Phát hiện hòn đảo cực bắc mới trên địa cầu
Các chuyên gia Đan Mạch phát hiện hòn đảo mới, gần cực bắc hơn 780 m so với hòn đảo trước đó được tìm thấy.
Hòn đảo chưa được đặt tên ở gần Bắc Cực REUTERS
Hãng AFP ngày 28.8 đưa tin giới khoa học vừa phát hiện một hòn đảo được cho là ở phía bắc nhất địa cầu, nằm ở phía bắc Greenland (Đan Mạch), và có thể sớm bị nước biển nhấn chìm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện hòn đảo này trong chuyến thám hiểm vào tháng 7 và lúc đầu còn nhầm tưởng rằng đó là đảo Oodaaq, được xem là hòn đảo cực bắc trên trái đất.
“Chúng tôi được thông báo rằng có lỗi trên thiết bị định vị toàn cầu nên chúng tôi cho rằng mình đang đứng trên đảo Oodaaq”, theo ông Morten Rasch tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
“Thực tế, chúng tôi đã khám phá ra một hòn đảo mới còn ở phía bắc hơn, một khám phá giúp mở rộng vương quốc Đan Mạch thêm một chút”, ông cho biết thêm.
Đảo Oodaaq cách Bắc Cực khoảng 700 km về phía nam, còn hòn đảo mới gần Bắc Cực hơn 780 m so với đảo Oodaaq.
Đảo chỉ cao 30-60 m so với mực nước biển ẢNH: REUTERS
Đại học Copenhagen ra thông cáo cho hay hòn đảo chưa được đặt tên là điểm cực bắc mới của Greenland và một trong những điểm cực bắc nhất trên mặt đất. Theo Reuters, hòn đảo có bề ngang khoảng 30 m và một đỉnh chóp cao khoảng 3 m.
Tuy nhiên, hòn đảo này chỉ cao từ 30-60 m so với mực nước biển và có thể sẽ là “một hòn đảo yểu mệnh”, theo ông Rasch.
“Không ai biết nó sẽ tồn tại bao lâu. Về nguyên tắc, nó có thể biến mất ngay khi một trận bão mạnh kéo đến”, ông cho biết.
Vùng tự trị Greenland của Đan Mạch thu hút sự chú ý trong vài năm qua, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019 nói rằng ông muốn mua lại hòn đảo này. Đề nghị bị chính quyền Greenland bác bỏ, còn các quan chức Đan Mạch xem đó là lời nói đùa.
Nhật Bản có thêm đảo mới sau khi núi lửa ngầm phun trào
Nhật Bản, đất nước được tạo thành từ hàng ngàn hòn đảo, đã có thêm một đảo nữa sau khi núi lửa ngầm phun trào.
Hòn đảo hình lưỡi liềm mới hình thành ngoài khơi Nhật Bản có đường kính 1 km TUẦN DUYÊN NHẬT BẢN
Hòn đảo mới được Tuần duyên Nhật Bản phát hiện 2 hôm sau khi nó hình thành vào ngày 13.8, The Weather Network đưa tin ngày 23.8. Hòn đảo là kết quả của một vụ phun trào núi lửa ngầm Fukutoku-Okanoba, nằm cách Tokyo khoảng 1.200 km về phía nam, gần đảo Iwo Jima thuộc quần đảo Ogasawara.
Hòn đảo hình lưỡi liềm mới hình thành có kích thước khá nhỏ với đường kính chỉ 1 km. Tuy vậy, các quan chức cho rằng vụ phun trào núi lửa vẫn đang tiếp diễn. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản vẫn đang theo dõi hoạt động của núi lửa và đã ban hành cảnh báo khói và tro bụi đối với khu vực.
Theo Tuần duyên Nhật Bản, vụ phun trào đã gây ra những chùm khói và tro bụi cao hơn 15 km bốc lên từ dưới biển. Lực lượng này cũng ghi nhận các phần đá bọt do vụ phun trào tạo ra trôi nổi trên vùng biển rộng 60 km.
Tạp chí Forbes dẫn lời nhà chức trách cho biết toàn bộ miệng núi lửa Fukutoku-Okanoba có khả năng nhô lên trên mặt nước sau vụ phun trào này.
Hòn đảo mới hình thành có thể không tồn tại lâu dài. Các đảo mới hình thành năm 1904, 1914 và 1986 ở Nhật Bản đều biến mất ngay sau đó do bị sóng và hải lưu làm xói mòn.
Các nhà khoa học cho biết số phận của hòn đảo mới sẽ được quyết định bởi thành phần cấu tạo của nó. Nếu được được tạo thành từ tro và các mảnh đá, rất có thể hòn đảo trên sẽ nhanh chóng biến mất trước tác động của đại dương. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Nhật Bản cho rằng núi lửa vẫn đang tiếp tục phun trào và có thể tạo ra đủ dung nham để hình thành một khối đất bền hơn.
Nếu tồn tại lâu dài, hòn đảo có thể tạo ra vấn đề mới vì nó nằm gần chuỗi đảo Bonin ở cực nam của Nhật Bản, khiến nước này phải mở rộng ranh giới thêm vài trăm mét. Tuy nhiên, truyền thông địa phương đưa tin phương án này khó có thể xảy ra ngay cả khi hòn đảo không biến mất.
Bất ngờ xuất hiện mưa lớn ở nơi chưa bao giờ có mưa Trời đổ mưa trong nhiều giờ ở đỉnh cao nhất trên dải băng ở Greenland. Đây là trận mưa đầu tiên trong lịch sử ghi nhận tại khu vực toàn băng giá này. Nhà nghiên cứu ở Greenland giữ một tảng băng mỏng mới hình thành khi mưa rơi xuống Sau những đợt nắng nóng kéo dài, mưa xuất hiện làm dịu nhiệt...