Phát hiện bất ngờ về vật thể gần xác tàu Titanic
Dựa trên tín hiệu sonar cách đây 26 năm, các thợ lặn vừa có một phát hiện đầy bất ngờ tại khu vực xác tàu Titanic.
Xác tàu Titanic nằm dưới đáy đại dương từ năm 1912 NOAA
Xác tàu Titanic vỡ làm đôi nằm dưới đáy Bắc Đại Tây Dương và dần phân hủy ở độ sâu gần 4.000 m, nhưng nó không nằm đó đơn độc khi các thợ lặn vừa có một phát hiện bất ngờ ở vùng nước ngầm xung quanh, theo CNN ngày 8.11 đưa tin.
Bí ẩn về tín hiệu sonar phát hiện cách đây 26 năm bởi ông Paul Henri Nargeolet, hoa tiêu kỳ cựu của tàu lặn Nautile (Pháp) và là thợ lặn nghiên cứu về tàu Titanic. Thế nhưng tín hiệu phát hiện năm 1996 này vẫn là điều bí ẩn cho đến gần đây. Sonar là tín hiệu âm thanh lan truyền để xác định những vật thường là dưới nước.
Trong chuyến thám hiểm mới đây, ông Nargeolet và 4 nhà nghiên cứu khác đến vị trí ghi nhận tín hiệu. Do mức độ tín hiệu, ông từng cho rằng đó là một xác tàu khác.
Tuy nhiên, chuyến lặn mới đây giúp ông phát hiện đó là một rặng đá được hình thành bởi các hệ địa chất núi lửa khác nhau, và là nơi sinh sống đông đúc của tôm hùm, cá biển sâu, động vật thân lỗ và nhiều loài san hô hàng ngàn năm tuổi.
“Thật mê hoặc về sinh học. Những sinh vật sống ở đây rất khác với những sinh vật tìm thấy tại những vùng biển sâu khác”, theo giáo sư Murray Roberts tại Đại học Edinburgh ở Scotland và là thành viên nhóm thám hiểm.
Theo ông, thợ lặn Nargeolet đã có một công trình khoa học rất quan trọng. “Ông ấy nghĩ rằng đó là một xác tàu khác, nhưng hóa ra theo tôi thì nó còn bất ngờ hơn một xác tàu”, ông chia sẻ.
Đồng bằng biển thẳm chỉ đáy đại dương ở độ sâu 3.000-4.000 m, chiếm 60% diện tích trái đất, theo ông Roberts. Nó được cho là nơi đáy biển bùn lầy và không có nhiều cấu trúc. Đôi lúc, những thợ lặn phát hiện những cấu trúc trên đồng bằng.
Với khám phá gần xác tàu Titanic, ông Roberts giờ đây tin rằng những cấu trúc đó có thể tồn tại nhiều hơn giới chuyên môn nhận định.
Các nhà nghiên cứu hiện đang phân tích những ảnh chụp, đoạn phim ghi lại được trong chuyến lặn và dự định chia sẻ phát hiện nhằm cải thiện kiến thức của cộng đồng khoa học về sự sống dưới biển sâu.
Ông Roberts còn hy vọng phát hiện có liên quan đến một dự án hệ sinh thái Đại Tây Dương mà ông đang dẫn đầu, mang tên iAtlantic, giúp mở ra những nghiên cứu và việc bảo vệ hệ sinh thái mong manh tại những khu vực tương tự.
Tàu Titanic chìm trong khoảng 2 giờ 40 phút sau khi va phải tảng băng trôi vào ngày 14.4.1912 khi đang trên đường từ Southampton (Anh) đến New York (Mỹ) khiến 1.503 người thiệt mạng, trở thành thảm họa hàng hải nổi tiếng nhất thế kỷ 20.
Alaska hủy mùa đánh bắt cua hoàng đế, cua tuyết sau khi 90% số cua biến mất
Lần đầu tiên trong lịch sử bang, các đội tàu ở Alaska sẽ không cần phải chống chọi cái lạnh giá của biển cả để đánh bắt cua tuyết và cua hoàng đế ở Biển Bering theo truyền thống, vì cua gần như biến mất tại đây.
Cua hoàng đế Alaska là đặc sản nổi tiếng của Mỹ AFP/GETTY
Đài CBS News dẫn lời giới chức Sở Lâm nghiệp và Săn bắn Alaska (ADF&G - Mỹ) cho biết ước tính khoảng 1 tỉ con cua đã biến mất một cách bí ẩn trong 2 năm qua. Hậu quả là 90% số cua biến mất nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân.
Ngành hải sản của Mỹ đang đối mặt thách thức nghiêm trọng, và các nhà khoa học lo ngại sự sụt giảm đột ngột trong số lượng cua ở đây sẽ gây ảnh hưởng đối với sự lành mạnh của hệ sinh thái Bắc Cực.
"Liệu chúng di chuyển về hướng bắc để đến vùng biển lạnh hơn?" ông Gabriel Prout của công ty khai thác hải sản đảo Kodiak, đặt câu hỏi.
Ông Ben Daly, nhà nghiên cứu của ADF&G, đang mở cuộc điều tra về vụ việc. Ông là người theo dõi tình trạng của ngành ngư nghiệp của tiểu bang, đóng góp 60% sản lượng hải sản trên toàn nước Mỹ.
"Bệnh dịch là một khả năng", theo ông Daly, và cũng có thể là do biến đổi khí hậu.
Theo Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), Alaska là tiểu bang chứng kiến nhiệt độ gia tăng nhanh nhất trên toàn quốc và đang mất đi nhiều tỉ tấn băng mỗi năm (điều kiện then chốt để cua hoàng đế và cua tuyết sinh sống).
"Điều kiện môi trường đang thay đổi nhanh chóng đến mức chóng mặt. Chúng tôi chứng kiến Biển Bering ấm lên trong vài năm qua và chúng tôi quan sát được những phản ứng từ các loài vốn thích nghi với môi trường lạnh, và rõ ràng đây là sự liên quan", nhà khoa học phân tích.
"Quái vật biển sâu" thân thiện với con người Cá chó sói (wolffish) sở hữu vẻ ngoài và khuôn mặt như những loài vật bước ra từ các bộ phim kinh dị, tuy nhiên điều mà ít ai ngờ tới lại là chúng vô cùng thân thiện với con người. Điểm chung duy nhất của cá sói Đại Tây Dương (Anarhichas lupus) với loài chó sói là nó có hàm răng sắc...