Phát hiện cây hóa thạch 10 triệu năm tuổi
Thân cây hóa đá khổng lồ được tìm thấy tại Peru tiết lộ môi trường trên dãy Andes thay đổi mạnh mẽ trong hàng triệu năm qua.
Thân cây hóa thạch bị chôn vùn dưới một thảm cỏ. Ảnh: Rodolfo Salas Gismondi.
Hóa thạch thực vật hiếm, ước tính khoảng 10 triệu năm tuổi, được các nhà cổ sinh vật học từ Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (STRI) phát hiện trong một chuyến thám hiểm tới cao nguyên Andean ở Peru. Thân cây bị chôn vùi ngay sát mặt đất tại một cánh đồng cỏ lạnh giá, cùng với hàng trăm mẫu gỗ, lá và phấn hoa khác.
Phân tích giải phẫu cho thấy chúng rất giống với các mẫu cây thân gỗ trong rừng nhiệt đới thấp hiện nay. Cao nguyên Andean vào thời điểm đó có lẽ chỉ cao khoảng 2.000 m so với mực nước biển. Ngày nay, khu vực này đã được nâng cao tới 4.000 m.
“Hồ sơ hóa thạch mà chúng tôi thu thập được tiết lộ rằng khi những cây này còn sống, hệ sinh thái tại cao nguyên Andean ẩm ướt hơn nhiều so với ngày nay. Có lẽ không có hệ sinh thái cao nguyên hiện đại nào có thể so sánh được”, Tiến sĩ Camila Martinez, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hệ sinh thái đó không tồn tại quá lâu. Các hóa thạch thực vật khác được tìm thấy trong cùng địa điểm chỉ ra rằng hệ sinh thái hoang mạc Puna đã thay thế những cánh rừng ẩm ướt từ cách đây ít nhất 5 triệu năm. Theo nhóm nghiên cứu, phấn hoa trong thời kỳ này chủ yếu có nguồn gốc từ cỏ và cây thân thảo chứ không phải từ cây thân gỗ. Những mẫu vật lá cây dương sỉ, thảo mộc và cây bụi hóa thạch cũng cho thấy cao nguyên đã được đẩy lên tới độ cao như hiện tại.
Nhà cổ sinh vật học Edwin Cadena chụp hình kỷ niệm bên thân cây khổng lồ. Ảnh: STRI.
“Hóa thạch trong khu vực cho chúng ta biết cả độ cao và thảm thực vật đã thay đổi đáng kể trong một thời gian tương đối ngắn, ủng hộ giả thuyết rằng cao nguyên Andean đã được nâng lên nhanh chóng bởi vận động kiến tạo”, trưởng nhóm nghiên cứu Carlos Jaramillo từ STRI nói trong một báo cáo.
Sự nâng lên của cao nguyên Andean đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình khí hậu của Nam Mỹ. Các chuyên gia dự đoán vào cuối thế kỷ này, những thay đổi về nhiệt độ và nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ lại xấp xỉ với các điều kiện của 10 triệu năm trước. Do đó, hiểu được sự khác biệt giữa các mô hình khí hậu và dữ liệu trong hồ sơ hóa thạch sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ các động lực kiểm soát khí hậu hiện tại trên dãy Andes, cũng như trên khắp lục địa Nam Mỹ.
Phát hiện hóa thạch hiếm của 'thằn lằn mái nhà'
Mẫu vật xương chi 166 triệu năm tuổi của một loài khủng long phiến sừng thuộc chi Stegosaurus tình cờ được tìm thấy trên đảo Eigg.
Hóa thạch xương chi sau của một con Stegosaurus được tìm thấy ven đảo Eigg. Ảnh: Elsa Panciroli.
Theo báo cáo trên tạp chí Earth and Environmental Science Transactions hôm 26/8, khám phá mới được xếp vào loại phát hiện "cực kỳ quan trọng" vì nó là một trong những hóa thạch khủng long đầu tiên thuộc kỷ Jura giữa được tìm thấy tại Scotland.
"Sự hiện diện của Stegosaurus trên đảo Eigg đã bổ sung thông tin giá trị về phạm vi phân bố của của các loài khủng long ở Scotland", Tiến sĩ Elsa Panciroli, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh. "Trên toàn cầu, hóa thạch khủng long có niên đại từ kỷ Jura giữa rất hiếm và trước đây, mới chỉ có một mẫu vật được tìm thấy ở Scotland trên đảo Skye".
Kỷ Jura được chia làm ba giai đoạn: kỷ Jura sớm (từ 201,3 triệu đến 174,1 triệu năm trước), kỷ Jura giữa (từ 174,1 triệu đến 163,5 triệu năm trước) và kỷ Jura muộn (từ 163,5 triệu đến 145 triệu năm trước).
Tiến sĩ Elsa Panciroli phát hiện mảnh xương nhô ra từ khối đá. Ảnh: Fox News.
Panciroli đã tình cờ phát hiện mảnh xương chi sau của một con Stegosaurus trong lúc chạy bộ bên bờ biển. Nó dài hơn 90 cm, ước tính 166 triệu năm tuổi và đã bị nứt vỡ nghiêm trọng do sóng đánh, nhưng phần lớn vẫn được lưu giữ bên trong một khối đá.
Hóa thạch đã được đưa về phòng thí nghiệm để phục hồi và đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Scotland ở Edinburgh.
Hình vẽ mô phỏng một loài khủng long Stegosaurus. Ảnh: Heinrich Harder.
Stegosaurus còn được mệnh danh là "thằn lằn mái nhà" do cấu trúc cơ thể hình tam giác đặc trưng của chúng. Chi bò sát khổng lồ này có thể phát triển tới chiều dài 9 m và là động vật ăn thịt thuộc nhóm khủng long phiến sừng.
Phát hiện vết răng cá sấu 13 triệu năm trước Cách đây 13 triệu năm, gần khu vực nay là sông Napo ở Peru, một con cá sấu cổ đại Purussaurus đã cắn vào đùi sau của con lười và để lại 46 vết răng. Theo CNN, các nhà nghiên cứu giờ đây đã có thể phục dựng vụ tấn công này dựa trên việc phân tích vết cắn trên chân sau của...