Pháp bác tin đạt thỏa thuận đền bù tàu Mistral với Nga
Tổng thống Pháp Francois Hollande phủ nhận thông tin do Moscow đưa ra về việc nước này và Nga đã thống nhất khoản đền bù do hoãn giao hai chiến hạm Mistral.
Tổng thống Pháp Francois Hollande bác bỏ tin đạt thỏa thuận đền bù với Nga. Ảnh:RTE
“Hai bên vẫn đang thảo luận. Tôi sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới”,BBC dẫn lời ông Hollande nói.
Một số hãng tin của Nga hôm qua dẫn lời ông Vladimir Kozhin, cố vấn của Tổng thống Nga về các vấn đề quân sự, cho biết Nga và Pháp đã kết thúc thảo luận về việc bồi thường do Paris hoãn giao hai tàu Mistral. Khoản đền bù có thể lên đến 1,3 tỷ USD.
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Tổng thư ký quốc phòng Pháp Louis Gautier là đại diện của hai nước thảo luận về hợp đồng liên quan đến Mistral tuần qua.
Video đang HOT
Theo hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD ký hồi tháng 6/2011, Nga dự kiến nhận chiến hạm Mistral đầu tiên do Pháp đóng, mang tên Vladivostok, vào cuối năm ngoái. Chiếc thứ hai, Sevastopol, dự kiến được chuyển giao vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên Pháp tháng 11 năm ngoái tuyên bố hoãn giao hai chiến hạm Mistral cho Nga, với lý do bất đồng trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral dài 180 m, trọng tải 22.000 tấn, có thể chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và phương tiện quân sự, cùng tối đa 700 binh sĩ. Hai tàu gần như đã hoàn thành, chỉ chờ ngày xuất xưởng.
So với mức Pháp đề xuất bồi hoàn gần 900 triệu USD, Nga đòi Paris phải bồi thường cả các chi phí khác như tiền đào tạo 400 thủy thủ và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Vladivostok, nơi dự kiến là quân cảng của tàu đầu tiên. Do đó khoản bồi thường phải lên đến 1,3 tỷ USD.
Mosow hôm 27/7 cho biết đã thành lập một nhóm chuyên gia để tháo dỡ những thiết bị quan trọng từ hai tàu chở trực thăng lớp Mistral do Pháp sản xuất, sau khi hợp đồng bị hủy. Pháp cũng phủ nhận thông tin bán hai chiếc tàu này cho Trung Quốc sau khi có những đồn đoán.
Việc Pháp không giao tàu chiến cho Nga là một phần trong các biện pháp đáp trả của phương Tây do Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và bị cáo buộc hỗ trợ phiến quân miền đông Ukraine, điều Nga luôn phủ nhận.
Khánh Lynh
Theo VNE
Đức, Pháp đề nghị Ukraine trao quyền tự trị một phần cho ly khai
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bất ngờ đề nghị Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trao cho phe ly khai miền đông nước này quyền tự trị một phần.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngoài cùng bên trái, và Tổng thống Pháp Francois Hollande, ngoài cùng bên phải, được coi là hai lãnh đạo tích cực nhất hỗ trợ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Ảnh: AP
Bà Merkel và ông Hollande trong cuộc điện đàm hôm qua đã đề xuất ông Poroshenko nên tiếp tục quá trình cải cách hiến pháp của Ukraine, "đặc biệt nhấn mạnh dự thảo Hiến pháp cần nêu quy định tự trị cho các khu vực Donetsk và Lugansk", Telegraph dẫn lời ông Poroshenko cho biết.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Hollande và thông báo của Đức đều xác nhận thông tin này. Telegraph nhận định thông điệp mới này đánh dấu một dấu hiệu mới về sự "mất kiên nhẫn" của châu Âu với tình hình chiến sự dai dẳng ở miền đông Ukraine.
Theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk, Belarus, giữa tháng 2 vừa qua, các bên liên quan đã đưa ra thỏa thuận cho phép các tỉnh Lugansk và Donetsk có quyền tự trị trong 3 năm. Tuy nhiên Tổng thống Ukraine Poroshenko hiện mới chỉ cho phép các lãnh đạo phe ly khai có quyền tự quản tạm thời.
Giao tranh suốt từ tháng 3 năm ngoái đến nay khiến khoảng 6.500 người thiệt mạng ở đông Ukraine, 1,4 triệu người phải bỏ nhà.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho rằng nỗ lực hòa bình ở Ukraine bị ngưng vì ông Poroshenko từ chối đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo Lugansk và Donetsk.
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande được coi là hai lãnh đạo châu Âu tích cực nhất trong nỗ lực thuyết phục Ukraine và Nga giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền đông. Quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng xấu đi do bất đồng trong giải pháp cho tình hình Ukraine.
Khánh Lynh
Theo VNE
Pháp tiến thoái lưỡng nan trong vụ bán tàu Mistral Sau khi quyết định trì hoãn việc bàn giao tàu Mistral, nước Pháp đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan chưa có cách gì để giải quyết với con tàu trị giá tiền tỷ này. Cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra ở Ukraine vào năm 2014 đang tiếp tục tác động mạnh vào các quá trình chính trị và kinh tế...