Pháp luật phòng chống tham nhũng như ‘hổ giấy’
Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng lên tới 6.740 tỉ đồng nhưng mới chỉ thu hồi được khoảng 1.500 tỉ đồng.
Hội thảo ‘Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở Việt Nam’ đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 28-10.
Thiệt hại lớn, thu hồi nhỏ
Theo ông Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nước ta có khá nhiều cơ quan phụ trách về phòng chống tham nhũng như Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương, Cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát Kinh tế (C48 – Bộ Công an), Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 1B – VKSND Tối cao), các cơ quan đặt trong cơ quan Đảng, Chính phủ… Tuy nhiên, thách thức hiện nay nằm ở hoạt động điều phối, phân định trách nhiệm của các cơ quan này.
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ vừa trình trước Quốc hội, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng lên tới 6.740 tỉ đồng nhưng mới chỉ thu hồi khoảng 1.500 tỉ đồng. Tài sản bị đánh cắp do tham nhũng đang gây thất thoát nghiêm trọng ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công và quản lý phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp.
Pháp luật phòng chống tham nhũng như ‘hổ giấy’
Phòng, chống tham nhũng: Để “diệt chuột”, vỡ “bình quý” cũng không tiếc!
Theo ông Trương Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ 1B – VKSND Tối cao, trong các vụ án tham nhũng đã giải quyết, số tiền và tài sản bị thiệt hại, thất thoát hoặc bị chiếm đoạt rất lớn song tài sản mà các cơ quan chức năng thu hồi được chiếm tỉ lệ hạn chế. Số tiền, tài sản tòa án tuyên phạt các bị cáo phải bồi thường cũng rất lớn nhưng thực tế thu hồi không nhiều và phải thực hiện trong nhiều năm. Ông Mạnh dẫn chứng từ ngày 1-10-2010 tới 30-4-2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng 17.000 tỉ đồng nhưng thu hồi chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng.
‘Công tác điều tra, làm rõ việc sử dụng, cất giấu tài sản tham nhũng hoặc che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản tham nhũng còn hạn chế. Nhiều trường hợp tài sản tham nhũng được xác định đã sử dụng vào mục đích kinh doanh, đánh bạc, chi tiêu hết, không thu hồi được. Một số trường hợp người phạm tội cho rằng dù có khai nhận, nộp lại tài sản tham nhũng thì vẫn phải chịu mức án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản tham nhũng để hưởng lợi’ – ông Mạnh nêu thực tế.
Video đang HOT
Ông Jairo Acuna Alfaro cho rằng các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình điều tra các vụ tham nhũng. Hơn nữa, cơ quan điều tra thiếu quyền lực và năng lực cần thiết để thực hiện hiệu quả các chức năng điều tra chống tham nhũng.
‘Nếu sử dụng ngôn ngữ đời thường thì hiện nay, pháp luật phòng chống tham nhũng có thể ví như “hổ không răng”, “hổ giấy” do thiếu nội lực đủ mạnh để thực sự mang tính răn đe và có hiệu quả trong thực tiễn’ – ông Jairo Acuna Alfaro ví von.
Báo cáo về PCTN 2014: Sao tội phạm tham nhũng bị… tâm thần nhiều thế?
Nhiều người dân không dám tố giác
Dẫn một thông tin khảo sát cho thấy 89% người dân nói rằng không tố giác hành vi vòi vĩnh hối lộ và chỉ 8% sẵn sàng tố giác, ông Jairo Acuna Alfaro nhận định nhiều khả năng người dân chưa tin vào các cơ quan phòng chống tham nhũng. Khi hỏi tại sao lại không tố giác, trên 50% người cho rằng tố giác không mang lại lợi ích gì. Nguyên nhân tiếp theo là vì sợ bị trù úm, trả thù hoặc thủ tục tố cáo, tố giác quá rườm rà.
Không đồng tình, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ, nhận định không có căn cứ nào xác thực để nói trên 50% người cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì. Người dân gửi tố cáo tới rất nhiều cơ quan khác nhau và dường như chính sách khuyến khích, khen thưởng chưa thỏa đáng khiến họ ngại tố cáo hơn.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ủng hộ khảo sát của ông Jairo Acuna Alfaro. Vị đại diện này cho biết một cuộc khảo sát của WB phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành năm 2012 cũng đã đưa ra thông tin cho thấy hơn 50% người dân sợ bị trả thù nên không tố cáo chống tham nhũng. Nguyên nhân tiếp theo là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được như mong muốn, thiếu khách quan.
‘Chuyện khuyến khích khiếu nại, tố cáo qua phần thưởng được người dân lựa chọn ít hơn cả. Điều này cho thấy yếu tố tiền thưởng không quyết định tới việc người dân có khiếu nại, tố cáo không’ – đại diện WB nói. Vị này cho biết rất đồng tình với nhận định của ông Trần Đức Lượng về việc Việt Nam có rất nhiều chính sách, ‘thế giới có gì, Việt Nam có đó’ nhưng thực hiện vẫn yếu kém. Các thông điệp được nhắc đi nhắc lại qua rất nhiều hội nghị đối thoại, hội nghị bàn tròn nhưng ít thay đổi.
Theo Ngươi lao đông
Nỗ lực phòng chống tội phạm rửa tiền
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm rửa tiền đã xuất hiện ở Việt Nam, thậm chí đã đến mức đáng lo ngại. Tuy nhiên, số vụ việc bị phát hiện, xử lý còn quá ít so với thực tế.
Số vụ việc bị phát hiện quá ít
Vừa qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ đối tượng Vũ Văn Lăng, trú tại phường Đằng Giang (Ngô Quyền, Hải Phòng), Giám đốc Công ty TNHH Giao dịch nhanh về tội kinh doanh trái phép. Thông qua việc kinh doanh tiền điện tử LR, Lăng đã "giúp" nhiều đối tượng chuyển "tiền bẩn" vào Việt Nam.
Thượng tá Phạm Văn Thống, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát kinh tế - Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết, tội phạm rửa tiền ở Việt Nam có thể thực hiện ở 2 dạng: Dạng thứ nhất là đối tượng phạm tội trong nước như lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy, sau đó "hợp pháp hóa" số tiền phạm tội mà có bằng cách thực hiện các giao dịch như mua bán bất động sản, chuyển giao cho người khác. Dạng thứ 2, phổ biến hơn, đó là đối tượng phạm tội ở nước ngoài, sau đó chuyển "tiền bẩn" từ nước ngoài về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang "tiền sạch".
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, chưa có đánh giá chính thức nào của cơ quan chức năng về tình trạng rửa tiền tại Việt Nam, nhưng nếu căn cứ vào số liệu của các cơ quan pháp luật, thì số vụ rửa tiền ở nước ta là quá ít. Đến nay, Việt Nam mới có một trường hợp rửa tiền được xử lý, bắt giữ, đó là vụ rửa tiền "ảo" LR từng gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Việc chỉ một vụ việc liên quan đến rửa tiền được phát hiện và xử lý sau hơn 8 năm thực hiện Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền của Chính phủ ra đời là rất phi thực tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, con số trên không phản ánh đúng thực tế tình trạng rửa tiền ở Việt Nam. Thực tế, ở Việt Nam, do thói quen sử dụng tiền mặt, tiền "bẩn" có thể được "rửa" qua rất nhiều con đường, như chứng khoán, bất động sản, đầu tư dự án..., chứ không phải chỉ qua ngân hàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc cũng thừa nhận, con số chỉ 1 - 2 vụ án liên quan đến rửa tiền được phát hiện là quá ít.
Tội phạm rửa tiền bị phát hiện còn quá ít (ảnh minh họa)
Khó xử lý tội rửa tiền
Một trong những lý do khiến số vụ việc rửa tiền được phát hiện ở nước ta quá ít là do khung pháp lý chậm được ban hành. Cụ thể, tuy Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền của Chính phủ ra đời năm 2005, song mãi đến năm 2012, các chế tài xử phạt tội danh này mới có hiệu lực.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, ở nhiều nước, người dân phải có trách nhiệm chứng minh khối tài sản là hợp pháp. Đó chính là căn cứ quan trọng chống rửa tiền. Trong khi đó, ở nước ta, người dân không có trách nhiệm chứng minh tài sản. Ngoài ra, theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thói quen thanh toán bằng tiền mặt của nước ta khiến tình trạng rửa tiền thực chất "sôi động" hơn rất nhiều so với con số báo cáo.
Ngay như trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, hai đối tượng Hùng Mỹ Phương và Nguyễn Thiên Lý ban đầu bị khởi tố về tội danh rửa tiền do có nguồn tiền không hợp pháp cho Huyền Như vay lãi suất cao. Tuy nhiên, VKSNDTC đã đề nghị chuyển đổi tội danh để xử lý hai đối tượng này với tội cho vay nặng lãi.
Trong thực tiễn xét xử của Việt Nam, khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ việc thực hiện tội phạm, và sau đó hợp pháp hóa hoặc sử dụng tài sản đã chiếm đoạt được vào các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác, thì thông thường người phạm tội chỉ bị truy tố về hành vi phạm tội nguồn mà không đồng thời bị truy tố theo Điều 251 BLHS (Tội rửa tiền) vì hình phạt đối với các tội phạm nguồn trong trường hợp này thường đã rất nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp là hình phạt cao nhất - tử hình. Chẳng hạn như đối với đối tượng Nguyễn Phi Khanh trong vụ án liên quan đối tượng Lăng như đã nói ở trên, cơ quan CSĐT đã khởi tố đối tượng về tội trộm cắp tài sản (tội nguồn) nên sẽ không khởi tố đối tượng thêm tội rửa tiền.
Được biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 - 2020, trong đó hướng tới mục tiêu xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn, các quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế; bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng; tăng cường sự ổn định, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nỗ lực của Chính phủ
Ngày 14/2/2014, Hội nghị toàn thể Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã kết luận về Việt Nam: FATF hoan nghênh những tiến triển đáng kể của Việt Nam trong việc tăng cường cơ chế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. FATF cũng ghi nhận Việt Nam đã thiết lập được khung pháp lý và cơ chế quản lý nhằm hoàn thành được những cam kết theo kế hoạch hành động giải quyết các thiếu hụt nghiêm trọng mà FATF xác định vào tháng 10/2010. Vì vậy, Việt Nam sẽ không còn là đối tượng giám sát của FATF theo quy trình giám sát liên tục về tính tuân thủ toàn cầu, về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) nhằm giải quyết toàn diện các thiếu hụt về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương của mình.
Như vậy, với quyết tâm chính trị và nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động mà Chính phủ Việt Nam cam kết với FATF, Việt Nam đã ra khỏi quy trình rà soát của FATF sau gần 4 năm nằm trong quy trình rà soát của tổ chức này.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN) đánh giá, việc Việt Nam được đưa ra khỏi Quy trình rà soát của ICRG/FATF có ý nghĩa rất quan trọng, tác động tích cực đối với các vấn đề chính trị, xã hội và đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trong năm 2013, Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN Việt Nam đã nhận được hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ và căn cứ vào kết quả xử lý thông tin, báo cáo đã chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, để đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, NHNN đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Song, do đây là loại hình tội phạm tương đối mới ở Việt Nam, nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều tra, truy tố, xét xử; trong khi đó loại tội phạm này thường dùng những phương thức, thủ đoạn, công nghệ hết sức tinh vi, phức tạp... Như vậy, để phát hiện và ngăn chặn tội phạm rửa tiền, Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc. Trước hết, phải nhanh chóng đưa Luật Phòng, chống rửa tiền đi vào cuộc sống, từng bước chấm dứt thói quen thanh toán dùng tiền mặt, nâng cao trình độ chuyên sâu của lực lượng cảnh sát điều tra kinh tế. Bên cạnh đó, với những khoản tiền lớn, việc đưa ra những quy định bắt buộc người dân phải khai báo, chứng minh... cũng cần phải tính đến.
Theo Công lý