Phẫn nộ những vụ nghịch tử hạ sát bố mẹ
Người truy sát cha, kẻ dùng rựa bổ vào đầu mẹ… những nghịch tử này dù đã bị pháp luật trừng trị thích đáng nhưng vẫn không làm giảm đi sự phẫn nộ của dư luận.
Đoạt mạng cha cho hả cơn tức
Trưa 11/2, Lê Anh Tuấn lấy mô tô của gia đình đi chơi, đến chiều chưa thấy về, ông Lê Văn Lưng (SN 1966, cha Tuấn) kêu Đức (em Tuấn) đi tìm và lấy xe đem về nhà. Sau đó, Tuấn đi uống rượu đến khoảng 16h cùng ngày thì về nhà.
Nhớ lại chuyện ông Lưng kêu Đức lấy xe về, Tuấn chửi ông Lưng và dẫn đến đánh nhau. Tuấn lấy cây mác xông vào chém ông Lưng. Anh Sang đang ở gần đó chạy đến can ngăn và lấy cây mác đem ra sau nhà cất giấu. Ông Lưng bỏ đi qua nhà mẹ ruột ở cách đó khoảng 40 m, còn Tuấn thì tiếp tục cầm hung khí đi tìm ông Lưng để đánh cho hả cơn tức. Tại đây, 2 bên tiếp tục giằng co nhưng được người nhà can ngăn.
Lê Anh Tuấn và các hung khí trong vụ án.
Không dừng lại ở đó, Tuấn tiếp tục chạy về nhà lấy dao Thái Lan dài 20 cm đâm nhiều nhát vào bụng và ngực của ông Lưng.
Lúc này, anh Sang vừa chạy đến giật lấy cây dao trên tay Tuấn đưa cho Đức cầm. Tuấn tiếp tục lấy dao Thái Lan khác rượt đâm anh Sang nhưng anh Sang đã kịp bỏ chạy.
Thấy sự việc nghiêm trọng, người dân gần đó điện thoại báo công an đến bắt giữ Tuấn. Ông Lưng tử vong trên đường đưa đi cấp cứu vì mất máu cấp, vết thương thủng tim.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Lê Anh Tuấn (SN 1995, ngụ ấp Vĩnh Khánh 2, xã Vĩnh Xuân – Trà Ôn) về hành vi “giết người”.
Nhẫn tâm dùng rựa bổ vào đầu mẹ
Bà mẹ tội nghiệp bị con trai chém vẫn đang hôn mê.
Ngày 24/1, các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: Bệnh nhân Hoàng Thị Tiến 65 tuổi, trú tại thôn 3, xã Ya Xier,Sa Thầy, Kon Tum vẫn đang hôn mê, phải thở Oxy, Glasgow, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
Trước đó, lúc 10h45 ngày 21/1, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Tiến trong tình trạng nguy kịch. Kết quả chụp CT Scanner cho thấy: bệnh nhân bị tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh đầu phải dập não kèm theo xuất huyết trong nhu mô não vùng đỉnh trái vỡ, lún hộp sọ vùng đỉnh 2 bên, đường vỡ chạy xuyên qua hai bán cầu não. Gia đình bênh nhân cho biết nguyên nhân chấn thương của bà Tiến do Vi Văn Sum (38 tuổi) con ruột chém.
Người nhà bệnh nhân cho biết, dù có sức khỏe tốt nhưng Sum chẳng lo làm ăn mà suốt ngày rượu chè, say sưa quậy phá. Sum từng có vợ và 2 con trai, song người vợ đã ôm con bỏ đi làm ăn nơi khác vì thói nghiện rượu của Vi.
Vợ không nuôi được thì mẹ tiếp tục nuôi nên hàng ngày, bà Tiến dù tuổi cao sức yếu vẫn đi làm đủ thứ việc không tên cho những người cùng làng, kiếm được đồng nào là Sum lại giằng lấy mua rượu uống. Bà Tiến làm không ra tiền, Sum chửi mắng, đánh đập.
Video đang HOT
Sáng ngày 21/1, vì lý do không có tiền đưa cho con trai mua rượu uống theo yêu cầu, bà Tiến đã bị tên này dùng rựa bổ vào đầu.
Sát hại cha già vì… nói sảng
Ngày 28/2, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt Ngô Tấn Hùng (54 tuổi, ngụ huyện Thạnh Trị) mức án 18 năm tù về tội Giết người. Em ruột bị cáo là Ngô Tấn Mạnh (53 tuổi) lĩnh 9 tháng tù do che giấu tội phạm.
Hùng (trái) và Mạnh tại phiên xử lưu động.
Tại phiên xử lưu động thu hút gần nghìn người đến xem tại Nhà văn hóa thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị, Sóc Trăng), Hùng khai đêm 30/7/2012 cụ Sên “luôn miệng nói nhảm chuyện ma quỷ đến bắt” làm ông ta không ngủ được. Thay vì khuyên nhủ cha, Hùng lại lấy dao đâm hai nhát làm cụ ông 80 tuổi thủng tim…
Sáng hôm sau, vợ Hùng gọi Mạnh sang nhà tìm hiểu về cái chết của cha. Phát hiện hai vết đâm và biết Hùng giết cha nhưng Mạnh không tố giác hành vi phạm tội của anh.
Cố giết mẹ để cướp tiền
Bùi Hoàng Tùng tại phiên tòa xét xử.
Bùi Hoàng Tùng (30 tuổi, trú tại xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) mồ côi cha từ tấm bé, được mẹ nuôi khôn lớn, đến tuổi trưởng thành thì được mẹ dựng vợ, xây cho nhà riêng.
Sau khi vợ chồng có với nhau 2 đứa con, với mong muốn gia đình được khá giả, vợ Tùng đã phải đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, hàng tháng gửi tiền về cho Tùng nuôi con.
Vắng vợ, lại rủng rỉnh tiền tiêu nên Tùng sa đà vào nghiện ngập, rồi bị nhiễm HIV. Thương con trai sống cảnh gà trống nuôi con, bà Nguyễn Thị Toàn (mẹ Tùng) hàng ngày đã đến nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa giúp bố con Tùng.
Ngày 21/10/2012, Tùng đi xe máy chở cóc đến Hải Dương bán sau đó về đưa cho bà Toàn tiền. Bà Toàn đếm thì thấy bị thiếu 200.000 đồng và cho rằng Tùng lấy số tiền trên nên đã mắng Tùng. Hai bên xảy ra mâu thuẫn cãi nhau.
Từ hôm đó, Tùng không đi chở hàng cho bà Toàn nữa và cho rằng bà Toàn đối xử lạnh nhạt và có thái độ phân biệt vì mình bị HIV nên đã nảy sinh ý định giết bà Toàn để trả thù, sau đó cướp tài sản của mẹ ăn tiêu dần.
Khoảng 23h ngày 26/10/2012, Tùng đi bộ từ nhà mình đến nhà bà Toàn mục đích để giết bà Toàn. Khi đi đến nơi, thấy cổng khóa bên trong, Tùng nhảy qua tường rào vào vườn và đi vào trong sân. Tùng lẻn vào nhà, mò đến giường bóp cổ mẹ. Thoáng có bóng người, bà Toàn hỏi giọng ngái ngủ: “Ai đấy”. Tùng lao lên giường giết mẹ. Sau đó Tùng soi đèn pin tìm lấy 5.700.000 đồng của mẹ.
Sáng hôm sau, 27/12/2012, hàng xóm phát hiện bà Toàn bị sát hại nên đã báo cho Công an huyện Lục Nam. Khi thấy Cơ quan Công an đến, Tùng dùng điện thoại di động nhắn tin cho bạn gái ở cùng thôn với nội dung nếu ai hỏi về các vết xước da ở cổ của Tùng thì nói là do chị Thoa dùng tay cào.
Sau đó, hắn cũng xun xoe cùng mọi người lo tang bà Toàn, thậm chí còn vật vã khóc lóc thảm thiết và cố tình tạo nhiều chứng cứ ngoại phạm.
Nhưng những “động tác giả” của hắn không qua mắt trinh sát, rốt cục hắn đã phải cúi đầu nhận tội ngay khi được “mời” lên để lấy lời khai.
TAND tỉnh Bắc Giang mới xét xử lưu động vụ án tại UBND xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam. Phiên tòa sơ thẩm thu hút hàng ngàn người dân tham dự, ai cũng xót thương bà mẹ bất hạnh và căm phẫn đứa con ác thú.
Trước tòa, Tùng lạnh lùng trình bày về hành vi phạm tội, hắn đổ lỗi tại bà mẹ nghi ngờ hắn trộm tiền nên mới trả thù. Chỉ đến khi bị VKS đề nghị án tử hình, nét mặt hắn mới biết sắc, rơi nước mắt nghẹn ngào xin được pháp luật tha cho tội chết.
Tuy nhiên, với hành vi phạm tội tày trời, bị cáo Bùi Hoàng Tùng đã bị HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang tuyên tử hình về tội “Giết người”, 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt Tùng bị kết án tử hình.
Theo 24h
Người vợ khốn khổ, 22 năm bị bạo hành
Trong khi ông Bôn dùng điếu cày đánh vợ, cậu con trai vào can thiệp. Trong lúc xô xát, đứa con trai đã trở thành nghịch tử giết cha. Đằng sau vụ án mạng đau lòng này là bi kịch mang tên bạo hành gia đình...
1. Đã nhiều ngày trôi qua nhưng sự việc Nguyễn Phú Nguyên (19 tuổi, ở cụm 2 xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) "lỡ tay" đánh chết bố là ông Nguyễn Phú Bôn (48 tuổi) khiến người dân nơi đây không ngớt xôn xao bàn tán. Người ta bảo rằng đứa con trai trở thành nghịch tử, về lý thì đương nhiên phải xét xử nghiêm minh trước pháp luật rồi. Nhưng về cái tình thì cũng cần phải cân nhắc, bởi vụ án đau lòng này bắt nguồn từ bi kịch khi kẻ nghịch tử gây tội ác chỉ vì ngăn cản hành động bạo hành của người cha đối với mẹ mình.
Án mạng xảy ra vào trưa ngày 14/12/2012. Bà Nguyễn Thị Kỳ, vợ ông Bôn rơm rớm nước mắt kể lại: Khoảng 11 giờ trưa hôm đó, ông Bôn đi uống rượu về. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy bà Kỳ lúi húi dọn dẹp, ông Bôn lập tức đóng sập cánh cửa nhà, cầm ống điếu đánh tới tấp vào vai và lưng bà kèm theo những lời đe dọa: "Hôm nay tao đánh cho mẹ con mày chết". Bà Kỳ chắp hai tay quỳ lạy ông Bôn xin tha nhưng người chồng vũ phu vẫn không dừng tay.
Khoảng 12 giờ trưa, cậu con trai Nguyễn Phú Nguyên đi làm về đã tìm cách mở cửa để giải thoát cho mẹ. Lập tức, ông Bôn chuyển hướng sang tấn công con trai. Ông Bôn tiếp tục cầm điếu cày dồn đánh hai mẹ con. Ống điếu vỡ nhưng cơn bạo hành trong ông Bôn vẫn chưa hạ nhiệt.
Đỉnh điểm của sự việc là khi ông Bôn lại cầm ống điếu vỡ vụt vào đầu Nguyên, liền sau đó lao tới đấm con một cái vào mặt, miệng lớn tiếng chửi: "Hôm nay tao cho mày chết". Nguyên cũng to tiếng lại: "Tôi chết thì ông cũng chết", và đứa con đẩy bố ra để tránh những loạt đòn vô cớ tiếp theo. Cú đẩy của đứa con trai khiến ông Bôn ngã ngửa ra sau, đầu đập vào khuy sắt ở cánh cửa. Sau cú ngã đó, thấy bố nằm bất động trên nền nhà, đầu rơm rớm máu. Bà Kỳ gọi anh chồng là ông Nguyễn Phú Thức đưa ông Bôn ra trạm xá xã cấp cứu nhưng người ta xác định ông Bôn đã tử vong.
Ngày 15/12, gia đình tổ chức tang lễ cho ông Bôn. Mọi người đến viếng chỉ biết ông Bôn bất ngờ bị cảm. Chuyện ông Bôn thường ngày uống rượu như uống nước nên mọi người cũng nghĩ ông ấy bị trúng gió. Thế nhưng, ngày 16/12, khi Nguyễn Phú Nguyên ra Công an xã xin đầu thú về hành vi gây ra cái chết của cha thì mọi người mới biết đó là một vụ án mạng. Nguyễn Phú Nguyên bị tạm giữ hình sự về tội "giết người".
22 năm, bà Kỳ không được yên ổn trong ngôi nhà nghèo túng... Đến khi bà thực sự được sống trong ngôi nhà mình thì chồng chết, con vào tù.
2. Ở cụm 2 xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, dù rằng xã không xếp gia đình bà Nguyễn Thị Kỳ vào diện hộ nghèo, nhưng tôi đồ rằng đây là một trong những gia đình nghèo nhất xã. Trong ngôi nhà mái ngói cũ kỹ, dù cố căng mắt ra nhìn cũng không tìm thấy thứ tài sản nào đáng giá. Một bên là bàn thờ ông Nguyễn Phú Bôn. Một bên là chiếc giường gỗ ọp ẹp. Ngôi nhà tối thui vì không có bất cứ một thiết bị điện nào. Tấm trải nilon lâu ngày đã bong tróc, để lộ ra từng mảng nền đất nham nhở.
Ừ thì nghèo cũng đã sao. Bởi dù giàu hay nghèo thì xưa nay ngôi nhà vốn là chốn bình yên sum họp của mỗi gia đình. Thế nhưng với bà Nguyễn Thị Kỳ, 22 năm qua, không một ngày bà được sống yên ổn dưới mái nhà nghèo túng ấy bởi sự bạo hành dai dẳng của người chồng, ông Nguyễn Phú Bôn. Và giờ đây, bất hạnh chồng lên bất hạnh khi chồng chết, con vào tù, lại là những ngày bà Kỳ được ở trong chính ngôi nhà của mình.
Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người phụ nữ bị chồng bạo hành. Mỗi người bị bạo hành một kiểu khác nhau, vì một nguyên nhân khác nhau. Ở những người phụ nữ bị bạo hành này đều có điểm chung là sự cam chịu, nhẫn nhịn. Và bà Nguyễn Thị Kỳ cũng là một người phụ nữ điển hình như vậy. 47 tuổi nhưng sự lam lũ, vất vả và cả những chuỗi ngày cam chịu của người phụ nữ lành hiền này khiến bà Kỳ như già thêm hàng chục tuổi.
"Tôi cũng không hiểu vì sao ông ấy lại ghét, đánh đuổi mẹ con tôi như vậy. Chỉ biết mỗi lần đánh đuổi, ông ấy cứ chửi: "Mày về nhà tao không làm được cái việc gì cả". Từ ngày chung sống với ông ấy, tôi chưa bao giờ đối xử tệ với chồng. Lúc nào tôi cũng tâm niệm rằng sống chết gì thì tôi vẫn phải ở với ông ấy. Đời mình không nhờ được chồng thì hy vọng dựa vào con vậy. Dù đời tôi có khổ cực nhưng tôi cũng chịu được để các con tôi có bố có mẹ".
Bà Kỳ cho biết, bà lấy ông Bôn từ năm 1990. Khi ấy ông Bôn đã ly hôn vợ đầu. Bà Kỳ cũng vừa trải qua một cuộc hôn nhân chỉ kéo dài vỏn vẹn có 6 tháng. Chưa có con nên khi lấy ông Bôn, bà coi Nguyễn Phú Bình, con riêng của ông Bôn lúc đó mới 4 tuổi như con đẻ của mình. Cho đến giờ khi Bình đã trưởng thành, giữa bà Kỳ và cậu con riêng của chồng chưa bao giờ xảy ra xích mích hay kỳ thị chuyện "mẹ ghẻ con chồng".
Theo bà Kỳ thì cuộc hôn nhân tạm gọi là bình thường chỉ trong năm đầu tiên. Cuối năm 1990, khi bà Kỳ sinh cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Hoa thì ông Bôn dường như biến thành một con người khác hẳn. Những cuộc cãi vã lục đục, sau đó là đánh đuổi. Nhiều lần bà Kỳ phải ôm đứa con còn đỏ hỏn bỏ chạy. Bà Kỳ ngân ngấn nước mắt nói rằng, bà không có lỗi gì với chồng nên không hiểu vì sao ông Bôn lại đối xử như vậy. Thế nhưng người đàn bà này luôn nhen nhóm hy vọng có một ngày ông ấy sẽ thay tính đổi nết. "Hôm nay thì hy vọng ngày mai sẽ khác, đầu năm thì hy vọng cuối năm sẽ khác, năm nay thì hy vọng sang năm sẽ khác". Cái lý mà người phụ nữ này giải thích về việc vì sao cứ cố gắng cam chịu người chồng bạo hành là như vậy.
Nhưng sự nhẫn nhịn, cam chịu của bà Kỳ không làm ông Bôn thay đổi. Năm 1994, khi bà Kỳ sinh thằng Nguyên thì mọi việc lại tồi tệ hơn. Ông Bôn liên tục đánh đuổi 3 mẹ con, không cho ở nhà. Thằng Nguyên lẫm chẫm biết đi thì ông Bôn càng quá quắt hơn. Hễ nhìn thấy ba mẹ con bà Kỳ là ông ấy đuổi đánh. Đến mức đêm tối ngủ trên giường, ba mẹ con lúc nào cũng nơm nớp chuẩn bị tinh thần bỏ chạy bất cứ lúc nào nếu bị ông Bôn đuổi đánh. Hàng xóm đã quá quen với cái cảnh 3 mẹ con bà Kỳ "chạy loạn". Họ sẵn sàng mở cửa bất cứ lúc nào cho mẹ con bà lánh nạn.
Một người hàng xóm của bà Kỳ thở dài nói rằng, nhà ông Bôn có 4 anh chị em nhưng những người kia thì lành hiền, chỉ có mỗi ông Bôn trái tính trái nết như vậy. Nguyên nhân có lẽ là ông Bôn thừa hưởng "gen di truyền" của người cha(?). Trước đây, bố ông Bôn cũng có thói bạo hành, thường xuyên uống rượu rồi đánh đuổi vợ con. Có lẽ đã quá quen với cảnh mẹ con bà Kỳ bị ông Bôn đánh đuổi, người ta cho là chuyện bình thường. Xã thì nói bạo hành kéo dài mà chính quyền không can thiệp, là bởi không thấy bà Kỳ và các con kêu cứu bao giờ?!
Muốn sống yên ổn cũng không xong nên cái cách mà mẹ con bà Kỳ lựa chọn là "tránh voi chẳng xấu mặt nào" là cố gắng đừng để ông Bôn nhìn thấy họ. Bà Kỳ thì ra Hà Nội làm giúp việc. Cái Hoa cũng phải nghỉ học đi làm sớm. "Vì bố đuổi đánh nhiều quá nên cháu phải đi lấy chồng sớm, ở tận Ba Vì" - bà Kỳ rơm rớm nước mắt.
Học hết lớp 5, thằng Nguyên cũng phải theo ông Bôn đi phụ hồ, phụ vữa. Ghét vợ đã đành, mọi bực tức ông Bôn đều trút hết lên đầu con. Bị bố chửi bới, đánh đuổi, Nguyên nhiều lần than với mẹ: "Cực quá, không chịu nổi nữa mẹ ạ. Mẹ phải tìm lối thoát cho mấy mẹ con thôi".
Nhưng mà biết đi đâu về đâu bây giờ. Bà Kỳ nói rằng nhà ngoại ở xã bên cũng nghèo lắm, lại chật chội. Nhiều lần bà đã dắt díu các con về nhà ngoại tá túc, nhưng không có chỗ ở lâu dài nên lại đành dắt con về. Đành chấp nhận quỳ lạy xin ông ấy cho vào nhà. Nhưng cũng chỉ được một ngày. Hôm sau mọi việc đâu lại vào đấy. "Ông ấy đánh đuổi từ nhà ra sân, từ sân ra ngõ, hết ngõ ngoài đến ngõ trong. Mấy mẹ con chỉ biết ở nhờ hết nhà này sang nhà khác". Thương bà Kỳ, nhiều lúc anh em bà "xui" rằng đời bà khổ thế này thì chi bằng bà để lại con cho ông Bôn nuôi, còn bà về nhà ngoại ở.
"Nhưng tôi bảo có thế nào đi nữa thì tôi cũng phải nhất sống nhất chết với 2 đứa con. Kiểu gì tôi cũng phải giành giật nuôi 2 con chứ không thể bỏ được. Cá chuối đắm đuối vì con. Tôi chỉ nghĩ mình chịu khổ cho đời con nó sướng" - bà Kỳ bảo vậy.
Cũng chính vì muốn gia đình yên ổn nên bà Kỳ còn chấp nhận những trận đòn vô cớ của chồng. Khi chúng tôi hỏi ông Bôn thường đánh bà như thế nào, bà Kỳ chỉ vào ngực run rẩy: "Ông ấy dùng tay đánh thôi, nhưng cứ ngực, bụng ông ấy đấm. Ngã ra đất thì ông ấy nhảy lên người đánh. Có lần ông ấy xích tay tôi vào cái cột trước nhà đánh. Anh trai ông ấy sang bảo mày có gan thì đánh chết đi chứ đừng để người ta nửa sống nửa chết như vậy. Ông ấy uống rượu như người ta uống nước lọc hàng ngày. Người ta uống rượu thì say nằm một chỗ nhưng với ông Bôn thì khác. Càng uống ông ấy như càng tỉnh hơn, càng uống càng chửi nhiều hơn, càng đánh vợ con khỏe hơn".
Theo bà Kỳ thì cái Hoa là con gái nên ít bị đánh hơn. Còn thằng cu Nguyên bé thế cũng thường xuyên bị bố đòn roi. Hãi nhất là có buổi trưa, ông Bôn ngủ ở nhà trên. Biết tính ông ấy nên hai mẹ con không dám bén mảng lên mà chỉ ngồi ở xó bếp tâm sự với nhau. Không ngờ ông ấy chạy xuống chửi: "Chúng mày nói chuyện to làm tao không ngủ được". Sẵn cái chăn trên tay, ông ấy trùm lên đầu thằng Nguyên rồi vác ngược thằng bé lên, cứ thế mà đánh.
"Người ta có chồng con vui vầy đoàn tụ. Đằng này mình đi làm thì thôi, về đến nhà hễ thấy chồng là phải lảng đi chỗ khác để ông ấy không nhìn thấy. Con đang ngồi thấy bố về cũng lập tức đứng lên đi chỗ khác. 10 bữa cơm thì 5 bữa ông ấy đổ xuống đất bắt tôi ăn bốc. Nghĩ đến con, tôi cũng phải ăn". Bà Kỳ đau khổ nhớ lại.
3. Nhẫn nhịn vốn là đức tính quý của người phụ nữ Việt Nam để giữ mái ấm gia đình. Nhưng bà nào có ngờ được, sự chịu đựng của bà đã khiến những uất ức, bức xúc tích tụ trong cậu con trai cứ lớn dần khi hàng ngày nó phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ. Để rồi đến trưa ngày 14/12, bức xúc lên đến đỉnh điểm khi thấy mẹ lại bị bố đánh đập, Nguyên đã phạm trọng tội.
"Một bên là chồng, một bên là con, tôi không biết phải làm thế nào. Thôi thì đành chờ pháp luật phân xử. Thằng Nguyên cũng chỉ vì bức xúc quá, chống lại bố dẫn đến không may hại bố. Mong pháp luật chiếu cố giảm tội cho cháu để cháu sớm được về đi làm nuôi mẹ. Từ hôm cháu bị bắt đến giờ, thương cháu lắm mà nhà nghèo quá, tôi chẳng có gì để đi thăm nom cháu..." - bà Kỳ níu tay chúng tôi khóc lóc trong buổi chiều đông ảm đạm. Tiếng tụng kinh phát ra từ góc nhà đặt bàn thờ ông Bôn như thê lương hơn.
Sau vụ án đau lòng này, nhiều người trách bà Kỳ rằng, giá như bà can đảm hơn, mạnh dạn để "tố" chuyện ông Bôn đánh đập, bạo hành tới cơ quan chức năng, thì có lẽ không xảy ra hậu quả hôm nay.
Với một người đàn bà hiền lành, bản tính cam chịu như bà Kỳ, thì có lẽ sự trách cứ như vậy sẽ làm tổn thương thêm nỗi đau mà bà đang phải âm thầm chịu đựng. Có trách chăng, là sự thờ ơ của chính quyền địa phương mà lâu nay, chức năng và trách nhiệm hòa giải những mâu thuẫn từ cơ sở thuộc về họ. 22 năm chịu đựng bạo hành của bà Kỳ và các con, không lẽ nào chính quyền địa phương không biết?
Theo 24h
Bắt nghi can sát hại cha nuôi, cướp của Nghi can sát hại ông Phạm Đức Tráng (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) là một người thân thiết, được ông Tráng "nhận miệng" làm con nuôi. Trưa nay (15/1), Công an tỉnh Lâm Đồng đã truy bắt được đối tượng Phạm Văn Đức, nghi can sát hại ông Phạm Đức Tráng vào trưa 14/1. Ông Tráng có hộ khẩu...