Pháp chìm trong bất ổn và ‘bóng ma’ về một phong trào Áo vàng mới
Các cuộc biểu tình tại Pháp hiện nay có một số điểm khác so với phong trào Áo vàng trước đây, nhưng chúng cũng có điểm tương đồng nhất định.
Cảnh sát Pháp đụng độ với người biểu tình ngày 23/3/2023. Ảnh: AP
Người Pháp đang phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron một cách giận dữ. Sau nhiều tháng đình công và biểu tình, căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào hôm 23/3, với một số vụ bạo lực bùng phát ở Paris gợi lại những ký ức về phong trào “Áo vàng” kéo dài nhiều tháng trước đây.
Các cuộc biểu tình đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nước này và thậm chí cả chương trình nghị sự quốc tế của Pháp, với việc Điện Elysée hoãn chuyến thăm được chờ đợi từ lâu của Vua Charles III tới Paris. Các công đoàn đã kêu gọi tổ chức một ngày đình công lớn khác vào 28/3, nhưng các cuộc biểu tình tự phát, nhỏ hơn đang nổ ra, một tín hiệu về các cuộc tuần hành của lực lượng “Áo vàng” trong quá khứ.
Các cuộc đình công và biểu tình phản đối cuộc cải cách hưu trí bắt đầu từ đầu năm nay và leo thang trong tuần vừa qua, sau khi chính phủ bỏ qua quốc hội để thông qua văn bản này trong bối cảnh lo ngại rằng sẽ không có đủ phiếu bầu. Những người biểu tình rất tức giận với Chính phủ Pháp vì cải cách – vốn sẽ nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và mở rộng các khoản đóng góp để được hưởng lương hưu đầy đủ – và cũng vì đã bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.
Có một số điểm khác biệt giữa các cuộc biểu tình đang diễn ra và phong trào Áo vàng tự phát đã phong tỏa cả nước trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron. Trước khi biến thành một phong trào chống Chính quyền của Tổng thống Macron quy mô lớn, những người tham gia phong trào Áo vàng bắt đầu như một cuộc biểu tình phản đối thuế nhiên liệu, chủ yếu do những người thuộc tầng lớp thấp hơn từ các vùng nông thôn sử dụng ô tô của họ để thực hiện. Các hành động bạo lực và phá hoại là đặc điểm chính của các cuộc biểu tình Áo vàng sau đó ở khắp mọi nơi trên nước Pháp.
Video đang HOT
Điều đó khác với các cuộc biểu tình hiện nay, nơ i bạo lực chủ yếu nổ ra sau các cuộc biểu tình truyền thống do công đoàn lãnh đạo hoặc trong các cuộc biểu tình quy mô nhỏ. Nhưng điểm chung của cả hai phong trào biểu tình là sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Theo một cuộc thăm dò của Ifop được công bố hôm 23/3, hơn 60% người Pháp ủng hộ các cuộc biểu tình mạnh mẽ hơn để khiến chính phủ nhượng bộ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Pháp đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và bóng ma về một phong trào Áo vàng mới đang bao trùm nước Pháp. Một số người biểu tình đã mặc đồng phục phản quang trong các cuộc tuần hành ở Paris và một số cuộc mít tinh nhỏ tự phát với những người mặc áo vàng đang diễn ra trên khắp đất nước.
Đám cháy do người biểu tình gây ra sau khi đụng độ với cảnh sát Pháp. Ảnh: AFP
Các nhân viên cảnh sát ngoài thực địa đã cảnh báo chính phủ Pháp rằng họ đang trải qua tình trạng bạo lực tương tự trong phong trào Áo vàng trước đây. “Chúng tôi đang ở trước thềm một cuộc nổi dậy. Tổng thống đang đùa với lửa. Điều này có thể dẫn đến bi kịch”, một sĩ quan cảnh sát chống bạo động cấp cao cho biết, cảnh báo nguy cơ thương vong khi các lực lượng bảo đảm an ninh bị quá tải do phải đối mặt với mức độ giận dữ và bạo lực ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Pháp, hơn 400 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ trên đường phố chỉ riêng trong ngày 23/3, hàng trăm người biểu tình đã bị bắt, nhưng chưa có con số về số người biểu tình bị thương do bị cuốn vào tình trạng bất ổn.
Tổng thống Macron, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây đã ngầm so sánh biểu tình bạo lực ở Pháp với bạo loạn ở Mỹ hoặc ở Brazil. Các công đoàn tổ chức các cuộc biểu tình cũng ý thức được rằng mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Hôm 24/3, người đứng đầu công đoàn CFDT Laurent Berger đã hoan nghênh Tổng thống Macron khi ông đề xuất tạm dừng cải cách hưu trí trong 6 tháng và gặp lại các công đoàn để thảo luận về vấn đề này. Ông Laurent Berger nói: “Điều này có thể giúp cho tình hình dịu đi”.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông có thể thay đổi quyết định. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 22/3, ông Macron bảo vệ cải cách và lập luận rằng các công đoàn đã không đưa ra các đề xuất thay thế để cải cách hệ thống hưu trí – điều mà họ ngay lập tức phản đối.
Về lý thuyết, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu của quốc hội về chương trình cải cách, chính phủ do Thủ tướng Elisabeth Borne đứng đầu đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào đầu tuần trước. Nhưng còn một rào cản chính trị cuối cùng mà Tổng thống Macron phải vượt qua tại Hội đồng Hiến pháp Pháp, nơi các thẩm phán hiến pháp sẽ phải quyết định xem văn bản có phù hợp với hiến pháp hay không, đặc biệt là khi liên quan đến thủ tục thông qua.
Đồng thời, Hội đồng Hiến pháp đang đánh giá yêu cầu của các nghị sĩ đối lập về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về văn bản trên. Động thái thứ hai khó có thể thành công nhưng các nhà lãnh đạo phe đối lập đã gia tăng áp lực lên tòa án hiến pháp để phán quyết cải cách, hoặc một phần của nó, là vi hiến.
Tóm lại, sự phẫn nộ trước quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron bỏ qua quốc hội, sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí, đã gây ra nhiều ngày bất ổn trên khắp đất nước.
Quan trọng nhất, sự bất mãn của người Pháp có thể vượt xa giá trị của cuộc cải cách hưu trí. Tại cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, ông Macron đã mất đa số hoàn toàn trong Quốc hội Pháp và quyết định bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội về cải cách lần này càng cho thấy sự hạn chế của tổng thống. Những người phản đối nói rằng hành động mới của chính phủ đã gây thêm sự tức giận của công chúng Pháp.
Tổng thống Pháp khẳng định không thay đổi chính phủ và không giải tán Quốc hội
Ngày 21/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu rõ dự định duy trì chính phủ hiện nay và không giải tán Quốc hội trong bối cảnh chương trình cải cách hưu trí của Chính phủ vấp phải sự phản đối từ công chúng kéo theo các cuộc biểu tình và đình công gây nhiều gián đoạn trong đời sống kinh tế và xã hội.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Paris. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin tham dự cuộc họp diễn ra tại Phủ Tổng thống Pháp cho biết, ông Macron trong cuộc họp đã nêu rõ không có ý định giải tán quốc hội, thay đổi chính phủ hay tổ chức trưng cầu dân ý về cải cách hưu trí. Đây đều là những yêu sách mà phe đối lập đưa ra. Thay vào đó, ông Macron cho biết sẽ yêu cầu đội ngũ của ông đề xuất các ý tưởng "trong vòng 2 - 3 tuần tới", không loại trừ khả năng thực hiện "một thay đổi về phương thức và chương trình cải cách".
Cải cách hưu trí đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, yêu cầu người lao động kéo dài thời gian làm việc để nhận được đầy đủ lương hưu. Chính phủ Pháp khẳng định cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu.
Ngày 16/3, Chính phủ Pháp đã kích hoạt quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện. Động thái trên đã vấp phải sự phản đối và dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, gây ra một trong những thách thức lớn nhất với Tổng thống Macron sau chưa đầy 1 năm đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Các nghị sĩ đối lập cũng đã nộp 2 bản kiến nghị đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đã vượt qua 2 bản kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 20/3. Thủ tướng Elisabeth Borne cũng khẳng định không từ chức, cho biết sẽ kiên định cùng với các bộ trưởng trong Nội các theo đuổi việc thực hiện những thay đổi cần thiết cho đất nước.
Việc áp đặt dự luật không chỉ khơi dậy những rắc rối chính trị mà còn làm gia tăng các hoạt động biểu tình và nguy cơ gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhiều trạm xăng ở thành phố cảng Marseille ở miền Nam đóng cửa trong khi những trạm xăng mở cửa phải tiếp đón đoàn dài các loại phương tiện xếp hàng. Rác thải tồn đọng ở các đường phố Paris khi công nhân thu gom rác đình công. Riêng trong đêm 20/3, cảnh sát thủ đô Paris đã bắt giữ thêm 234 người trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Các cuộc đụng độ khác cũng xảy ra tại các thành phố Dijon và Strasbourg miền Đông trong khi người biểu tình cũng chặn một tuyến đường cao tốc ở Đông Nam nước Pháp trong ngày 21/2 và tiếp tục gây gián đoạn giao thông tại cảng Le Havre ở miền Bắc.
Các nghiệp đoàn dự định tổ chức các cuộc biểu tình và đình công quy mô lớn trong ngày 23/3 đe dọa làm tê liệt các hệ thống giao thông công cộng.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Macron sẽ trả lời trực tiếp trên truyền hình về vấn đề này vào khoảng 13h ngày 22/3 (19h, giờ Việt Nam).
Đình công cản trở hoạt động của TotalEnergies tại Pháp Việc vận chuyển các sản phẩm từ các cơ sở lọc dầu chính của tập đoàn dầu khí TotalEnergies tại Pháp đã bị ngưng trệ trong ngày 20/3 khi cuộc đình công ở các cơ sở này đã bước sang ngày thứ 13. Một số cơ sở lọc dầu đã phải giảm công suất hoạt động. Tuần hành trong cuộc đình công trên...