Phát hiện lượng rác nhựa khổng lồ tại hòn đảo thiên đường không người ở giữa Thái Bình Dương: 30 năm trôi qua trông vẫn như mới
Phát hiện lượng rác nhựa khổng lồ tại hòn đảo thiên đường không người ở giữa Thái Bình Dương: 30 năm trôi qua trông vẫn như mới
Ảnh minh họa
Khoa học bảo rằng trong tương lai, nhựa sẽ chính là dấu vết chứng minh cho sự tồn tại của nền văn minh nhân loại bây giờ. Lý do thì chắc ai cũng biết: nhựa có sức “sinh tồn” quá lớn, tồn tại ở ngoài tự nhiên trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm mới phân hủy. Và đặc biệt, chúng đang lan tỏa đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Chẳng hạn như mới đây, người ta mới thu thập được 18 tấn rác nhựa ở một nơi chẳng ai nghĩ tới, đó là đảo Henderson. Đây là một hòn đảo san hô thuộc Thái Bình Dương, nằm giữa New Zealand và Peru, nhưng quan trọng nhất là nó không có người ở! Vậy mà, nhựa vẫn tồn tại, thậm chí còn nhiều là đằng khác.
Rác trên bãi biển đảo Henderson
Đảo Henderson vốn được biết đến là một thiên đường, do nó nằm ở vị trí rất biệt lập, cách đất liền tới 5.500km. Xung quanh chỉ toàn nước, trong vắt đến mức nhìn xuống đáy. Năm 1988, hòn đảo được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhờ sở hữu hệ sinh thái đa dạng sinh học cực khủng, và một bãi biển chưa bị loài người xâm phạm.
Còn bây giờ, Henderson lại trở thành một trong những nơi bị ô nhiễm nhiều nhất từ rác thải của con người. Lý do là nó nằm ở ngay vị trí hợp lưu của các dòng biển trên thế giới, nên rác thải của con người sẽ theo dòng và tập trung lại đó.
Ước tính, có khoảng 38 triệu mảnh rác đang ở trên đảo, và mỗi ngày có thêm 3.500 mảnh mới. Theo các chuyên gia, bi kịch nằm ở chỗ dù chúng ta có kéo người lên đảo dọn dẹp, mọi chuyện vẫn đâu lại vào đấy do ảnh hưởng từ thói quen xả rác trên đất liền.
“Chúng tôi thấy rác ở mọi nơi,” - trích lời Jennifer Lavers, chuyên gia người Úc đứng đầu nghiên cứu trên đảo vào tháng 7 cho biết.
“Chai nhựa, hộp nhựa, ngư cụ… và chúng đến từ rất nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Đức, Canada, Mỹ, Chile, Argentina, Ecuador…”
“Thông điệp thực sự ở đây là mỗi quốc gia đều phải có trách nhiệm cho câu chuyện này. Bảo vệ môi trường ở đất nước họ, cũng là bảo vệ các khu vực xa xôi hơn.”
Video đang HOT
Lavers cho biết đảo Henderson nằm ở giữa hải lưu Nam Thái Bình Dương – một vòng xoáy chạy ngược chiều kim đồng hồ từ bờ Đông Úc đến bờ Tây của Nam Mỹ. Dòng hải lưu này vốn mang theo rất nhiều dinh dưỡng cho vùng nước quanh hòn đảo. Nhờ vậy, đảo Henderson sở hữu một hệ sinh thái hết sức đa dạng.
Nhưng sau 3 thập niên kể từ khi UNESCO trao tặng danh hiệu di sản thế giới, chính dòng hải lưu này lại nhấn chìm hòn đảo trong một biển rác. Theo tiến sĩ Lavers, cô đã đến đây lần đầu vào năm 2015, và khi đó phát hiện rất nhiều rác nhựa với mật độ 700 mảnh/m2 – con số có thể coi là cao nhất ngay cả khi so với thế giới.
Chưa hết, những con sóng còn góp phần biến rác nhựa thành những mảnh li ti, gần như vô hình với mắt người. Điều này khiến cho việc dọn dẹp bãi biển trở nên khó khăn hơn, dễ đưa nhựa vào chuỗi thức ăn của chim và rùa biển, gây ra nhiều hệ luỵ về sau.
Tháng 6/2019, tiến sĩ Lavers thực hiện chiến dịch thu dọn bãi biển trên đảo, qua đó thu thập được 6 tấn rác trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, họ không thể mang rác đi được vì không có chỗ xử lý, nên đành phải gom lại và đặt ở nơi thủy triều không thể chạm đến.
Và đau lòng hơn, ngay khi họ vừa dọn sạch một khu vực trên bãi biển, thì ngay hôm sau đã thấy rác trôi đến. Đáng chú ý, số rác họ thu gom có cả những vật dụng với niên đại từ 30 năm trước, mà giờ trông vẫn như mới.
Tiến sĩ Lavers cho biết, họ sẽ thực hiện các chuyến thực địa tới đảo Henderson trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp trong dài hạn. “Có quá nhiều rác trên đại dương rồi. Chúng ta cần phải ngăn điều đó xảy ra.”
Tham khảo: Daily Mail, Science ABC
Theo Helino
Thiên đường du lịch,thiên đường rác nhựa ?
Với lợi thế có đường bờ biển dài 3.260km không kể các đảo, Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi thế phát triển du lịch biển dồi dào.
Thế nhưng, du lịch Việt Nam đang dần trở thành yếu điểm vì sự xuất hiện ngày càng nhiều "thiên đường rác nhựa".
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) thống kê, năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển với mức 0,28 - 0,73 triệu tấn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số cạnh tranh du lịch của Việt Nam đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường.
NHỮNG BỨC ẢNH BUỒN
Michael Yamashita, một nhiếp ảnh gia người Mỹ, trong một lần đặt chân đến châu Á, ông đã bắt được khoảnh khắc thơ mộng ở bãi biển Nha Trang lúc bình minh và chia sẻ trên Instagram. Bức ảnh ngay lập tức thu hút đông người quan tâm với lời bình luận đi kèm: "Người dân tận hưởng những buổi bình minh trên bãi biển Nha Trang, Việt Nam, nhưng bỏ lại nhiều rác thải và đồ nhựa lóe sáng dưới ánh nắng. Những gì bị vứt ra bãi tắm rồi cũng sẽ trôi ra biển. Vì vậy, làm ơn hãy tự dọn rác của mình trước khi rời đi, để giữ sạch đại dương" - ông Yamashita khẩn thiết đề nghị.
Một hình ảnh khác được các thành viên của Dự án Hoi An Eco-city chụp lại và do tài khoản cá nhân của Megumi Kawada đăng tải trên mạng cũng thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng về bãi rác cách phố cổ Hội An, Việt Nam không xa. Bãi rác nằm ở địa bàn thôn An Lương, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), bờ kè biển chưa đầy 1km nhưng bị rác thải bủa vây ngập lối. Gần đó, Eo Gió trở thành bãi tập kết rác khiến ai ngang qua cũng muốn lướt đi thật nhanh dù trước kia là địa điểm thơ mộng có thể dừng chân để thưởng lãm Cù Lao Chàm.
Trên mạng xã hội trước đó cũng xuất hiện những hình ảnh đảo Bình Ba, Khánh Hòa tràn ngập rác thải khiến nhiều người không khỏi bức xúc và xót xa cho một hòn đảo du lịch nổi tiếng. Nhiều người thảng thốt không thể nhận ra hòn đảo ngọc xanh biếc hấp dẫn khách du lịch ngày nào. Hàng loạt các bức ảnh chụp biển Trần Phú, Nha Trang, đảo Phú Quốc, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cát Bà... im lìm với đống chai lọ, rác thải nhựa.
Cách đây 7 năm, nhà báo du lịch Mary O'Brien từng viết trên Traveller về bức tranh thực tế ở Hạ Long: "Tới vịnh, đột nhiên thuyền của chúng tôi bị vô số tàu chở hàng vây quanh. Những bãi biển gần bến cảng thường ngập rác, và một số website du lịch cũng ghi nhận phàn nàn của du khách về môi trường". Mãi cho đến nay, tình trạng rác ngập Hạ Long vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tháng 6/2018, chương trình "Hành động vì Hạ Long xanh: Hướng tới Du lịch không rác" gom được 741kg rác thải trên hai bãi biển Cọc Chèo và Áng Dù chỉ trong một giờ đồng hồ. 70% rác thải là phao xốp dạt vào bờ, còn lại là dây thừng, lưới đánh bắt cá, vỏ nhựa, túi nilon...
Hạ Long nói riêng và các khu du lịch nói chung đều đang đối mặt với thực trạng rác thải xâm chiếm và hủy hoại hệ sinh thái. Thực tế, nơi nào càng đông khách du lịch ghé thăm nơi đó càng nhiều rác thải. Bờ biển dọc từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng dễ thấy mùi hôi thối, ẩm mốc và ngập tràn núi nilon, chai nhựa, hộp nhựa. Những bãi rác khổng lồ ở bãi biển chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng trăm triệu tấn rác nhựa xuất hiện ở Việt Nam mỗi ngày.
NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI
Với những quốc gia còn quá nhiều người vẫn còn hờ hững với những lời kêu gọi hạn chế sử dụng rác thải nhựa như Việt Nam thì câu chuyện giảm túi nilon, giảm vứt rác thải không phải một sớm một chiều. Chưa kể, Việt Nam không có quy trình xử lý rác hiện đại như Mỹ hay Singapore nên những bãi rác khổng lồ không thể xử lý triệt để, núi này vừa dọn, núi khác lại hình thành.
Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon mục rứa dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.
Ông Phùng Quang Thắng, đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam chỉ ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch.
"Hơn 3.000 km đường biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành sống dựa vào những điểm đến", ông Thắng nói.
Cũng năm ngoái, ngành du lịch Việt Nam phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa và 15 triệu khách nước ngoài. Với khách đi tour, các đơn vị lữ hành thông thường sẽ phát từ 1 đến 2 chai nước mỗi ngày. Như vậy, hàng trăm triệu chai nhựa cần phải xử lý. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng thải ra môi trường nhiều rác nhựa như ống hút, túi nilon với số lượng lớn, khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.
Hơn 3.000 km đường biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành sống dựa vào những điểm đến.Ông Phùng Quang Thắng - Đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam
Đó là lý do, từ ngày 15 - 17/7/2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La và các doanh nghiệp du lịch phát động chương trình hành động "Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa". Chương trình được thực hiện dưới hình thức tour caravan.
Tại Trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, sẽ diễn ra caravan tuyên truyền du lịch bảo vệ môi trường. Tại Hòa Bình sẽ diễn ra tuyên truyền hạn chế rác thải nhựa, gắn áp phích ở các cơ sở kinh doanh du lịch. Tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, sẽ là phần phát động du lịch vì môi trường xanh, sạch và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi nilon...
Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị du lịch, hãng lữ hành đã phát động "Chống rác thải nhựa, nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần" vì môi trường du lịch xanh, phá triển bền vững. Đây là việc làm cần thiết, góp phần tạo ra phong trào người dân địa phương, nhân viên du lịch, du khách nhận thức tác hại của rác thải nhựa, tiến đến dần giảm thiểu sử dụng và phát sinh rác thải nhựa, nilon, thay thế bằng các vật liệu khác thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự muc rứa, vật dụng bằng thủy tinh.
Trong các cơ sở lưu trú có thể sử dụng bàn chải làm từ tre để thay thế bàn chải nhựa... Việc hạn chế, tiến đến không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ góp phần giữ gìn môi trường, xây dựng môi trường du lịch ngày càng văn minh, thân thiện.
Ngoài ra, các công ty lữ hành Việt Nam đã đưa ra những tour du lịch kết hợp với việc bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, nhặt rác thải... như cùng làm nông dân một ngày, một ngày cùng chính quyền địa phương hay cùng đoàn thanh niên ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hội An (Quảng Nam), tham dự nhặt rác trên bãi biển, tham dự cùng thành phố Hội An một ngày không có nilon...
Hay có những chương trình vào mùa thu, xuân như trồng cây, mang màu xanh cho địa phương như ở Yên Bái, Tuyên Quang cùng người dân trồng những khu rừng mới. Thông qua những chương trình đó du khách vừa được hòa mình vào thiên nhiên và đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác nhựa, phù hợp với loại hình kinh doanh. Thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước. Các phòng họp, khách sạn cũng chuyển sang dùng cốc, chai thuỷ tinh để dùng nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre... Một số đơn vị du lịch còn tổ chức các tour nhặt rác tại Nha Trang hoặc yêu cầu khách mang rác của họ về sau các chuyến trekking đường rừng.
Thiết kế: Thúy Hà,Việt Đan
Theo ngaynay.vn
Người Palestine không cần sự đồng ý của Thủ tướng Israel để xây nhà Chính quyền Palestine ngày 31-7 tuyên bố, người dân nước này không cần phải có được sự đồng ý từ Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu để xây nhà tại "Khu vực C" thuộc vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng. Một người phụ nữ Palestine đứng giữa đống đổ nát của ngôi nhà - nằm ở vị trí được gọi là Khu...