Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý
Hiện tượng doanh nghiệp (DN) vốn điều lệ vài chục tỷ đồng nhưng phát hành trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng, lãi suất phát hành trái phiếu cao bất thường… được coi là bất cập, thậm chí là rủi ro trên thị trường trái phiếu DN.
Những điều kiện thông thoáng của Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 bước đầu thể hiện mặt tích cực là giúp nhiều DN giảm phụ thuộc vào kênh ngân hàng cùng việc huy động được một lượng không nhỏ vốn trung và dài hạn.
Song bên cạnh đó, đã nổi lên các rủi ro bất cập đáng lo ngại như, nhiều DN huy động trái phiếu “bằng mọi giá” khi đẩy lãi suất huy động lên cao, làm tăng rủi ro cho chính DN và cả nhà đầu tư. Trong khi đó, hiện ở Việt Nam chưa có công ty đủ uy tín cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để cung cấp sản phẩm chuẩn nhằm làm cơ sở định giá trái phiếu DN.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần có những quy định cụ thể hơn
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, đã có gần 30 DN phát hành trái phiếu với khối lượng vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 11 DN phát hành vượt 50 lần và 6 DN vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu.
Video đang HOT
Để thị trường trái phiếu DN phát triển lành mạnh, không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu DN, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự; quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của DN khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập DN.
Ngoài ra, để ngăn ngừa các DN có quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, việc sửa đổi Nghị định 163 sẽ giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu như phát hành riêng lẻ không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất.
Bên cạnh đó, để hạn chế DN chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, cũng như hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163, dự thảo nghị định sửa đổi đã bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng; quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính sửa đổi điều kiện phát hành trái phiếu DN hoàn toàn không nên hiểu là “siết” thị trường trái phiếu mà chính là tạo thêm “đường ray” pháp lý để thị trường này thực sự là của DN, vì DN.
Quang Lộc
Theo congthuong.vn
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu "cuộc chơi" trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng dè dặt
Hơn một nửa tổng lương TPDN phát hành tháng vừa qua thuộc về các doanh nghiệp bất động sản.
Theo thông tin cập nhật của Trung tâm phân tích và tư vấn SSI Research, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành. Lãi suất phát hành bình quân toàn thị trường là 10,03%/năm và kỳ hạn bình quân là 4,98 năm.
Là một chủ thể phát hành trái phiếu khá tích cực trong năm 2019 song tháng đầu năm 2020 các ngân hàng lại khá dè dặt khi lượng trái phiếu phát hành chỉ chiếm 2,1% trong tổng khối lượng TPDN phát hành, các định chế tài chính cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 1,8%.
Cơ cấu phát hành TPDN tháng 1/2020 (nguồn SSI Research)
Về phía bên mua, nhà đầu tư cá nhân mua 2.354 tỷ đồng trái phiếu trong đó ngoại từ 240 tỷ trái phiếu của MBS, 255 tỷ đồng trái phiếu của TPB, phần còn lại đều là mua trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản.
Các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán mua 2.733 tỷ đồng TPDN trong tháng 1 gồm: VPB mua toàn bộ 1.598 tỷ đồng trái phiếu của CTCP City Garden và 125 tỷ đồng trái phiếu của CTCP TM-DL-ĐT Cù Lao Chàm; Techcombank và TCBS mua 950 tỷ trái phiếu Vinfast; MB mua 60 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Phú Tài. Tổ chức nước ngoài mua 98,2 tỷ đồng, còn lại ghi chung là tổ chức trong nước.
N. Toàn
Theo Tài chính Plus
Siết điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP, trong đó đưa ra những thay đổi lớn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo hình thức riêng lẻ, mục đích để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như hạn chế...