Pháp phạt hơn 4.000 người vi phạm lệnh phong tỏa trong ngày đầu tiên
Cảnh sát Pháp đã phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm lệnh yêu cầu ở nhà, trong ngày đầu tiên phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn dịch Covid-19.
Pháp đã tiến hành phong tỏa toàn quốc từ trưa 17/3 (giờ địa phương) để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Ngày 18/3, cảnh sát Pháp đã phạt tiền hơn 4.000 trường hợp vi phạm lệnh yêu cầu ở nhà.
Một người đàn ông chạy bộ ở Paris ngày 18/3 khi Pháp đang phong tỏa toàn quốc. Ảnh: AFP.
“Kể từ sáng 18/3, chúng tôi đã bắt đầu việc kiểm soát và có 4.095 người đã bị phạt vì vi phạm quy định”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner trả lời đài truyền hình TF1.
“Mức tiền phạt là 35 euro vào ngày 17/3 và từ ngày 18/3 tiền phạt sẽ tăng lên 135 euro và có thể lên tới 375 euro. Đây sẽ là yếu tố để ngăn chặn người dân vi phạm”, ông Castaner nói thêm.
Từ khi lệnh phong tỏa được ban hành vào trưa 17/3, người dân Pháp phải ở trong nhà và chỉ được phép ra đường trong trường hợp cần thiết, họ phải ký vào một văn bản ghi rõ nơi đến để được cấp phép đi ra ngoài.
“Mục đích của các biện pháp kiểm dịch là bảo vệ người dân Pháp. Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn là ở trong nhà”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói.
Khi được hỏi về vấn đề nhiều người Pháp trên khắp đất nước vẫn đi dạo hoặc chạy bộ trên đường, ông Castaner cho biết điều này là được phép nếu mọi người đi ra ngoài một mình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc đi tập thể dục vẫn được cho phép. Quy định này trái ngược với các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt ở Italy và Tây Ban Nha.
Trả lời về việc một nhóm 3 người Pháp đang tập thiền và yoga trên bãi biển, ông Castaner cho rằng điều này không gây ảnh hưởng, tuy nhiên họ không nên ngồi quá gần nhau.
“Hầu hết người dân Pháp đã có trách nhiệm và thay đổi hành vi để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn có số ít người hành xử theo cách nguy hiểm”, ông Castaner nói thêm.
Video đang HOT
Pháp đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 khi tới nay nước này đã ghi nhận 9.134 ca nhiễm bệnh và 264 ca tử vong.
Ngày 18/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, quân đội nước này sẽ chuyển 5 triệu khẩu trang y tế trong kho dự trữ cho Bộ Y tế cho các nhân viên y tế và bệnh viện ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 do họ phàn nàn về tình trạng thiếu đồ bảo hộ./.
CTV Mai Trang/VOV.VN
Theo AFP
50 loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19
Các nhà nghiên cứu toàn cầu đang nỗ lực thiết lập một "bản đồ" protein của nCoV, xác định được 50 loại thuốc có thể nhắm vào chúng.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quantitative Biosciences (QBI), tại đại học bang California, đang tìm hiểu một hướng tiếp cận đặc biệt thay vì tấn công trực tiếp vào virus.
Họ tìm kiếm các loại thuốc có thể bao bọc lấy các protein của cơ thể người mà virus lợi dụng để phát triển và nhân lên.
Nhóm hợp tác giữa bệnh viện Mount Sinai ở New York và Viện Pasteur ở Paris, đã tiến hành thử nghiệm thuốc trực tiếp lên nCoV được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và sẽ công bố kết quả vào cuối tuần này.
Hiện tại, chưa có một loại thuốc kháng virus nào cho thấy tính hiệu quả đối với nCoV. Các bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng việc chăm sóc hỗ trợ, thở oxy, hạ sốt, tạo điều kiện để hệ miễn dịch tự chống lại sự nhiễm trùng.
Lisa Miorin, giáo sư trợ lý vi sinh trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, New York mang các khay tiệt trùng vào phòng thí nghiệm. Ảnh: NY Times
Nếu nghiên cứu thành công, đây sẽ là một kỳ tích của giới khoa học khi một loại thuốc kháng virus được nghiên cứu ra chỉ trong vài tháng, đặc biệt là dành cho một loại virus không ai biết tới sự tồn tại cho tới tháng Một năm nay.
Sau khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên hồi tháng Một tại bang California, các nhà nghiên cứu của Viện QBI đã bỏ tất cả dự án khác và tập trung hướng nghiên cứu vào nCoV, tiến sĩ Nevan Krogan, giám đốc Viện cho hay.
Tiến sĩ Krogan và cộng sự đặt mục tiêu tìm ra các loại protein trong tế bào người mà nCoV lợi dụng để phát triển. Bình thường dự án này có thể mất đến 2 năm, nhưng với sự cộng tác của 22 phòng thí nghiệm, dự án đã hoàn thành chỉ trong vài tuần.
"Nhiều lúc có tới 30 nhà khoa học cùng tham gia thảo luận trực tuyến - rất mệt mỏi nhưng lại vô cùng hứng thú", tiến sĩ Krogan nói.
Virus nhân lên bằng cách tiêm mã gene của chúng vào tế bào người, rồi lợi dụng cơ chế giải mã gene của tế bào để sản xuất protein cho chính nó. Sau đó tạo ra các virus mới, thoát ra và lây nhiễm các tế bào xung quanh.
Năm 2011, tiến sĩ Krogan và các cộng sự đã phát triển một cách thức có thể xác định được tất cả protein của người mà virus dùng để chiếm quyền kiểm soát. Ông gọi nó là một "bản đồ". Nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra "bản đồ" đầu tiên cho virus HIV, rồi sau đó là các chủng virus khác như Ebola hay sốt xuất huyết (Dengue). Mỗi loại lại lợi dụng các nhóm protein khác nhau trong cơ thể. Khi các nhà khoa học đã có được "bản đồ", họ có thể tìm kiếm hướng điều trị hiệu quả.
Bác sĩ Miorin chuẩn bị mẫu thử tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai. Ảnh: NY Times
Hồi tháng 2, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp gene của nCoV, sau đó tiêm vào tế bào người và phát hiện ra hơn 400 loại protein của người mà virus có thể lợi dụng.
Bản đồ mới cho thấy protein của virus di chuyển khắp tế bào và tương tác với nhiều loại protein trong đó, đôi khi không hề liên quan tới việc tạo ra các virus mới.
Một ví dụ là protein BRD2, một protein trong cơ thể người có nhiệm vụ bật tắt các đoạn mã gene. Chuyên gia về protein đang sử dụng bản đồ này để lý giải tại sao nCoV lại cần đến chúng.
Tiến sĩ Kevan Shokat và cộng sự tại đại học bang California ở San Francisco đã tìm ra 50 loại thuốc có tiềm năng sau khi nghiên cứu hơn 20.000 loại thuốc khác nhau. Chẳng hạn nhắm tới protein BRD2, có một loại thuốc được gọi là JQ1. Đây vốn là liệu pháp tiềm năng trong chữa trị một số loại ung thư.
Hôm 12/3, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Shokat đã gửi 10 mẫu thuốc đầu tiên tới phòng nghiên cứu của tiến sĩ Adolfo Garcia-Sastre, giám đốc của Viện nghiên cứu Y tế toàn cầu và các bệnh mới nổi tại bệnh viện Mount Sinai. Tại đây, ông đã bắt đầu nuôi cấy nCoV trên tế bào của khỉ.
Thử nghiệm diễn ra nhanh chóng nhưng sẽ phải mất khoảng một tuần để có những dữ liệu đầu tiên, tiến sĩ Garcia-Sastre nói hôm 17/3. Trong trường hợp phát hiện các loại thuốc tiềm năng, các nhà nghiên cứu sẽ phải thử nghiệm trực tiếp trên một cơ thể động vật bị nhiễm nCoV, có thể là trên loài chồn sương, vốn được biết là có khả năng nhiễm SARS - căn bệnh liên quan mật thiết với Covid-19.
Bước tiếp theo sẽ là đánh giá mức độ an toàn của các loại thuốc này. Vì rất có thể, liều lượng thuốc đủ để loại bỏ virus khỏi cơ thể cũng có thể dẫn tới các phản ứng phụ nguy hiểm.
Những nỗ lực này là một bước tiến vượt bậc so với các dự án trước đây tìm kiếm một phương pháp điều trị hiệu quả cho Covid-19, vốn tập trung xung quanh một loại thuốc kháng virus có tên là Remdesivir. Từ tháng 2 đến nay đã có 5 nghiên cứu lâm sàng được thực hiện để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả điều trị Covid-19 của Remdevisir trên người.
Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm tòi những cách thức tiếp cận mới hơn. Hôm 14/3, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã báo cáo thử nghiệm sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene Crispr để tiêu diệt gene của virus trong tế bào nhiễm bệnh.
Nhóm của tiến sĩ Krogan sẽ xuất bản báo cáo vào cuối tuần này bao gồm danh sách các loại thuốc mà họ cân nhắc là ứng cử viên sáng giá nhất cho việc điều trị Covid-19.
"Bất cứ ai có thể thử nghiệm chúng, làm ơn hãy tiến hành", tiến sĩ Krogan nói.
Linh Phan (Theo WSJ)
Theo vnexpress.net
Paris hoa lệ hóa 'thành phố ma' sau ngày đầu phong tỏa vì dịch Covid-19 Paris như biến thành 'thành phố ma' sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc của Tổng thống Macron có hiệu lực. Không cón cảnh chen chúc đến nghẹt thở ở Louvre hay dòng người tập trung dưới chân tháp Eiffel, Paris trở nên yên tĩnh khác thường. Bên ngoài siêu thị, đám đông xếp thành hàng dài để mua nhu yếu phẩm cho...