Phập phồng sống nơi động đất
Nhiều tháng qua, huyện Kon Plông ( Kon Tum) liên tục xảy ra động đất mạnh khiến gần 700 hộ dân sống cạnh hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đring lo sợ.
Nhiều hộ dân thôn Đăk Tăng lo lắng mùa mưa bão gây sạt lở, sập nhà vì tường nứt, đất nứt khi động đất liên tục xảy ra – Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Trở lại vùng tâm chấn động đất triền miên tại huyện Kon Plông, chúng tôi đi dọc tỉnh lộ 676 đến các xã Đăk Nên và Đăk Tăng. Hàng trăm nóc nhà nằm cheo leo bên mái đồi cạnh hai lòng hồ thủy điện lớn sống trong lo sợ.
Sau nhiều trận động đất mạnh trên 4 độ Richter xảy ra, dù chưa gây thiệt hại lớn nhưng nỗi sợ hãi còn hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây.
Ở nơi động dất
Chị Y Sa, thôn Xô Luông, xã Đăk Nên, vừa nghe chuyện động đất liền hớt hải trả lời: “Động đất ở đây sợ lắm, đang ngồi thế này nó rung cái nhà như sắp bay, không kịp chạy mà cũng không biết chạy đường nào. Khủng khiếp lắm”.
Y Sa vẫn ám ảnh trận động đất 4,7 độ Richter xảy ra cách đây chừng hai tuần. Lần đó, chị đang nằm ngủ trưa cùng con nhỏ thì căn nhà bỗng rung lắc mạnh, tôn kêu cót két, sàn nhà chao đảo… Chị hoảng hồn ôm con chạy ra khỏi nhà.
Không riêng chị Sa mà hàng trăm hộ dân trên địa bàn các xã khác cũng hoang mang lo lắng. Anh A Dinh (37 tuổi, trú thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng) cho biết người dân trong thôn vẫn hoang mang sau những trận động đất mạnh không dứt, nhiều lần động đất làm mọi người bỏ chạy khỏi giường vì sợ mái ngói rơi trúng.
“Gần đây xảy ra nhiều trận động đất. Đang ngủ thì giường bị rung lắc dữ dội, tôn kêu cót két, giật mình tỉnh dậy rồi thức đến sáng luôn, thấy nhà nó nghiêng nghiêng ấy. Cái hôm có trận động đất hai giờ chiều, thấy đất, cột điện… nó nghiêng luôn, đồ đạc để trên cao nó rơi xuống đất hết” – anh Dinh nhớ lại.
Theo người dân thôn Đăk Tăng, người dân trong thôn sợ nhất là địa hình nơi họ đang sinh sống khi mà 108 nóc nhà nằm trơ trọi trên đỉnh đồi với bốn bề vực sâu, phải chịu những cơn trở mình từ lòng đất. Nhiều căn đã có dấu hiệu sụp lún móng, nứt tường khiến dân làng bất an nhiều hơn nếu động đất trong đỉnh điểm mùa mưa bão sắp tới.
Anh A Dinh đưa mắt nhìn căn nhà nứt nẻ rồi lo lắng nói: “Lo lắm. Nhiều trận động đất liên tục làm nứt tường, đất sụp lún. Nhiều căn của hàng xóm đã có phần nghiêng ngả. Mùa mưa bão đất ngấm nước nhiều sẽ nhão, thêm động đất nữa sợ sạt lở khi nào không hay. Mình không thể lường được” – anh Dinh bộc bạch và cho biết thêm nhiều nhà xây trên phần đất đắp khi san gạt làm khu tái định cư nên nền đất rất yếu và dễ sạt lở, thấy rung lắc mạnh liền bỏ chạy để tránh mái ngói rơi, cây đổ trúng hay nhà sập nhưng có khi không kịp.
Video đang HOT
Tương tự anh Dinh, chị Y Sa cũng sống trong bất an khi sinh sống cheo leo nơi mái đồi cách hồ thủy điện chừng 100m. Sa lo lắng không biết phải chuyển đi đâu cho an tâm, bởi xung quanh không ngọn đồi cũng là mái đồi dựng đứng.
“Động đất ở chỗ nào cũng bị. Ban ngày cũng như ban đêm. Động đất liên tục giờ không biết đi đâu, cũng không biết lúc nào xảy ra mà chạy nữa. Khi nó rung thì đâu kịp chạy, mà dốc đất và đá lớn chạy thế nào được?” – chị Sa lo lắng.
Một phần thôn Xô Luông nằm cheo leo bên sườn đồi cạnh hồ thủy điện Đăk Đring – Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Phập phồng sợ hãi
Theo ông Trần Thanh Minh – chủ tịch UBND xã Đăk Nên, hiện địa bàn xã có năm thôn với 332 hộ dân đang sinh sống gần lòng hồ thủy điện Đăk Đring. Trong đó, thôn Xô Luông có 34 hộ với hàng trăm nhân khẩu sinh sống ở mái đồi sát lòng hồ rất nguy hiểm.
“Đó là những hộ trước đây đã được bố trí tái định cư, nhưng vì thiếu đất sản xuất nên quay về lại làng cũ” – ông Minh giải thích.
Hầu hết thôn Xô Luông nằm cheo leo bên mái đồi cạnh lòng hồ, xung quanh nhà là những dốc cao và đá lớn. Đó cũng là điều mà người dân lo lắng vì không thể chạy kịp khi động đất xảy ra.
Không chỉ riêng xã Đăk Nên, hàng trăm hộ dân xã Đăk Tăng sống gần thủy điện cũng quá nhiều bất an. Theo UBND xã Đăk Tăng, trên địa bàn xã này có đến 341 hộ sinh sống gần lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Trong đó, đáng lo nhất là 108 hộ thôn Đăk Tăng sống ở trên đỉnh đồi cao bốn bề vực sâu, cách thủy điện chừng một cây số.
Y Sa nhìn nước hồ chứa nhấp nhoáng giữa trưa nắng rồi nói: “Giờ người dân trong thôn đều sống lưng dựa vách núi, mặt hướng ra lòng hồ thủy điện Đăk Đring. Biết rất nguy hiểm khi động đất xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão, nhưng không còn cách nào khác. Khu tái định cư xã bố trí cho chúng tôi khi nhường đất này làm thủy điện lại thiếu đất sản xuất. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nên liều ở lại đây thôi”.
Gia đình chị Y Sa sống trong lo lắng khi nhà cạnh hồ thủy điện – Ảnh: TR.HƯỚNG
Ông Trần Thanh Minh – chủ tịch UBND xã Đăk Nên – cho biết thời gian qua động đất xảy ra thường xuyên trên địa bàn nhưng chưa gây thiệt hại lớn.
Tuy nhiên, do người dân hoang mang, lo lắng nên chính quyền xã vận động người dân ổn định cuộc sống và tiếp tục sản xuất. Sắp tới, mỗi hộ sẽ được cấp cuốn sổ tay ứng phó, ghi chép lại động đất, nếu có thiệt hại thì báo cáo kịp thời cho xã và huyện xử lý.
Ông A Hùng – phó chủ tịch UBND xã Đăk Tăng – cho biết: “Đến hiện tại người dân trên địa bàn xã đã nắm được các thông tin ứng phó động đất của chính quyền và địa phương đã chủ động rà soát các hộ dân có nguy cơ, di dời bố trí chỗ ở tại vùng thấp, an toàn” – ông Hùng nói.
Động đất liên tục
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận 33 trận động đất từ 2,5 – 3,9 độ Richter.
Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 3-2021 đến tháng 8-2022 đã ghi nhận hơn 260 trận động đất từ 1,6 – 4,7 độ Richter tại khu vực nói trên. Các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông có tần suất thường xuyên và xu hướng mạnh dần.
Trước tình trạng động đất xảy ra liên tục và ngày càng có chiều hướng mạnh hơn khiến người dân trên địa bàn huyện Kon Plông hoang mang, đặc biệt sau các trận động đất mạnh trên 4 độ Richter, đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng.
Đoàn công tác bước đầu nhận định động đất khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích, gây ra do các hồ chứa thủy điện. Nhưng để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và để dự báo xu thế hoạt động, cường độ của động đất thì cần có những khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất… trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum, chuyên gia lý giải nguyên nhân
Các trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum, thậm chí một số nơi ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng cảm nhận được sự rung lắc.
Theo Viện vật lý địa cầu, chiều nay (23/8), chỉ trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ (từ 14h08 đến 16h15), 5 trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,7 độ Richter. Trận động đất có độ lớn 4,7 độ Richter khiến nhiều nơi ở Quảng Nam, Đà Nẵng cảm nhận được sự rung lắc.
Động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, gần Thủy điện Thượng Kon Tum (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)
Thực tế, động đất bắt đầu xuất hiện nhiều ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ tháng 4/2021, kéo dài liên tục đến nay, có những ngày ghi nhận tới 6-7 trận động đất, chủ yếu là động đất nhỏ.
Viện Vật lý địa cầu thống kê, chỉ trong vòng một năm (từ tháng 4/2021-4/2022), tỉnh Kon Tum ghi nhận tới 169 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số trận động đất ghi nhận được trong hơn 100 năm trước ở khu vực này.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, bước đầu đánh giá những trận động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum vừa qua là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Nhận định sơ bộ các trận động đất tại khu vực này sẽ không quá 5,5 độ Richter.
Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai cần có những khảo sát, triển khai trạm quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Thủy điện Thượng Kon Tum (Ảnh: Báo Tiền Phong)
PGS.TS Cao Đình Triều - nguyên Phó Viện trưởng Viện vật lý địa cầu, chuyên gia về động đất cũng cho rằng, động đất tại đây là động đất kích thích do hồ chứa nước.
"Khi nước thẩm thấu vào sâu lòng đất khiến đất đá thay đổi trạng thái, kích thích động đất xảy ra. Động đất tại Thủy điện Thượng Kon Tum cũng tương tự như Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Cường độ của động đất kích thích thường sẽ yếu hơn động đất tự nhiên. Khi người ta nghiên cứu tác động của động đất để xây thủy điện, thường lấy giá trị độ lớn của động đất tự nhiên là 5,5 Richter, do đó, động đất kích thích phải nhỏ hơn 5. Trận mạnh nhất hôm nay xảy ra có độ lớn 4,7 tôi đánh giá cũng là khá lớn", PGS.TS Triều chia sẻ.
PGS.TS Cao Đình Triều cho biết thêm, không có trường hợp nào động đất kích thích có độ lớn lớn hơn động đất tự nhiên, vì vậy, các trận động đất kích thích thường có độ lớn dưới ngưỡng dự báo.
"Động đất dưới 5 hầu như không ảnh hưởng đến đập thủy điện. Nó chỉ gây ra tiếng nổ to nếu xảy ra ở độ sâu chấn tiêu nông khiến dân hoang mang. Ngoài ra, những công trình của người dân có chất lượng kém có thể xảy ra hiện tượng nứt; khu vực đất bở bị ảnh hưởng...", PGS.TS Triều cho hay.
7 trận động đất liên tiếp ở Kon Plông, lớn nhất 4,1 độ Từ sáng đến chiều 1-9, tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ghi nhận 7 trận động đất liên tiếp, trong đó có trận động đất mạnh 4,1 độ. Bản đồ tâm chấn trận động đất mạnh 4,1 độ xảy ra lúc 13h39 ngày 1-9 - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa...