Phát hiện xác tàu nghi chứa phòng hổ phách huyền thoại của Nga
Thợ lặn Ba Lan cho biết đã tìm thấy xác tàu Karlsruhe , có thể giúp giải đáp bí ẩn về phòng hổ phách từng rơi vào tay Đức quốc xã thời Thế chiến 2.
Một thợ lặn Ba Lan kiểm tra xác tàu Karlsruhe REUTERS
Tờ The Guardian ngày 2.10 đưa tin các thợ lặn Ba Lan thông báo đã tìm thấy xác con tàu Karlsruhe của Đức Quốc xã bị chìm ngoài khơi bờ biển Ba Lan hồi năm 1945.
Khi đó, con tàu hơi nước Karlsruhe đang chở theo hàng hóa nặng, khởi hành từ Königsberg – từng là thành phố cảng ở Đức song hiện là vùng Kaliningrad của Nga , thì bị máy bay chiến đấu Liên Xô đánh chìm.
Các tài liệu thời điểm đó cho thấy con tàu vội vã rời Königsberg với lượng hàng lớn và 1.083 người.
Nhóm thợ lặn Ba Lan cho biết họ đã tìm kiếm xác tàu từ năm ngoái và con tàu vẫn còn nguyên vẹn. “Trong hầm tàu, chúng tôi phát hiện xe quân sự, đồ sứ và nhiều thùng hàng chưa được mở”, theo tờ The Guardian dẫn lời thợ lặn Tomasz Stachura.
Phòng hổ phách là một căn phòng được trang hoàng vô cùng lộng lẫy bằng vàng lá, thủy tinh và những mảng hổ phách với trọng lượng tổng cộng hơn 6 tấn.
Căn phòng mô phỏng phòng hổ phách đã được khai trương tại Nga vào năm 2003 REUTERS
Theo truyền thuyết lâu nay, phòng hổ phách là quà tặng của Vua Phổ cho Sa hoàng Peter Đại đế vào năm 1716. Về sau, nữ hoàng Catherine Đại đế đã mang căn phòng về cung điện Catherine, phía nam thành phố St. Petersburg. Trong Thế chiến 2, phòng hổ phách đã rơi vào tay Đức Quốc xã và bị gỡ ra mang đến Königsberg. Nó xuất hiện lần cuối ở Königsberg, trước khi biến mất bí ẩn thời Thế chiến 2.
Nhiều người tin rằng căn phòng đã bị phá hủy. Thợ thủ công Nga đã xây dựng một bản sao của căn phòng hổ phách tại cung điện Catherine.
“Tất cả điều này kết hợp lại sẽ kích thích trí tưởng tượng của con người. Việc tìm thấy tàu hơi nước của Đức và những chiếc thùng chứa đồ đạc chưa được xác định dưới đáy biển Baltic có thể có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ câu chuyện”, một thợ lặn Ba Lan khác tên Tomasz Zwara cho hay.
Mỹ - Nga mời Trung Quốc đàm phán hạt nhân
Đặc phái viên kiểm soát vũ trang hàng đầu của Mỹ cho hay đã mời Trung Quốc tham gia một vòng đàm phán hạt nhân ba bên cùng Nga.
"Hôm nay, chúng tôi đã thống nhất với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov về thời gian và địa điểm cho các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân vào tháng 6. Trung Quốc cũng được mời tham dự", Marshall Billingslea, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, đăng Twitter hôm 8/6. "Liệu Trung Quốc có xuất hiện và thể hiện thiện chí đàm phán không?".
Mỹ và Nga năm 2010 ký Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), quy định mỗi bên chỉ được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược trên 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc oanh tạc cơ. Tuy nhiên, hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
Trong khi Moskva muốn đàm phán gia hạn New START, Washington dường như muốn thảo luận một thỏa thuận mới nhằm giới hạn kho vũ khí của nhau, cũng như bổ sung Bắc Kinh vào hiệp ước này.
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản tháng 6/2019. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần khẳng định họ không quan tâm đến việc tham dự các cuộc đàm phán trên. Tháng trước, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không có ý định tham gia bất kỳ cuộc đàm phán ba bên nào nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Nga và Mỹ, các cường quốc hạt nhân thế giới, ước tính sở hữu hàng nghìn vũ khí hạt nhân mỗi loại. Trung Quốc, được cho là có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, với khoảng 300 đầu đạn loại.
Ông Billingslea từng cảnh báo Bắc Kinh có thể đang "bí mật phát triển vũ khí hạt nhân mà không bị kiểm soát", và đó là lý do họ cần ngồi vào bàn đàm phán. Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về thông tin Billingslea đăng Twitter, song cuộc đàm phán mà ông đề cập có thể diễn ra ngày 22/6 tại Vienna, Áo.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói trong một chương trình truyền hình địa phương hôm 8/6 rằng chính quyền Trump dường như "bị ám ảnh bởi Trung Quốc" nên luôn đưa vấn đề này vào mọi chủ đề quốc tế được thảo luận.
Kinh tế Ấn Độ suy giảm sâu vì Covid-19 Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống còn 4,2% trong năm tài chính 2019-2020 và tiếp tục thu hẹp còn 3,2% trong năm tài chính 2020-2021. Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/6 dự báo, kinh tế Ấn Độ sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm tài chính hiện tại. Nguyên nhân được chỉ ra là do những hậu quả...