Pháp không thể đảm bảo 3 tỷ euro viện trợ cho Ukraine trong năm 2024
Pháp thừa nhận không thể đạt được cam kết viện trợ quân sự 3 tỷ euro cho Ukraine trong năm nay, chỉ đạt trên 2 tỷ euro do áp lực thâm hụt ngân sách.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung ở Paris ngày 16/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu mới đây thừa nhận rằng nước này sẽ không thực hiện được lời cam kết tài trợ tới 3 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm nay và chỉ đang trên đà đạt được mục tiêu “trên 2 tỷ euro”.
“Về mặt chính trị, chúng tôi đã quyết định vào đầu năm 2024 rằng khoản viện trợ này có thể lên tới 3 tỷ euro. Trên thực tế, chúng tôi sẽ đạt trên 2 tỷ euro chứ không phải 3 tỷ euro”, ông Lecornu nêu rõ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ gửi tối đa 3 tỷ euro cho Kiev vào đầu năm nay – một phần trong nỗ lực tăng cường viện trợ của Pháp cho Ukraine sau khi Paris bị chỉ trích vì hỗ trợ ít hơn các nước khác như Đức.
Vào tháng 2/2024, trong một động thái nhằm đảm bảo viện trợ dài hạn cho Ukraine, Paris và Kiev đã ký một thỏa thuận an ninh song phương chính thức cam kết hỗ trợ quân sự lên tới 3 tỷ euro trong năm nay.
Video đang HOT
Tuy nhiên hiện nay, Pháp đang chịu áp lực phải giảm thâm hụt ngân sách, có thể lên tới 6% GDP vào năm 2024.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với tình trạng thắt chặt ngân sách.
Tại Đức – nhà tài trợ và viện trợ quân sự lớn nhất châu Âu – các nhà hoạch định chính sách có kế hoạch giảm một nửa hỗ trợ cho Ukraine vào năm tới do cắt giảm chi tiêu. Cũng có lo ngại rằng Mỹ sẽ giảm hỗ trợ cho Ukraine nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Tuy nhiên bất chấp khó khăn về tài chính, Tổng thống Macron vẫn ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga.
Tuần trước, Tổng thống Pháp đã chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris để thảo luận về “kế hoạch chiến thắng” của ông và viện trợ bổ sung cho Ukraine. Vào đêm trước chuyến thăm của ông Zelensky, Tổng thống Macron đã gặp những người lính Ukraine đang huấn luyện ở miền Đông nước Pháp, một phần trong sáng kiến của Paris nhằm huấn luyện toàn bộ một lữ đoàn về thiết bị của Pháp.
Pháp cũng dự kiến sẽ cung cấp máy bay chiến đấu Mirage 2000 cho Kiev vào nửa đầu năm 2025.
Nhìn chung, Paris đã cung cấp 1,7 tỷ euro viện trợ quân sự cho Kiev vào năm 2022 và 2,1 tỷ euro vào năm 2023; con số này khiến Pháp “tụt hậu” so với các quốc gia như Đức, Anh và Thụy Điển.
Năm tới, ngân sách quốc phòng của Pháp dự kiến sẽ đạt 50,5 tỷ euro – một trong số ít các lĩnh vực ngân sách sẽ tăng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lecornu đã nói với các nhà lập pháp vào đầu tuần này rằng lực lượng vũ trang Pháp sẽ ngừng yêu cầu thêm ngân sách vào cuối năm cho các chi phí đột xuất liên quan đến việc triển khai lực lượng NATO ở Estonia và Romania, hoặc viện trợ cho Ukraine.
Theo ông Lecornu, khoản viện trợ trị giá 300 triệu euro cho Ukraine đến từ tiền lãi đối với các tài sản bị đóng băng của Nga và sẽ được sử dụng để mua đạn pháo 155 mm, pháo tự hành Caesar và nhiên liệu.
Chính phủ Pháp công bố dự thảo ngân sách 'thắt lưng buộc bụng' năm 2025
Thủ tướng Pháp Michel Barnier ngày 10/10 đã công bố dự thảo ngân sách năm 2025, trong đó dự định cắt giảm chi tiêu và tăng thuế với tổng trị giá 60 tỷ euro (65,68 tỷ USD), để đối phó với thâm hụt ngân sách.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trước Quốc hội ở Paris ngày 1/10/2024. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong dự thảo ngân sách 2025, Chính phủ của tân Thủ tướng Barnier dự kiến cắt giảm 40 tỷ euro chi tiêu, trong đó nhiều nhất là chi tiêu công, sau đó tới an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng có kế hoạch tăng thuế đối với khoảng 400 công ty lớn và những cá nhân có thu nhập hơn 250.000 euro/năm, giúp mang lại nguồn thu khoảng 20 tỷ euro. Ngân sách cũng kêu gọi tinh giản biên chế, ngừng việc tăng lương thường xuyên.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Barnier nhấn mạnh đây là "những nỗ lực cần thiết" để hướng tới các mục tiêu "công bằng" và "cân bằng". Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Antoine Armand cho biết mục tiêu chính của dự thảo ngân sách là giảm thâm hụt và kiềm chế nợ công. Ông cho rằng việc cắt giảm thâm hụt ngân sách phải được thực hiện ngay để bảo vệ uy tín tài chính của nước này, cũng như đảm bảo sự ổn định kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).
Chính phủ mới của Pháp đang chịu nhiều áp lực phải hành động từ các thị trường tài chính và các đối tác trong EU sau khi tình hình thu chi ngân sách của nước này không đạt như kỳ vọng.
Nợ quốc gia của Pháp đã tăng lên 3.200 tỷ euro, có thể chiếm xấp xỉ 115% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025, cao gần gấp đôi so với mục tiêu nợ công của Liên minh châu Âu (EU) là 60%. Pháp cũng sẽ là một trong những nước có tỷ lệ nợ quốc gia/GDP cao nhất trong EU.
Chính phủ Pháp đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức 6,1% của năm 2024 xuống còn 5% vào năm 2025 và hướng tới mức "giới hạn" 3% GDP của EU vào năm 2029.
Theo quy định, dự luật ngân sách này sẽ phải được đệ trình lên Quốc hội Pháp thông qua. Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh chỉ có sự ủng hộ "mong manh" tại Quốc hội như hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier sẽ "không có nhiều lựa chọn", ngoài việc chấp nhận thêm những nhượng bộ để dự luật ngân sách được thông qua. Tuy nhiên, nhiều khả năng dự thảo ngân sách khó có thể được thông qua trước nửa cuối tháng 12 tới.
Ukraine thông qua mức tăng thuế cao chưa từng có Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 10/10, Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine đã thông qua dự luật thứ hai liên quan đến việc tăng thuế, trong đó thuế quân sự tăng từ 1,5% lên 5%, là mức cao nhất từ trước tới nay. Binh sĩ Ukraine tham gia buổi huấn luyện ở ngoại ô Kiev. Ảnh (tư liệu) minh họa: AFP/TTXVN...