Người dân vừa dọn bùn vừa thấp thỏm lo lũ kép
Sau khi lũ rút, người dân Quảng Bình tất bật dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên nhiều người đang lo lũ sẽ trở lại khi dự báo có mưa lớn kéo dài ít ngày tới.
Chiều 1/11, công tác khắc phục hậu quả sau lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang được người dân, chính quyền địa phương tích cực triển khai.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nước lũ tại huyện Lệ Thủy đã rút gần hết, chỉ còn một số khu vực trũng thấp vẫn bị ngập. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, người dân vùng lũ đang cùng nhau dọn bùn và thu gom rác thải dọc các tuyến đường.
Ông Hoàng Đình Doan, trú tại thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, cho biết sau hai ngày tất bật, vợ chồng ông đã dọn dẹp xong bùn đất do lũ để lại, cuộc sống dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, ông vẫn để nhiều đồ dùng trên gác cao vì lo ngại lũ có thể quay lại.
“Hôm qua tôi đọc báo thấy miền Trung sắp có đợt mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ trở lại nên tôi vẫn để đồ dùng trên gác. Mong đừng có lũ nữa cho dân đỡ khổ”, ông Doan chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của người dân vùng “rốn lũ” Lệ Thủy, sau mỗi trận lũ thường có mưa, gọi là mưa xối bùn. Tuy nhiên, nếu mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ sẽ trở lại.
Ông Nguyễn Văn Cẩm, 65 tuổi, trú tại thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, cho biết nhờ chủ động kê cao tài sản nên gia đình ông không bị thiệt hại lớn trong trận lũ vừa qua, chỉ có rau màu trong vườn bị hư hỏng.
“Nhà chúng tôi đã dọn dẹp sạch sẽ, nhưng dọc tuyến đường của thôn còn ngổn ngang bùn đất, rác thải, phải mất vài ngày nữa mới xong được. Tôi nghe thông tin tới đây lại có mưa lớn. Sau lũ đất đã “no nước”, mực nước trên sông Kiến Giang còn cao, nếu mưa lớn kéo dài rất dễ xuất hiện trận lũ mới”, ông Cẩm nhận định.
Tại một số khu vực, bùn đất quá dày, người dân phải dùng vòi cao áp để xịt (Ảnh: Tiến Thành).
Đợt mưa lũ vừa qua tại Quảng Bình đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng với 7 người chết, 7 người bị thương; gần 1.000ha rau màu, hoa màu, cây trồng hư hỏng; trên 70.000 con gia cầm, gần 500 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 5 tàu cá bị sóng đánh chìm. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 500 tỷ đồng.
Các địa phương tại Quảng Bình đang đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các gia đình bị thiệt hại nặng về nhà ở, gia đình có người bị chết, người bị thương, các trang trại bị thiệt hại; hỗ trợ xử lý nước sinh hoạt, cung cấp giống cây trồng để khôi phục sản xuất; mua sắm đồ dùng, thiết bị, bàn ghế, sách vở cho giáo viên, học sinh và dụng cụ y tế cho các địa phương bị ngập nặng.
Dù đã lau dọn xong nhưng nhiều gia đình tại huyện Lệ Thủy vẫn kê cao đồ đạc, chưa hạ xuống vì lo lũ tái diễn (Ảnh: Tiến Thành).
Video đang HOT
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 3/11 đến 10/11, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn, bao gồm vùng xoáy thấp ở Nam và giữa biển Đông, không khí lạnh liên tục tăng cường và đới gió Đông hoạt động mạnh.
Dự báo sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi. Vùng mưa lớn không chỉ tập trung ở các tỉnh đã có mưa lớn trong những ngày qua mà còn mở rộng ra phần phía Nam, từ Quảng Nam đến Phú Yên.
Dự báo sau 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa. Trong đó, nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.
Thủ tướng lội bùn thăm hỏi dân, động viên các lực lượng cứu hộ tại Yên Bái
Với đôi ủng lấm lem, người dính bùn đất, Thủ tướng Phạm Minh Chính lội bộ đến tận nơi, ân cần hỏi thăm, động viên người dân và các lực lượng đang dọn dẹp phố phường còn ngổn ngang sau những ngày lũ lụt ngập nước mênh mông ở Yên Bái.
Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoãn cuộc họp với doanh nghiệp nhà nước, lên đường đến các tỉnh miền núi phía Bắc thị sát tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu hộ cứu nạn, tiếp tế nhu yếu phẩm và thăm hỏi người dân.
Mong bà con phát huy tinh thần "tương thân tương ái"
Ngay khi vừa đến Yên Bái, Thủ tướng đã lội bùn đến các điểm đang bị ảnh hưởng nặng bởi bão, lụt để động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại phường Hồng Hà.
Sau đó, Thủ tướng đến thị sát khu vực sạt lở làm 2 người mất tích tại phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái.
Thủ tướng lội bùn động viên cán bộ chiến sĩ tham gia dọn dẹp ở khu vực phường Hồng Hà. Ảnh: Nhật Bắc
Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của người dân, Thủ tướng ân cần thăm hỏi bà con đang cùng lực lượng vũ trang, các lực lượng tình nguyện dọn dẹp đường phố đang còn ngập bùn đất.
Tổng số lực lượng được huy động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai là trên 100.000 người (gồm lực lượng quân đội, công an, dân quân, thanh niên, phụ nữ và các lực lượng tình nguyện khác). Hàng nghìn phương tiện của Quân khu 2, công an, quân đội, các sở, ngành, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và các tổ chức tình nguyện trong và ngoài tỉnh tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, hàng trăm tàu, thuyền, xuồng máy, cano của Quân khu 2, các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ninh... và các câu lạc bộ cứu hộ, thể thao dưới nước hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị ngập lụt.
Biểu dương tinh thần tích cực của các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ đang hỗ trợ nhân dân dọn dẹp bùn đất, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần huy động toàn lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Gặp một số cháu học sinh đang tình nguyện giúp đỡ các gia đình, khu phố dọn dẹp, Thủ tướng biểu dương tinh thần nhiệt tình của các cháu, mong các cháu vận động các bạn tích cực tham gia hỗ trợ; đề nghị bà con nhân dân tích cực vào cuộc với tinh thần "ai có công giúp công, ai có của giúp của".
Thăm hỏi các cô giáo đang dọn dẹp bùn đất tại một số trường mầm non, trung học, trong đó có Trường Mầm non Ánh Dương - địa điểm lánh nạn của khoảng 170 người - Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ lực lượng, cố gắng cho các cháu đi học trở lại.
Thủ tướng đến thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an (tổ 6, phường Minh Tân) trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ thì nhà bị sập, mẹ và em trai thiệt mạng.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân, Thủ tướng mong bà con phát huy tinh thần "tương thân tương ái", giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn; mong bà con yên tâm vì có chính quyền, các lực lượng vũ trang luôn hỗ trợ.
"Lúc này, bà con nhân dân cần phải tăng cường đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta", Thủ tướng nhắn nhủ.
Sau đó, Thủ tướng đến thăm người dân ở đường Điện Biên, phường Nguyễn Thái Học, nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 2 người đang bị vùi lấp và mong bà con sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngay sau khi nước rút, các lực lượng tại chỗ và nhân dân các địa phương đã tổ chức hót dọn bùn đất, di chuyển đồ đạc, tài sản, dựng lại nhà cửa. Bố trí vị trí đổ thải hàng triệu tấn bùn, rác thải tại các địa điểm phù hợp. Đồng thời, lực lượng y tế đã phối hợp với các lực lượng tăng cường của tỉnh tổ chức phun tiêu độc khử trùng các khu vực bị ảnh hưởng. Đến sáng 12/9, tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ của hàng trăm đoàn ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân (chưa tính các đoàn ủng hộ trực tiếp); tiếp nhận hỗ trợ của hàng chục tổ chức và cá nhân đăng ký và đã ủng hộ chuyển khoản bằng tiền mặt với số tiền gần 20 tỷ đồng; kịp thời phân bổ cho các huyện để kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bão lũ. Tỉnh Yên Bái phấn đấu, đến hết ngày 15/9, các cơ sở giáo dục, y tế, cơ quan hành chính sẽ cơ bản trở lại hoạt động bình thường.
Phân bổ 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ Yên Bái
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, Thủ tướng làm việc nhanh với Tỉnh ủy Yên Bái về ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Hồ Thủy điện Thác Bà hiện lưu lượng về hồ khoảng 2.700m3/giây, giảm mạnh so với lúc cao điểm và từ chiều nay, có thể tính phương án đưa người dân đã di dời trở về nhà.Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới gia đình, cơ quan, đơn vị và địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do mưa bão, lũ lụt, gây ra.
Với tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", mục tiêu "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm người mất tích, cứu chữa những người bị thương, chăm lo cho người ốm, tiếp tế cho những nơi bị chia cắt, phòng chống sạt lở với tinh thần cảnh giác cao độ, thực hiện chu đáo các chính sách với những người thiệt mạng.
Thủ tướng làm việc với Tỉnh ủy Yên Bái. Ảnh: Nhật Bắc
Bên cạnh đó, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đưa những người đi sơ tán trở về nhà khi an toàn, lo nơi ở mới an toàn cho những người mất nơi ở; tập trung, triển khai ngay việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước sạch, quần áo, thuốc men cho nhân dân.
Tỉnh đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho gần 13.000 hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất; gần 60.000 người có nhà bị ngập sâu trong nước đến nơi an toàn. Trong vòng 6 tiếng đã di dời gần 11.000 người khu vực hạ lưu hồ Thác Bà. Tỉnh hỗ trợ người bị thương nặng 5 triệu đồng/người; hỗ trợ đối với gia đình có người chết, người mất tích với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/người. 100% hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; nhà bị hư hỏng nặng là 20 triệu đồng/hộ.
Thủ tướng yêu cầu rà soát thống kê thiệt hại tài sản để có phương án khắc phục; sửa chữa các trường học, bệnh viện để các cháu sớm được trở lại trường, người bệnh được chăm sóc; khắc phục ngay các thiệt hại, sự cố về điện, nước, viễn thông, các khu công nghiệp, sinh kế, sản xuất, kinh doanh.
Về giao thông, Thủ tướng lưu ý, Bộ Giao thông vận tải lo khôi phục các tuyến quốc lộ lớn; những tuyến đi qua địa bàn thì Yên Bái lo, đường đi qua huyện nào thì huyện đó lo, đi qua xã nào thì xã đó lo.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Thủ tướng cũng biểu dương các cách làm sáng tạo như dùng UAV tiếp tế nhu yếu phẩm và cảm ơn người dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhân văn, hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài mỳ tôm, bánh mì, người dân các tỉnh còn tổ chức gói bánh chưng, giò... đưa thuyền bè ủng hộ đồng bào vùng thiên tai.
Thủ tướng cho biết, trong ngày 12/9, Chính phủ sẽ phân bổ 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái.
Từ ngày 5 - 11/9, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa to và rất to gây ngập úng kéo dài. Đặc biệt, TP. Yên Bái có 15/15 phường, xã bị ngập, có nguy cơ sập cầu Yên Bái, trong đó có 8 xã, phường bị ngập hoàn toàn; huyện Trấn Yên có 12 xã bị cô lập do ngập nước và nhiều xã của huyện Văn Yên ngập sâu.
Mưa lũ đã tàn phá nặng nề hệ thống giao thông, gây sạt lở nhiều tuyến đường xã, thôn, sạt lở vùi lấp nhiều hộ dân; nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt, khó tiếp cận để cứu nạn cứu hộ.
Về thiệt hại, toàn tỉnh có 2.700 điểm sạt lở đất tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, riêng TP. Yên Bái có gần 1.000 điểm. Đặc biệt, đã xảy ra sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên làm 9 người chết. Đến nay, đã có 40 người chết, 4 người mất tích, 23 người bị thương.
Bão cũng gây thiệt hại lớn về nhà ở, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng y tế, giáo dục, điện, nước, thông tin liên lạc.
Đàn voi diễu hành, quỳ gối tiễn biệt "vua voi" Tây Nguyên Để tiễn biệt lần cuối ông Đàng Năng Long, người sở hữu voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên, đàn voi đã quỳ gối trước hài cốt của ông. Sáng 1/11, người thân đã đưa hài cốt của ông Đàng Năng Long về thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) để chào tiễn biệt người dân và vùng đất nơi ông Long...