Phản đối biện pháp phòng COVID-19, người dân Hà Lan đốt ô tô, đập phá cửa hàng
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở châu Âu bước sang giai đoạn nguy hiểm mới trong tuần này khi người dân biểu tình bạo lực phản đối các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch bệnh.
Biểu tình phản đối giờ giới nghiêm Eindhoven, Hà Lan. Ảnh: EPA
Theo tờ Dailymail, tại Hà Lan, một trong những quốc gia châu Âu bị đại dịch hoành hành nặng nề nhất, chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp mới để giảm số ca mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng. Các biện pháp gồm áp đặt giờ giới nghiêm từ 21 giờ tới 4 giờ 30 phút sáng hôm sau. Đây là lần đầu tiên Hà Lan áp đặt giờ giới nghiêm kể từ Thế chiến thứ II.
Biện pháp này đã khiến biểu tình nổ ra khắp 10 thành phố ngày 24/1. Cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt ô tô, cướp phá cửa hàng, đập phá đồn cảnh sát.
Người biểu tình đốt phá ô tô ở Hà Lan. Ảnh: Getty Images
Giới chức thành phố Eindhoven ngày 25/1 thông báo 62 người đã bị bắt và cảnh sát đang tìm kiếm nhiều người nữa. Cảnh sát ở Amsterdam đã bắt giữ 192 người.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói: “Thật không thể chấp nhận được. Điều này không liên quan gì với biểu tình, đây là bạo lực tội phạm và chúng tôi sẽ coi các hành vi này như vậy”.
Cửa hàng bị đập phá ở Eindhoven, Hà Lan. Ảnh: AFP
Thị trưởng thành phố Eindhoven, ông John Jorritsma phát biểu: “Thành phố của tôi đang kêu khóc, tôi cũng vậy”. Ông đã gọi những kẻ bạo loạn là cặn bã và cảnh báo sẽ xảy ra nội chiến nếu tiếp tục tình hình này.
Trong khi đó, Pháp sẽ quyết định có phong tỏa toàn quốc lần thứ ba hay không trong tuần này. Thủ tướng Pháp Jean Castex cảnh báo tình hình đáng lo ngại khi biến thể virus có nguồn gốc ở Anh đang rất phổ biến. Một số bác sĩ Pháp cho rằng phong tỏa là điều không thể tránh khỏi.
Tại Italy, Giáo sư Walter Ricciardi, cố vấn Bộ Y tế, đã kêu gọi phong tỏa toàn quốc một tháng và cho rằng điều này là cần thiết để giảm số ca mắc COVID-19. Ông nói rằng các biện pháp hiện nay của Italy chỉ đủ để ổn định chứ không thể làm giảm số ca mắc.
Video người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Hà Lan (nguồn: Dailymail).
Châu Âu ban đầu được ca ngợi nhờ áp dụng biện pháp cứng rắn để phòng chống dịch bệnh. Phần lớn châu Âu bị phong tỏa hoàn toàn trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, khi làn sóng thứ hai ập tới, phần lớn các biện pháp phòng dịch đã không có hiệu quả.
Nỗ lực chống đại dịch ở châu Âu thêm phức tạp khi nhiều biến chủng mới xuất hiện, trong đó có biến chủng ở Anh – quốc gia đang bị phong tỏa hoàn toàn.
Mặc dù nhiều nước châu Âu tiếp tục thông báo biện pháp mới để giảm số ca mắc bệnh, nhưng số ca mắc vẫn cao ở những nước như Pháp, Italy, Đức, khiến bệnh viện hết chỗ trống. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, số ca mắc mới đã tăng lên mức kỷ lục.
Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã phải khuyến nghị cắt giảm mọi chuyến đi không cần thiết tới các khu vực bị coi là điểm nóng dịch bệnh với từ 500 ca mắc/100.000 dân. EU dự định đưa ra bản đồ các khu vực trên trong tuần này. Có thể có từ 10 tới 20 quốc gia EU sẽ bị coi là khu vực lây nhiễm cao.
Châu Âu tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19 với trên 29,2 triệu ca mắc, trong đó trên 669.000 ca tử vong từ đầu đại dịch.
Biểu tình, đốt phá vì lệnh hạn chế ngăn Covid-19
Nhiều thành phố trải qua đêm bạo loạn thứ hai sau khi đám đông biểu tình đập phá để phản đối lệnh giới nghiêm ngăn Covid-19.
Lực lượng cảnh sát chống bạo động Hà Lan tối 25/1 đã đụng độ với các nhóm biểu tình ở Amsterdam cũng như thành phố cảng Rotterdamm, khi đám đông quá khích đập vỡ cửa sổ nhiều tòa nhà và xông vào lục soát đồ đạc.
Cảnh sát và truyền thông địa phương xác nhận tình hình bất ổn cũng ảnh hưởng đến thành phố phía đông Amersfoort, thành phố nhỏ phía nam Geleen gần Maastricht, thành phố The Hague và Den Bosch.
Đến khoảng 22h, hơn 70 người biểu tình đã bị bắt. Cảnh sát Geleen trước đó đăng lên Twitter cho biết họ đang phải đối phó với "những thanh niên bạo loạn liên tiếp ném pháo sáng".
Cảnh sát đứng cạnh một chiếc xe ô tô bị người biểu tình thiêu rụi ở Eindhoven, Hà Lan, hôm 24/1. Ảnh: AFP.
Tại Rotterdam, cảnh sát phải sử dụng vòi rồng sau khi đụng độ với người biểu tình. Thị trưởng Ahmed Aboutaleb sau đó lập tức ban hành sắc lệnh khẩn cấp nới rộng thẩm quyền cho phép cảnh sát bắt người biểu tình.
"Đây là yêu cầu khẩn cấp để tất cả mọi người rời khỏi khu vực", hội đồng thành phố Rotterdam đăng lên Twitter.
Thủ tướng Mark Rutte trước đó đã lên án hành vi ông mô tả là "bạo lực tội phạm" đêm 24/1, trong khi các sĩ quan gọi đây là "vụ bạo loạn tồi tệ nhất trong 40 năm qua".
Cảnh sát cùng ngày đã bắt khoảng 250 người sau khi sử dụng vòi rồng và hơi cay trấn áp người biểu tình ở Amsterdam, Eindhoven và nhiều khu vực khác. Tới tối 25/1, thị trưởng ở một số thành phố thông báo sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp khẩn cấp để ngăn bạo loạn nổ ra.
Trong đêm bạo loạn đầu tiên, những kẻ quá khích đã cướp phá cửa hàng, đốt xe ô tô và đập phá một trạm xét nghiệm Covid-19 sau khi Hà Lan áp đặt lệnh giới nghiêm đầu tiên kể từ Thế chiến II.
"Thật không thể chấp nhận được. Tất cả những người dân thường sẽ coi điều này là nỗi kinh hoàng. Động cơ của những kẻ này không liên quan tới việc phản đối, đó là hành vi bạo lực tội phạm và chúng tôi sẽ xử lý theo hướng đó", Thủ tướng Rutte cho biết.
Hà Lan đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất để ngăn Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó các quán bar, nhà hàng phải đóng cửa từ tháng 10, trường học cùng các cửa hàng không thiết yếu phải dừng hoạt động kể từ tháng 12.
Chính phủ nước này mới đây đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 21 giờ tới 4h30 hôm sau, có hiệu lực đến ít nhất là ngày 10/2. Những người vi phạm giới nghiêm sẽ phải nộp phạt 95 euro (115 USD). Một số trường hợp được miễn trừ như người đi làm đêm, dự đám tang hay dắt chó đi dạo và phải có giấy chứng nhận.
Hà Lan đang là một trong những quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 952.000 ca nhiễm và hơn 13.500 ca tử vong do nCoV.
Trùm ma túy khét tiếng nhất châu Á bị bắt Tse Chi Lop, thủ lĩnh tổ chức tội phạm lớn nhất châu Á, bị Hà Lan bắt ngày 22/1 theo yêu cầu của cảnh sát Australia. "Ông ta đã nằm trong danh sách bị truy nã gắt gao nhất và ông ta bị bắt tại sân bay Schiphol dựa trên thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được", phát ngôn viên cảnh...