Phân tán rủi ro khi đẩy mạnh vốn cho SME
Rót vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đòi hỏi ngân hàng phải có giải pháp quản lý tốt dòng tiền cung cấp cho phân khúc khách hàng này như xây dựng được chuỗi cung ứng cho họ…
SME luôn cần vốn
Tiếp cận tài chính là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của các SME, vì ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất, trong hầu hết trường hợp, các chi phí tài trợ thị trường liên ngân hàng thấp hơn, song không hoàn toàn và tự động chuyển đến cho các SME.
Tuy nhiên, việc phần lớn SME không tiếp cận được vốn ngân hàng có nhiều lý do khác nhau. Đó là các giải pháp tài chính không đầy đủ, không được xúc tiến đủ và không phù hợp cho các nhu cầu của các SME; kiến thức và việc xúc tiến các đề án thay thế tài trợ chưa đầy đủ: Đề án các quỹ hỗ tương, công ty “thiên thần”, vốn mạo hiểm, các thị trường đầu tư thay thế; thông tin bất đối xứng và vấn đề đạo đức cho cả bên cho vay và SME.
Ngoài ra, các SME có thể gây ra những sai sót trong quá trình đánh giá xếp hạng tín dụng; thiếu khả năng quản trị doanh nghiệp và gặp khó khăn trong phân chia các mục tiêu kinh doanh. Trong khi đó, quy định cho vay, khuôn khổ pháp lý, thuế cứng nhắc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
Nếu các SME phải đối mặt với điều kiện tín dụng thắt chặt, thì khối doanh nghiệp này khó có thể tìm kiếm nguồn vốn thay thế vốn tín dụng.
Do đó, cần phát triển cung cấp tín dụng vi mô cho các SME và cho những người đã bị mất việc làm muốn khởi sự doanh nghiệp. Các giải pháp khác có thể dựa trên sản phẩm tài chính được dự kiến có mức lãi suất thấp, SME có thể trả nợ khoản vay kéo dài hơn, thời gian ân hạn và các yêu cầu tài sản thế chấp thấp hơn. Các SME cần được hỗ trợ cả hai khoản vốn về đầu tư và vốn lưu động, cũng như sáng kiến tìm cách cải thiện tiếp cận vốn.
Nằm trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016 – 2020, với định hướng trở thành ngân hàng ngân hàng đầu Việt Nam, SME đang là đối tượng khách hàng trọng tâm mà OCB hướng đến. Vì vậy, với gói tín dụng từ 100 triệu USD vay của Công ty Tài chính quốc tế ( IFC), OCB cam kết mở rộng tín dụng hỗ trợ đến nhóm khách hàng này, giúp các doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu suất kinh doanh trong điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh cao.
Video đang HOT
IFC là đối tác lâu năm của OCB. Quan hệ hợp tác với IFC mang tầm vóc chiến lược và giữ vai trò quan trọng hỗ trợ nhiều lĩnh vực hoạt động của OCB. Tuy nhiên, để có được nguồn tài trợ nói trên từ IFC, OCB cũng phải chứng minh được năng lực của mình và đáp ứng các điều kiện mà đối tác đưa ra một cách nghiêm ngặt, khắt khe. Bởi lẽ, đây là nguồn vốn vay tín chấp IFC cho OCB vay để cho vay lại các SME.
OCB đang trên hành trình chinh phục đỉnh cao mới: Tốc độ tăng trưởng quy mô, lợi nhuận, quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II. Thành công này không thể thiếu sự đồng hành cùng các tổ chức tài chính uy tín toàn cầu như IFC, ADB, JICA… Vì thế, gói tín dụng trung – dài hạn từ IFC giúp OCB mở rộng các hoạt động cấp vốn cho các SME, đặc biệt khoản vay này sẽ được ưu tiên dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Lãi suất phù hợp
Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, SME, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao phổ biến từ 7 – 8%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay hợp lý hơn so với trước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần có công cụ phòng chống rủi ro lãi suất đầy đủ, chính xác về chi phí lãi vay khi xem xét, đánh giá hiệu quả, quyết định thực hiện đối với các phương án, dự án sản xuất – kinh doanh.
Đồng thời, doanh nghiệp tích cực, chủ động thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro về lãi suất thông qua việc khai thác, sử dụng các sản phẩm phái sinh để bảo hiểm rủi ro do biến động lãi suất trên thị trường; trích lập đầy đủ các quỹ dự phòng về tài chính trong hoạt động, nhằm tạo nguồn lực dự phòng, giúp cho doanh nghiệp đứng vững nếu thị trường có biến động bất lợi.
Mức lãi suất cho vay từ gói tín dụng 100 triệu USD của OCB nói trên vào khoảng 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 7,5 – 8%/năm đối với kỳ hạn dài hơn. Hạn mức cho vay tùy vào cầu vốn của các doanh nghiệp. Hình thức cho vay là tín chấp. Theo đó, nguồn vốn trên sẽ là điều kiện hỗ trợ tích cực cho các SME khi có nhu cầu vốn để đầu tư, sản xuất và mở rộng kinh doanh.
So với khối lượng các SME của Việt Nam hiện nay thì nguồn vốn trên còn rất khiêm tốn. Vì thế, OCB sẽ tiếp tục đẩy mạnh vốn cho SME, tỷ trọng tín dụng dành cho đối tượng này lên đến 80% từ nguồn vốn vay quốc tế.
Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không dễ tiếp cận vốn tín dụng
OCB cho rằng, trong việc cung ứng tín dụng, rủi ro cho vay có thể xảy ra đối với tất cả các khách hàng. Tuy nhiên, mức độ rủi ro ở mỗi phân khúc khách hàng là khác nhau. Với SME, việc cung ứng tín dụng có những khó khăn, nhưng nếu các ngân hàng tìm hiểu, phân tích và đồng hành với họ thì doanh nghiệp sẽ lớn dần và ngày một vững mạnh, qua đó phân tán rủi ro, hạn chế nợ xấu.
Bên cạnh gói tín dụng 100 triệu USD, IFC còn cung cấp cho OCB “chương trình tư vấn phát triển tài trợ chuỗi cung ứng (SCF – Supply Chain Finance)” gồm 3 giai đoạn: Xây dựng mô hình vận hành chuỗi; lựa chọn và tích hợp nền tảng công nghệ kết nối; xây dựng sản phẩm và phát triển kinh doanh. Với sự hỗ trợ của IFC, OCB sẽ xây dựng nền tảng điện tử phục vụ cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ việc cấp vốn cho các giao dịch thương mại một cách minh bạch, hiệu quả…
Về phía các SME, doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro. Đặc biệt, các SME nên có chuyên viên chuyên sâu về quản lý tài chính, vốn…
Về phía cơ quan nhà nước, để khối SME phát triển, cần triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật Hỗ trợ SME và các chính sách hỗ trợ đã ban hành; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh SME và Quỹ phát triển SME. Song song với đó, phát triển cân bằng thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư… để tạo kênh dẫn vốn đa dạng cho các SME.
Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ SME đổi mới, đặc biệt là những nơi cho vay thông thường không hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các SME theo giai đoạn phát triển của họ. Thông qua các tổ chức tài chính thuộc sở hữu của Nhà nước, cung cấp các nguồn tài chính cũng như bảo lãnh và bảo lãnh đối ứng cho các khoản vay hiện hành được cấp bởi các ngân hàng khác.
Bảo lãnh tín dụng nhà nước nên được sử dụng rộng rãi và được chấp nhận trong nước thông qua quỹ bảo lãnh, đề án bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chức năng, nhằm mục đích nâng cao niềm tin của người cho vay tài chính trong việc hỗ trợ sự phát triển của các SME.
Các giải pháp khác có thể dựa trên các sản phẩm tài chính dự kiến có mức lãi suất thấp, trả nợ khoản vay kéo dài, thời gian ân hạn và các yêu cầu tài sản thế chấp thấp hơn, hỗ trợ doanh nghiệp cả về đầu tư và vốn lưu động; cải thiện tiếp cận tài chính cho SME và cho doanh nghiệp trẻ.
Nguyễn Đình Tùng
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Các ngân hàng gặp khó với Basel II
Chỉ còn nửa năm nữa để các ngân hàng Việt Nam chuẩn bị cho việc áp dụng Basel II vào năm 2020. Tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II không dễ dàng do vướng phải nhiều thách thức.
Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro.
Định hướng triển khai thực hiện Basel II tại Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định là một trong những trọng tâm của ngành Ngân hàng tại Đề án "Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020".
Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Việc triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn của Basel II được cho là sẽ giúp các ngân hàng trong nước vận hành an toàn hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhằm đem lại lợi ích cho các ngân hàng và nâng cao lợi nhuận cho cổ đông. Với những lợi ích trên, NHNN đã triển khai đồng bộ các hành động cụ thể nhằm hướng dẫn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II.
Có 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn triển khai thí điểm Basel II từ năm 2014. Đến nay mới có 4 trong số 10 ngân hàng thí điểm là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được Ngân hàng Nhà nước công nhận đáp ứng chuẩn Basel II. Ngoài ra, một ngân hàng không nằm trong diện thí điểm đạt được Basel II là Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Kết quả khiêm tốn trên là do việc triển khai Basel II tại Việt Nam không dễ dàng do vướng phải nhiều thách thức. Kết quả "Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt Nam 2013" của Công ty kiểm toán KPMG cho thấy, 80% ngân hàng đã nắm bắt được việc NHNN lập kế hoạch thực hiện khung giám sát theo Hiệp ước Basel II nhưng chưa sẵn sàng để cam kết thực hiện lộ trình triển khai hay đưa ra một quyết định quan trọng gây tốn kém.
Tại nhiều ngân hàng, công tác phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng của các NHTM Việt Nam còn nhiều bất cập, trình độ quản lý kinh doanh còn yếu, công tác quản lý rủi ro lỏng lẻo, năng lực thẩm định tín dụng còn dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp; bộ máy giám sát tài chính ngân hàng chưa được xây dựng đồng bộ...
Hơn nữa, để đảm bảo hệ số vốn tự có an toàn theo Basel II thì không ít NHTM vẫn gặp khó khăn. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) được tính theo công thức CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản có rủi ro. Theo đó, Basel II yêu cầu CAR ở mức 8%.
Những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã nỗ lực để tăng vốn tự có như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng vốn điều lệ theo hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cuối năm 2018, nhiều ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Tuy nhiên, việc tăng vốn của các ngân hàng là không hề dễ dàng. Theo nhận định của Công ty chứng khoán VDSC, tỷ lệ thành công của các đợt phát hành trái phiếu thời gian qua không cao, chỉ khoảng 50-60%.
Bên cạnh đó, việc áp dụng Basel II đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu gốc phải chuẩn mực, phải có cơ sở để tính toán đo lường và lưu trữ những dữ liệu cũ, trong khi hầu hết dữ liệu tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay đều rất lộn xộn, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ lẻ.
Theo các chuyên gia, thực hiện quản trị theo chuẩn Basel II là tất yếu của quá trình hội nhập và vì thế cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, các vấn đề cần ưu tiên là tăng cường sự phối hợp giữa NHNN và các NHTM trong việc xây dựng, triển khai Basel II. Các ngân hàng cần tăng chi phí đầu tư cho công tác quản trị rủi ro; giải quyết vấn đề thiếu vốn trong dài hạn; tuyển chọn, đào tạo nhân sự có chất lượng với ngân hàng...
Theo tapchitaichinh.vn
Tăng vốn là điều kiện sống còn của ngân hàng Cuộc đua tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng chưa bao giờ có hồi kết, thậm chí ngày một nóng hơn khi lộ trình áp chuẩn Basel II cận kề. Dù đạt lợi nhuận cao năm 2018, nhưng Techcombank không trả cồ tức, mà giữ lại toàn bộ để tăng vốn Basel II cận kề Tín dụng...