Phát hiện ra vi khuẩn lớn nhất thế giới
Các nhà khoa học đã phát hiện ra loài vi khuẩn lớn nhất thế giới, có dạng sợi màu trắng với kích thước bằng lông mi người, trong một đầm lầy ven biển Caribe.
Dài khoảng 1cm, loài vi khuẩn có tên là Thiomargarita magnifica lớn hơn khoảng 50 lần so với tất cả những loài vi khuẩn khổng lồ đã được biết đến và là loài đầu tiên có thể nhìn thấy bằng mắt thường, theo báo The Guardian. Loài vi khuẩn trông như những sợi mỏng màu trắng được phát hiện trên bề mặt của lá cây đang bị phân hủy ở rừng ngập mặn tại Guadeloupe, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Caribe.
Khám phá này gây bất ngờ vì theo các mô hình chuyển hóa tế bào, vi khuẩn được cho là không thể có kích thước lớn như vậy. Theo nghiên cứu được đăng trên chuyên san S cience, phát hiện mới cho thấy có thể còn nhiều loài vi khuẩn có kích thước lớn hơn và cấu trúc phức tạp hơn trong tự nhiên.
Vi khuẩn Thiomargarita magnifica có kích thước bằng lông mi người
“Nếu so sánh thì phát hiện này giống như việc một người tìm thấy một người khác cao ngang đỉnh Everest”, Jean-Marie Volland, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (quản lý bởi Đại học California, Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Olivier Gros, giáo sư sinh vật biển tại Đại học Antilles ở Guadeloupe, là người đã phát hiện ra loài vi khuẩn mới trong quá trình tìm kiếm vi khuẩn cộng sinh ở hệ sinh thái rừng ngập mặn. “Khi tôi nhìn thấy chúng, tôi liền nghĩ: kỳ lạ”, ông nói.
Phòng thí nghiệm Berkeley trước tiên tiến hành phân tích bằng kính hiển vi để xác định rằng các “sợi” này là các tế bào đơn lẻ. Kiểm tra kỹ hơn, họ đã phát hiện một cấu trúc kỳ lạ bên trong. Ở hầu hết vi khuẩn, ADN trôi nổi tự do bên trong tế bào. Thiomargarita magnifica dường như giữ cho ADN của nó có tổ chức hơn bên trong các “ngăn” có màng bao bọc.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện loài vi khuẩn này chứa số lượng gien nhiều gấp 3 lần so với hầu hết vi khuẩn và mỗi tế bào chứa hàng trăm nghìn bản sao bộ gien, khiến nó trở nên phức tạp một cách bất thường.
Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ loài vi khuẩn này đã tiến hóa như thế nào để có kích thước lớn như vậy. Một khả năng là nó đã thích nghi để tránh những kẻ săn mồi. Tuy nhiên, trở nên to lớn sẽ có nghĩa là nó mất đi một số lợi thế truyền thống của vi khuẩn, bao gồm khả năng di chuyển và xâm chiếm các vị trí mới.
“Rời khỏi thế giới vi sinh vật, những vi khuẩn này chắc chắn đã thay đổi cách chúng tương tác với môi trường xung quanh”, nhà nghiên cứu Volland cho hay.
Phát hiện vi khuẩn có gen kháng thuốc kháng sinh ở Nam Cực
Các nhà khoa học bất ngờ khi phát hiện loại vi khuẩn có gen kháng thuốc kháng sinh ở Nam Cực.Andres Marcoleta, Đại học Chile, người đứng đầu nghiên cứu chia sẻ kết quả gây sốc sau một thời gian dài làm việc cùng đồng nghiệp.
Nhóm nghiên cứu của ông phát hiện vi khuẩn có chứa gen có khả năng kháng thuốc kháng sinh tự nhiên.
Phát hiện vi khuẩn có gen kháng thuốc kháng sinh ở Nam Cực
Andres Marcoleta cho biết những 'siêu năng lực' này tiến hóa để chống lại các điều kiện khắc nghiệt. Gen được chứa trong các đoạn DNA di động có thể dễ dàng chuyển đến vi khuẩn khác.
"Nam Cực là một trong những vùng cực chịu tác động mạnh nhất của băng tan, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn. Điều kiện khắc nghiệt tạo thành nguồn tiềm năng của gen có khả năng kháng thuốc kháng sinh", ông nói.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng một trong những nhóm vi khuẩn chủ yếu ở bán đảo Nam Cực là vi khuẩn Pseudomonas không gây bệnh nhưng có thể là nguồn 'gen kháng thuốc'. Một số chất khử trùng thông thường như đồng, clo hoặc amoni bậc bốn gần như không ngăn cản được loài vi khuẩn này.
Tuy nhiên, loại vi khuẩn khác mà nhóm nghiên cứu thu thập là vi khuẩn Polaromonas, có thể làm bất hoạt các loại kháng sinh beta-lactam, loại rất cần thiết để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Các nhà khoa học từ Đại học Chile đã thu thập một số mẫu vật từ bán đảo Nam Cực từ năm 2017 đến năm 2019.
Marcoleta nói: "Điều đáng nghiên cứu thêm là liệu biến đổi khí hậu có gây tác động đến sự xuất hiện của những bệnh truyền nhiễm hay không. Vì một trong những kịch bản có thể sớm xảy ra trong tương lai là những gen này rời khỏi Nam Cực, làm gia tăng sự xuất hiện và thúc đẩy các bệnh truyền nhiễm".
Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra hồ nước có kích thước rất lớn, bằng một thành phố ẩn sâu bên dưới lớp băng Nam cực. Nó mở ra những bí mật về lịch sử 34 triệu năm của lớp băng này.
Hồ có diện tích bề mặt là 370 km2, là một trong những hồ dưới băng lớn nhất thế giới. Các chuyên gia vùng cực đã phát hiện ra hồ nước lạ sau 3 năm khảo sát trên không, họ sử dụng radar và các cảm biến đặc biệt đo những thay đổi nhỏ trong trọng trường của Trái Đất và từ trường.
Phát hiện rất quan trọng, giúp các nhà khoa học khám phá ra một kho tàng thông tin về Nam Cực trước khi nơi này rơi vào tình trạng lạnh giá, đóng băng.
Dàn sinh vật hồi sinh trong 'hỏa ngục' ngay trên Trái Đất Trong khi các nhà thiên văn vẫn tranh cãi về khả năng sở hữu sự sống mong manh của những hành tinh có nhiệt độ khắc nghiệt, thì trong một trận cháy rừng ở California - Mỹ, một đàn sinh vật hỏa ngục vừa xuất hiện. Theo Science Alert, nghiên cứu mới cho thấy một loạt nấm và vi khuẩn không chỉ sống...