Phát hiện sốc: Công trình kiến trúc xây bởi một loài người khác
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một công trình kiến trúc cổ bí ẩn bằng gỗ ở Zambia, có niên đại lên tới 476.000 năm tuổi, tức trước khi loài người tinh khôn Homo sapiens ra đời rất lâu.
Đây là một phát hiện đặc biệt quý giá bởi hầu như người hiện đại không thể biết được cách tổ tiên đã sử dụng gỗ hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu năm về trước. Khác với đá, các đồ tạo tác bằng gỗ khó lòng được bảo tồn cho tới ngày nay.
Tuy nhiên nhờ được vùi lấp một cách may mắn, một công trình gỗ “không thể tin nổi” đã lộ diện phía trên thác nước Kalambo cao 235m ở biên giới Zambia với vùng Rukwa của Tanzania, rìa Hồ Tanganyika.
Công trình kiến trúc bằng gỗ gây sốc ở Zambia – Ảnh: NATURE
Theo Sci-News, công trình ngoạn mục bao gồm 2 khúc gỗ lớn được lồng vào nhau, nối lại bằng một rãnh cắt có chủ ý. Một trong hai khúc gỗ rõ ràng đã được tạo hình. Có dấu vết dụng cụ trên cả hai.
Dựa trên vị trí và hình dáng, công trình kiến trúc gỗ bí ẩn này có thể đã được sử dụng để làm nền móng cho cái gì đó, lối đi hoặc một công trình chống đỡ cho nhà ở vùng ngập lũ định kỳ.
Đó là một phát hiện gây sốc theo nhiều kiểu.
Thứ nhất, loài người tinh khôn – tức người hiện đại Homo sapiens chúng ta – chỉ mới ra đời hơn 300.000 năm về trước. Điều đó có nghĩa đây là công trình được xây bởi một loài cổ xưa hơn, đã tuyệt chủng.
Có lẽ, trình độ của loài người bí ẩn này đã đi trước cả tổ tiên chúng ta.
Thứ hai, nó hoàn toàn thách thức giả thuyết rằng nhân loại của thời đại đồ đá cũ là những người dân du mục.
“Tại thác Kalambo, những con người này không chỉ có nguồn nước lâu năm mà khu vực xung quanh còn cung cấp đủ thức ăn để họ có thể định cư và xây những công trình kiến trúc” – bài công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature viết.
Tại địa điểm khảo cổ Kalambo, các nhà khoa học cũng tìm thấy thêm 4 công cụ gỗ niên đại từ 390.000 đến 324.000 năm trước, bao gồm một cái nêm, một cây gậy có thể dùng để đào, một khúc gỗ được cắt ra và một cành cây có những cái khía do con người cố ý khắc lên.
Theo các tác giả, các phát hiện này không chỉ mở rộng niên đại của thời kỳ gỗ được chế tác ở châu Phi, mà còn mở rộng hiểu biết của chúng ta về nhận thức kỹ thuật của vượn nhân hình cổ đại.
Lịch sử công nghệ về việc sử dụng cây cối phục vụ đời sống có thể phải được viết lại.
Mỹ: Sắp có thuốc đột phá từ cơ thể 2 loài người tuyệt chủng?
Các nhà khoa học Mỹ đã hồi sinh thành công một thứ cực kỳ quan trọng trong việc chống lại các mầm bệnh sát thủ mà nhân loại đã mất đi cùng với sự tuyệt chủng của 2 loài người Neanderthals và Denisovans.
Nhóm khoa học gia đẫn dầu bởi TS Cesar de la Fuente từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã nghiên cứu các biểu hiện protein của 2 loài người tuyệt chủng Neanderthals và Denisovans và tìm thấy hàng chục chuỗi protein nhỏ có đặc tính kháng sinh.
Sau đó, phòng thí nghiệm của họ đã thành công trong việc đưa các chất hóa học đã biến mất từ lâu trở lại cuộc sống, mở đường cho việc điều chế ra các loại thuốc mới chống lại "đại dịch" kháng kháng sinh đang ngày một thảm khốc.
Phân tử mới được "hồi sinh" từ các loài người cổ đại có thể đóng góp cực lớn trong cuộc chiến chống lại "sát thủ" kháng kháng sinh - Ảnh đồ họa: Ella Marushchenko
Theo Sci-News, bộ gien của con người cổ đại từng biểu hiện các protein có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, nhưng các phân tử này đã bị tuyệt chủng từ lâu.
Các nhà khoa học nhận ra rằng hai loài người cổ đại Neanderthals và Denisovans trước khi biến mất khoảng 30.000 năm trước vẫn tồn tại các yếu tố này.
Họ lại là họ hàng rất gần gũi với người tinh khôn Homo sapiens chúng ta, vốn cùng thuộc chi Homo (chi Người).
Trong thí nghiệm đột phá nói trên, các nhà khoa học đã dùng máy tính để "thiết kế" lại chuỗi axit amin liên quan, dựa trên các dữ liệu về 2 loài người này mà các nhà khoa học khắp thế giới đã thu thập được trong gần 2 thập kỷ qua.
Các axit amin được chuyển đổi thành một phân tử thực tế, sau đó được xây dựng lại bằng các vật liệu thật trong phòng thí nghiệm.
Các phân tử không chỉ hồi sinh theo nghĩa đen, mà còn đạt kết quả ngoạn mục trong thí nghiệm chống lại mầm bệnh trên các đĩa thí nghiệm và trên cơ thể chuột.
Thành công này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cell Host & Microbe. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tối đa hóa tác dụng của phân tử thông qua việc tinh chỉnh bằng các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo); cũng như thảo luận với các luật sư và các nhà đạo đức sinh học để có thể ứng dụng công trình một cách an toàn, đúng mục đích.
"Không có một loại kháng sinh thực sự mới nào trong nhiều thập kỷ nên chúng ta cần suy nghĩ về nhiều thứ hơn là một loại thuốc mới. Chúng ta cần những khuôn khổ mới" - TS Fuente nói về mục tiêu chính của công trình.
Các ước tính mới nhất cho thấy hơn 1 triệu người trên thế giới tử vong do nhiễm trùng kháng thuốc mỗi năm.
Mối đe dọa vẫn đang tăng lên theo cấp số nhân. Theo dự báo rùng mình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2050, số ca tử vong liên quan đến kháng kháng sinh sẽ lên tới 10 triệu người mỗi năm.
'Loài người ma' 700.000 tuổi hiện diện giữa thành cổ Hy Lạp Khu vực thị trấn Megalopolis của Hy Lạp không chỉ chứa đựng một thành cổ hơn 1.600 tuổi mà còn che giấu lãnh địa của ít nhất một loài người ma tồn tại trước Homo sapiens chúng ta 400.000 năm. Cuộc khai quật kéo dài 5 năm dẫn đầu bởi Bộ Văn hóa và thể thao Hy Lạp và Trường Nghiên cứu cổ...