Pháp làm ứng dụng cảnh báo khủng bố cho Euro 2016
Phần mềm SAIP sẽ đưa ra cảnh báo ngắn gọn về tình trạng khẩn cấp cũng như các tư vấn làm sao để giữ được an toàn cho người tới đây xem Euro.
Ứng dụng SAIP giúp cảnh báo người dùng về nguy cơ khủng bố.
Chính phủ Pháp phát hành một ứng dụng trên điện thoại di động để đưa ra cảnh báo cho người dân về các nguy cơ khủng bố. Phần mềm chính thức có mặt trên các kho ứng dụng chỉ một ngày trước khi lễ khai mạc Euro 2016 diễn ra. Theo BBC, Pháp đã phát triển phần mềm này ngay sau khi cuộc tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái làm chết 130 người.
Ứng dụng có tên SAIP sẽ sử dụng vị trí của người dùng để đưa ra các cảnh báo phù hợp trong trường hợp khẩn cấp. Các cảnh báo sẽ được đưa ra ngắn gọn cùng các tư vấn làm sao để giữ được an toàn. Người dùng cũng có thể nhận thêm thông báo từ các vùng địa lý khác nhau nếu muốn.
Các phiên bản kế tiếp của SAIP có thể cảnh báo các trường hợp khẩn cấp khác như lũ lụt, tai nạn công nghiệp. Bộ nội vụ của Pháp hôm nay cũng đăng tải giới thiệu về ứng dụng trên Twitter để phổ biến tới tất cả người dân.
Video đang HOT
SAIP có cả phiên bản dành cho di động chạy hệ điều hành Android và iOS.
Pháp là nước chủ nhà cho giải bóng đá vô địch châu Âu – Euro 2016. Do là quốc gia vừa trải qua một vụ khủng bố tồi tệ, công tác an ninh tại đây càng được thắt chặt lên mức tối đa. Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh cũng cảnh báo sân vận động, khu tập trung đông người hâm mộ, các đầu mối giao thông có thể là mục tiêu tấn công khủng bố.
Tuấn Hưng
Theo VNE
Euro 2016: 'đám mây' và 'di động' quyết định khâu tổ chức
Daniel Marion - phụ trách công nghệ thông tin của UEFA - khẳng định, họ đang làm tất cả những gì tốt nhất về mặt công nghệ để chuẩn bị cho Euro 2016.
Euro 2016 (tên đầy đủ UEFA European Football Championship 2016) sẽ là giải đấu lớn nhất trong lịch sử. Số lượng đội bóng tham dự được tăng lên 24 đội, so với 16 trước đây.
Với cơ quan chủ quản UEFA và nước chủ nhà Pháp, sự lớn mạnh của giải đấu đem đến thách thức về cơ sở hạ tầng. Hàng trăm triệu người sẽ theo dõi Euro 2016 qua truyền hình, đài phát thanh và các kênh khác như website chính thức của giải đấu, ứng dụng di động. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn hoặc sự cố nào về IT có thể được xem là màn PR thảm họa cho giải đấu.
Thách thức về đảm bảo cơ sở hạ tầng IT cho Euro 2016 được giao cho Daniel Marion - người đứng đầu mảng CNTT của UEFA.
Euro 2016 là giải đấu lớn nhất, đồng thời được trang bị công nghệ tối tân nhất trong lịch sử châu Âu. Ảnh: Popolus.
"Đây là một chặng đua 24/7 bởi khi trận đấu không diễn ra, chúng tôi phải thức xuyên đêm để chuẩn bị cho trận kế tiếp", Marion chia sẻ trênZDNet. UEFA đã thiết lập một "trung tâm chỉ huy IT" để quản lý về vấn đề công nghệ tại Euro 2016.
"Nếu phát hiện ra vấn đề nào đó, chúng tôi có tất cả các kỹ sư ngồi cạnh nhau. Điều này giúp việc giải quyết sự cố diễn ra nhanh hơn nhiều so với việc tìm kiếm ai đó. Đây là lý do chúng tôi lập ra trung tâm chỉ huy IT", Marion cho biết.
Ngoài trung tâm chỉ huy IT, các công nghệ sử dụng tại Euro tương tự với các giải đấu thường niên của UEFA như Champions League hay Europa League. Tuy nhiên, quy mô của nó lớn hơn nhiều bởi lượng smartphone, tablet, nhu cầu truy cập nội dung sẽ tăng lên nhiều lần ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
"Một điểm khác biệt của Euro 2016 so với các giải đấu trước đây là chúng tôi phát hành rất nhiều ứng dụng di động. Chẳng hạn, có một ứng dụng riêng về chỗ ở cho Euro 2016. Khi truy cập vào đó, bạn có thể truy cập thông tin về địa điểm, thời gian, đặt chỗ, và thông tin về các trận đấu".
Tại bất cứ sân vận động lớn nào, việc đảm bảo kết nối Internet thông suốt gần như không thể. Tuy nhiên, UEFA đã tính đến điều này. Nhiều ứng dụng của họ có các tính năng hoạt động offline, trong khi dữ liệu được lưu trữ trên đám mây, tự động đồng bộ ngay khi smartphone có kết nối trở lại.
Những sự kiện như Euro cũng là đích ngắm của tin tặc. Marion cho biết, nhóm của ông đã đánh bật các cuộc tấn công mạng tại Euro 2012 và kỳ vọng sẽ làm điều tương tự tại Euro 2016.
"Trong thời gian diễn ra Euro 2012, chúng tôi gặp khá nhiều cuộc tấn công từ hacker. Rất may mắn, không có chuyện gì xảy ra. Năm 2016, các cuộc tấn công có thể sẽ nhiều hơn. Vì vậy, chúng tôi đã lường trước nhiều biện pháp đối phó tại chỗ. Chúng tôi bắt tay với nhiều học viện và tổ chức chính phủ để tham khảo thông tin về hệ thống bảo mật. Không tồn tại cơ chế bảo mật 100% nhưng chúng tôi đang có những công nghệ tốt".
"Ở góc độ công nghệ, chúng tôi chỉ được xem là thành công nếu không có sự cố xảy ra, fan hâm mộ có thể đến các địa điểm, thưởng thức trận đấu tuyệt vời tại giải đấu này", ông kết luận.
Đức Nam
Theo Zing
Thế giới đang bước vào thời kỳ hậu ứng dụng Ứng dụng đang tồn tại trên các thiết bị số, nhưng sự có mặt của các chương trình tương tác máy tính bằng ngôn ngữ tự nhiên, trợ lý ảo... đã khiến vai trò của chúng không còn như trước và có nguy cơ biến thể sang dạng khác. Sẽ không còn các ứng dụng tập trung vào một chức năng duy nhất?...