Phân loại rác tại nguồn: Yêu cầu cấp thiết để xử lý rác hiệu quả
Việc phân loại rác tại nguồn trong những năm qua mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ tại một số địa phương mà chưa trở thành quy định bắt buộc.
Mặt khác phần lớn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được chi trả bởi ngân sách nhà nước. Điều này dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.
Rác thải được hướng dẫn phân loại trực tiếp trong quá trình thu gom ở Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương/TTXVN
Từng bước phân loại rác tại nguồn
Huyện Đông Anh là một trong những địa phương của Hà Nội triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn một số xã. Tổng lượng rác phát sinh hàng ngày trong năm 2021 giảm trung bình 12 tấn/ngày so với năm trước đó. Năm 2022, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục triển khai phân loại rác thải cho 24 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học.
Hơn một năm nay, việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành thói quen của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, trong sinh hoạt hằng ngày. Rác thải hữu cơ như cơm thừa, rau, quả bỏ đi… được bà cho vào thùng rác để ngay trong vườn rau của gia đình. Loại rác này được cho thêm chế phẩm sinh học do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp giúp rác hữu cơ phân hủy trở thành chất dinh dưỡng dùng để tưới, bón cho cây trồng. Vì thế, khu vườn rau trước sân nhà bà Nguyên có màu xanh mướt mà không phải dùng phân hóa học để bón. Ngoài ra các loại vỏ chai nhựa được cho vào tải cất gọn ở góc sân. Khi gom được nhiều, bà đem bán phế liệu và cũng thu được một khoản tiền nhất định.
Bà Nguyễn Thị Nguyên cho biết: “Chúng tôi phân loại rác ngay tại gia đình, rau, củ, quả thừa sẽ được đưa vào thùng ủ, loại rác tái chế được thì để dành bán phế liệu. Việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn này vừa giúp sạch nhà vừa đem lại lợi ích về kinh tế”.
Ông Lê Văn Minh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh chia sẻ, rác thải hữu cơ là nguồn phân bón rất tốt cho rau, đảm bảo để cây trồng được an toàn. Tại địa phương, từ khi người dân áp dụng mô hình phân loại rác tại hộ gia đình, các loại rác thải tái chế hay rác thải hữu cơ được phân loại cho vào túi nylon sẽ đảm bảo vệ sinh cho người vận chuyển, việc xử lý cũng được thuận tiện.
Video đang HOT
Từ ngày 1/1/2022, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) triển khai đồng loạt các phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng. Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt, việc phân loại được áp dụng ngay từ các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan, trường học, khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Sau khi phân loại, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được lưu giữ bằng 2 loại thùng có màu sắc khác nhau.
Nếu chất thải rắn sinh hoạt không được tổ chức phân loại ngay từ đầu nguồn thì thành phố yêu cầu các công ty môi trường từ chối thu gom. Đối với chất thải có thể đốt không gây ô nhiễm môi trường, chất thải có thể tái chế sử dụng, thành phố tổ chức thu gom vào một ngày quy định trong tuần và sẽ thành lập đội kiểm tra liên ngành, kiểm tra thường xuyên các điểm thu gom, tập kết rác thải tập trung.Chất thải xây dựng không được phân loại mà được chất thành đống gọn gàng, che phủ kín để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý, thành phố sẽ xây dựng phương án cụ thể đối với nhóm chất thải rắn dùng để đốt, nhóm chất thải rắn chôn lấp.
Dự án “Quản lý rác thải ở Đồng bằng sông Cửu Long” của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) do Đức tài trợ đã và đang cải thiện thực trạng quản lý rác thải để ngăn chặn các nguồn rác thải gây ra ô nhiễm môi trường và đại dương. Sau thời gian thí điểm tại khu vực đô thị (thuộc Phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An) từ tháng 8/2020 đến nay, dự án đã thu được một số kết quả khả quan: Hơn 85% người dân ủng hộ phân loại rác tại nguồn, giảm 30% – 40% lượng rác thải mang đi đốt/chôn lấp (là lượng rác hữu cơ được tách ra khỏi rác hỗn hợp để làm phân hữu cơ).
Theo bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, phân loại rác tại nguồn ở khu vực nông thôn là nội dung phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022). Dự án sẽ hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện kế hoạch phân loại rác tại nguồn để phổ biến rộng trong toàn thành phố. Hiện thành phố Cần Thơ đã triển khai xong dự án phân loại rác tại nguồn ở khu vực đô thị, quận Ninh Kiều, với kết quả tốt. Do đó, việc triển khai thêm dự án phân loại rác tại nguồn ở khu vực nông thôn sẽ thuận lợi, góp phần giúp cho thành phố giải quyết tốt hơn vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và ý thức của người dân
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã bổ sung và áp dụng lần đầu liên quan đến phân loại rác tại nguồn, tiệm cận dần với quy định của các quốc gia phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào Luật cơ chế thu phí rác thải, quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay, góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Luật quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây.
Tại các điểm tập kết rác thải, việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối và thông báo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm thông qua hệ thống camera giám sát. Tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn, vận động cộng đồng, gia đình, cá nhân phân loại và tập kết rác thải tại địa điểm quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của gia đình, cá nhân.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Luật đã quy định cụ thể rõ ràng cho phép chính quyền địa phương thu phí để chi trả chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua việc bán túi nilon. Người dân sẽ bỏ rác vào túi, túi càng to, giá càng cao nên muốn trả ít tiền, người dân phải hạn chế rác thải và đơn vị thu gom chỉ thu gom rác thải được đựng trong túi nilon này. Thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025 và giao UBND cấp tỉnh quyết định việc áp dụng lộ trình để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế về nhận thức, hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay, bởi vấn đề phân loại rác thải tại nguồn chỉ thực sự hiệu quả khi đồng bộ với hạ tầng thu gom, xử lý.
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Văn Diện nhận định, tuy đây là một việc khó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng thành phố quyết tâm thực hiện nội dung này bằng việc ban hành một Nghị quyết riêng. Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo từ thành phố đến thôn, khu, do bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo thành phố có trách nhiệm tham mưu, đánh giá tổng thể các chỉ đạo của tỉnh, của thành phố để xây dựng dự thảo Nghị quyết của cấp ủy, đảm bảo có sự chỉ đạo đồng bộ trong triển khai thực hiện từ thành phố đến cơ sở. Ban Chỉ đạo các cấp sẽ phải thống nhất quy trình lấy ý kiến nhân dân, vận động, tuyên truyền, giám sát đến xử phạt, quy trách nhiệm.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch huyện Đông Anh cho biết: “Sau quá trình thí điểm, chúng tôi thấy có được sự vào cuộc tích cực của người dân. Nhờ có các chương trình, tổ chức hội thảo cũng như sự trao đổi của cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể nên nhận thức của người dân bước đầu đã có sự thay đổi. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng để khi Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, tất cả người dân đã được tiếp cận, nắm bắt thông tin ngay từ đầu. Do đó, khi triển khai những nội dung liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn, người dân đã nắm bắt và thực hiện những nội dung đó trước một bước.”
Có thể nói, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết. Việc phân loại đó sẽ làm giảm đáng kể lượng chất thải chuyển về các địa điểm tập trung chôn lấp rác nhưng rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức của mỗi người dân khi thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được thuận lợi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất cuối năm 2024
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực. Ngày 10/1/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 02 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Nội dung được nhiều người quan tâm liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt đang có nhiều thông tin chưa đầy đủ, chính xác trên một số phương tiện truyền thông đại chúng. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) liên hệ với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ hơn thông tin này.
Các thùng thu gom chất thải đã phân loại được dán nhãn rõ ràng để người dân dễ nhận biết. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là do chưa thực hiện được việc phân loại tại nguồn và chưa áp dụng được triệt để nguyên tắc người phát thải phải trả tiền. Việc phân loại tại nguồn mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ tại một số địa phương mà chưa trở thành quy định bắt buộc. Mặt khác phần lớn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được chi trả bởi ngân sách nhà nước.
Việc thu nguồn kinh phí này tại các địa phương hầu hết được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình. Một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Điều này dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn. Khi quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua khối lượng hoặc thể tích thì việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn, do đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người phát thải phải trả tiền.
Với mục đích đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định cụ thể về phân loại tại nguồn và kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay vì hình thức thu bình quân.
Cụ thể theo Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, bên cạnh việc ban hành Thông tư và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn và sẽ ban hành trong thời gian tới để các địa phương áp dụng.
Luật cũng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Trường hợp không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền nhấn mạnh, quy định này một mặt thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh đồng thời khuyến khích người dân phân loại tại nguồn theo quy định vì rõ ràng việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn. Tuy nhiên, cần phải làm rõ là Luật quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính toán theo dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Việc thu giá được thực hiện theo nguyên tắc việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn, không nhất thiết phải theo khối lượng mà có thể theo thể tích.
Mặt khác, theo Thông tư số 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những hình thức là thu theo bao bì đựng chất thải, trong đó giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi loại bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt có thể tích khác nhau tương ứng với mức giá bán khác nhau. Thông tư cũng đưa ra quy định các địa phương có thể lựa chọn các hình thức khác, miễn là theo được nguyên tắc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn.
Các quy định trên nguyên tắc, để đảm bảo tính khả thi, Luật cũng đưa ra một số quy định liên quan. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Tổ dân phố, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc điểm tập kết đúng quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền.
Về lộ trình, theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Như vậy, các địa phương có thể căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xây dựng lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền cho biết thêm, việc thu phí qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng chất thải hiện đang được Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện khá thành công. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Nghị định và Thông tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ mô hình và kinh nhiệm của các quốc gia này để làm căn cứ quy định tại Việt Nam. Với những quy định trên và sự vào cuộc của toàn xã hội, quy định này sẽ dần đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam- Bài 2: Phân loại rác tại nguồn mới mang tính thử nghiệm Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60-80%, tạo nguồn hữu cơ "sạch" để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao. Phân loại chất thải tại nguồn còn góp...