Phát hiện dấu vết ‘loài người ma’ tuyệt chủng ở dãy Trường Sơn?
Một báu vật của ngành cổ nhân loại học đã được tìm thấy ở hang Tam Ngũ Hào 2, nằm ở mặt phía Lào của dãy Trường Sơn: chiếc răng rất có thể thuộc về “ loài người ma” Denisovans.
Người Denisovans cùng thuộc chi Người (Homo) với loài Homo sapiens chúng ta, chỉ mới tuyệt chủng vài chục ngàn năm trước và đã để lại dòng máu trong rất nhiều người châu Á thông qua các cuộc hôn phối dị chủng. Nhưng tất cả chỉ có thế, có dấu vết DNA nhưng hầu như không thấy hài cốt, khiến họ mãi là một “tổ tiên ma” mà ngành cổ nhân loại học ra sức tìm kiếm.
Toàn cảnh khu vực có hang Tam Ngũ Hào 2. Ảnh: REUTERS.
Chỉ có một mẩu xương ngón tay được khai quật năm 2008 tại một hang động Siberia – Nga, không phù hợp với bất kỳ loài người nào khác từng tìm thấy hài cốt; cùng một ít dấu vết từ trầm tích ở một hang khác thuộc Tây Tạng – Trung Quốc, là những bằng chứng hữu hình hiếm hoi về loài người ma Denisovans.
Thế nhưng theo Sicence Alert, mẫu vật vừa được tìm thấy ở hang Tam Ngũ Hào 2 thuộc dãy Trường Sơn – dãy núi ngăn cách Việt Nam và Lào – có thể là bằng chứng sống động và mang nhiều thông tin nhất về loài người ma này.
Theo Reuters, chiếc răng thuộc về một cô bé mới 4-6 tuổi, sống vào khoảng 164.000 đến 131.000 năm trước.
Chiếc răng cổ có thể là báu vật của ngành cổ nhân loại học. Ảnh: REUTERS.
Cá thể nữ được xác định thuộc chi Người và có nhiều đặc điểm tương đồng với mô tả về Denisovans mà trước đó các nhà khoa học đã “phục dựng” từ các dấu vết tồn tại trong những đứa con lai – là các cá thể lai Denisovans – Neanderthals (một loài người cổ cùng thuộc chi Người khác) hoặc chính con người hiện đại. Một nghiên cứu ước tính có tới 1/4 người châu Á mang ít nhiều dấu vết di truyền từ người Denisovans.
Các nhà khoa học cũng đặt ra giả thuyết chiếc răng có thể là của người Neanderthals, nhưng một số khác biệt đã chứng minh rằng không phải, khả năng nó thuộc về loài người ma Denisovans vẫn cao nhất, gần như chắc chắn.
“Khám phá này chứng minh thêm rằng Đông Nam Á là một điểm nóng về đa dạng loài của chi Homo từ thời kỳ Pleistocen từ giữa đến muộn: Homo erectus, Denisovans, Neanderthals, Homo floresiensis, Homo luzonensis and Homo sapiens” – các tác giả viết trong bài công bố.
Công trình được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Địa lý học của Quỹ Lundbeck, Viện Globe, Đại học Copenhagen (Đan Mạch), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia, CNRS, Đại học Paris, Bảo tàng Con người 17 place du Trocadéro (Pháp), vừa xuất bản trên tạp chí Nature Communications.
Những con khủng long thực sự có màu gì, câu trả lời gây bất ngờ
Một số có ánh kim và một số có bộ lông sặc sỡ với màu sắc và hoa văn tươi sáng.
Không có loài động vật nào trải qua một cuộc lột xác ngoạn mục hơn trong vài thập kỷ qua như loài khủng long. Hai câu hỏi khiến nhiều nhà khoa học đâu đầu đó là thực sự thì những con khủng long có màu gì và làm sao con người biết được khi loài động vật này đã tuyệt chủng từ rất lâu.
Những con khủng long có màu gì?
Bằng cách phải phân tích và nghiên cứu nhiều loài bò sát ngày nay có quan hệ gần với những con khủng long, các nhà khoa học suy đoán rằng khủng long ăn cỏ lớn có màu xám và xanh lá cây, khủng long ăn thịt lớn chủ yếu là có màu nâu sẫm.
Năm 1996, các nhà cổ sinh vật học đã nghiên cứu một hóa thạch khủng long từ Trung Quốc phát hiện ra rằng loài khủng long này có lông vũ. Sau đó, việc phát hiện ngày càng có nhiều khủng long lông dài khiến các nhà cổ sinh vật học chú ý hơn về màu sắc của chúng và đưa ra suy đoán khác hoàn toàn khác. Khủng long có màu sắc đa dạng giống như loài chim ngày nay.
Jakob Vinther, phó giáo sư về tiến hóa vĩ mô tại Đại học Bristol, Anh đã có câu trả lời cho cả hai câu hỏi băn khoăn lúc đầu. Kể từ khi phát hiện những chiếc lông khủng long hóa thạch đầu tiên vào năm 1996, các nhà khoa học đã nhận thấy những cấu trúc cực nhỏ hình tròn bên trong chúng, đó là vi khuẩn đã hóa thạch.
Nhưng Vinther nhận ra rằng những cấu trúc đó có thể là một cái gì đó hơn thế nữa. Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu và phát hiện ra rằng cấu trúc tròn nhỏ melanosome, chính là những đốm màu cực nhỏ của melanin, sắc tố tạo màu sắc cho tóc, da, lông và mắt của thế giới động vật.
Các nhà khoa học khác phần lớn tin rằng sắc tố không thể tồn tại trong quá trình hóa thạch, nhưng khám phá của Vinther và cộng sự không chỉ cho thấy rằng sắc tố vẫn tồn tại mà còn chứng minh màu sắc thực tế của các loài động vật đã tuyệt chủng.
Các melanosome lớn, to chỉ ra sắc tố xám hoặc xanh lam, trong khi các melanosome dài và nhỏ, phẳng hoặc rỗng là dấu hiệu của ánh kim.
Vinther nói: "Bằng cách sắp xếp melanin theo một cách cụ thể bên trong lông khủng long tạo ra các cấu trúc tương tác với ánh sáng. Hình dạng phẳng hoặc rỗng của các melanosome riêng lẻ giúp chúng khớp với nhau tạo ra ánh kim loại giống như chim ruồi hoặc chim công".
Các loài khủng long cũng có cách ngụy trang phức tạp. Loài khủng long đầu tiên mà Vinther từng nghiên cứu là một loài động vật nhỏ giống chim là Anchiornis. Dựa trên các melanosome, Vinther và nhóm của ông kết luận rằng nó có thân màu xám, lông cánh màu trắng với các đốm đen ở đầu và vương miện màu đỏ giống như chim gõ kiến.
Khủng long Sinosauropteryx, loài khủng long đầu tiên phát hiện có lông vũ, có đuôi sọc và đeo mặt nạ giống như một con gấu trúc. Nó cũng có lớp chống nắng đặc biệt, các bộ phận ở trong bóng tối có sắc tố nhạt hơn các bộ phận thường tiếp xúc dưới ánh sáng mặt trời.
"Vườn thú đông lạnh" hồi sinh những động vật quý hiếm sắp tuyệt chủng Theo Báo cáo Hành tinh Sống của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) năm 2020, kể từ năm 1970, các quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 68%. Do mất môi trường sống vì hoạt động của con người, một triệu loài cả động vật và thực vật đang...