới thiệu về văn hóa và nghề mắm Nam Bộ nói chung, An Giang...