Phát hiện chục thùng vàng trong nhà “hổ lớn” của quân đội Trung Quốc
Trung Quốc vừa cách ly, điều tra Thượng tướng Liêu Tích Long, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Thượng tướng Lý Kế Nại, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Theo mạng Đông Phương, hai cựu lãnh đạo cao cấp của quân đội Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến 8 vấn đề lớn, trong đó có việc tham gia hoạt động bán lon bán chức của hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và lợi dụng chức quyền để vơ vét tiền bạc.
Bất ngờ bị tuyên bố điều tra
Tờ Động Hướng số tháng 6.2016 cho biết, hôm 28.5, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã tổ chức hội nghị sinh hoạt cán bộ quân ủy tại Ngọc Tuyền Sơn, Bắc Kinh. Tất cả các ủy viên Quân ủy đã nghỉ hưu đều được mời tham dự.
Ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương thay mặt Bộ Chính trị đến dự, Phó Chủ tịch Quân ủy Hứa Kỳ Lượng chủ trì. Cả Liêu Tích Long và Lý Kế Nại đều có mặt mà không hề hay biết điều gì sắp xảy ra.
Tại hội nghị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy Đỗ Kim Tài đã “đột ngột tuyên bố” cách ly thẩm tra đối với hai Thượng tướng, cựu Ủy viên Quân ủy Trung ương Liêu Tích Long và Lý Kế Nại.
Đỗ Kim Tài cũng thông báo các biện pháp hạn chế đối với 2 người, như ngừng giao lưu với bên ngoài, kể cả gọi điện thoại, chỉ được rời nơi ở khi được sự đồng ý; mọi thư từ, bưu kiện đều phải qua kiểm tra mới được sử dụng.
Liêu Tích Long (trái) và em trai Liêu Tích Tuấn
Cơ quan hữu quan sẽ xem xét, quyết định hạn chế việc thụ hưởng các chế độ đãi ngộ chính trị theo quy định. Trong thời gian thẩm tra, hai người phải có thái độ đúng mực, nhìn thẳng vào tính chất vấn đề, phối hợp điều tra của tổ chức.
Liêu Tích Long, Lý Kế Nại bị cáo buộc tham gia hoạt động mua quan bán chức của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, kéo bè kết cánh hoạt động mưu lợi ở giai tầng cao nhất quân đội, lợi dụng chức quyền để kiếm chác trong việc kinh doanh kinh tế, xây dựng cơ bản của quân đội….
Ngoài ra, Long và Nại còn đồng lõa với Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu trong việc làm giả chứng từ về huấn luyện, diễn tập, sát hạch kỹ thuật của quân đội.
Sau khi vụ việc của Quách, Từ bị phát hiện, hai vị này đã vung tiền bạc, đe dọa trừ khử… để lập “liên minh công thủ”, cố ý tung ra các thông tin giả mình là nạn nhân để trốn tránh tội lỗi, bức hại các tướng Lưu Nguyên, Trương Dương…
Nhà giấu chục hòm vàng
Liêu Tích Long sinh năm 1940, quê ở Quý Châu. Năm 1988, ông ta được phong hàm Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu Thành Đô. Năm 1993, Long lên Trung tướng, từ 1995 là Tư lệnh Quân khu Thành Đô, tháng 6/2000 được thăng hàm Thượng tướng.
Long là Ủy viên Trung ương các khóa 15, 16, 17. Tháng 11/2002, Long được bầu làm Ủy viên Quân ủy, rồi được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Tháng 10/2012, trước khi diễn ra Đại hội 18, Long thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, để nghỉ hưu.
Video đang HOT
Vấn đề “ngã ngựa” của Liêu Tích Long đã được báo chí dự đoán từ trước. Ngày 20/5/2016, em trai Long là Thiếu tướng Liêu Tích Tuấn, Phó tư lệnh Quân khu tỉnh Quý Châu đã bị Viện Kiểm sát quân sự Trung ương bắt.
Theo Tin Đa Chiều, cùng bị bắt hôm đó còn có con gái nuôi của Long là kế toán tại Trung tâm tính toán Tổng bộ Hậu cần và một cô người tình của Long. Tại nhà Long, cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ hơn 37 triệu NDT tiền mặt (130 tỷ VND), hơn 10 hòm vàng, vật phẩm quý giá.
Trước đó, vào tháng 7/2014, cựu thư ký của Long là Thiếu tướng Phù Lâm Quốc, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, cũng bị điều tra vì tham nhũng. Khi khám nhà Quốc, cơ quan điều tra đã thu giữ 25kg vàng và hơn 20 triệu NDT (70 tỷ VND) tiền mặt.
Quốc là đồng hương Quý Châu của Long, sau khi bị bắt đã khai nhận việc hối lộ số tiền, vàng cực khủng cho Long để được thăng tiến.
Lý Kế Nại
“Cái chết” được dự báo trước
Lý Kế Nại sinh năm 1942, quê ở Sơn Đông, tốt nghiệp khoa Công trình Đại học Cáp Nhĩ Tân năm 1966. Năm 1985, Lý Kế Nại được điều về cơ quan Tổng cục Chính trị làm Cục trưởng Quản lý cán bộ rồi Phó chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị.
Tháng 11/1992, Nại làm Phó chính ủy Ủy ban Khoa học kỹ thuật & Công nghiệp quốc phòng, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 14. Năm 1998, khi Tổng cục Trang bị được thành lập, Lý Kế Nại được bổ nhiệm làm Chính ủy, được phong Thượng tướng năm 2000, tới năm 2002 lên làm chức chủ nhiệm.
Tháng 4/2004, khi Từ Tài Hậu giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy, Lý Kế Nại được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay thế. Tháng 11/2007, tại Đại hội 17, Lý Kế Nại được bầu làm Ủy viên Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Tháng 10/2012, trước Đại hội 18, Lý Kế Nại nghỉ hưu.
Việc Lý Kế Nại bị điều tra cũng không phải chuyện bất ngờ, bởi trước đó, hôm 20/5, cựu thư ký của ông ta là Chu Tân Kiến, Thiếu tướng, Ủy viên Ủy ban Khoa học kỹ thuật Quân ủy, cũng đã bị bắt để điều tra.
Báo chí cũng cho biết, trong thời gian chủ quản công tác chính trị, Nại răm rắp tuân lệnh Từ Tài Hậu, một tay thực hiện việc mua quan bán chức, tích cực tham gia vào hành động “giải cứu” Trung tướng Cốc Tuấn Sơn. Do đó, việc ông ta bị điều tra là điều tất yếu, có điều nó diễn ra chậm hơn dự kiến mà thôi.
Theo Ngô Tuyết (Vietnamnet)
Bí mật động trời của quan tham lớn nhất lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc
Tòa án Trung Quốc gần đây liên tiếp xét xử người thân của Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương.
Sau khi cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang nhận án tù chung nhân mà không kháng cáo năm 2016, hiện vụ án "đại gia tộc tham nhũng" này đã bước sang giai đoạn mới.
Lần lượt vợ, con trai, cháu ruột (con em trai) Chu Vĩnh Khang đã nhận án phạt, và sắp tới có thể sẽ có thêm những người khác phải ra trước vành móng ngựa, kèm theo đó là những bí mật động trời về Chu Vĩnh Khang được báo chí tiết lộ...
360 căn nhà, tài sản hàng trăm tỷ NDT
Theo Đông Phương, Chu Vĩnh Khang là quan tham lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản danh mục kê biên khám nhà được báo chí công bố cho thấy, gia đình Chu Vĩnh Khang vơ vét được hàng trăm tỷ NDT.
Chu Vĩnh Khang tại tòa
Chu Vĩnh Khang lợi dụng hệ thống chính pháp, ngành dầu khí ra sức vơ vét. Con trai Chu Bân cấu kết với các thế lực cả "trắng" và "đen", trong đó có hai anh em trùm xã hội đen đất Tứ Xuyên Lưu Hán, Lưu Duy (đã bị tử hình).
Theo biên bản khám xét thì tổng số tài sản của gia tộc Chu Vĩnh Khang có tới hàng trăm tỷ NDT, có tới 360 căn nhà trị giá 1 tỷ 760 triệu NDT ở khắp các thành phố: Bắc Kinh, Thượng Hải, Vô Tích, Tô Châu, Quảng Châu, Thâm Quyến.
Cơ quan điều tra đã phát hiện và phong tỏa hơn 900 tài khoản ngân hàng với tổng giá trị lên đến 37,7 tỷ NDT. Gia đình Khang còn sở hữu số cổ phiếu ngành hàng không, dầu khí, ngân hàng, rượu bia trị giá 50 tỷ NDT...
Vợ trẻ nhận án 9 năm tù
Báo chí Trung Quốc ngày 16.6 đưa tin, Giả Hiểu Diệp, cô vợ trẻ kém 28 tuổi của Chu Vĩnh Khang, đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc về tội nhận hối lộ và lợi dụng ảnh hưởng để nhận hối lộ.
Tòa đã tuyên phạt Diệp 9 năm tù giam, tịch thu toàn bộ tang vật để nộp vào quốc khố và phạt thêm 1 triệu NDT.
Giả Hiểu Diệp từng là biên tập viên bản tin "Tài chính hàng ngày" trên kênh Kinh tế của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Cô ta có gương mặt đẹp với cặp mắt to, cao khoảng 1m65, tính cách ôn hòa, không thích lộ diện.
Giả Hiểu Diệp
Diệp quen biết Khang qua sự môi giới của Lý Đông Sinh, Phó Tổng giám đốc CCTV (sau là Thứ trưởng Bộ Công an), bằng cách bố trí để Diệp mấy lần tới phỏng vấn Khang.
Diệp là người có học, tinh thông văn chương lại xinh đẹp nên Chu Vĩnh Khang chết mê chết mệt. Dư luận cho rằng, sự xuất hiện của Diệp chính là nguyên nhân khiến Chu Vĩnh Khang ly hôn người vợ kết tóc Vương Thục Hoa rồi dàn xếp một vụ tai nạn giao thông gây nên cái chết của bà để tiện cưới Diệp vào năm 2001.
Theo tạp chí "Tranh Minh", sau khi Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân, đã ly hôn với Giả Hiểu Diệp. Khi ký vào giấy ly hôn, Diệp đã khóc: "Bao nỗi đau khổ dồn nén trong lòng giờ đã được giải thoát, nhưng muộn quá rồi!".
Con trai nhận 18 năm tù
Ngày 15.6, Tòa án Nghi Xương, Hồ Bắc, đã tuyên phạt Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang 18 năm tù và phạt 350 triệu NDT (1.225 tỷ VND) về các tội nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đòi hối lộ và kinh doanh trái phép.
Tòa án cho rằng, Chu Bân và Chu Vĩnh Khang đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của Khang để mưu lợi cho người khác rồi nhận hối lộ số tiền rất lớn. Ngoài ra, với tư cách là người chủ quản đơn vị, Chu Bân đã vi phạm quy định nhà nước, kinh doanh trái phép những mặt hàng bị hạn chế kinh doanh, làm loạn trật tự thị trường.
Chu Bân sinh năm 1972, là con trai cả của Chu Vĩnh Khang với bà Vương Thục Hoa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dầu khí Tây Nam, Bân sang Mỹ làm nghiên cứu sinh chuyên ngành dầu khí tại phân hiệu Las Vegas, Đại học Texas. Bân làm quen và kết hôn với Hoàng Uyển, con gái ông chủ Hoa kiều Hoàng Dụ Sinh.
Chu Bân
Chu Bân về nước mở công ty vào năm 2003. Tới năm 2009, Bân là cổ đông chính của Công ty TNHH khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Trung Húc Bắc Kinh. Tháng 9/2013, Chu Bân bị bắt, điều tra về tội kinh doanh phi pháp và liên đới đến những hành vi tham nhũng của các quan chức trong ngành dầu khí.
Cháu trai nhận 12 năm tù
Ngày 17.6, Chu Phong, con của em trai Chu Vĩnh Khang, bị Tòa án quận Di Lăng, Nghi Xương đưa ra xét xử về các tội lợi dụng ảnh hưởng để nhận hối lộ và làm hóa đơn thuế giả. Theo thông báo được công bố thì Phong bị kết án 12 năm tù giam, buộc nộp phạt 59 triệu NDT, đồng thời tịch thu toàn bộ thu nhập phi pháp.
Tuy nhiên, tòa án không công khai những chi tiết của vụ án và số tiền mà Chu Phong nhận hối lộ, chỉ cho biết Phong cùng 2 đồng lõa ở Công ty mỏ Kali Hồng Phong phạm tội làm hóa đơn thuế giá trị gia tăng giả.
Trước đây báo chí đã đưa tin Chu Vĩnh Khang yêu cầu Tưởng Khiết Mẫn giúp đỡ cháu trai là Chu Phong giành được quyền khai thác 2 mỏ dầu ở Cát Lâm, sau đó Phong sang tay chuyển nhượng cho người khác, kiếm ngay 210 triệu NDT. Tuy nhien, tại tòa khi tuyên án không hề thấy nhắc đến vụ này.
Trong giới kinh doanh, Chu Phong được gọi là "Doanh nhân bí hiểm". Sinh năm 1976, Phong du học ở Nhật. Sau khi có bằng thạc sĩ, Phong trở về cùng mẹ lập nhiều công ty kinh doanh trên các lĩnh vực ngân hàng, mỏ, khoa học kỹ thuật...
Theo Đông Phương, có tin cả cha và mẹ Chu Phong đều đã bị bắt hồi tháng 12/2013 để điều tra. Tuy nhiên, những thông tin về họ và Chu Phong đều rất ít xuất hiện cho đến khi Phong bất ngờ bị đem ra xét xử. Vì vậy, rất có thể sắp tới cả cha và mẹ Chu Phong cũng sẽ xuất hiện trong một phiên tòa khác
Theo Ngô Tuyết (Vietnamnet)
Bí mật động trời của quan tham lấy vợ trẻ măng Tòa án Trung Quốc gần đây liên tiếp xét xử người thân của Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương. Sau khi cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang nhận án tù chung thân mà không kháng cáo năm 2016, hiện vụ án "đại gia tộc tham nhũng" này đã...