Phát hiện hàng nghìn hồ sơ giả mạo để hưởng chính sách
Theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ đã kiến nghị các cơ quan chức năng, đồng thời yêu cầu ban hành các quyết định để đình chỉ chế độ ưu đãi đối với những trường hợp giả mạo hồ sơ người có công, buộc hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước số tiền hưởng sai quy định là 130 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đã hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề khai man hồ sơ giả để hưởng chính sách với người có công, biện pháp xử lý vấn đề này thế nào.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định việc khai man hồ sơ, chạy trọt, thậm chí bỏ tiền ra lo lót để hưởng chính sách người có công là có. Ông cho biết, qua rà soát hơn 2 triệu người có công, thấy có 0,09% trong số đó là người hưởng không đúng chính sách.
Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng đã tiến hành thanh tra xong ở 5 quân khu của Quân đội, 29 địa phương, nơi đang có đơn thư, có nhiều ý kiến có tình trạng giả mạo hồ sơ.
Theo Bộ trưởng, trong hơn 60 nghìn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương đã được thanh tra phát hiện có 12 nghìn hồ sơ có sai sót, có trường hợp thương binh hạng 1 nhưng sửa đi lên hạng 2 thì xác định đó là hồ sơ sai sót, trường hợp đó không phải là hồ sơ giả. Có 1,8 nghìn hồ sơ là giả mạo.
“Hôm qua có nhiều đại biểu Quốc hội hỏi tôi là sao trong 60 nghìn hồ sơ có đến 12 nghìn hồ sơ giả, tôi xin khẳng định là không phải, chỉ có 1,8 nghìn hồ sơ không đảm bảo cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi, tôi xin báo cáo đầy đủ Quốc hội như vậy” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Video đang HOT
Theo ông, Bộ đã kiến nghị các cơ quan chức năng, đồng thời yêu cầu ban hành các quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi buộc hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước số tiền hưởng sai quy định là 130 tỷ đồng. Qua đó, giảm chi cho ngân sách nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng, bao gồm các nội dung chi sai, chi trùng, cấp sai. Đã xuất toán, thu hồi vào ngân sách nhà nước trong năm 2016 số tiền 13 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải, qua công tác thanh tra thấy có 3 loại đối tượng bị giả mạo nhiều để hưởng chế độ chính sách. Thứ nhất giả mạo trong việc xác nhận thương binh, nhất là từ lúc áp dụng cơ chế hai người xác nhận cho nhau; thứ hai là giả mạo hồ sơ chất độc hóa hóa để hưởng chính sách; thứ ba là giả mạo để hưởng chính sách thanh niên xung phong.
Nói về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, về nguyên tắc phải đặt ra vấn đề bám vào các quyết định của Đảng và Nhà nước để làm đúng chính sách.
“Phải đặt vấn đề công khai, minh bạch, lấy nhân dân, lấy Chi bộ Đảng để làm từ cơ sở trở lên, coi trọng các đồng chí lão thành cách mạng là những người hoạt động cùng thời kỳ người xin xác nhận. Đặc biệt là sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của các Đoàn đại biểu Quốc hội” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Danviet
"Học viên cai nghiện phá trại, cùng lắm cũng chỉ bị... bắt lại trại"
Trả lời chất vấn trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày nhiều khó khăn. Bộ trưởng chia sẻ, sau vụ "vỡ trại" ở Đồng Nai, lan đến Vũng Tàu, ông có hỏi một người trốn trại thì được trả lời "cứ hùa nhau ra thôi, cùng lắm cũng chỉ bị bắt đưa trở lại trại"...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người đăng đàn trả lời chất vấn sáng nay, 18/4.
Bước vào phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt vấn đề về tình trạng học viên trung tâm cai nghiện trốn trại gây dư luận xấu. Nguyên nhân và giải pháp giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Lao động khẳng định, phòng chống cai nghiện ma tuý là công việc quan trọng Bộ được giao. Vừa qua, Bộ đã họp với 21 tỉnh trọng điểm về ma tuý để giải quyết việc này. Cả nước hện có 210.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, tăng mạnh so với 2015. Thực tế phức tạp là hiện ngoài heroin, có nhiều loại ma tuý phát sinh, nhất là ma tuý đá, dễ dẫn đến rối loạn tâm thần, ảo giác, quản lý đối tượng này cũng khó hơn. Gần đây Bộ Công an thống kê có đến 60% tội phạm liên quan đến ma tuý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Một ngành dân sự như chúng tôi lại phải quản lý nhóm đối tượng rất phức tạp là người nghiện nên rất khó".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cung cấp thông tin, hiện cả nước có 60.000 người nghiện đang được quản lý tập trung tại các trại cai nghiện, trong đó có 17.000 người phải cai nghiện bắt buộc theo quyết định của toà án, hầu hết là không có gia đình, nơi cư trú.
Người trả lời chất vấn phân trần, việc đưa các đối tượng vào cơ sở cai nghiện tập trung là điều không mong muốn nhưng không thể không làm vì những người này đã qua quá trình cai nghiện tại cộng đồng, gia đình không thành công nhưng nói là tự nguyện cai nghiện cũng không đúng, hầu hết chỉ là gia đình tự nguyện đưa con em vào trại chứ bản thân người nghiện không tự nguyện.
Hiện tượng đập phá trại cai nghiện đã xảy ra ở nhiều như ở Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh... theo Bộ trưởng Dung, do việc thực hiện chính sách cai nghiện tại một số nơi không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. "Nhiều địa phương vì để làm trong sạch địa bàn nên cứ người nào sử dụng ma tuý là đưa vào đây trong khi đáng ra phải phân biệt người nghiện với người sử dụng, người có nơi cư trú hay không. Điều đó dẫn đến hiện tượng trại cai nghiện quá tải" - ông Dung nói.
Bộ trưởng dẫn chứng, vụ "phá trại" ở Đồng Nai, cơ sở này đáng ra chỉ có thể đáp ứng việc sinh hoạt, quản lý 500 học viên nhưng số người thực tế đưa vào tới hơn 1.400 người. Cơ sở vật chất của trại thì tận dụng từ thời Mỹ - Nguỵ để lại, không đảm bảo dẫn đến sự bức bối của học viên. Do sự hạn chế này, trại buộc phải để cả những người vừa vào cai ở chung với người đã xong giai đoạn cai bắt buộc, thực hiện xong bản án của toà án. Điều này tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng lôi kéo, kích động nhau phá trại.
Ông Dung phân tích: "Ở những cơ sở cai nghiện, tình hình phức tạp khi có tới 35-45% các học viên là người có tiền án, tiền sự, thậm chí là những đối tượng cộm cán, đã qua tù đày. Những người này hay lôi kéo xúi giục những người ở cùng gây hỗn loạn trong trại".
Ngoài ra, Bộ trưởng Lao động cũng nêu những khó khăn về chính sách pháp luật, như vấn đề chế tài với các học viên có phá trại hiện không có gì ngoài việc tìm, vận động đưa đối tượng trở lại trại...
"Sau khi việc xảy ra tại Đồng Nai, dẫn đến Vũng Tàu, tôi đến nơi tìm hiểu, có hỏi các em lý do vì sao phá trại thì ai cũng nói là cứ tìm đường ra đã, có gì cùng lắm cũng bị bắt đưa lại trại thôi, có gì đâu" - ông Dung than.
Các Bộ trưởng cùng tham gia "chia lửa" với Bộ trưởng Lao động tại phiên chất vấn.
Thách thức khác là lực lượng làm công tác cai nghiện rất mỏng. Ở trại cai nghiện Đồng Nai, dù được tăng cường thêm 30 cán bộ so với trung bình thì tính trung bình mỗi cán bộ cũng phải phục vụ ít nhất 10 học viên, trong khi ở gia đình, cả nhà phụ trách 1 người nghiện có khi đã mệt. Việc tìm người vào làm tại các trung tâm cai nghiện cũng khó khăn khi lương trả chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng trong khi bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm rình rập.
Cán bộ làm công việc trong trại cai nghiện lại không được trang bị bất cứ công cụ gì để đảm bảo an toàn cho chính mình trong khi các đối tượng chỉ tìm cách bới móc, kích động làm cán bộ nóng lên một chút là tạo cớ cho họ hành động manh động.
"Ở nhiều nước, nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cai nghiện được giao cho các cơ quan tư pháp nhưng ở Việt Nam, việc này được giao Bộ Lao động. Một ngành dân sự lại quản lý nhóm đối tượng rất phức tạp thế này nên rất khó. Chúng tôi chỉ có công an hỗ trợ chỉ ở vòng ngoài, còn từ cổng trại vào là phải tự đảm nhận hết, khi có vấn đề xảy ra, trong trại báo ra thì công an mới can thiệp" - Bộ trưởng nêu một trong 5 vướng mắc trong quy định pháp luật mà ngành đã tổng kết.
P.Thảo
Theo Dantri
Tuần tới những Bộ trưởng nào sẽ trả lời chất vấn? Theo thông báo của Tổng thư ký Quốc hội, ngày mai (17.4) phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ sẽ khai mạc. Điểm đáng chú ý tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người đăng đàn đầu tiên...